Bát Chánh Đạo: Giáo lý cao siêu của Đức Phật

Giáo lý về Bát Chánh Đạo của Đức Phật thường được xem như là một giáo lý sơ đẳng và căn bản - điều thường được dạy ở các lớp giáo lý chủ nhật hay trong các lớp sơ cấp ở đại học. Trong bài này tôi khẳng định rằng Bát Chánh Đạo thực ra là một giáo lý cao siêu và toàn hảo, một giáo lý mà các người học thiền cần phải học hỏi cho thật thông suốt. Tôi đã học theo môn phái Thiền, trong đó sự tu tập đặt trọng tâm vào vấn đề thiền định, và lần đầu tiên khi đến học tại một trung tâm Thiền, tôi được dạy cách ngồi thiền và những nghi thức liên hệ đến thiền, ngoài ra ít có điều gì khác. Đạo Nguyên, vị Tổ sư trong thế kỷ 12 đã khai sáng môn phái Thiền tôi đang theo, đã dạy các đệ tử chỉ tọa thiền (zazen) và buông bỏ hết những gì khác – như giới luật, kinh điển, tụng niệm v.v… tất cả chỉ chuyên tâm vào việc tọa thiền mà thôi.
Pháp tu này có lẽ chỉ thích hợp ở Nhật Bản trong thời của Đạo Nguyên, nơi mọi người đều thấm nhuần giáo lý và truyền thống đạo Phật từ trứng nước, nhưng ở bên trời Tây này, đạo Phật vẫn còn mới mẻ, và có lẽ sẽ còn như vậy trong một thời gian nữa, chúng ta không nên vội vã đốt cháy giai đoạn như vậy. Giáo lý Đức Phật không chỉ là một mớ kỹ thuật về thiền tập hay một phương pháp gì để chuyển hóa nội tâm, mà là cả một lối sống tỉnh giác toàn bộ. Ngài gọi lối sống này là “marga”, hay “đạo”- con đường, và kiên nhẫn đề cập đến những phương diện và phẩm giá khác nhau của con đường này trong tất cả những bài kinh của ngài. Thiền chắc chắn là một bộ môn Đức Phật đã dạy (có trong Bát Chánh Đạo), nhưng cũng còn có nhiều điều khác nữa.
Sở dĩ tôi gọi Bát Chánh Đạo là một giáo lý cao siêu là vì, tuy những phần trong giáo lý này có vẻ như đơn giản, dễ dạy và dễ hiểu, nhưng thể nhập và ứng dụng được cũng phải mất đến cả một đời. Sư phụ Shunryu Suzuki của tôi nói rằng, tuy giác ngộ không phải là không quan trọng, nhưng cách tu sâu xa nhất vẫn là sự phát triển tư cách của mình, và đó là việc của cả một đời, không bao giờ chấm dứt. Tư cách có nghĩa là hạng người của bạn là thế nào, và phẩm cách của bạn là thế nào trong sự giao tiếp với người khác và với cả một thế giới sống chung quanh. Giác ngộ không có mấy giá trị thực tế nếu xa lìa tư cách của một người. Bát Chánh Đạo có thể được xem như bản chỉ đường hay bản hướng dẫn cho sự phát huy tư cách của mình trong ánh sáng giác ngộ, và mỗi một phần trong Bát Chánh Đạo đều quan trọng như nhau, không được bỏ qua phần nào cả.
Bát Chánh Đạo thường được diễn dịch như một chuỗi những điều “chánh”: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Đối với tôi dùng chữ (“chánh”) này có vẻ hơi kẻ cả, có tính cách phán xét, và hơi ngạo mạn nữa, nhất là khi so sánh với các tôn giáo khác. Tôi muốn gọi cách khác như là: Phật kiến, Phật tư duy v.v… Một cách khác nữa là có thể dùng chữ “giác”: giác kiến, giác tư duy v.v… Chữ “samma” trong Sanskrit - thường được dịch là “chánh” – có nghĩa là đúng hay thích hợp; không có nghĩa là phải đối với trái. Trong Thiền môn có câu chuyện như sau: “Tăng hỏi thiền sư Vân Môn: “Công việc một đời của Phật là gì?” Vân Môn trả lời: “Ứng biến thích hợp”. Vân Môn có lẽ nói đến tư cách của một người giác ngộ - đó là công việc của cả một đời người. Người có trí tuệ ứng biến thích hợp với mọi tình huống trong ánh sáng giác ngộ. Đó là công việc một đời của Phật, và cũng là của chúng ta.
Thật lạ lùng là pháp tu Thiền đã hấp dẫn rất nhiều sự chú ý và trí tưởng tượng của phương Tây trong sự tìm hiểu khám phá đạo Phật. Trong hầu hết lịch sử của đạo Phật, pháp tu Thiền dường như chỉ dành đặc quyền cho các vị tăng ni xuất gia sống kham khổ khép kín trong khuôn viên với những giới luật nghiêm túc. Các cư sĩ ở ngoài thường không có thì giờ để tu thiền; họ còn phải chật vật chạy lo sinh kế cho đời sống. Nhưng hiện giờ mọi sự đã đổi khác, ở bên trời phương Tây giầu có này nam hay nữ đều có dư giả thì giờ học hỏi khám phá kho báu của Thiền mà không cần phải buông bỏ những công việc thế gian của họ. Đó là điều tốt, tuy nhiên, sự theo đuổi pháp tu Thiền tách rời khỏi bẩy pháp còn lại của Bát Chánh Đạo sẽ có thể tạo ra một tư cách mất quân bình - một con người có thể sâu sắc trong nội tâm nhưng lại nông cạn trong những lãnh vực khác, như là đạo đức hạnh kiểm và lòng từ tâm.
Tôi có kinh nghiệm cá nhân là đã trải qua mười lăm năm đầu trong cuộc đời trưởng thành như một người xuất gia trong thiền viện, sống cách biệt với thế giới bên ngoài, mặc áo tu và cạo trọc đầu. Nhưng rồi tới một lúc nào đó linh tính của tôi đã nổi loạn. Tôi cảm thấy rằng tôi đã mất một sự quân bình căn bản nào đó, hay một nền tảng cần thiết nào đó để có thể hiểu biết và khế hợp được giữa “lý” và “sự”. Tôi nhớ đã tự hỏi lòng rằng: “Không biết điều gì đã xẩy đến cho Lew ngày xưa nhỉ? Tôi tự hỏi, không biết hắn sẽ ra sao nếu tôi rời bỏ cuộc sống xuất thế này, tìm một việc làm, và sống trở lại như một con người bình thường?”
Thế rồi tôi đã làm điều đó. Giờ đây nhìn lại, tôi nghĩ rằng linh tính đã khiến tôi đi tìm những pháp còn lại của Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến một tư cách quân bình, quảng đại và một sự ứng phó cởi mở với những xao động và khó khăn của cuộc sống bình thường. Khi còn trẻ tôi đã muốn được giác ngộ, được chuyển hóa hoàn toàn. Giờ lớn tuổi rồi, tôi sẽ bằng lòng nếu có thể là một con người chân thật, và giúp người khác cũng sống được như vậy.

Lewis Richmond 
(The Buddha's Eightfold Path: An Advanced Teaching )

Diệu Huyền dịch