Pháp môn nào đưa đến con đường giải thoát

...Muốn thoát khỏi cảnh khổ của sáu nẻo luân hồi, phải noi theo con đường trực chỉ thành Phật. Con đường này chẳng gì khác hơn là thấu hiểu bản tâm của mình...(Thiền sư Bassui)
.. Bắt đầu từ thận trọng, chú tâm, quan sát lại mọi diễn biến của thân, thọ, tâm, pháp. Đầu tiên cứ quan sát thân trong mọi hoạt động đời sống hành ngày với tâm trầm tĩnh sáng suốt tự nhiên, dần dần sẽ phát hiện ra tính chất thực của thân, rồi đến thọ, đến tâm, đến pháp...(Thiền Sư Viên Minh)



Con muốn tu theo thiền tứ niệm xứ vậy phải bắt đầu từ pháp môn nào để học và đi được vững chắc trên con đường giải thoát?
Con xin thành kính tri ân sư.
Trả lời:

Bắt đầu từ thận trọng, chú tâm, quan sát lại mọi diễn biến của thân, thọ, tâm, pháp. Đầu tiên cứ quan sát thân trong mọi hoạt động đời sống hành ngày với tâm trầm tĩnh sáng suốt tự nhiên, dần dần sẽ phát hiện ra tính chất thực của thân, rồi đến thọ, đến tâm, đến pháp. Cứ vậy, mỗi ngày sẽ phát hiện ra những sự thật rất đơn giản ngay đó mà xưa nay không thấy... nhờ vậy trí tuệ được khai mở, đó chính là thiền tứ niệm xứ. Đừng tìm biết quá nhiều mà không biết bản thân mình đang như thế nào.

Theo hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông


QUÁN XÉT BẢN TÂM

Muốn thoát khỏi cảnh khổ của sáu nẻo luân hồi, phải noi theo con đường trực chỉ thành Phật. Con đường này chẳng gì khác hơn là thấu hiểu bản tâm của mình. Vậy, tâm ấy là gì? Đó là chân tính của chúng sinh vốn có trước khi cha mẹ ta ra đời, do đó, có trước khi chúng ta sinh ra, và luôn luôn hiện diện, không hề thay đổi, không hề mất đi. Nên mới gọi đó là “bản lai diện mục”
– bộ mặt vốn có xưa nay. Tâm ấy vốn thanh tịnh (trong sạch). Khi chúng ta ra đời thì không phải nó mới nẩy sinh và khi chúng ta chết đi, nó cũng chẳng hề hoại diệt. Nó chẳng phân biệt nam hay nữ và chẳng nhuốm màu thiện hay ác. Không thể so sánh nó với bất cứ cái gì, bởi đó là Phật tính. Tuy nhiên, từ tự tính (tính vốn có tự nhiên) này phát sinh vô vàn ý tưởng như sóng nổi trên biển hoặc như ảnh chiếu trong gương.
Muốn thấu hiểu bản tâm, trước hết phải nhìn vào cội nguồn từ đó tuôn ra các ý tưởng. Trong lúc đi ngủ hay làm việc, đang đứng hay ngồi, đầu óc phải luôn tự hỏi : “Bản tâm của mình là gì?”, và lòng phải cứ khát khao giải quyết vấn đề. Đây gọi là “tu hành”, “tham cầu chân lí” hoặc “khát khao giác ngộ”. Cái việc gọi là “tọa thiền” chẳng qua là nhìn vào bản tâm. Nên chăm chú quán xét bản tâm hơn là ngày nào cũng tụng niệm muôn vàn kinh kệ trong vô số năm. Cố công tụng niệm chỉ là câu nệ hình thức, tuy tạo ra công đức nào đó, nhưng công đức này sẽ mai một và phải chịu cảnh khổ của ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Vì quán xét bản tâm rốt ráo sẽ đắc ngộ, cho nên tu hành theo cách này là điều kiện tiên quyết để thành Phật. Bất kể các ngươi đã phạm vào mười điều xấu (giết chóc, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói dơ, nói lê, vu khống, tham lam, giận dữ, thấy sai) hoặc năm tội chết (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, đả kích Phật, phá Tăng già), nếu quay trở được tâm và giác ngộ, lập tức các ngươi là Phật. Nhưng chớ phạm tội rồi mong được cứu độ nhờ giác ngộ, vì chẳng có sự giác ngộ hay vị Phật, vị Tổ nào có thể thay cứu độ một người tự dối mình và xuôi theo những con đường xấu xa tội lỗi.
Thử tưởng tượng một đứa bé đang nằm ngủ cạnh cha mẹ, mơ thấy mình bị đánh đập hoặc bị bệnh đớn đau. Dù con khốn khổ đến đâu, cha mẹ cũng không giúp gì được, vì chẳng có ai có thể bước vào tâm mộng của người khác. Nếu đứa trẻ giật mình thức giấc, tự nhiên nó thoát được cảnh khổ. Cũng vậy, ai thấy được bản tâm của mình là Phật, tức khắc thoát ngay những khổ não nẩy sinh trong vòng sinh tử. Nếu Phật ngăn được sinh tử, chẳng lẽ ngài để cho một chúng sinh rơi vào địa ngục hay sao? Không tự mình giác ngộ, người ta sẽ không hiểu được những điều như vậy.
(trích “Bài thuyết pháp” của Thiền sư Bassui Tokusho, trang 29-30)