TỰ-TẠI TRONG SINH-TỬ

Gốc rể của mọi hạnh phúc và đau khổ chính là ở đây! Nên điều quan trọng trước tiên là “thiết-lập tâm”. Tâm của con người giống như một con ngựa hoang, nếu ta săn đuổi nó một cách hung hăng, nó sẽ hoảng sợ và không thể bắt được nó. Do vậy, hãy dẫn dụ nó theo nhiều cách khác nhau và giữ nó nhẹ nhàng, ta sẽ bắt được nó và có thể đưa vào làm việc. Tương tự, nếu tâm hoang-dã này bị kiểm soát một cách hùng hổ, thì vọng-tưởng, âu lo càng nhiều hơn, các chướng ngại sẽ xuất hiện và sản sinh vô số vấn đề như: sự mất quân-bình của năng lượng, sinh-lực của tâm. Nếu bằng một cách nhẹ nhàng, đặt tâm trong trạng thái tự-nhiên của nó, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, sự an-định đích thực sẽ xuất hiện trong dòng tâm-thức ấy.

Để tiếp cận và điều-phục tâm! Với ý-nghĩa “chuyển-hóa Tâm” và từng bước đi vào thực-hành… Trước tiên hãy đặt thân, khẩu, ý trong trạng thái tự-nhiên, không sao lãng bởi bất cứ gì khác. Hãy an trụ trong-sáng, nhẹ nhàng, tự-tại vào một cảm giác an-nhiên, thư-thả, không dao động, và kiên-định, không đi vào sự phân tán của tư-tưởng. Ngài Dudjom Lingpa minh-họa điểm này với chú giải, “Hãy đơn giản thanh-thản trong việc nhìn chăm chú để không bị mất tỉnh-giác của không gian trong ta. Đánh mất sự tỉnh-giác của không gian trong ta là khi mắt bắt đầu nhìn quanh và nhìn vào sự vật khác. Hãy tập trung đủ để cái thấy của tánh-giác không bị mất, và không nên mạnh-mẽ hơn như vậy !”.
Từ những thời công phu ngắn, ta chống lại được các vấn đề của xao-lãng và khích-động; đó là lúc cảm giác tỉnh-giác bị chìm đắm (hôn trầm), hay cảm giác tỉnh-giác bị khích-động (trạo cử) xảy ra. Khi mất sự kiểm-soát tâm, do bỡi những dạng tư-duy khác nhau liên quan đến quá-khứ, hiện-tại, và tương-lai. Vào những lúc như vậy, tâm giống như một cái vạc tư-tưởng sôi sùng sục, và điều này chỉ gây ra mất ngủ. Để tránh hai vấn đề hôn-trầm và trạo-cử này, ta nên hành-thiền nhiều “thời” ngắn, nhờ có nhiều thời khóa thiền, trạng thái thiền-quán không lỗi sẽ xuất hiện, Đây là một vấn đề chủ yếu trong thiền-định..
Khi kết thúc thời công phu cũng đừng xả-thiền một cách đột ngột; mà hãy nhẹ nhàng hòa-nhập nó và chuyển điều này vào con-đường. Hãy duy trì trạng thái “hậu thiền-định”, bao gồm sự chú-tâm, chu đáo và hòa nhập nó vào sự tỉnh-thức sau đó. Ý nghĩa của việc làm như vậy vào lúc kết thúc thời thiền là duy-trì các phẩm tính “chú-tâm”, và ta có thể dần dần kiểm soát tâm mình.
Do thực-hành này dẫn đến khả năng kiểm-soát được tâm vào mọi lúc. Sự quan-trọng của việc duy-trì trạng thái thiền-định này vượt lên những “thời thiền”. Chúng ta phải cẩn thận nuôi dưỡng từ ngày này sang ngày khác, nó sẽ trưởng-thành một cách dần dần. Và với bất cứ kinh nghiệm nào xảy ra, hãy bình thản quán-sát chúng. Nếu tâm-thức bị khích động và không thể duy-trì ở đối tượng thiền-quán, hãy buông bỏ và thư giãn, từng lúc một, ta vẫn duy trì sự tỉnh-thức, tận tâm. Tóm lại, hãy giải-thoát tâm một cách tự-nhiên và thấy rằng đó là việc không bị dao-động.
Với các đối tượng thiền-quán; thoạt tiên, niệm-tưởng sẽ gia tăng, và hay dễ bị đi đến khích động. Đó là dấu hiệu trạng thái “thiền-định” bắt đầu xuất hiện, hãy áp dụng các hướng dẫn một cách nhẹ nhàng. Trước kia, niệm-tưởng khởi lên bất tận, do chẳng có sự lưu-tâm canh giữ nào nên chúng trôi chảy tự nhiên ra ngoài. Khi sự gia tăng của chúng bị phát-hiện bởi sự lưu-tâm, chúng bị nhận ra. Đây là dấu hiệu đáng mong ước, nó khiến trạng thái thiền-định khởi lên, vậy hãy nhẹ nhàng nhận biết những niệm-tưởng ấy. Không chạy theo chúng, chỉ tập-trung vào đối tượng thiền-quán. Nhờ làm như vậy, niệm-tưởng sẽ dần dần thưa thớt và càng ngày càng vi tế. Trong các giai đoạn bắt đầu, tâm có thể xuất hiện nhiều khích động hơn trước khi tu tập. Thật ra, nó bị khích động, đơn giản vì chúng ta không nhận ra nó. Giờ đây, có được nhận-thức của tâm, nhận biết sự hỗn loạn như thế, là ta đã thực sự tạo được tiến bộ.
Nếu thói quen tư-duy bất lợi khởi lên, hãy tập trung trên chính tư-duy đó như là sự hỗ-trợ cho thiền-định. Bất chấp những thói quen bất lợi nào của bám-luyến, và sân-hận khởi lên, hãy nhận-biết chúng; và hãy thanh-thản giải-thoát tâm ngay trên chúng. Mỗi khi niệm tưởng khởi lên, hãy nhanh chóng nhận diện nó và buông bỏ để nó biến mất một cách tự nhiên. Đôi khi, hãy tập trung trên đối tượng thiền-quán; và đôi lúc hãy để niệm-tưởng khởi lên và tự tan biến. Trong đó không tạo-tác bất cứ những gì về sự xuất hiện, buông bỏ và tan biến của chúng. Do thực hành luân phiên như vậy, chuỗi ý-tưởng thúc ép sẽ ngưng kết nối, niệm-tưởng sẽ rời rạc tan vỡ, nó sẽ ngày càng ít hơn, và cuối cùng sự an-định sẽ xuất hiện.
Trong những giai đoạn đầu của thiền-định, những niệm-tưởng xuất hiện như một dòng chảy liên tục, nhưng khi ta tiến bộ, những niệm-tưởng này dần dần giảm bớt. Chúng trở nên vi tế hơn, ít hơn và ta bắt đầu phát hiện có khoảng thời gian tạm ngưng hoạt-động giữa những niệm-tưởng. Khoảng trống rổng-lặng này rất an-lặng. Khi ấy, hãy để sự an-định đích thực khởi lên. Nỗ lực cho điều này cho đến khi nó thực sự xuất hiện, và sau đó dấn thân vào giai đoạn kế tiếp của thiền-định, đưa đến việc tìm kiếm bản-chất của giác-tánh.
Điểm đặc trưng chính của tất cả rèn-luyện này là sự giải-thoát tự nhiên của giác-tánh. Sự giải-thoát tự nhiên này xảy ra bởi chính nó, không do một tác nhân nào khác. Điều quan trọng là nhận ra sự khác biệt giữa “giải thoát tự-nhiên” và “giải thoát bổn-nguyên”. Về mặt giải thoát tự-nhiên, chẳng có vấn đề khó khăn nào để tháo gỡ, do vậy, cũng không có gì để giải thoát; vì tâm là “sự giải thoát bổn-nguyên”. Về mặt con-đường, nói về sự giải thoát tự-nhiên là điều thích hợp. Tuy nhiên, cuối cùng thì tâm là “sự giải thoát bổn-nguyên”.
Trong giai-đoạn thực hành này, khi kinh-nghiệm một cảm-giác của hư không, ta có một khoảng không trống-lặng. Hướng cái nhìn lên, nhẹ nhàng nâng tầm nhìn lên hư không. Khi ấy, tánh nền-tảng của sự nhận-biết mà chúng ta đem vào không gian này là thật-tánh, giống như hư không “bao la và không có tự-tánh”. Đây là giác-tánh mà ta đang tìm kiếm và dần dần nhận ra, là tánh-giác mà tự-thân nó rất rõ ràng.
“Sự rộng mở của bầu trời”, ngụ ý là phẩm-tính bao la của giác-tánh vốn không có ranh giới hay hạn cuộc. Thuật ngữ giải-thoát luôn xuất hiện trong những bối cảnh khác nhau, và nó có ý nghĩa khác nhau trong mỗi bối cảnh. Nó cũng sẽ xuất hiện với sự liên quan đến “thanh-tịnh quang” trong tiến-trình chuyển-tiếp của thiền-quán ổn định, mỗi lúc với ý-nghĩa có phần khác nhau.
Tự-tánh an trụ liên tục là “bản-tánh”, tinh-túy này của Phật-tánh đưa đến sự bình-đẳng trong ba thời (quá khứ, hiện-tại và vị-lai). Do vậy, bản tánh của nhận-biết là vượt lên thực-tại. Có nghĩa tánh-giác là “bổn-nguyên” – vốn tự sẳn ở đó, không có khởi đầu và không kết thúc. Trong thực hành này, không có mục tiêu để tập-trung tâm và không có đối-tượng tạo ra của thiền-định hỗ trợ. Chẳng có bất cứ tạo-tác nào, chỉ có sự trong-sáng của nhận-biết. Trong giai đoạn thực hành này, với một số người, “hình-tướng và tâm hòa-nhập”; dường như chẳng còn việc tánh-giác ở bên trong và hình tướng bị tách rời ở bên ngoài.
Sự nhận-biết ngay lúc này, không gì lay chuyển, không thể diễn-tả trực tiếp bằng lời, được gọi là “giác-tánh”. Đó là cái tự suy-nghĩ nên được đặt tên là “tâm”. Đó là cái luôn lưu tâm biết đến mọi thứ, nên nói là “tỉnh-thức”. Mặc dù không nhìn thấy, nhưng nó là cái thấy trong-sáng, kiên-định và vững chắc, nên nó được nói là “thấu-suốt”. Nó là cái tạo ra phân-biệt giữa mọi hiện tượng cụ thể, nên nó được gọi là “trí-tuệ phân biệt”. Tất cả thuật ngữ như: Như-Lai Tạng, bản-tánh tuyệt đối, trí-tuệ bổn-nguyên.v.v… Nó là nền tảng của luân-hồi và niết-bàn, siêu vượt ba thời (quá-khứ, hiện tại, vị lai), là: – đạo, – chân-lý tối thượng, hay tánh Không”.vv… đều là tên của một thứ này mà thôi.
Tánh-giác vững chắc này luôn hiện-hữu, là cái thấy hình-tướng bằng mắt, kinh nghiệm âm-thanh bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, v.v… Mọi kinh nghiệm sự-vật như vậy chỉ là sự nhận thức thực-tại của giác-tánh. Tuy nhiên, bỡi nó đã bị xuất hiện thêm những tính cách đa dạng như: không thích, bám luyến, căm thù, v.v… và vì nó biết nhớ lại, nhận-thức được, nên gọi tên là “chúng sanh”.
