Mấy năm trước đây, tôi và Joseph Goldstein có đi sang Calcutta để thăm một trong những vị thầy của chúng tôi là bà Dipa Ma. Bà ta lúc ấy cũng đã lớn tuổi lắm rồi, nên chúng tôi cũng muốn sang thăm bà càng sớm càng tốt. Như bạn biết, mùa mưa ở Ấn độ rất là kinh khiếp. Ngày đầu tiên đến nơi, chúng tôi ghé thẳng sang nhà bà Dipa Ma và ở lại nơi đó một hôm. Bên ngoài trời mưa tầm tã. Nhưng sự vui mừng được gặp lại bà Dipa Ma khiến tôi không chú ý gì đến cơn mưa như thác đổ bên ngoài.
Buổi chiều, khi từ giã bà để đi về, chúng tôi mới khám phá ra cảnh tượng của đường phố Calcutta sau một trận mưa lớn như thế nào. Ống cống bị ngập, nước dơ tràn ra và trôi đầy đường phố. Rác rến theo nước mưa dâng cao ít nhất cũng gần cả thước, ngập lề đường trước mặt nhà. Chúng tôi đứng trên bậc thềm, nhìn cảnh tượng lạ kỳ trước mặt. Không có một chiếc xe hơi hay xe kéo nào có thể di chuyển được trong cơn lũ lụt này, chúng tôi chỉ có mỗi cách là đi bộ trở về khách sạn của mình.
Chúng tôi đành phải bước xuống dòng nước lũ. Lội bì bõm trong nước mà tôi cảm thấy kinh hoàng: mùi hôi thối của nước cống, không biết nước sâu bao nhiêu, không biết chân tôi đang chạm vào những vật gì, và trời lại tối lù mù. Ở Calcutta, mỗi khi trời mưa ngập, những con chuột trong ống cống chạy ra khắp nơi trên đường phố. Chúng không biết sợ gì ai, cứ lủi nhào vào chân tôi bất kể. Tất cả sáu giác quan của tôi bị những kinh nghiệm ghê sợ này ngập tràn và áp đảo dữ dội.
Bốn hay năm ngày sau đó, chúng tôi đến Úc. Một người bạn có mua cho chúng tôi vé xem nhạc hoà tấu ở Sydney Opera House, một nhà hát lớn và sang trọng, kiến trúc vĩ đại, xây ngay trên bờ vịnh. Trước buổi trình diễn, chị ta đưa chúng tôi lên một nhà hàng rất lịch sự, nằm trên cao. Nó xoay vòng chầm chậm trong khi chúng tôi ngồi ăn, từ đó ta có thể nhìn thấy hết được mọi góc cạnh của thành phố Sydney.
Sydney là một thành phố rất đẹp. Chúng tôi ngồi xem quang cảnh dễ thương từ trên cao, thưởng thức những món thơm ngon, những dĩa ăn được trình bày rất cẩn thận và đặc biệt. Trong buổi hòa nhạc mọi người ai cũng sạch sẽ, thơm tho, quần áo chưng diện thật đẹp. Ngồi nghe ban nhạc trình tấu những hợp khúc tuyệt vời của Dvorac và Brahms, thưởng thức những cảm giác dễ chịu qua sáu giác quan của mình, tôi chợt nhớ đến Calcutta chỉ mới mấy ngày trước đây. Việc gì đã xảy ra cho thực tại ấy?
Lần tôi và chị bạn ấy lại có dịp ngồi ăn chung với nhau, sáu tháng sau, là ở Miến điện, khi chúng tôi tham dự một khóa thiền trong một tu viện. Chúng tôi ngồi chung một bàn trong suốt khóa tu. Thực phẩm trong khóa tu đa số được cúng dường bởi dân làng địa phương. Người Miến điện rất rộng lượng. Nhưng vì đa số rất nghèo, nên những thực phẩm cúng dường, tuy là những thứ quý nhất của họ, cũng rất là tội nghiệp. Ðồ ăn của họ nấu lại thường cho rất nhiều dầu mỡ. Và đó là những gì chúng tôi được cúng dường trong ngày hôm ấy.
