Krishnamurti nói về cái chết


Thứ sáu, ngày 30 tháng 3 năm 1984

Sáng nay ta theo con đường đi xuống. Mùa xuân đang ngự trị, trời xanh diệu kỳ không một gợn mây, nắng xuân ấm áp. Ta rất sảng khoái. Lá cây lấp lánh trong ánh sáng huy hoàng. Đẹp quá. Kìa là núi cao, thâm sâu với dãy đồi xanh vây phủ. Ta lặng lẽ bước đi không suy tư nghĩ ngợi. Ồ, dưới chân ta là một chiếc lá chết, vàng và đỏ thắm, một chiếc lá mùa thu. Chiếc lá mới đẹp làm sao, giản dị trong cái chết của nó, linh động, tràn trề vẻ đẹp và nhựa sống của cây, của mùa hè. Nó chưa tàn úa. Nhìn nó thật kỹ, ta có thể nhận ra rất cả những đường gân nổi, cái cuống và hình dáng tuyệt mỹ. Trong ngọn lá này là dấu ấn của toàn thể cái cây từ đó nó sinh ra.
Tại sao con người lại chết đau thương đến thế, chết trong ưu sầu, trong bệnh hoạn, trong tàn phế vì tuổi tác, trong suy vong và tàn tạ của cơ thể? Sao con người không thể chết tự nhiên, đẹp đẽ như chiếc lá này? Có điều gì không ổn nơi chúng ta nhỉ? Mặc dù có nhiều y sĩ, thuốc men, bệnh viện, phẫu thuật cùng tất cả nỗ lực để sống, những lạc thú cuộc đời, dường như chúng ta không thể nào chết đơn giản và đầy tư cách, chết với nụ cười trên môi.Hôm trước khi đi dạo trên con đường, ta nghe vẳng lên từ phía sau tiếng tụng kinh hài hòa, trầm bổng, mang âm hưởng mạnh mẽ cổ kính của Phạn ngữ. Ta đứng lại nhìn anh con cả lưng trần cầm lư hương bằng đất đang ngún lửa. Theo sau là hai người đàn ông khiêng một cái xác quấn vải trắng. Cả đoàn vừa đi vừa tụng kinh và vì ta biết bài kinh ấy, ta rất muốn tham gia vào đám tang. Ta chờ họ đi ngang để theo xuống dưới đường cùng tiếng tụng kinh. Anh con cả mếu máo. Họ đã khiên xác cha anh đến bờ sông, nơi có một dàn củi được sắp sẵn. Đặt xác ông cụ lên dàn xong, họ đốt lửa. Sự việc xẩy ra thật tự nhiên, thật đơn giản. Không một bó hoa, xe tang hay xe ngựa, mọi sự diễn ra thật im lặng, thật trang nghiêm. Và chiếc lá này gợi lên trong ta hàng ngàn chiếc lá trên cây. Mùa đông đến, lá phải lìa cảnh mẹ rồi lưu lạc đến con đường này, khô héo, phai nhạt để bay đi, phiêu dạt theo gió đẩy đưa rồi mãi mãi bặt tăm.Khi dạy cho trẻ con làm toán, tập viết, tập đọc và tất cả những gì đưa đến hiểu biết thì bạn phải dạy cho chúng biết phẩm giá của cái chết. Chết không phải là một thứ bệnh hoạn và đau đớn mà thỉnh thoảng bạn phải đương đầu, chết là một phần của cuộc sống thường nhật - như khi bạn nhìn trời xanh hay con châu chấu trên lá. Chết là một phần của việc học cách sống, như chuyện mọc răng và những ốm đâu nóng sốt của trẻ con. Trẻ con được trời phú cho tính tò mò lạ thường. Nếu bạn hiểu bản chất của cái chết, bạn chỉ cần nói rằng tất cả đều chết, rằng cát bụi trở về với cát bụi, nhưng hãy giải thích không chút e dè cho chúng biết thế nào là chết. Hãy cho chúng cảm nhận được sống và chết chỉ là một, chỉ là một sự cố không bắt đầu vào lúc cuối đời sau 50, 60, hay 90, mà chết giống như chiếc lá. Bạn có trông thấy các cụ già không? Các cụ tàn tạ, hiu quanh, khổ sở, xấu xí quá. Phải chăng vì các cụ đã không hiểu sống với chết là thế nào? Các cụ đã lạm dụng sự sống, đã tận hưởng nó, đã lãng phí nó trong cuộc tranh chấp không ngừng chỉ có đưa đến sự củng cố thêm cái tôi, ta, tự ngã. Chúng ta sống cuộc đời của mình bằng cách trải nghiệm đủ loại phấn đầu và đau khổ, với công việc bất tận trước mắt, chỉ hưởng được một chút lạc thú ít oi vào những buổi ăn tối xong uống rượu hoặc phì phào thuốc lá. Rồi đến cuối đời, ta phải đối diện với cái ta gọi là thần chết mà người ta rất sợ. Và người ta cứ tưởng rằng họ có thể hiểu được cái chết và cảm nhận nó một cách sâu xa. Trẻ con với óc tò mò có thể được hướng dẫn để hiểu rằng chết không chỉ là sự héo mòn của thể xác vì tuổi tác, bệnh hoạn hay tai nạn bất ngờ nào đó, mà mỗi một ngày qua đi cũng là cái chết của chính mình.Không có sự phục sinh, đấy là một mê tín, một niềm tin theo giáo điều. Tất cả những gì hiện hữu trên trái đất tuyệt vời này đều sống, chết, thành hình rồi tàn tạ và biến mất. Cần có trí tuệ mới nắm được tất cả chuyển động này của đời sống. Nhưng đấy không phải là trí thông minh phát xuất từ tư duy sách vở hay biểu biết, mà là trí thông minh phát từ tình yêu, lòng bi mẫn với tính nhạy bén của nó. Ta chắc chắn rằng, nếu nhà giáo dục hiểu được ý nghĩa của cái chết và phẩm chất của nó, rằng chết là chuyện vô cùng đơn giản - nếu vị ấy hiểu nó không phải qua tri thức mà hiểu một cách sâu xa - thì vị ấy có thể làm cho trẻ con hay học trò nắm ngay được cái điều rằng sự chết, sự chấm dứt, là điều không cần phải né tránh, vì nó là một phần của toàn bộ đời sống. Nhờ vậy, khi học sinh hay đứa trẻ lớn lên, nó sẽ không bao giờ sợ chết. Nếu tất cả nhân loại sinh trước chúng ta qua nhiều thế hệ mà vẫn còn sống trên trái đất này thì thật một điều kinh khủng. Khởi đầu không phải là chấm dứt.Và ta muốn giúp - ồ không, ta dùng từ chưa được đúng - ta mong mỏi các nhà giáo dục nên gán cho cái chết một sự thật hiển nhiên nào đó, không phải cái chết của một kẻ khác mà của chính mình. Dù trẻ hay già, ai cũng phải đương đầu với nó. Đây không phải là một chuyện buồn được xây dựng bằng nước mắt, cô đơn, ly biệt. Người ta giết hại quá dễ dàng, không chỉ giết những con vật cung cấp cho các bữa ăn của chúng ta, mà còn tàn sát chỉ để tiêu khiển, mà người ta gọi là một môn thể thao. Giết một con nai trong mùa săn chẳng khác nào giết người láng giềng của mình. Người ta giết súc vật vì họ đã mất tương quan với thiên nhiên, với những sinh vật sống trên trái đất. Trong chiến tranh con người tàn sát nhân danh những ý thức hệ lãng mạn, nhân danh tổ quốc hay chính trị. Nhân danh Thượng đế người ta giết người. Bạo động và sát sinh luôn đi đôi với nhau.Và trước chiếc lá chết này, chết trong dáng vẻ tuyệt đẹp với tất cả màu sắc tươi thắm của nó, có lẽ ta cũng có thể cảm nhận được tận đáy lòng thế nào là cái chết của chính mình, không phải ở cuối đời mà lúc khởi đầu sự sống. Cái chết không phải là một chuyện gì ghê gớm cần né tránh phân biệt (với sự sống), đúng hơn đấy là một người bạn theo ta từng ngày, trên từng cây số. Từ nhận thức này, sẽ phát sinh một ý thức kì diệu về cái Vô cùng.

Trích sách ‘Krishnamurti, nhật ký cuối cùng’

Krishnamurti

Thích nữ Tuệ Dung dịch.


Đó là một cây me già tuyệt đẹp, đầy những trái và lá non. Mọc bên bờ một con sông sâu, cây có sẵn nước và vì vậy mà phủ nhiều bóng mát cho vật và người. Dưới cây này luôn luôn có sự rộn ràng và tiếng ồn ào, giọng nói rõ to hay tiếng bò con gọi mẹ. Một sự hòa hợp tuyệt đẹp và trên bầu trời xanh hình bóng cây in đậm sắc huy hoàng. Sức sống của cây như vô tận. Hẳn cây là chứng nhân cho bao điều, vì qua vô số mùa hè cây vẫn đứng canh dòng sông và chứng kiến những gì xảy ra bên bờ. Đây là một dòng sông đáng chú ý, rộng và thiêng liêng, và khách hành hương đến từ khắp các miền trong nước để tắm trong dòng nước thánh(1). Trên sông có những chiếc thuyền, lặng lẽ trôi, cánh buồm hình vuông màu đậm. Khi trăng lên, tròn đầy và hầu như mang sắc đỏ, nó như phát ra một vệt trắng bạc trên dòng nước lăn tăn, người ta vui vẻ tụ họp trong làng kế cận hay trong làng bên kia sông. Vào những ngày lễ thiêng, dân làng xuống bờ nước cùng hát những bài ca vui tươi nhịp nhàng. Mang theo thực phẩm, ríu rít vui cười, họ tắm trong dòng sông; sau đó họ đặt một vòng hoa dưới gốc cây lớn, thoa một ít tro đỏ tro vàng lên thân cây vì nó cũng thiêng liêng, cũng như mọi cây đều thiêng liêng. Cuối cùng khi tiếng líu lo cười đùa chấm dứt, ai về nhà nấy, còn một vài cây đèn vẫn cháy, do dân làng nào súng tín để lại; những chiếc đèn có bấc nằm trong một chiếc đĩa đất sét đựng dầu, loại đèn mà dân nghèo ở làng có thể mua nổi. Ngọn cây bây giờ là tối thượng, mọi thứ đều chứa trong nó cả: trái đất, dòng sông, con người và những vì sao. Bây giờ nó rút lại vào trong chính mình, ngủ cho đến lúc được những tia sáng của mặt trời ban mai quét tới.Có khi người ta mang một xác chết đến cạnh bờ sông. Quét dọn xong một miếng đất gần mặt nước, họ đặt một khúc gỗ to nặng để làm nền của giàn thiêu, xong xếp gỗ nhẹ lên trên; và trên đỉnh giàn họ để xác nằm, được bọc bằng một tấm vải trắng tinh. Thân nhân gần nhất của người chết châm một ngọn đuốc vào giàn hỏa; rồi một ngọn lửa to lớn bùng lên trong bóng đêm, soi sáng mặt nước cùng những khuôn mặt lặng yên của người than khóc và bè bạn buồn rầu ngồi ban phát sự bình yên của nó cho ngọn lửa đang nhảy múa. Vài giờ trôi qua thì xác mới cháy hết, thế nhưng họ vẫn ngồi quanh cho đến lúc không còn lại gì cả, chỉ trừ than hồng và những tỉa lửa nhỏ. Giữa sự lặng yên vô cùng này, một trẻ sở sinh bỗng lên tiếng kêu khóc và một ngày mới bắt đầu.Ông vốn là một người có tiếng tăm. Ông nằm chết trong gian nhà nhỏ sau tường thành và ngôi vườn, nơi một thời được chăm sóc nay đã bị bỏ bê. Quanh ông là vợ và những đứa con, thêm vài người bà con gần. Lúc đó, cách cả vài tháng hay có thể lâu hơn, trước khi ông chết, cả nhà cũng ngồi quanh ông và căn phòng nặng trĩu đau buồn. Khi tôi vào thì ông yêu cầu mọi người rút lui, họ đi một cách ngập ngừng, chỉ trừ một đứa trẻ nhỏ chơi đồ chơi trên sàn nhà. Khi cả nhà ra hết, ông chỉ cho tôi một chiếc ghế và chúng tôi ngồi đó một thời gian không nói tiếng nào, trong lúc tiếng động trong nhà và ngoài đường phố len tận vào phòng.