Chúng ta phải biết rằng mọi hoạt động tinh thần, mọi nhận-thức, và mọi trách-nhiệm tâm-linh của chúng ta đều được thực hiện bằng tâm. Trí-tuệ phân biệt là khả năng phân biệt giữa các sự vật, và một trong những khả năng khác là để phân biệt các giai-đoạn khác nhau của con đường. Mặc dù, đó là sự lưu tâm nhận biết trực-tiếp, liên tục, nhưng nó không thể nhận ra chính nó, nên nói là “vô-minh bẩm sinh”. Nó vô-minh ra sao? Mặc dù mắt thấy mọi sự ngoài kia, nó không thể thấy chính bản thân nó. Tương tự, tâm không thấy, không biết, và không nhận-thức được chính nó, nên điều này được gọi là “vô-minh”.
Tóm lại, giác-tánh được nói đến chỉ là sự tự-nhiên, sự nhận biết bình thường không có bất cứ biến-đổi, không có bất kỳ tạo-tác nào. Không nhận biết rỏ bản-tánh của nó, chúng ta đi vào bám chấp nhị-nguyên, bám chấp vào chính mình, chấp cứ vào người khác… Kết quả của những điều đó làm chúng ta tiếp tục lang thang trong chu-trình sinh-diệt.
Khi nhận biết được bản-tâm, đó là tâm của một vị Phật. Nếu không nhận ra bản-tánh của nó, nó là tâm của một chúng-sanh. Đặc tánh tự-nhiên của tự-tâm hiện hữu giống như vậy, khi trước nó bị che ám bởi vô-minh bẩm sinh, do vì không nhận biết nên ta không thỏa mãn, và không tin. Nhưng giờ đây hãy chấp nhận nó như Chủ-nhân ông. Hãy biết bản-tánh của chính mình. Điều này được gọi là “nhận-dạng tâm”.
“Vô-minh bẩm sinh” là điều tất cả chúng ta đều có, và nó ngăn cản việc tìm kiếm sự thỏa mãn mà ta đang tìm. Nó cản trở chúng ta khỏi niềm tin và làm chúng ta vẫn luôn trong sự không rõ ràng, nhầm lẫn. “Chủ nhân” ám chỉ chính mình – tánh-giác của chính mình.
Nếu tâm là trống rỗng – nghĩa là không có gì, hoặc bổn-nguyên “không” hiện-hữu, vậy ai tạo ra người lang thang trong sinh-tử và ai kinh-nghiệm đau khổ? Và một khi thành Phật, do đâu xuất hiện “trí-tuệ bổn nguyên” của tri-kiến, do đâu phát khởi lòng bi của khoan dung và hoạt động giác-ngộ của hành vi?. Tất cả những điều đó được kinh-nghiệm và tạo-tác chỉ bởi giác-tánh này, đó là sự trong-sáng, nhận-biết, và rỗng rang, bất khả phân. Mọi hiện tượng của luân-hồi và niết-bàn được lĩnh hội bằng việc hiểu-biết ý nghĩa cái này. Như một loại suy, nếu nhận ra một giọt nước là ẩm ướt, chúng ta biết rằng tất cả nước đều ẩm ướt. Tương tự, biết bản-tánh của nhận-biết, chúng ta nhận ra bản-tánh của toàn bộ luân-hồi và niết-bàn.
Sự hiển lộ của Pháp-thân (Dharamkaya) là dựa vào thân ta. Sự trong sáng là sự trong sáng lưu-xuất từ mắt chúng ta. Vị Phật an trụ trong trái tim ta, và dù bị bao phủ bởi thân thể bằng máu, thịt, Ngài vẫn không bị ngăn che. Do không bị che ám bởi thân, Ngài luôn hiện diện trong-sáng, không chướng ngại trong ba thời. Đó là phẩm tính bất-sinh bất-diệt của giác-tánh. Chỗ của giác-tánh là trái tim, vậy xét trong một nghĩa nào đó, chúng ta mang thai vớiDharamkaya của chính mình.
Nếu tìm kiếm giác-tánh tại vùng tim, ta không thể thấy nó, vì tánh-giác không đặt nền tảng trên hình-tướng, cũng không hiện hữu như một thực-thể vật chất. Sự xác nhận chỗ của tánh-giác tại trái tim chỉ là sự ẩn dụ. Trong lúc ngụ ở trái tim, tánh-giác làm tỏa sáng toàn bộ luân-hồi và niết-bàn, bao gồm cả các giấc-mộng của chúng ta. Về mặt hành động, nó là sự hiện diện phi chướng-ngại, tính tự phát hiện như một tập hợp quang-minh của tánh-giác chính mình. Nó là nền-tảng của mọi thứ hình tướng; vì tánh-giác lưu xuất từ mắt, các thân tướng xuất hiện để có thể được thấy một cách liên tục. Vì tánh-giác lưu xuất từ mũi, mùi được ngửi một cách liên tục. Sự nhận biết của ý-thức là Dharmakaya. Tùy theo nhận biết của chúng lưu xuất ra.Dhramakaya này, thoát khỏi các thái-cực, không phải không hiện hữu, mà là tỉnh-thức và nhạy bén. Nó không là thuyết hư-vô, mà là sự nhận-biết trong sáng. Nó không là thuyết vĩnh-cửu, nhưng không có vật-chất. Nó không là sự nhị-nguyên, mà là không có đối đãi. Nó không là một hợp nhất, nhưng là tỏa khắp mọi thứ. Đúng hơn, Pháp thân – Dharmakaya là hiện thân của trí-tuệ bổn-nguyên.
Chúng ta đừng đúc kết thực-tại quy ướcvới thực-tại tuyệt đối thành một, vì chúng không giống nhau. Những hướng dẫn của thực tại quy ước có thể dẫn chúng ta đến chân-lý tuyệt đối, nhưng không nên nghiên cứu về thực tại quy ước bằng con đường của các hướng dẫn về thực tại tuyệt đối. Kinh nghiệm hiện-tại ngay bây giờ của chúng ta ở đây là quy ước, và chúng ta bắt đầu từ những kinh-nghiệm này cho đến lúc rốt ráo. Nếu đơn giản đánh đồng thực-tại quy ước với thực-tại tối hậu, chúng ta sẽ chẳng hiểu được cái này hoặc cái kia.
Nếu chúng ta biết thực-tại của nhận-biết bất biến liên tục này, là thực tại bổn-nguyên, vì tự-tâm không sinh-diệt nên nó hiện-diện thường hằng, không có khởi đầu và không có kết thúc. Do vì tâm bất-biến trong ba thời, nên nó không có thực-chất và luôn tỏa khắp, nó giống hư-không. Thoát khỏi các thái cực của hiện-hữu và không hiện-hữu – nó là sự tự-hiện. Vì bản-tánh của nhận-biết là không sinh, không diệt, nó là một hiện-thân của sự trong-sáng tự nhiên. Tinh-túy đó, không có nguyên-nhân hay điều-kiện, nó chi phối mọi sự và cũng là mọi sự. Hiện-tượng của thế gian hữu tình và vô tình được tạo ra bởi sự tỉnh-thức của tâm-linh.
Nền tảng của luân-hồi, niết-bàn, và mọi hạnh phúc, đau khổ đều không gì khác hơn chính là “ý-thức nhận-biết hiện-tiền” này. Do vậy, đây là hướng-dẫn về tiến-trình chuyển-tiếp của cuộc sống được gọi là sự “giải-thoát tự-nhiên của nền-tảng”. Hãy biết điều này trong cách đó. Đây là thành-tựu sự an-định và được giới thiệu vào tính thấu-suốt của trí-tuệ bổn nguyên – của giác-tánh.
Sự giải-thoát tự-nhiên của hình-tướng là sự việc xảy đến với năm giác-quan. Nó cũng giống như mọi hiện tượng, đều không thực sự hiện-hữu, nhưng chúng xuất-hiện và được thiết lập như hiện-hữu. Chúng gây ra sự trói-buộc như một ảo-ảnh, bám-chấp vào hình tướng lừa dối, như là hiện-hữu thực sự. Dù chúng là huyễn, ta lại chấp vào chúng như thật. Thậm chí dù hiện tượng xuất hiện như thể chúng hiện-hữu thực sự, thì chúng cũng không hiện hữu trong cách đó. Đúng hơn, chúng giống như hình ảnh trên một màn ảnh truyền hình: mặc dù chúng ta thấy mọi loại sự vật trên màn hình, chúng cũng không có thực-tại tương ứng bên trong. Hãy quán-niệm rằng những điều này không có tính cách vĩnh-cửu, không ổn-định, không có tự-tánh, chúng chỉ là hình ảnh của ảo giác.
Thân này cũng chỉ là một hình tướng tùy dựa theo sự kết-tập liên quan phụ thuộc các nguyên-nhân và điều-kiện, trong thực-tại nó chưa từng thực-sự hiện-hữu. Hãy thiền-định về sự phản chiếu của thân trong gương. Trong sự phụ thuộc vào một gương, là vị-trí của thân ta ở trước gương và quán-sát sự phản chiếu xuất-hiện của gương. Tương tự, có những nguyên-nhân và điều-kiện mà cũng từ đó thân xuất hiện, trên nền-tảng của thân có sự bám-chấp tinh thần vào một “cái tôi”. Mặc dù chúng ta bám-chấp vào bản-ngã, trong thực-tại lại chẳng có gì là chân thật bản-ngã ấy. Khi quán-sát phản ứng của tâm-thức, ta phải nhớ rằng không có nền-tảng của thích hay không thích vì nó không có bản-chất, hoặc thực-tại ở trong sự phản-chiếu. Hãy nhận ra bản chất nhầm lẫn của những phản ứng này.
Điều này có hiệu-lực mạnh mẽ trên sự bám-luyến của ta, thân thể chúng ta, v.v… Vì khuynh hướng bám chấp vào nhân dạng cá-nhân mình cũng như sự giống nhau của các hiện-tượng khác. Ta bám-chấp vào những gì không hiện-hữu như là nó đang thực sự hiện-hữu. Nếu chúng ta nhận biết về sự không hiện-hữu thực sự của mọi hiện-tượng, thì thật tuyệt diệu; nhưng ở mức tối thiểu, ta phải có được một số hiểu-biết về tính thiếu thực-chất của các hiện-tượng.
Một cách để làm điều này là thiền-định về thân mình và các hiện-tượng khác đều có tính-chất huyễn ảo. Trong khi mọi hiện-tượng, thực-chất chẳng hơn sự phản-chiếu trong gương, chúng ta lại phản ứng với chúng bằng việc bám-chấp vào tính không hiện-hữu đó, cho như là nó đang hiện-hữu. Thêm vào đó, lại phát sinh có thương và ghét. Đó là phản-ứng chủ yếu của chúng ta đối với hiện-tượng, và hai phản ứng ưa thích, ghét bỏ này làm phát sinh toàn bộ năm-độc. Do không chống nổi năm-độc, chúng ta lang thang trong sáu cõi khác nhau của hiện-hữu.
Chúng ta cần tập trung vào bản-chất huyễn-ảo của hiện tượng, hãy thấy chúng giống như một giấc mộng. Tương tự với thực-hành trong “giai đoạn phát triển”. Chúng ta quán tưởng hay hình dung chính mình là bất cứ vị Bổn-tôn nào đã chọn. Hãy quán tưởng chính mình đang sống trong một cõi Tịnh-thổ của trí-tuệ bổn-nguyên; và trong cõi Tịnh-độ đó, ta hình dung tất cả các Ngài thanh-tịnh trong bản-tánh và hiện-hữu như một ảo ảnh. Trong thực hành này, ta xem chính mình và người khác đều hoàn toàn thanh-tịnh và hiện-hữu phi thực-chất, thấy mọi hiện-tượng, hữu tình và vô tình như xuất-hiện mà vẫn không thực-sự hiện-hữu. Đó là bản-tánh chung của giai đoạn thực-hành phát-triển.
Hãy thiền định về thân, cũng như các đối tượng tâm-linh, nếu có thể hãy quán-tưởng đức Phật Vajrasattva. Hãy để thân linh-thiêng xuất-hiện nhưng không có tự-tánh, xuất hiện rõ ràng như đối tượng của tâm-thức; quán-tưởng nó tan hòa vào chính thân ta và quán-tưởng rõ ràng thân ta giống như vậy. Khi thiền-định và rèn luyện chính mình trong cái thấy toàn bộ thế giới hữu-tình và vô-tình này, chúng ta sẽ tinh-thông trong thực-hành của thân thanh-tịnh. Và phần chánh của thực-hành “tiến-trình chuyển-tiếp của cuộc sống” chỉ là điều này, việc thực hành chuẩn-bị cho tiến trình “chuyển-tiếp của giấc mộng” và của “tự thân thực-tại” tùy thuộc vào cái “một” này; và hãy cố gắng trong điều này một cách kiên trì nhất. Ngoài ra, huyễn-thân bất tịnh là cốt yếu cho thực-hành chuẩn bị của tiến-trình chuyển-tiếp của sự trở-thành, do đó cả hai huyễn-thân này là thực hành chính của tiến-trình chuyển-tiếp. Đây là sự “giải-thoát tự nhiên của hình-tướng” qua những hướng dẫn về huyễn-thân.
Giấc mộng được gây ra do bởi khuynh hướng tiềm-tàng, vì thế hãy xem tất cả những hình-tướng ban ngày như giấc-mộng, như ảo-ảnh. “Mọi hiện-tượng đều giống như một giấc-mộng và ảo-ảnh”. Cụ thể, nó là điều chủ yếu để thực-hành các hướng-dẫn về hình-tướng ban ngày và huyễn thân. Vào lúc này, hãy hình dung mạnh mẽ rằng môi-trường, nhà cửa, thành phố, bạn đồng hành, và mọi hoạt động của chúng ta đều như trong giấc-mộng.
Trên việc nhận-biết trạng-thái về những gì nó đang-là, chúng ta có thể phát sinh khao khát đến một cõi Tịnh-độ; hoặc đơn giản chúng ta có thể thấy môi trường hiện-tại của mình hoàn toàn như một cõi Tịnh-độ. Bất kể kinh-nghiệm hay hiểu-biết nào của ta có trong giai-đoạn thực-hành phát-triển đều có thể áp dụng ở đây. Điểm then chốt cho tất cả điều đó là rèn luyện trong các hình tướng ban ngày. Khi hướng sự chú-tâm của ta đến bất cứ những gì đang cảm thấy rõ, và điều then-chốt là không để bị gián đoạn bởi các khuynh hướng tiềm-tàng. Nếu đã hoàn toàn thành tựu “chỉ và quán” giờ đây chúng ta có thể thấy rõ “thanh-tịnh quang” qua thực hành như vậy. Tuy nhiên, nếu không có kinh-nghiệm căn bản trong “chỉ và quán”, thì việc thành công trong thực-hành này là đáng ngờ.
Sự nhận biết hiện-tiền rất trong-sáng được gọi là “thanh-tịnh quang”. Thanh-tịnh quang không những xảy ra trong tiến trình “cận-tử” với các Phật tử, mà cũng xảy ra cho tất cả mỗi chúng sanh. Trong lúc đó mọi chúng sanh đều có cái nhìn thoáng qua của thanh-tịnh quang bên lề cái chết, dù họ có nhận ra hay không lại là vấn đề khác.
Sự rèn luyện trước trong tiến-trình lúc sống là then chốt cho mọi thực-hành sau này, sự rèn luyện trong tiến-trình chuyển-tiếp của giấc mộng. Thanh-tịnh quang của giấc ngủ xảy ra khi chúng ta ngủ say. Nó xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi mọi hình tướng ban ngày biến mất và trước khi bất kỳ hình tướng nào của giấc-mộng khởi lên. Tương tự, thanh-tịnh quang xuất hiện trong giây lát khi chúng ta sắp thức dậy, sau khi hình tướng của trạng-thái mộng đã trôi qua và trước khi các hình tướng của trạng-thái thức xuất hiện, (là khi một số năng-lực của hình tướng ban ngày bắt đầu khởi-lên nhưng hình tướng thực-tế chưa xuất-hiện). Trong bối cảnh đó, điều này là sự nhận-biết của thanh-tịnh quang.
Những người có thể trụ trong thiền-định, thì trong giấc ngủ không mộng họ đều có khả-năng an-trụ trong sự nhận-biết của bản-tánh thanh-tịnh quang của giấc ngủ. Với người bình thường, nhiều giấc mộng xảy ra trong quá-trình của ban đêm và phát sinh bởi các khuynh hướng ngủ ngầm, hoặc do các dấu vết của tâm-thức. Các điều này xuất phát từ sự kích-hoạt của ba-độc, lần lượt từ việc thiếu nhận biết của hai loại không đồng nhất. Dù là giấc mộng tốt hay xấu, chúng đều không có thực-chất hoặc không thực-tại, ta không nên quan tâm dính chấp vào chúng.
Nếu như có phản ứng tước sự sung-sướng hay phẫn-nộ, thì điều này là do sự bám-chấp, và đó chính là những gì kéo dài mãi mãi sự hiện-hữu của chính ta trong luân-hồi. Sự bắt buộc của nó khiến thực hành tâm-linh của chúng ta hoạt động như một đối trị với ba-độc, chỉ như vậy mới có lợi ích. Nếu không áp dụng những phương pháp này như là phương thuốc chữa trị phiền-não của tâm-thức, thì dù học hàng trăm bộ giáo lý của đạo Phật cũng chẳng có lợi ích. Có bao nhiêu vô số hóa-thân của chư Phật đã từng xuất hiện? Mà chúng ta vẫn còn ở đây, vẫn còn trong ảo-tưởng, vẫn bị đau-khổ vì phiền-não của mình, do không áp dụng giáo-lý vào thực-hành một cách hiệu quả. Sự thật là chúng ta vẫn đau-khổ, vẫn là chủ-thể cho các độc của tâm-thức giới hạn. Nếu ta nhận ra sự trong-sáng và rỗng-không vào lúc đó, ấy là sựthoát khỏi trí-năng nên được gọi là “sự nhận ra thanh tịnh quang”. Điều đó tương tự với sự tan hòa của ý-thức vào thanh-tịnh quang, đây cũng là sự rèn luyện cho trạng-thái trung-gian giữa cái chết và tái-sanh.
Khi đi vào trạng thái bất-sinh và không có hồi-ức, chúng ta đừng nhớ lại bất cứ điều gì và không tư-duy về bất cứ loại nào. Sự rèn luyện nhận biết thanh-tịnh quang trong tiến-trình ngủ là một chuẩn-bị để có thể nhận ra thanh-tịnh quang trong tiến trình cận-tử. Hãy rèn luyện điều đó lặp lại nhiều lần. Thậm chí sau khi dòng tư-tưởng đã ngừng và ta đã ngủ, bản-tánh của thanh-tịnh quang là hiện tượng trong-sáng, rỗng-không của trạng thái mộng, giống như ở giữa hư không, sự trong-sáng vẫn tồn tại không che đậy, không đối-tượng. Khi chúng ta sắp thức dậy, nó tiếp tục chuyển thành samadhi (định). Cái thấy thanh-tịnh quang bao gồm cái thấy hình-tướng hiện-diện như thể ta đang nhận-thức chúng và những thứ khác đều được thấy rõ ràng. Ta có thể nghĩ mình chưa ngủ và sẽ thấy rõ ràng như còn thức. Nếu điều đó được hợp-nhất với thanh-tịnh quang của nhận-biết thì đây là điều tốt và ta sẽ chắc-chắn đạt giải-thoát trong tiến-trình chuyển-tiếp.
Trong thực hành này, sự nhận-biết xuất ra ngoài thân chúng ta, và khi nhìn xuống sẽ thấy thân ta, phòng của ta, và môi-trường chung quanh một cách sống-động như thể thấy vào lúc ban ngày. Kinh-nghiệm này xảy ra trong lúc ngủ, tương tự với kinh-nghiệm trong tiến-trình chuyển tiếp sau cái chết, trong đó ý-thức rời khỏi thân và có thể nhận-thức môi trường chung quanh. Trong thực hành ban đêm này chúng ta có thể thấy toàn bộ môi-trường rất rõ-ràng nên rất dễ nghĩ rằng ta hoàn toàn chưa ngủ.
Thực hành chính của thiền-định là không có dao-động, để tâm được “ổn-định, trong-sáng và bình-thản”. Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể đã vượt lên sự phân-biệt giữa thiền-định và không thiền-định, vì nó là sự-thật. Về sự tiến bộ này, trước tiên hãy kiểm-soát tâm để ta có thể có được kinh-nghiệm đích thực trong lúc thực-hành thiền-định. Nếu có thể thiết lập một nền-tảng ở đây, ta có thể có khả-năng đem kinh-nghiệm này vào trạng-thái “hậu thiền-định”. Nếu có thể duy trì trạng thái hậu thiền-định này trong và sau nghi thức thiền-định suốt ngày thì điều này lần lượt sẽ giúp ta chuyển-hóa đời sống vào trạng thái thiền-định. Nếu có được một số nhận biết, điều này sẽ giúp chúng ta kéo dài việc thực-hành ngay cả khi đối mặt với những vấn đề nghịch cảnh và chướng ngại nghiêm trọng. Có một luận-thư trình bày: “Khi thiền-định, là hoàn toàn không thiền-định về bất cứ cái gì, vì trong bản-tánh tuyệt-đối của thực-tại, chẳng có gì để thiền-định trên đó”. Đối tượng của thiền-định là mọi hiện tượng chỉ như chúng đang-là. Không có bất cứ cách đặt sự nhận-biết vào bất kỳ chỗ nào, hãy để nó trong trạng-thái của chính-nó, không biến-đổi, đó là thiền-định. Đừng áp đặt tâm vào bất cứ thứ gì và cũng đừng thiền-định. Đừng biến đổi thân, khẩu, ý của mình mà hãy buông-lỏng chúng.
Mỗi một niệm-tưởng đều tự tan hòa vào trạng-thái của giải-thoát tự-nhiên. Hãy giải-thoát mỗi niệm-tưởng ngang bằng nhau trong trạng thái của “không bám-chấp”. Ngoài ra, đặc tính tự-nhiên của niệm-tưởng là “an-trụ bổn-nguyên trong giải-thoát tự-nhiên”. Khi một niệm xuất hiện trước như sân-hận, và sau đó xuất hiện như lòng bi, cái sân-hận trước đó chẳng đi bất cứ đâu, nó tự giải-thoát vào sự giải-thoát tự-nhiên, không giải-thoát bởi bất kỳ ai. Sự thù hận chưa từng tồn-tại, bất di bất dịch, sự sinh ra thù hận là sự tự-hiện và là hình-tướng tự-nhiên của năng-lực sáng-tạo của trí-tuệ bổn-nguyên. Trong lúc đó, sự thù-hận này không có chỗ trụ. Nếu như mọi thù ghét đều xuất hiện từ thời vô-thủy cho đến nay, chúng đã được bàn bạc và đo lường, điều này không thể có. Bản tánh của sự thù-ghét là bất-sinh và không có vị trí, nên dù khởi lên nó vẫn chưa từng được đặt nền-tảng trong thực-tại.
Thêm vào đó, sự thù ghét xuất hiện ngày hôm qua rồi hôm nay ở đâu? Sự thù ghét đến từ hôm nay, ngày mai nó sẽ hiện hữu ở đâu? Sự thù ghét ở đâu mà xuất hiện ở hôm nay, ngay bây giờ? Khi tình thương phát sinh thì thù ghét đi đâu? Tất cả chúng đều xuất hiện từ năng-lực sáng-tạo của trí-tuệ bổn-nguyên, do tự-hiện nên chúng là không có thêm bớt ngay cả nếu chúng bị loại bỏ. Chúng giải-thoát tự–nhiên ngay trong đặc-tính của chính chúng, nên chúng không bị hủy-hoại hay giải-thoát bởi các đối-trị khác. Nhìn một cách không che đậy, sự thù-ghét là hiện-diện bổn-nguyên như sự tự giải-thoát trong chính trạng-thái của nó. Ngay bây giờ không có nền-tảng thêm vào của giải-thoát; bằng việc nhận-dạng thù-ghét như là trí-tuệ bổn nguyên tự hiện và nhờ chuyển-hóa tự thân thù ghét vào con đường của thiền-định thực tế. Thì mọi hình tướng xuất hiện đều là thiền-định. Do đó, không cần tìm kiếm ở đâu khác để thiền-định, mọi vướng mắc của tâm-thức bám chấp xảy ra trong thiền-định sẽ sáng tỏ ngay nơi chúng bị vướng mắc.
Như vậy, sự thù ghét chắc chắn là bất-sinh và nó sẽ tự giải-thoát, chúng ta phải biết rằng bất cứ dấu hiệu tinh-thần nào khởi lên bao gồm tám vạn bốn ngàn phiền-não tinh-thần, tất cả chúng đều bất-sinh và tự giải-thoát. Do đó, không có quan điểm loại bỏ niệm-tưởng và trau-dồi tính phi khái-niệm. Nếu biết rằng một giọt nước thì ướt, ta sẽ biết rằng tất cả nước đều ướt. Tương tự, nhờ biết “niệm-tưởng là bất sinh và tự giải thoát”, ta biết được rằng mọi niệm-tưởng đều là “bất sinh và tự giải thoát”. Vì đặc-tính của nó được bộc lộ như sự tự giải-thoát nên nó được gọi là “xây dựng tự tin trên nền-tảng của tự giải-thoát”.
Vì bám chấp theo niệm-tưởng, chúng ta lang thang trong chu trình sinh-tử và chẳng có cơ-hội giải-thoát. Bây giờ, ta đã biết được vấn đề với loại giải-thoát tự nhiên, những gì ta cần phải làm bây giờ là “vô hiệu hóa về sự bám chấp của tâm-thức”. Bất cứ những gì xuất hiện hãy để chúng tự mất đi. Đừng đặt nó thành vấn-đề; hãy để sự nhận-biết của mình một cách bình-đẳng, tự-nhiên. Đặc tính của tất cả mọi chúng sanh đều là tự giải-thoát, nhưng do không nhận ra chúng là tự giải-thoát. Họ luôn bị trói buộc bởi vì không biết buông-bỏ các bám-chấp, nên vẫn còn lang thang mãi trong chu trình sinh-tử. Trong lúc lang thang họ chưa từng tách khỏi bốn con đường giải thoát lớn. Việc họ tách rời khỏi con đường này là điều không thể, và chúng cũng sẽ không như vậy.
Do vì bám chấp nên họ là chủ-thể của nhầm lẫn và phải tiếp tục kinh-nghiệm khổ-đau. Ngay cả khi chịu đau-khổ của địa ngục Avici (A-tỳ Vô-gián), họ chịu đựng mà không nhận biết rằng đặc-tính của họ vẫn tồn tại trong giải-thoát. Nếu biết được đặc tính của niệm-tưởng là đau-khổ thì họ sẽ chẳng bị bất kỳ đau-khổ nào nữa. Đối với người bị ba loại vô-minh che ám, do họ không biết cách thức giải-thoát chúng. Dù tiếp nhận giáo lý nào, thì điều quan trọng nhất là áp dụng giáo-lý ấy vào thực hành. Nhưng hãy nhớ rằng rất khó thoát khỏi “tám mối quan tâm thế gian” và mọi dấu vết của sự tự cho mình là trung-tâm (chấp-ngã).
Tánh-giác (sự nhận-biết) của chúng ta – do thoát khỏi mọi khái-niệm hóa, nó là giải-thoát bổn nguyên, nên không cần có nền tảng gì thêm vào. Vì nó tự giải-thoát nên không cần sự giải độc. Vì nó giải thoát lập tức, hãy để nó trong trạng thái của riêng nó, nó sẽ biến mất ngay nơi nó được thấy. Vì nó hoàn toàn giải-thoát, nên không cần thiết phải có nỗ lực. Sự giải-thoát bổn nguyên có ý nghĩa là: chẳng có gì đặc biệt để làm và không có gì cần thay đổi; vì sự nhận-biết nó giống như mặt trời hiện-diện từ ban sơ, ngay cả dù nó có thể bị mây tạm thời che phủ. Vì sự nhận-biết tự giải-thoát nên không cần giải độc khác (như thiền định). Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta vẫn còn đang trên con-đường, những kỹ thuật thiền-định là cần thiết; nói một cách thực tế, chúng ta cần phải sử dụng những phương pháp của chúng.