Món ăn chánh là một loại rau đắng nổi lềnh bềnh trong nước dầu cao khoảng bốn hay năm phân. Khi bạn bỏ vào miệng nhai, nó quấn thành một cục như bột cây trong miệng bạn. Buổi ăn ấy lại là nguồn nuôi dưỡng chánh của chúng tôi trong ngày, nó quá đạm bạc và dường như tôi không thể nào nuốt trôi được. Khi chị bạn chuyền cho tôi dĩa xào đầy dầu mỡ ấy, xem tôi có cần thêm không, tôi chợt nhớ lại lần chót chúng tôi ăn chung với nhau ở căn nhà hàng thật sang tại Sydney. Tôi nhớ đến những người bồi bàn nhã nhặn, những dĩa đồ ăn đầy mỹ vị, và khung cảnh toàn diện của thành phố Sydney nhìn từ trên cao. Việc gì đã xảy ra cho thực tại ấy?
Chỉ trong vòng có sáu tháng thôi, mà cũng có thể là trong một ngày hoặc một giờ, tôi lại kinh nghiệm được nhiều thái cực của khổ đau và hạnh phúc đến chừng vậy. Tôi nghĩ, điều quan trọng là làm sao để con tim chúng ta - của tôi và bạn - có thể tiếp nhận được những sự tương phản bất tận này của cuộc đời, nhưng vẫn không bị tổn thương, hoặc cảm thấy mình không thể nào chịu nỗi. Trước những cơn lốc của đổi thay, con tim ta có thể trở nên mỏng manh hoặc đôi khi là chai đá. Nó cũng có thể trở nên khô héo. Ðức Phật nói, con tim của ta có thể bị tàn úa nếu ở ngoài mặt trời quá lâu. Bạn có bao giờ trải nghiệm được điều này không?
Làm sao ta có thể sống với những sự biến đổi đầy tương phản ấy? Làm sao ta có thể tiếp nhận chúng với cùng một thái độ hài hòa và rộng mở như nhau? Ta có thể nào giữ được sự tự tại của mình trước những thay đổi không? Ta có thể nào cảm thấy hạnh phúc, cho dù những sinh diệt vẫn tiếp tục đến và đi trong đời mình không?
Buông xả là một trạng thái tĩnh lặng và rộng mở của tâm thức. Một sự lặng yên và tỏa sáng, cho phép ta thật sự có mặt với mọi thăng trầm, được mất của cuộc đời, mà vẫn không bị lay động.
Trích trong “Thiền tập về thương yêu” TG: Sharon Salzberg - Nguyễn Duy Nhiên dịch
... Trong cuộc sống, có lẽ một điều mà chúng ta có thể giúp làm vơi bớt khổ đau cho nhau là một thái độ chấp nhận, không phê phán, không cần lời giải thích hay lý luận nào. Đôi khi đối diện trước những khó khăn, chúng ta không cần phải cố gắng làm gì thêm hay tìm một giải pháp nào để sửa đổi tình trạng. Vì có những lúc, không có một lời nói hay hành động nào là đầy đủ.
Sự có mặt của ta không phải để giúp làm thay đổi một điều gì. Nhưng ta có thể giúp nhau cảm thấy an ổn hơn để trở về có mặt với thực tại, bằng sự có mặt không phê phán của mình. Sự cảm thông của ta có thể tạo được một không gian an toàn và tin cậy, giúp nhau buông bỏ khổ đau bằng một thái độ chấp nhận những gì đang xảy ra, mà không sợ hãi.
Tôi nghĩ, có mặt trọn vẹn và không phê phán là một phương thức hay nhất để chuyển hóa được những khó khăn của mình.
Một sự thật nhiệm mầu
Những ngày cuối năm, nhớ lại một bài viết ngày xưa, Hoa Thông Rụng Ngát Vườn, cũng để nhắc nhở nhau rằng chúng ta ai cũng có khả năng nuôi dưỡng hạnh phúc và san sớt khổ đau được cho nhau.
Khách khứ tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương
Tùng hoa mãn địa hương
Khách về, tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn
Hoa thông rụng ngát vườn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét