Thất giác chi (bojjhanga), bảy yếu tố đưa đến tuệ giác

Khi tâm trí được tu tập, các giác chi được phát huy đầy đủ thì những lậu hoặc sẽ tự biến mất để nhường chỗ cho tâm giải thoát và tuệ giải thoát, đó là mục đích chính của bhāvanā. Bảy pháp đoạn trừ lậu hoặc (từ tri kiến đến tu tập) nêu trong kinh Sabbāsava đã được nhiều nhà phân tâm học hoan nghênh như những tâm lý liệu pháp thực dụng và hữu hiệu.
Tiến sĩ Robert Thouless, giáo sư Đại học đường Cambridge đã có nhận xét như sau: " Trong kinh Sabbāsava Đức Phật giảng giải y như một Bác Sĩ ngành tâm lý liệu pháp hiện đại... (những giải pháp của Ngài) là một hệ thống tâm lý liệu pháp vượt bậc nhờ nguyên lý nhân quả".Giáo sư nói tiếp: "Khoa tâm lý liệu pháp hiện đại chỉ nhằm đem lại trạng thái yên tĩnh hòa hợp cho bệnh nhân trong đời sống hiện tại. Đức Phật cũng xem đó là một khía cạnh của vấn đề, nhưng vì đời sống hiện tại chỉ là một trong chuỗi sanh tử luân hồi... nên Ngài không những đã tìm cách giúp cho môn đệ thoát khỏi các tâm bệnh trong đời sống này mà còn trong cả kiếp sống vị lai".

Thật vậy, mục đích của Phật giáo không phải chỉ nhằm xoa dịu những phiền não khổ đau của con người bằng những phương pháp tạm bợ có hiệu năng trong một thời gian nhất định nào đó, mà giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi ràng buộc của phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử.


Thất giác chi (bojjhanga), bảy yếu tố đưa đến tuệ giác:

a) Niệm giác chi (sati): giúp chúng ta thường tự giác niệm để không xa lìa thực tại thân tâm (tại đây và bây giờ) hay không bị đắm chìm trong hiện tại, quá khứ, vị lai.

b) Trạch pháp giác chi (dhammavicaya): giúp chúng ta thấy biết rõ ràng trung thực mọi biến chuyển vận hành nơi thân, thọ, tâm, pháp hầu có thể chứng tri đâu là khổ, đâu là nhân của khổ, đâu là diệt khổ và đâu là con đường diệt khổ.

c) Tinh tấn giác chi (viriya)
: giúp chúng ta dõng mãnh không thối chuyển, không buông lung phóng dật trong việc đoạn trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp.

d) Hỷ giác chi (pīti): giúp cho tâm hoan hỷ phấn khởi trong thiện pháp để dễ dàng vượt qua mọi đối ngại tưởng của sân hận, bất mãn.

e) An giác chi (passaddhi): giúp cho thân tâm lắng dịu, không bị bất an do trạo cử, dao động hoặc ân hận, ray rứt chi phối.

g) Định giác chi (samādhi): có mục đích giúp cho tâm thanh tịnh, khi tâm được an trú thì các ác bất thiện pháp nhất là ái dục sẽ được chế ngự, nhờ tâm ổn định chuyên nhất mà trở nên trong sáng, làm nền tảng cho trí tuệ chiếu soi.

h) Xả giác chi (upekkhā): là tâm quân bình, không thiên lệch, không bị vui buồn, mừng giận chi phối, không dính mắc hay chấp thủ điều gì, không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) cũng như nội pháp (tư tưởng, tình cảm v.v.)

http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ConDuongHanhPhuc/ConDuongHanhPhuc02.htm




> Thất Giác Chi


Hỏi Đáp Phật Pháp


1. Bảy Pháp giác chi

Kính thưa Thầy từ bi giảng cho con một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, cơ bản nhất để con có thể lĩnh hội được về 7 Pháp giác chi. Con có đọc sách nhưng không hiểu được ạ. Con xin tri ân Thầy.