Về mặt giải-thoát tự nhiên của sự nhận biết, nó sẽ tự biến mất ngay nơi nó được thấy hay đúng hơn là ngay lúc “nhận ra bản-tánh của nhận-biết” – mọi bất tịnh và che ám biến mất lập tức. Điều này tương tự như thấy “sợi dây mà tưởng là con rắn”. Ngay khi chúng ta thấy-biết nó thực sự là một sợi dây, toàn bộ hình tướng cũng như mọi liên-tưởng, mọi vấn đề về con rắn lập tức biến mất. Vì thế, không cần gì tác động vào tâm để làm mất tác-dụng những bất tịnh và để làm nó biến mất. Chẳng có điều gì làm chúng biến mất hay bất cứ thứ gì ngăn cản chúng khỏi biến mất. Sự nhận-biết là hoàn toàn giải-thoát, vì sự giải-thoát tuyệt đối của nó về mặt bên trong và bên ngoài và về mặt ba thời – quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó không cần nỗ lực sử dụng thân, khẩu và ý để giải-thoát nó.
Ý-thức của chúng ta vốn là “ý-thức rỗng không”, vì nó không có bất cứ loại thực-chất, bản-chất hay cốt-tủy nào. Mọi hình tướng được biểu lộ là “sáng-tạo” của sự nhận-biết, hay đúng hơn là chúng xuất hiện để trợ giúp cho sự nhận-biết. Điều này giống như mối tương quan giữa bùn và hoa. Bùn không cản trở hoa mà đúng hơn là giúp hoa nở. Trong cách kinh-nghiệm này, thì bất cứ hành động nào của thân, khi chúng ta thực hiện nhưng ý thức của sự nhận biết cũng không có chuyển đổi, điều này có thể hiểu như dưới dạng đại dương. Ngay cả dù mặt biển chuyển động thành sóng nhưng dưới đáy sâu lại không có chuyển động. Hành động của thân giống như sóng trên mặt biển trong khi bản-tánh của nhận-biết giống như dưới đáy biển sâu.
Hãy quán sát đặc tính hiện diện của sự-vật. Các hình tướng này không thay đổi vẻ ngoài hoặc màu sắc của chúng, bất cứ hạnh-phúc hay đau-khổ nào đang diễn trong đời sống, nhưng trong thực-tại chẳng có thay đổi ! Dĩ nhiên, trên bình-diện quy ước hay tương đối, có sự hoan-hỷ, phiền-muộn và nhiều thay đổi; nhưng bản-tánh tuyệt-đối của nhận-biết vượt lên tất cả sự thay đổi ấy. Các hoạt-động đều xuất hiện tự-nhiên, chúng tự-hiện. Cho nên, hãy để mặc chúng trong bản-chất của chúng, không cần nỗ lực. Mọi sự đều tự-hiện và tự giải-thoát trong chính trạng thái của chúng. Hãy biết rằng bất cứ những gì xuất-hiện đều là bản-tánh của “tự thân thực-tại”, tách khỏi điều đó thì chẳng có thiền-định nào để thực hành. Bất cứ những gì xuất hiện đều thoát ngoài khỏi sự trói-buộc và giải-thoát.
Sự giải-thoát tự nhiên này là một sự thật, để thành-tựu không cần thiền-định. Giáo lý này là của chúng ta, do vì kẹt trong “tám mối quan tâm thế gian” và chỉ hiểu-biết một cách khái-niệm về giáo-pháp. Cho nên, giáo lý về “sự giải-thoát tự nhiên” này là rất quan trọng.
Tất cả chúng ta chắc chắn rồi sẽ chết và cái chết sẽ tách rời chúng ta khỏi mọi thứ mà chúng ta nhận dạng: thân thể, của cải v.v… Do đó việc buông-bỏ mọi bám luyến ngay bấy giờ là có lợi, buông-bỏ hoàn toàn thân thể, tài sản và mọi thứ khác để có cảm-giác chúng chẳng có gì thuộc về ta. Không cần tiên-liệu trước bất cứ phần thưởng nào, hãy dâng cúng mà không có bất cứ điều kiện nào và cũng chẳng có ai tiếp nhận sự dâng cúng này. Mục tiêu của sự dâng cúng là cách giải-thoát mọi bám-chấp vào mọi thứ mà chúng ta nhận dạng. Sự bám-chấp này như là hình ảnh thần chết được mô tả với miệng há rộng, nhe nanh, hai bàn tay ôm chặt sinh-tử luân-hồi. Việc có vị thần chết thực sự hiện hữu hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng việc bám-chấp thực sự được mô tả rỏ với miệng mở rộng và hai bàn tay giữ chặt ba cõi dục-giới, sắc-giới và vô sắc-giới.
Điểm trọng yếu ở đây là không có một khoảnh khắc bám luyến nào, vì bám luyến là các nguyên tố đầu tiên làm kéo dài mãi mãi những gì đang xảy ra của chúng ta trong chu-trình luân-hồi. Không chỉ tự thân sự bám-luyến làm bất lợi, mà chính nó cũng đã châm mồi cho thù-hận. Chẳng hạn, khi gần chết nếu thấy người mà ta ghét sử-dụng của cải của mình, ta có thể thấy tức giận và thất vọng vì chẳng thể làm được gì, chính điều đó dẫn đến thù hận. Chết với trạng thái tâm-thức thù hận là rất có hại, nên điều quan trọng là phải thoát khỏi bám-luyến và thù-hận. Tối thiểu vào lúc chết hãy buông-xả, thậm chí nếu không thể hoàn toàn trừ tiệt bám-luyến trước đó. Ít nhất hãy tạm thời thoát khỏi nó trong tiến-trình cận-tử._

Trích GIẢI-THOÁT TỰ NHIÊN
Tác giả: Gyatrul Rinpoche 

Dịch giả: B. Alan Wallace