Ông nói một cách khó khăn.“Ông biết không, đã nhiều năm tôi nghĩ về cuộc sống và nhất là về cái chết, vì tôi bị một chứng bệnh nan y. Cái chết xem ra là một điều kỳ lạ. Tôi đã đọc nhiều sách nói về đề tài này nhưng tất cả đều có vẻ nông cạn”.Không phải mọi kết luận đều nông cạn sao?“Tôi không chắc như vậy. Nếu ta tới với những kết luận nhất định, chúng thỏa mãn ta một cách sâu sắc thì chúng cũng có ý nghĩa lắm chứ. Có gì sai nếu ta đến với kết luận, miễn chúng thỏa ứng chúng ta?”.Không có gì sai với điều đó cả nhưng không phải nó vẽ nên một tầm nhìn đánh lạc hướng ta ư? Tâm có cái gì tạo nên mọi dạng hình của vọng tưởng(2) và để vướng mắc trong đó thì thật là không cần thiết và thiếu chín chắn.“Tôi đã sống một cuộc đời phải nói là giàu sang và theo đuổi những gì tôi cho là trách nhiệm của mình; nhưng dĩ nhiên tôi chỉ là một con người. Dù sao cuộc đời tới đây là hết, tôi chỉ còn là một vật vô dụng nhưng cũng may là tâm tôi chưa bị ảnh hưởng gì. Tôi còn đọc nhiều và hăng say hơn bao giờ cả, muốn biết điều gì sẽ xẩy ra sau khi chết. Phải chăng tôi sẽ còn tiếp tục hay không còn gì cả một khi cái thân này chết đi?”.Thưa ông, nếu được phép hỏi, thì tại sao ông ại quan tâm đến những gì xẩy ra sau khi chết?“Không phải ai cũng muốn cả hay sao?”Có thể họ muốn đấy; nhưng nếu ta không biết sống là gì thì làm sao biết chết là gì? Sống và chết có thể chỉ là một chuyện thôi và việc chúng ta cứ tách chia chúng ra có lẽ là nguồn gốc của mối phiền não to lớn này.“Tôi ý thức những gì ông nói trong tất cả những lần thuyết giảng của ông, nhưng tôi vẫn muốn biết. Ông không sẵn lòng nói cho biết những gì sau khi chết sao? Tôi hứa sẽ không kể lại cho ai nghe”.Tại sao ông lại cố gắng để biết đến thế? Sao ông không chịu để cho cái biển sinh và tử cứ là như thế, sao cứ muốn chọc ngón tay vào đó?“Tôi không muốn chết”, ông nói, ông cầm lấy tay tôi, “từ xưa đến nay tôi luôn luôn sợ chết và mặc dù tôi tự an ủi bằng lý trí và niềm tin, chúng chỉ là vỏ ngoài bọc trên sự thống khổ của lòng sợ hãi. Tất cả những gì tôi đọc về cái chết đều là cố gắng để thoát khỏi cái sợ đó, để tìm một lối ra, và đó là lý do mà tôi đang cầu ông cho biết”.Có sự trốn tránh nào sẽ giải thoát tâm khỏi sự sợ hãi? Không phải sao, mọi hành động trốn chạy đều nuôi dưỡng cái sợ?“Nhưng ông hãy nói tôi nghe, và những gì ông nói là sự thật. Sự thật này sẽ giải phóng tôi…”Chúng tôi ngồi yên lặng một hồi lâu. Sau đó ông lại nói.“Sự lặng yên vừa rồi đã chữa giúp cho tôi hơn tất cả mọi lo âu tra vấn. Tôi mong được ở yên trong đó và được chết trong sự lặng yên, nhưng tâm tôi không chịu bỏ tôi. Tâm tôi trở thành thợ săn và đồng thời là kẻ bị săn đuổi; tôi bị tra tấn hành hạ. Tôi đang đau đớn thể xác nhưng không có gì so sánh được với những gì xảy ra trong tâm. Có một sự tiếp nối của cái tôi sau khi chết? Cái tôi này, cái biết vui, biết buồn, biết nhận thức, nó còn hay mất?”Cái “tôi” mà tâm ông hằng bám víu và cái mà ông muốn tiếp tục tồn tại là gì? Xin đừng trả lời, hãy lặng yên lắng nghe. Cái “tôi” chỉ tồn tại nhờ sự đồng hóa với tài sản, với danh xưng, với gia đình, với thất bại thành công, với tất cả những gì ông đã là và ông muốn là. Ông chính là cái mà ông tự đồng hóa với nó; ông được xây dựng lên bởi tất cả những cái đó, nếu không có chúng thì ông cũng chẳng có. Những thứ đồng hóa đó, với con người, với tài sản và ý niệm, phải chăng ông muốn những thứ đồng hóa đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi chết; phải chăng nó là một vật sinh động? Hay nó chẳng là một khối gồm những ham muốn ngược nhau, những theo đuổi, thỏa mãn và thất vọng, những thú vui ngầm chứa đầy phiền não?“Những gì ông nói có lẽ đúng, nhưng thà được biết đến vẫn hay hơn không biết gì cả”.Thật là cái được biết hay hơn cái chưa biết không? Cái được biết thì quá ít, vụn vặt, hạn chế. Cái được biết thì đầy phiền não mà ông thì khao khát muốn kéo dài nó.“Hãy thông cảm cho tôi, hãy từ bi với tôi, đừng cứng cỏi quá. Tôi chỉ cần biết liệu tôi có chết một cách hạnh phúc không?”Thưa ông, đừng phấn đấu quá mức như thế chỉ để biết. Khi mọi dụng công muốn biết đã ngưng bặt thì sẽ xuất hiện một cái không do tâm tạo dựng nên. Cái chưa được biết lớn hơn cái được biết; cái được biết là một chiếc thuyền đi trên biển cả của cái chưa được biết. Hãy để mọi việc vận hành và cứ là như thế.Vợ ông vừa đi vào, mang theo thức uống và đứa trẻ đứng dậy chạy ra khỏi phòng mà không nhìn đến chúng tôi. Ông nhờ vợ đóng cửa lại, đừng để cho trẻ vào lại.“Tôi không lo lắng lắm chuyện gia đình; tương lai của vợ con tôi được bảo đảm rồi. Tôi lo cho chính tương lai của tôi. Trong thâm tâm tôi biết những gì ông nói là đúng, nhưng tâm tôi như một con ngựa đang phi nước đại, không người cưỡi. Ông có thể giúp tôi, hay tôi là người vô phương cứu chữa?”Chân lý là một điều kì lạ; ông càng theo đuổi nó, nó càng vuột khỏi tay ông. Ông không thể nắm bắt nó bằng bất cứ phương tiện gì, dù tinh tế hay khôn khéo đến đâu; ông không thể giữ nó trong mạng lưới tư duy của ông. Hãy thấy điều này và cứ để mọi vật tiếp diễn. Trên con đường tử sinh, ông phải đi một mình; trên con đường này không thể sử dụng cái tiện nghi của tri thức, của kinh nghiệm, của ký ức. Tâm thức phải được thanh lọc khỏi tất cả mọi sự mà nó đã thu lượm trong khi tầm cầu sự an toàn; các thần thánh, cái lễ nghĩa của tâm cũng phải trả lại cho xã hội, chỗ đã nuôi dưỡng chúng. Phải có một sự cô tịch hoàn toàn, phi ô nhiễm.“Đời tôi sắp hết, hơi thở của tôi đã ngắn còn ông thì đòi hỏi một điều quá khó: rằng tôi cứ chết mà không cần biết cái chết là gì. Nhưng tôi đã được ông khai thị: cứ để cuộc sống như thế, và có thể sẽ có phúc lạc trong đó”.-------------------------------Ghi chú:(1). Tác giả nói tới sông Hằng tại Ấn Độ(2). “Tâm như họa sĩ, vẽ vời cảnh thế gian”, Kinh Hoa Nghiêm (ND)


Trích sách ‘Đối diện cuộc đời’
‘Cuộc sống, cái chết và sự tồn sinh’
Krishnamurti
Nguyễn Tường Bách dịch