Trước hết, điều quan trọng phải nhận thức là, chúng ta đều phải kính trọng các hình tượng. Ví dụ, các công dân trong nước đều phải kính trọng lá quốc kỳ của họ, mặc dù lá quốc kỳ đó chỉ là một miếng vải. Tại sao ta lại phải kính trọng một miếng vải? Tuy rằng lá quốc kỳ chỉ là một miếng vải, nhưng nó biểu hiện cho điều gì hơn như thế. Nó là biểu tượng của quốc gia, là niềm hãnh diện của chúng ta với đất nước.
Những người theo đạo Thiên Chúa tôn kính cây thánh giá. Tuy nhiên, cây thánh giá chỉ là một vật làm bằng gỗ hay kim loại. Như vậy có phải là những người theo Thiên Chúa Giáo không nên tôn kính thánh giá đó chăng? Sự tôn kính những biểu tượng hoặc hình tượng tuyệt đối không có gì là sai cả, miễn là chúng ta hiểu được những biểu tượng hay hình tượng này tượng trưng cho cái gì.
Một miếng vải có thể được may thành một cái mũ để đội trên đầu. Cũng miếng vải đó có thể được làm thành một đôi dép để đi trên chân. Một miếng vải tự nó cũng chỉ là miếng vải, nhưng ta nhìn nó một cách khác sau khi nó đã có hình dạng của một sản phẩm nào đó. Ta thường giữ một tấm giấy có in hình cha mẹ trong một nơi nào đó an toàn. Cũng miếng giấy đó nếu có nét nghệch ngoạc viết lên thì có thể bị ném ngay không chút thương tiếc. Cũng vậy, một tấm kim loại được đúc thành tượng Phật phải được để ở một nơi sạch sẽ, thích hợp. Cũng tấm kim loại đó, nếu được đúc thành một món đồ chơi, có thể bị đá văng hay ném lung tung không một chút ngần ngại. Một bức tượng Phật có thể làm bằng gỗ, bằng đá, hay kim loại, nhưng trong tâm ta bức tượng ấy biểu hiện cho sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Khi chúng ta đảnh lễ những hình tượng thiêng liêng của Đức Phật, ta không đảnh lễ những tấm gỗ, đá hoặc kim loại làm nên những bức tượng này, mà chính là ta đảnh lễ Đức Phật.
Điều trọng yếu là chúng ta phải biết vì sao chúng ta làm một việc gì đó. Khi chúng ta đảnh lễ tượng Phật, ta phải tập trung tư tưởng vào Đức Phật và trừ đi những ngọn lửa si mê trong tâm. Ta phải có sự thành kính và chân thật. Khi chúng ta thờ kính hình tượng Phật theo đúng cách, bất kỳ hình ảnh nào của Phật cũng có thể làm cho lòng tin của ta được tăng thêm và cho trái tim ta rung động. Một ngạn ngữ Trung Hoa nói rằng, “Khi có sự thành tâm và tập trung nhất mực, ngay cả đá hay vàng cũng phải nứt ra,” ngụ ý là, nếu chúng ta lễ Phật với lòng thành kính, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Đức Phật...
***
Thân thật vô tướng của Phật
Thân thật của Phật là thân vô tướng.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy hình tượng Đức Phật ở khắp nơi. Dù cho Đức Phật đã nhập Niết Bàn từ hơn 2500 năm trước đây, ngài vẫn hiện diện trong cõi thế này. Nhưng cái gì là thân thật của Đức Phật?
Tướng thật của Phật gọi là Pháp Thân. Pháp thân là tinh tuý thực sự của Phật, không có hình tướng. Ngay cả các vị bồ tát đã đạt đến cửu địa cũng không thể thấy Pháp thân của Phật, thế thì làm sao chúng ta, những người còn mờ mịt trong vô minh, còn thấy gì được? Pháp thân là không có hình thể, không có tướng, không đến cũng không đi, không có khởi đầu, không có chấm dứt. Với những đặc điểm như vậy, làm sao ta thấy Pháp thân của Phật được?
Nhưng trong kinh nói: “Bớt được một chút vô minh, là cảm nghiệm được một chút Pháp thân.” Như thế, ta có thể thấy rằng Pháp thân không phải là điều gì có thể thấy qua vật chất được, vì Pháp thân là có liên hệ trực tiếp đến sự giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng, “Pháp tánh vốn không rỗng, tịch lặng; không thể đắc được, cũng không thể thấy được. Sự không rỗng của Pháp tánh là trạng thái của Phật, đó không phải là điều có thể đo lường được. Pháp thân là vượt ra ngoài ngôn ngữ luận bàn, không thể đo lường được. Có câu nói rằng, “Nếu ai muốn chứng được trạng thái của Phật, tâm người ấy phải trong suốt như không khí vậy.”
Pháp thân là thân của tánh không, không có hình thể, không có tướng mạo, mặc dù không ai thấy hay diễn tả được. Tuy không có hình thể, nhưng hình thể nào cũng có nó, và tuy không có tướng mạo, nhưng tướng mạo nào cũng có nó. Pháp thân hiện diện khắp nơi, vì nó thấm thấu cả trong vũ trụ.
Có một lần, hòa thượng Taiyuan Fu ở Dương Châu đang giảng kinh Đại Bát Niết Bàn. Khi ông cố giải thích bản chất của Pháp thân, một thiền sư đang ngồi trong đại chúng không nhịn được cười. Sau buổi thuyết pháp, hòa thượng Taiyuan Fu đến gặp vị thiền sư, khiêm cung hỏi rằng: “Xin đại sư chỉ dẫn, hồi nãy khi bàn về Pháp thân tôi có nói gì sai không?”
Thiền sư trả lời, “Nếu ông thật sự muốn biết về Pháp thân, tôi khuyên ông nên ngưng giảng pháp trong ba ngày, dốc hết thì giờ để lo tu thiền định. Ông phải tự mình chứng nghiệm Pháp thân, xem đó là cái gì?”
Theo lời khuyên của thiền sư, hòa thượng Fu lập tức đình lại việc giảng Pháp trong ba ngày, và nhập thất dốc lòng ngồi thiền quán Pháp thân. Sau ba ngày, ông đã đạt được sự chứng nghiệm. Quá vui mừng, ông đã tả lại với vị thiền sư qua bài kệ sau:
Pháp thân thật, như hư không
Xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai
Trải rộng tất cả các phương trời
Bao trùm cả âm dương bát quái
Hòa nhịp với mọi nhân duyên,
Và hiển thị trong các kinh nghiệm, ở khắp nơi.
Từ câu chuyện này, ta thấy Pháp thân không phải là điều gì có thể hiểu được qua sự tìm cầu nơi hình tướng. Đó không phải là điều gì có thể giải thích được bằng lời nói. Thân vật chất của Đức Phật được vẽ tạc lại cho tất cả chúng ta đều thấy được, nhưng Pháp thân Phật không thể thấy hay nghe được. Cách duy nhất để biết được Pháp thân Phật, thân thật sự của Phật, là qua tâm trí của chúng ta.
Diệu Huyền dịch
(trích từ quyển Seeing Buddha của Đại sư Tinh Vân)
Theo: http://www.ngocbao.org