Thế giới chúng ta sống không phải là cái gì tồn tại độc lập ở ngoài tư duy và ý tưởng của chúng ta. Thế giới chúng ta và những tư tưởng, ý kiến là một tổng thể thống nhất đưa đến cái nhìn về cuộc đời của chúng ta. Tùy theo những gì chúng ta suy tư và nghĩ tưởng, thế giới của chúng ta có thể được nhận diện theo những cách hoàn toàn khác biệt. Những tư tưởng, cảm giác làm thành trạng thái tâm lý của chúng ta. Đồng thời, trạng thái tâm lý cũng là một với trạng thái thể chất của chúng ta. Khi trong thân ta có cái gì bị tổn hại, tâm trí ta cũng sẽ không được trong sáng như trước. Và khi tâm trí không trong sáng, thế giới này sẽ hiện ra thật đen tối và ảm đạm với chúng ta.
Ngoài ra, những điều kiện thể chất của chúng ta cũng bị chi phối rất lớn lao bởi môi trường sống. Những thay đổi và điều kiện của khí hậu và thời tiết đều ảnh hưởng đến chúng ta. Liên hệ nhân quả này đặc biệt có thể thấy được rất rõ ràng khi bạn sống một đời đơn điệu và lánh xa mọi thứ phân tâm như trong những ngày tu học tiếp tâm tại chùa Antaiji.
Vấn đề cốt yếu ở đây là làm sao luyện được một thái độ sống tỉnh giác dù đang ở trong điều kiện thế nào chăng nữa. Đó không có nghĩa là phải đạt được một trạng thái không còn tư tưởng hay cảm giác. Ngồi an nhiên giữa những dấy khởi của các liên hệ nhân quả mà không bị lôi cuốn theo, đó là Chỉ Quán Tọa Thiền.
Như thời tiết, cuộc đời riêng tư của chúng ta cũng có lắm trạng thái: có lúc trời trong, có lúc trời mây, có lúc mưa, có lúc bão. Tất cả những đợt sóng này do mãnh lực của thiên nhiên tạo ra, không phải là những gì chúng ta có thể chế ngự được. Dù ta có cố gắng chiến đấu đến đâu để chống lại những đợt sóng này, ta cũng không thể làm cho một ngày mây mù biến thành trong sáng được. Những ngày mây là đầy mây; còn những ngày trong sáng là trong sáng. Cũng vậy, tư tưởng đến rồi đi và những trạng thái tâm lý và thể chất của chúng ta cũng lên xuống thăng trầm, tất cả đều tự nhiên và là biểu hiện, là thực trạng của đời sống. Xem tất cả những gì xẩy ra như phong cảnh của cuộc đời, và không bị chúng lôi cuốn đi – đó là sự vững chãi trong thái độ sống, là đạt được sự an ổn trong cuộc đời.
Trong Lâm Tế Ngữ Lục, Thiền sư Lâm Tế nói:
Người tu Đạo chân chính hoàn toàn vượt lên trên tất cả mọi thứ. Ngay cả khi trời đất có sụp đổ, ta cũng không lay chuyển. Ngay cả khi mười phương Chư Phật có thị hiện trước mắt, ta cũng không vui mừng. Ngay cả khi ba cõi địa ngục có hiện ra trước mắt, ta cũng không sợ hãi. Bởi vì sao? Đó là bởi vì không có cái gì làm cho ta chán ghét.
Đối với Lâm Tế, dù cho chư Phật trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai có thị hiện ra cũng không phải là điều để vui mừng, hay dù cho ba cõi địa ngục có hiện ra trước mắt cũng không phải là điều để sợ hãi. Dĩ nhiên, không sợ hãi khi thấy cõi địa ngục không có nghĩa là địa ngục không tồn tại đối với Lâm Tế. Mà đối với ông, địa ngục chỉ là một cảnh giới khác với cảnh giới của chư Phật. Điều căn bản là dù cho địa ngục, chư Phật, hoặc bất cứ gì hiện ra trước mắt, Lâm Tế cũng xem đó như là phong cảnh của cuộc đời. Đối với chúng ta, tất cả những điều đó chẳng là gì, mà chỉ là cảnh giới trong sự tọa thiền.
Tôi hi vọng rằng những hành giả tọa thiền sẽ mỗi ngày tiếp tục hành trì miên mật tọa thiền ít nhất trong mười năm. Có thể dốc hết mình, nhất tâm nhất trí vào sự tu tập mà không bị phân tán là một việc làm lớn lao vô cùng. Trong những năm tháng dài tu tập tọa thiền này, ta sẽ gặp những phiền não và chướng ngại sâu xa nhất về tâm linh, và chúng ta chỉ có thể tiếp tục được nếu vững chãi thấy rằng phiền não này chỉ như một phong cảnh của cuộc đời mà không bị lôi cuốn theo. Trải qua mười năm trường công phu tu tập, ta sẽ phát triển khả năng sống với tánh Phật của mình, và có một thế đứng chắc chắn trong mọi lúc.
Nếu chúng ta có thể sống và tọa thiền được như vậy, dù ở bất cứ tuổi nào, chắc chắn ta cũng sẽ có được một cái nhìn toàn diện về chính mình. Khi chúng ta sống được như vậy, không phải chỉ trong lúc tọa thiền, mà trong chính đời sống hàng ngày, ta sẽ nhận ra rằng giá trị sự hiện hữu của chúng ta không phải ở nơi những gì người khác nói hay những gì ta muốn. Một đời sống như vậy thật là vô vị, trừ khi chúng ta khám phá được giá trị sự hiện hữu của mình ở ngay trong chính mình.
Điều cốt yếu là chúng ta phải sống được với con người đích thực, hay chân tánh của mình trong đời sống hàng ngày, dù đó là trong một thời thiền, một khóa tiếp tâm năm ngày, hay trong một khoảng thời gian dài mười năm hoặc hơn nữa.
Kosho Uchiyama
(1912-1998)
Ngọc Bảo trích dịch