Trả lời:
Một tâm bất an thường ở một trong hai tình trạng thụ động hoặc dao động. Thụ động thì lười chán, buông xuôi, giãi đãi, hôn trầm... Dao động thì nôn nóng, căng thẳng, phóng tâm, tán loạn ... Hai tình trạng thái quá đó đã tạo ra đối cực làm mất sự quân bình của tâm. Tâm mất thăng bằng không thể trực nhận được bản chất thật của chính mình và cuộc sống. Thất giác chi là 7 yếu tố giúp quân bình lại hai đối cực, để tâm đủ định tĩnh sáng suốt mới có thể sống tùy duyên thuận pháp.
Trong bảy pháp này thì Chánh Niệm (1) là yếu tố ưu tiên và cơ bản nhất, vì trước hết phải trở về trọn vẹn với thực tại thì mới điều chỉnh lại được sự quân bình của tâm.
Sau khi trở về với thực tại, nếu thực tại là trạng thái thụ động thì cần sử dụng 3 yếu tố:
- Trạch pháp (2) để quan sát rõ ràng thực tại. Nhờ sự quan sát kỹ lưỡng mà tâm tỉnh táo thoát khỏi trạng thái si mê hôn trầm thụy miên.
- Tinh tấn (3) để kích hoạt sự hăng hái phấn chấn. Nhờ sự phấn chấn mà tâm linh hoạt thoát khỏi tình trạng buông xuôi, trầm cảm.
- Hỷ (4) để giúp tâm hân hoan phấn khởi. Nhờ sự hứng thú mà tâm thoát khỏi tình trạng lười chán, giãi đãi.
Nếu thực tại là tình trạng dao động thì cần sử dụng 3 yếu tố:
- Thư thái (5) để làm cho tâm khinh an, lắng dịu. Nhờ sự trầm lắng mà tâm thoát khỏi sự nôn nóng, căng thẳng,
- Định (6) để tâm được an ổn, nhất tâm. Nhờ nhất tâm mà thoát khỏi sự phóng dật, vọng động và tán loạn.
- Xả (7) để tâm buông bỏ, xả ly, nghỉ ngơi vô sự. Nhờ vô sự mà tâm thoát khỏi sự dính mắc, ràng buộc.
Khi hành giả có chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại thân tâm thì mới tùy nghi sử dụng được 7 pháp này một cách tự nhiên thuần thục

2. 
Ứng dụng Thất giác chi

Thưa Thầy, trước đây con tu thiền định, sau đó con gặp một khủng hoảng đi đến bệnh trầm cảm. Nhờ thầy nhắc pháp Thất giác chi con đã phấn chấn trở lại. Sau khi hồi phục, trở lại bình thường, con thấy mọi thứ rất rõ ràng, pháp gì đến trong tâm hay ngoại cảnh đều minh bạch cái nào ra cái nấy. Con chỉ nhận biết vậy thôi, không có phản ứng gì cả, giống như người du ngoạn vậy.
Nhưng không hiểu sao sau đó con lại rơi vào trạng thái không còn phân biệt gì cả, chỉ thấy cái gì thì thấy cái đó thôi, không có ý niệm trong ngoài gì nữa, có vẻ như trơ trơ vậy, nên con muốn trở lại trạng thái như lúc mới hết bệnh. Con xin thầy chỉ cho con những trạng thái đó là trạng thái gì và con phải tu tập như thế nào cho đúng?

Trả lời:
Khi con nhờ ứng dụng Thất giác chi mà vượt qua được cơn khủng hoảng trầm cảm do sự đối kháng giữa nội tâm muốn giữ sự ổn định và những bức xúc từ bên ngoài, thì liền trở lại bình thường, đó chính là sự trong sáng tự nhiên của tánh biết, nên con thấy trong ngoài đều rõ ràng minh bạch. Nhung sau đó yếu tố xả và định mà con tu tập trước đây lại nổi trội lên nên tâm thái trong sáng tỉnh giác tự nhiên bị yếu đi. Tuy bấy giờ con vẫn thấy nhưng không biết một cách trong sáng tự nhiên như lúc vừa hết trầm cảm. Đây là trạng thái tĩnh lặng mà những người nghiêng về thiền định cho là thanh tịnh tuyệt vời, nên họ cố gắng gìn giữ phát triển vì tưởng đã đắc được kết quả giải thoát gì đó. Nhưng đây chính là phiền não chướng vi tế của thiền tuệ. May mà con có linh tính thấy thái độ tâm lúc mới hết bệnh đúng hơn nên mới muốn trở lại trạng thái lúc đó. Tuy nhiên, khi con muốn trở lại trạng thái lúc đó là không đúng. Thực ra, con không cần trở lại trạng thái lúc đó mà chỉ cần buông cái ngã lý trí xuống thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ tự hiển hiện trở lại như lúc con mới hết bệnh ngay thôi. Tánh biết trong sáng đó luôn luôn có nhưng bị cái bản ngã lý trí, tình cảm lăng xăng hết động qua tịnh che lấp đi nên không chiếu sáng được mà thôi.
Tịnh và động vốn tùy dụng tự nhiên, nhưng người tâm quá động lại thường thích tịnh nên họ rơi vào cực này qua cực khác, như một quả lắc. Khi động thì tâm trạo cử phóng túng, khi tĩnh thì tâm thụ động tiêu cực. Nên Phật dạy định nhiều thì trầm trệ, tinh tấn nhiều lại dao động, là vậy. Để quân bình hai trạng thái này, đức Phật dạy Thất giác chi, trước hết là trở lại với chính mình (niệm) để khi tâm thụ động thì cần quan sát kỹ lưỡng (trạch pháp), tích cực (tinh tấn) và phấn khởi lên (hỷ); khi tâm dao động thì cần thư giãn (khinh an), lắng dịu xuống (định) và buông xả đi (xả). Đó là lý do vì sao khi sử dụng đúng Thất giác chi con đã thoát khỏi cơn bệnh trầm cảm, và đạt được tâm thiền tuệ chánh niệm tỉnh giác đúng mức một cách tự nhiên. Sau đó yếu tố xả và định mà con đã quen tu tập trước đây mạnh lên, nên yếu tố tỉnh giác suy giảm và con rơi vào trạng thái thấy mà không biết rõ ràng minh bạch như trên.
Thực ra thấy mà không biết cũng chẳng sao, nếu như không biết là không biết theo khái niệm (tưởng tri) hoặc theo kiến thức (thức tri) thì càng tốt, vì cái biết không biết này chính là tuệ tri. Còn nếu không biết vì tâm si hoặc vì tâm xả của thiền định trội hơn tỉnh giác thì cần phải thận trọng mới được.

3. 
Tâm xả

Con đa tạ thầy. Con kính bạch thầy tâm xả của con là tu như thấy mà không thấy nghe mà không nghe... không có gì con thấy quan trọng cả. Con sống không buồn không vui, cứ vậy thôi. Có việc gì hay tâm nào có mặt con vẫn biết nhưng thi thoảng vẫn cho nó buông lung đôi chút vì con còn phụ vợ bán hàng ở chợ. Còn chánh niệm thì chủ yếu lúc hành thiền theo cách ngài Mahasi: niệm thân theo dõi diễn biến thân thọ tâm pháp đặc biệt sự sanh diệt vô thường của sắc uẩn.
Vì trước đây con tu đại thừa, con học Bát-nhã Vô Trí Luận của ngài Tăng Triệu nên con sống kiểu vô niệm vậy, nó cũng hợp với tánh con ưa trầm lặng. Nay con tu vậy và bây giờ con gần như giữa chợ mà vẫn tách biệt, không có một ai làm quen bắt chuyện hay làm phiền kể cả người trong gia đình. Bạn bè đồng tu đều niệm Phật bây giờ cũng ai đi đường đó. Gần như giữa đời mà con vẫn một mình nhưng con không thấy có gì phải buồn vui ở đó. Chỉ hơi buồn là đôi lúc muốn chia sẻ pháp mà không có ai cùng tu cùng học.


Trả lời:
Hành giả cần tu những yếu tố giác ngộ trong 37 Bồ-đề phần nhất là Bát Chánh Đạo một cách quân bình không quá thiên lệch một yếu tố nào mới được. Định xả nhiều quá tâm sẽ bị trì trệ thiếu linh hoạt. Tinh tấn nhiều quá tâm sinh dao động khó tĩnh lặng. Trí nhiều quá tâm sinh nghi hoặc mất trong sáng. Tín nhiều quá tâm sinh tham cầu khó tri túc. Niệm quá mức tâm sinh nắm giữ tướng chung tướng riêng khiến căng thẳng bất an khó trọn vẹn tự nhiên với thực tại.
Trong thời mạt pháp, các tông môn thi nhau chế định các phương pháp tu một chiều, kiểu chuyên biệt như vậy chỉ sinh ra kinh nghiệm cục bộ, nổi mặt này yếu mặt kia, khó mà giác ngộ chu toàn được. Xả là thấy pháp đến đi như nó đang là chứ không chấp trước, nắm giữ, dính mắc điều gì, nhưng khi con dính mắc vào xả thì đâu còn là xả giác chi thật sự nữa? Cũng vậy, chánh niệm là tâm trọn vẹn với pháp đang là, không phân tâm tạp niệm chứ không phải cố gắng nắm bắt tướng chung tướng riêng của pháp ấy. Tâm xả trong chánh niệm tỉnh giác chính là thấy pháp trung thực như nó là chứ không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là... mới đúng.


5 trạng thái hỷ trong định 

1/ 
Bạch Thầy! Khi giảng pháp Thất Bồ Đề Phần, Thầy có nói đến hỷ giác chi trong đó có trạng thái hỷ như bay bổng. Xin Thầy giải thích tâm lúc ấy như thế nào? Tại sao như vậy? Mong thầy hoan hỉ giải thích cho chúng con được rõ để chúng con ứng dụng trong cuộc sống đúng tinh thần như thế là như thế.

Trả lời:

Nên tập nhìn mọi trạng thái đi qua như nó đang là, đừng hỏi tại sao, vì lý trí xen vào chẳng ích lợi gì cả, chỉ mất thì giờ thôi. Khi có hỷ giác chicon sẽ tự thấy tự biết. Có thể là nhân nói về hỷ giác chi thầy đề cập đến 5 trạng thái hỷ trong định như ánh sáng, nổi ốc, mát lạnh, sóng vỗ, bay bổng v.v... nhưng hỷ giác chi thì không cần phải có những trạng thái hỷ đó.

2/ 
Thưa Thầy, trong phép quán pháp về các giác chi thì làm thế nào ta có thể nhận ra được hỷ giác chi mà không lẫn lộn với các hỷ thọ hay tâm hỷ khác ạ? Xin Thầy chỉ dạy điểm này giúp con.

Trả lời:

Tất nhiên hỷ có nhiều loại: Hỷ trong tâm bất thiện, hỷ trong tâm đại thiện, hỷ trong các tâm định, hỷ trong tiếu sinh tâm v.v... Người hành Thất Giác Chi chỉ sử dụng hỷ với mục đích giúp tâm thoát khỏi hay không để rơi vào trạng thái chán nản buồn bực. Tất cả các Giác Chi luôn đi cùng với chánh niệm do đó rất dễ phát hiện sự sai khác giữa các loại hỷ như đã trình bày trên, chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát là biết được ngay, không nên căn cứ trên sự phân biệt của lý trí mà phán đoán, phải thấy ngay trên thực tánh của trạng thái hỷ mới được.

3/ 
Kính Sư trưỡng lão!
Thiền Hữu sắc dạy phải bỏ chữ "Hỷ" theo câu: "Xả hỷ lạc trú".
Ngược lại, thất giác chi dạy phải giữ chữ "Hỷ".
Xin thầy vui lòng cho biết tại sao vậy?
Con chân thành cảm ơn sự chỉ dạy của Thầy!

Trả lời:

1) Trong thiền định Sơ thiền có 5 chi tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Nhị thiền bỏ tầm và tứ. Tam thiền bỏ hỷ. Tứ thiền bỏ lạc chỉ còn nhất tâm và xả. Vì vậy khi đến Tam thiền, Tứ thiền đương nhiên không cần hỷ nữa.

2) Trong Thất Giác chi, không dạy giữ Hỷ mà biết sử dụng Hỷ (cùng trạch pháp, tinh tấn) để giúp lấy lại thăng bằng khi tâm rơi vào trạng thái thụ động. Nhưng khi tâm dao động thì không cần Hỷ nữa mà chỉ cần Khinh an, Định và Xả mới quân bình được tâm.

NGUỒN: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét