THIỀN NGỮ QUA THI CA

Thi nhân, được ví như con chim lạ từ phương xa, bay đến trần gian để ngửa cổ hát chơi, đem lời thơ biến thành điệu nhạc, đưa con người về từng bến đổ, trãi cảm xúc của mình lên từng giai điệu cung bậc, gieo rắc vào lòng người những âm hưởng khác nhau, dẫn chúng ta đến thế giới muôn màu hương sắc. Ở đó có núi sông với mây trời lãng đãng, gió mát trăng thanh soi bóng trên từng nổi thương nhớ, có gió mưa đọng lại nơi mí mắt bờ môi, hoa thơm cỏ lạ điểm tô lối đi nẽo về, có khúc hoan ca rộn ràng vang vọng theo nhịp bước, có ngang trái phủ đầy lên từng tâm cảnh. Tất cả như một bản hoà tấu vô tận lên cung bậc tử sinh, từ khởi đầu đến chung cuộc, từ nhị nguyên đến thường hằng tự tánh.
Cuối cùng từ đâu đến rồi sẽ phải trở về nơi chốn ấy, đi trong bình minh nắng ấm với hoa thơm ngập lối, hay đi trong mưa chiều rả rích với nhớ thương trĩu nặng? Đều tùy thuộc vào từng tâm thức, từng bước đi chung cuộc của mỗi chúng ta. Từ trong tận cùng tâm thức, sự rung động mãnh liệt bật dậy quyện với đôi tay phù phép, thế là lời thơ chắp cánh tung bay, thi nhân đưa ta đến thế giới sắc màu của thiên đường hy vọng, hoặc dẫn ta đến với đơn côi lạnh lẽo. Thông thường bài thơ dễ đi vào lòng người, là bài thơ đong đầy cảm xúc buồn vui, chợt đến chợt đi, nhớ thương dâng trào, ướt át tràn ngập. Một dạng tâm thức khá phức tạp phổ biến trong mỗi chúng ta, thi nhân trãi lòng, lên tiếng dùm cho đối tượng, nên ta dễ dàng cảm thông đón nhận. Vì đó là cái bản năng tâm lý thường tình đang sống và thở ở trong ta.
Cuộc đời giống như một bài thơ, với đầy đủ âm vang giai điệu, vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc khổ đau, thi nhau tung hoành ngang dọc, kéo ta mãi miết trôi lăn trong mịt mùng sinh tử. Thật ra ở một chừng mực nào đó, cuộc đời vốn mặc nhiên đến đi như vậy, nhưng do chúng ta vọng động khuấy nhiểu, khiến cho rối mù lên, không nhận ra được đâu là nguồn cội của từng vấn đề, nên cứ mãi miết lang thang lạc bước. Nếu ta biết sống trong sự vận hành tự nhiên của muôn vật, nhận ra được lẽ biến dịch của vô thường sanh diệt, với cái tâm nhẹ nhàng, không mảy may lo sợ, những gì đến cứ thế mà đến, những gì đi cứ thế mà đi, thì cuộc đời đong đầy hoa thơm cỏ lạ, một bài thơ hay cùng tuyệt trong kiếp nhân sinh. Sự có mặt của thi ca, mang đến cho ta những khoảnh khắc ý nghĩa, hạnh phúc chắp cánh lớn thêm, hay nổi đau lại càng nâng cấp. Điều quan trọng, làm sao ta mở ra được lẽ diệu huyền, đưa tâm thức của mình thâm nhập vào từng biến động, truy tìm nguyên nghĩa những gì ta đang sống và nhận lãnh.
Thiền gần với thi ca ở điểm nương vào hình ảnh để bật dậy cảm xúc, mà không đi qua trình tự suy luận của ý thức, bởi lẽ khi xử dụng đến suy luận, tức khắc ta bị đẩy qua lối mòn thông tục, trở thành nô lệ, một thứ sản phẩm mang tính chi phối cùa ý thức năng động. Đứng về khía cạnh giác ngộ thì không thể tồn tại tâm thức chỉ đơn thuần chất đầy cảm xúc, nó phải được chuyển hoá nâng cấp bằng một thứ năng lượng cao tột để châm ngòi cho giác ngộ. Khi nào tâm thức chưa hoán chuyển để được tinh tường sáng tỏ, ta vẫn là kẻ ngủ say trên lối mòn giẩy chết của tâm ý, cứ thế lặn hụp phiêu bồng với bao mộng tưởng. Thơ thiền nhằm thăng hoa tư tưởng, mở tung thực thể chôn dấu tận cùng ở bên trong, vựt dậy bản năng tuyệt vời đang khuất lấp, những mầm sống linh hiện tươi đẹp, không còn bóng dáng của não phiền ngày đêm gặm nhấm.
Thiền ngữ, công án qua thi ca được tìm thấy nơi những thiền sư có khuynh hướng về thi kệ, bằng một thứ siêu ngôn, mật ngôn, chứng ngôn của những bậc xuất trần, chuyển giao sự giác ngộ ở bên trong phơi bày ra bên ngoài. Thi ca là sự trở mình của cảm xúc, công án bằng thi ca là sự đánh động, chạm thẳng vào tâm thức, tạo thành một thứ năng lượng cho giác ngộ vụt khởi. Một sự thẩm định tột cùng, giữa con người tâm cảnh, đối tượng cảm quan, liên tục gây chấn động, khiến ta ray rức bí lối, bổng nhiên trong sát na vi diệu nào đó ta choàng mình thức tỉnh. Thông thường ta chỉ dừng lại ở cảm xúc, tìm cách trú ngụ trong ngôn từ tư tưởng, dùng ngôn ngữ để biện minh lý giải, nên ta thường mắc kẹt trong danh xưng, chết đuối trong khái niệm. Khi căn và trần đụng nhau, phát sinh ra thức, sự đáp trả của tính hiệu. Nhưng đàng sau cái khoảnh khắc đó, cái vùng khuất lấp chất đầy huyền cơ, rất ít khi ta bén mãng đến để khám phá chiêm nghiệm, vì thế sự nhận thức và tri cảm của mình chỉ dừng lại ở đó, ta sống và thở trong sự đong đưa biến hoá, mịt mùng không thật. Giống như khi ta đi du lịch, với sự sắp xếp chuẩn bị của người dẫn đường, ta chỉ thấy và nghe những điều người hướng dẫn du lịch nhắm đến. Trừ khi ta tự trang bị cho mình hành trang cùng nội lực, khám phá những điều kỳ diệu ở bên trong, bằng chính sự thâm nhập quyết lòng. Chặng đường để tìm thấy cái vùng khuất lấp, chất đầy bản lãnh tuyệt luân ấy, chắc hẳn không thể có được, một khi ta chỉ biết đeo cứng bám dính vào đối tượng, tâm thức, đắm mình trong sự ru ngũ, không chịu buông xả để được thong dong, không tự mình cởi trói, không đi qua chặng đường đào bới mãnh liệt ở nội tâm. Khi nào ta còn đứng ở bên ngoài nhìn ngắm vào bên trong, chỉ dọ dẫm không chịu xúc tác, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa. Đừng biến mình thành kẻ bàng quan thưởng ngoạn, ngắm dòng cảm xúc của kẻ khác ào ạt tuôn chảy, mà không thẩm định, tra vấn tìm lại chính mình, tìm phương vượt thoát. Nếu ta không tìm cách phóng mình vào đó để lặn hụp, với tất cả năng lực trong sự trổi dậy bắt nhịp, thì muôn kiếp ta vẫn loay hoay trên bến bờ sinh tử.
Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, vị thiền sư đầu tiên xử dụng đến hình ảnh thi ca làm thiền ngữ công án, đó là thiền sư Thiền Lão ( ? - 1037 ) ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, ngài đã từng giảng dạy ở núi Từ Sơn. Một hôm vua Lý Thái Tông vào núi thăm ngài và đây cuộc đối thoại:

Vua hỏi:
Ngài ở đây từ bao lâu rồi?
Thiền Lão trả lời:
" Sống trong giờ hiện tại
Ai hay năm tháng xưa?"
(Đản tri kim nhật nguyệt
Hà thức cựu xuân thu).

Vua hỏi tiếp:
Ngài làm gì hằng ngày ở đây?
Thiền Lão đáp:
" Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chân."
(Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân).
Vua nói: Như vậy ý chỉ là gì, xin ngài cho biết?
Thiền Lão đáp: Nói nhiều lời sợ sau này bất lợi. (Từ đa, vô hậu ích)
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 trang 175

Cuộc đối thoại giữa Thiền Lão với vua Lý Thái Tông, ở đó ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ, một sự vắng bặt của ngôn từ, ý thức như ngưng đọng lại, đâu đó chỉ có lặng yên phong tỏa, phổ cập trên từng tương tác. Hiện tại, bây giờ bùng lên thôi thúc, trực nhận ngay vào điểm không cùng để giác ngộ thức dậy. Ý niệm về thời gian do con người tạo lập, dùng thời gian để đo lường mọi thứ, ru ngủ mọi việc, khỏa lấp mọi vấn đề, xử dụng nó như một định hướng, nhưng thật ra nó liên tục tàn phá không một lời thương tiếc, bởi lẽ bản chất của nó vốn không thật, bất định. Nó vốn như vậy, nhưng tâm thức của ta không chịu để yên, luôn tìm cách quấn vào níu lại. Càng bám vào chừng nào thì càng bị nó đào thải hất hủi chừng đó, càng hy vọng bao nhiêu thì nó càng hững hờ rủ bỏ ra đi bấy nhiêu. Quá khứ ra đi thì không bao giờ trở lại, tương lai thì mịt mùng chưa biết lúc nào đến, chỉ có giây phút hiện tại nầy là đáng nói, đáng được chiêm nghiệm. Trên chặng đường sanh tử lôi kéo, ẩn chứa không biết bao biến động, từ ngút ngàn nổi trôi đến sự hủy hoại khủng khiếp của vô thường, đưa ta đến muôn ngàn lối đi đầy chông gai sóng gió, đẩy ta đến bến bờ vực thẳm, khiến ta chết dần mòn trong tứ bề cô quạnh. Cả hai dạng tâm thức, sống với quá khứ và tương lai, hy vọng và thất vọng, hạnh phúc và khổ đau, cứ nhập nhằng lẫn lộn, thì không thể tìm thấy được sự an lạc đúng nghĩa. Đứng về khía cạnh để có được sự giác ngộ, thì càng không thể chờ đợi một dịp may, một cơ hội không do chính mình nổ lực mang lại, mọi sự toan tính nào đó của tâm thức, vốn không có chổ đứng trong giác ngộ. Nếu không tìm cách đập tan, phá vỡ sự trụ bám, thì ta vẫn mãi ngược xuôi đong đếm thời gian, lang thang lạc lối trên vạn nẽo luân hồi.

Vị thiền sư thi sỹ tài ba, biện tài vô ngại, thâm đắc "ngôn ngữ tam muội" đó là thiền sư Viên Chiếu (998 - 1090) đời thứ bảy dòng thiền Vô Ngôn Thông. Trong tác phẩm Tham Đồ Hiển Quyết, ghi lại từ sách Thiền Uyển Tập Anh, thiền sư đã để laị nhiều thiền ngữ, công án bằng thi ca rất tuyệt vời. Dưới đây vài câu vấn đáp, cũng đủ để cho ta tham cứu cả một đời.

Hỏi: Phật và Thánh khác nhau chỗ nào?
Ðáp:
Cúc trùng dương dưới dậu
Oanh thục khí đầu cành
(Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh)

Hỏi: Kẻ học nhân chưa hiểu xin thầy dạy lại
Ðáp:
Ngày quạ vàng chiếu sáng
Ðêm thỏ ngọc sáng soi
(Trú tắc kim vô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh)

Hỏi: Ðã nhận được yếu chỉ
Nhưng huyền cơ ra sao?

Ðáp:
Nước đã đầy bình vạc, chân vô ý
Vấp ngã một lần hối được sao?
(Bất thận hủy bàn kinh mãn xứ
Nhất tao sa điệt hối hà chi?)



Muốn dìm cho sóng chết
Ai hay thân tự trầm
(Mạc quán giang ba nịch
Thân lai khước tự trầm)

Hỏi: Bồ Ðề Ðạt Ma ở núi Thiếu Thất hành đạo đạt đến chỗ huyền diệu sâu thẳm: từ xưa đến nay ai là kẻ thừa kế xứng đáng nhất?

Ðáp:
Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt
Ðất hiểm phân ranh có núi sông
(U minh càn tượng nhân ô, thố
Khuất khúc khôn duy vị nhạc, hoài)

Hỏi: Thế nào là con đường đưa đến căn nguyên của đại đạo?

Ðáp:
Cỏ mạnh đứng bờ cao gió dữ
Nước nhà thời loạn biết trung lương

Hỏi: Tất cả mọi chúng sinh từ đâu tới và sẽ đi về đâu.

Ðáp:
Rùa mù xuyên vách đá
Rùa què leo núi cao
(Manh quy xuyên thạch bích
Bì miết thướng cao sơn)

Hỏi: Người ta nói: khóm trúc xanh xanh kia là chân như. Vậy công dụng của chân như là gì?

Ðáp:
Ðưa người xa ngàn dặm
Cười tặng một bình trà.
(Tặng quân thiên lý viễn
Tiểu bá nhất bình trà)
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 trang 176- 178

Công án đầu tiên là mẫu đối thoại giữa Bồ Đề Đạt Ma với vua Lương Võ Đế. " Quách nhiên vô thánh " ( Rỗng tuếch không có thánh gì hết ) trở thành một công án độc đáo trong lịch sử thiền tông, cho đến bây giờ vẫn liên tục gây chấn động trong thiền môn, đẩy tâm thức của ta bay bổng lên tận mây ngàn, không trụ bám vào đâu được, không có nơi chốn nào dung chứa, đầu óc căng ra như quả bom sắp nổ tung, không có thánh phàm giai bậc. Nó hất tung đẩy lùi sự vướng bận lầm chấp ngự trị trong ta, quật ngã tâm lý ỷ lại đợi mong, thoát ra ngoài thế giới tỷ lượng, hai cõi tử sinh mê ngộ, chỉ còn lại một thể duy nhất, vượt ra ngoài càn khôn thong dong về nơi vô tận.
Từ trên đỉnh cao ngút ngàn thâm diệu, đổ xuống nhân gian những mật ngôn, liên tục phá vở tâm thức ngăn ngại bế tắc, làm hiển lộ nên chân tính tròn đầy mà ta đã bỏ quên. Nó vốn có mặt ở đó tự bao giờ, từ với cái nhích nhẹ tay bổng hiển lộ tròn đầy, toả chiếu trên từng tương tác, linh hiện phủ vây trong từng hơi thở. Thiền kêu gọi đến phút giây sống trọn vẹn ở hiện tại, một hiện thực không bị chi phối, dẫn đưa, mời gọi nào đến từ bên ngoài, mọi nổ lực phải được hưng động, phát tiết ngay từ bây giờ, chính trong con người và tâm thức nầy. Chỉ khi nào ta nhận chân ra được tâm cảnh, biên giới, nhị nguyên, đối tượng, con người, hoà nhập với nhau thành một, kết nối những trổi dậy ở bên trong quyện với bên ngoài, tạo thành năng lực vô biên, mênh mông lan tỏa trên từng đi lại, một sự thường hằng không gì sánh kịp.
Thiền sư Trí Bảo ( ? - 1190) Trong sách Thiền Uyển Tập Anh ghi lại cuộc đời của sư như sau: Sư họ Nguyễn là cậu của thái úy Tô Hiến Thành đời Lý Anh Tông, xuất gia tu hành ở chùa Thiên Tước, ăn gạo hư, mặc áo rách, ba ngày mới nhóm lửa thổi cơm. Khi ra đường thấy kẻ nghèo hèn thì khoanh tay tránh lối, gặp người tu hành thì quỳ lạy chào. Sư chuyên tu tập thiền định, sau khi thành đạo bèn chống gậy xuống núi, từ đó đi phổ khuyến khắp nơi để lo việc sửa cầu đường, dựng chùa tháp. Có vị khách tăng đến hỏi sư:

- Sinh từ đâu tới? Tử đi về đâu?
Sư còn phân vân nghĩ ngợi, khách tăng nói:
Còn đang nghĩ ngợi
Vạn dặm mây trôi.
( Nghĩ nghi chi gian
Bạch vân vạn lý).

Sư không đáp được, vị khách tăng bèn quát:
Chùa tốt mà không có Phật! Quát xong tăng khách bỏ đi
Từ đó sư vân du tìm thầy học đạo, nghe danh thiền sư Đạo Huệ ở Tiên Du bèn đến tham vấn, sư nêu ra câu hỏi mà lúc trước vị khách tăng nọ đã hỏi sư: " Sinh từ đâu tới, tử đi về đâu? "
Thiền sư Đạo Huệ đáp:
- Sinh không từ đâu tới, tử chẳng về đâu.
Sư hỏi:
- Thế chẳng phải rơi thoát vào chổ trống không ư?
Đạo huệ đáp:
- Chân tính diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại chẳng cùng với sinh tử. Cho nên nói sinh không từ đâu tới, tử chẳng về đâu.
Sư lĩnh ngộ thưa rằng:
" Không nhờ gió cuốn mây trôi hết
Màu xanh sao tỏ một trời thu? "
(Bất nhân phong quyện phù vân tận
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu
Đạo Huệ nói:
Ngươi thấy cái gì?
Sư đáp:
" Quen biết đầy thiên hạ
Tri âm được mấy người? "
(Tương thức mãn thiên hạ
Tri âm năng kỳ nhân?)
Như một thứ âm ba vô tận, chấn động lòng người, đập vỡ tan hoang những trì trệ ứ đọng, đẩy ta bay bổng ra ngoài càn khôn, trong sự hụt hẩng khiếp đảm cùng cực, trong sát na bí lối đó khiến ta chợt tỉnh. Cái có hoà quyện với không, sanh với tử như một điệp khúc réo rắt gọi mời. Cái đẹp trọn vẹn được hiển lộ là lúc ta đẩy xô tất cả vào tận cùng, cuốn phăng hất trọn, buông xuống những đè nặng, chướng ngại, để cho bản thể diệu viên bừng dậy soi chiếu, không trụ bám vào đâu, dù đó là tử sinh hay niết bàn, mặc nhiên đến đi trong sự an tịnh, không còn bóng dáng của phiền não tử sinh. Khi nào ta còn xử dụng đến sự chỉ lối của ý thức, đưa đường của vô minh, còn chần chờ so đo tính toán, thì vẫn muôn trùng ngăn cách, vạn dặm sơn khê, mịt mờ hoang lộ, ta bị bung ngay xuống vực sâu, khó lòng leo lên được. Năng lực của thiền mở ra con mắt huệ, khiến ta thấu rõ mọi chuyển động, đưa ta từ thế giới triền phược, thong dong đi đến giải thoát, mở ra giá trị đích thực của sự sống. Một khi ta biết tận dụng tất cả năng lực nội tại, quán chiếu vào tận cùng, uống được ngụm nước đầu nguồn, ta sẽ thảnh thơi đi về muôn lối mà không lo sợ hụt hẩng.
Thiền sư Tịnh Không ( 1091 - 1170) Trong sách Thiền Uyển tập Anh ghi về sư như sau: Sư chuyên tu hạnh Đầu Đà, mỗi khi nhập định suốt mấy ngày mới dậy.
Có một thầy tăng hỏi:
Lời dạy của hoà thượng nghĩa thế nào?
Sư đáp:
Ngày ngày gặt lúa về
Quanh năm kho dụn rỗng.
( Nhật nhật khứ hoạh hòa
Thì thì không thương lẫm )
Tăng nói:
Đệ tử chưa hiểu.
Sư nói:
Sáng mãi trời trăng
Mây trôi toả bóng.
( Nhật nguyệt trường minh
Phù vân cái ấm )
Nói đoạn sư đọc bài kệ:
Kẻ trí không ngộ đạo
Ngộ đạo ấy ngu đần
Duổi chân nằm nghỉ khoẻ
Chân ngụy chẳng chi cần.
( Trí nhân vô ngộ đạo
Ngộ đạo tức ngu nhân
Thân cước cao ngọa khách
Hề thức ngụy kiêm chân ).
Có người hỏi Phật là gì? Ngài đáp:
" Nhật nguyệt trời cao soi mọi cõi
Ai hay mây khói phủ non sông."
(Nhật nguyệt lệ tam thiên hàm trân sát
Thùy tri vân tụ lạc sơn hà?)
Lại hỏi tiếp: “Làm thế nào mà hiểu?”
Sư đáp:
" Mục đồng ngủ mãi lưng trâu nọ
Câu chuyện anh hùng biết được sao? "
(Mục đồng kỳ quán ngọ ngưu bối
Sĩ hữu anh hùng khoa đắc y)

Hỏi: Ý tổ và ý Phật giống nhau, khác nhau thế nào?
Sư đáp:
Trèo non vượt biển muôn dặm đều hướng về cửa khuyết.
Tăng nói:
Trí tuệ của Hoà Thượng tật đặc sắc kỳ lạ, sao không cho các đệ tử cùng biết?
Sư đáp:
Ngươi thổi lửa, ta làm gạo, ngươi xin ăn, ta lấy bát. Ai phụ bạc ngươi?
Trong cõi mênh mang sâu thẳm, ta lầm lủi rong chơi lạc bước nẽo luân hồi, đi từ thế giới hiện thực đến phi thực, rồi từ phi thực trở về với hiện thực. Từng bước đi với nhọc nhằn trĩu nặng, ngang trái phủ vây, hay từng bước đi về an tịnh? Tâm cảnh mà ta đang trực nhận, với bao buồn vui biến động, nhưng cũng là hiện cảnh, thân thể của ta dù réo gọi bởi vô thường sinh lão bệnh tử, thì cũng vẫn là nơi chốn để ta nương vào tu tập, không o bế cũng không tàn nhẫn với chính mình. Cho dù ta phát nguyện trở lại, hay vì nghiệp lực nhân quả khiến ta có mặt, thì ta vẫn phải sống, vẫn phải cưu mang, đem hết tâm lực hoàn thành đạo nghiệp. Quá khứ, tương lai vốn bất định, tâm cảnh biến đổi hư ảo không thật, hy vọng trông chờ ở một nơi chốn khác, tốt hơn đẹp hơn, sáng lạng hơn cảnh sống của ta bây giờ, là điều không tưởng. Mong cầu có được một thân tướng đẹp hơn, tốt hơn, không khổ đau, không chi phối bởi sinh diệt, nếu không là báo thân, ứng thân thì đều huyễn tướng. Ngoài chốn nầy, nơi nầy, hiện tại nầy, phút giây nầy, thì có chổ nào chốn nào, phút giây nào, để ta thảnh thơi nhẹ bước, trong khi ta chất đầy âu lo, phiền não khổ đau bám theo quấy rối? Ngoài thân thể của tinh cha huyết mẹ, nghiệp lực dẫn dắt, ta chờ đến chừng nào để có được một hình hài khác, tốt hơn đẹp hơn, khi tuổi già sức yếu, vô thường bịnh tật thi nhau chế ngự, luôn phiên thăm viếng? Ta sống ở đây nhưng tâm thức lúc nào cũng chạy nhảy ở tận phương khác, ta nhận lãnh mọi hậu quả do mình tác tạo, nhưng lúc nào cũng ra công chối bỏ. Giây phút thắp sáng hiện hữu tìm lại con người đích thực của mình, liên tục bị ta đánh mất, thế giới mà ta đang sống và cảm nhận, luôn bị ta xô đẩy khước từ. Nhưng rồi sẽ có một ngày ta bỏ lại sau lưng tất cả, không dậy được, không mở mắt ra được, mọi thứ đều trở nên xa lạ, cảm giác trở nên rời rạc, không còn hơi sức để sống để thở, lúc ấy mặc cho số phận nghiệp quả thao túng. Ta ra sức nguyện cầu để được ban bố, ân sủng, nhưng không chịu sớt chia, nhận vào chứ không cho ra, không phát khởi lòng từ bi vô lượng. Ta đòi hỏi cái gì, điều gì, khi tâm cùng cảnh sống của ta vốn như thế, không hề thay đổi?
Thiền sư Chân Không ( 1046 - 1100) Một hôm sư nghe thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa lòng bừng tỉnh ngộ, vua Lý Nhân Tông rất kính mộ sư bèn sai sứ mời sư về Đại nội giảng kinh Pháp Hoa.
Một hôm có vị tăng hỏi:
Diệu đạo là gì?
Sư nói:
Giác rồi mới biết.
Người kia nói:
Học nhân chưa hiểu được xin thầy dạy cho.
Sư nói:
" Ðến được động tiên sâu thẳm ấy
Linh đơn đổi xác mới quay về. "
(Nhược đáo tiên gia thâm động nội
Hoàn đan hoán cốt đắc hoài quy)

Hỏi: Thế nào là linh đơn ( hoàn đan )?
Sư đáp:
" Vạn kiếp si mê không hiểu thấu
Sáng nay bừng mở nẻo khai minh. "
(Kiếp tịch ngu mông vô động hiểu
Kim thần nhất ngộ đắc khai minh)

Hỏi: Thế nào là khai minh?
Ðáp:
" Khai minh thấy hết trần gian nọ
Muôn loại sinh linh thảy một nhà. "
(Khai minh chiếu triệt ta bà giới
Nhất thiết chúng sinh cộng nhất gia)
Hỏi:
Người ta nói: “Tuy không biện luận nhưng đâu đâu cũng gặp người”. Người đây là ai?
Sư đáp:
" Lửa cháy tàn rồi, tan sạch hết
Non xanh, mây trắng vẫn còn bay."
(Kiếp hào đồng nhiên hào mạt tịnh
Thanh sơn y cựu bạch vân phi. )
Hỏi:
Sau khi chết xác thân tan rã rồi thì sao?
Ðáp:
" Xuân đi xuân đến ngờ xuân hết
Hoa nở hoa tàn cũng lại xuân. "
(Xuân lai Xuân khứ nghi xuân tận
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. )
Người kia đang suy nghĩ, sư hét một tiếng và nói:
" Bình nguyên sau trận cháy
Cây cỏ càng xanh thơm. "
(Bình nguyên kinh hỏa hậu
Thực vật các thù phương) .
Mọi biến hiện đổi thay, cháy hết tàn hết, tiêu tan hết, cũng là điều tự nhiên của vô thường, nhưng trong bản thể tuyệt cùng của chân như, giác ngộ, thì vẫn còn đó ở đó không hề vơi. Giải đất tâm một khi cày bừa thật kỷ, quét dọn thật sạch, đốt tan phiền não, đoạn diệt vô mình thì giác ngộ bùng lên soi sáng, mọi thứ trở nên tươi tốt rực rỡ. Chỉ có sự thiêu hủy đúng nghĩa mới hiển lộ nên những bí ẩn ngàn đời phong kín, hiên ngang trong từng biến hiện, một sự vươn mình trổi dậy vượt thoát ra ngoài có không, nhập thẳng vào dòng chảy bất tận, không đi qua chặng đường so đo tính toán, ru ngũ. Không có biểu tượng, dẫn chứng nào tồn tại, phải tự mình trãi nghiệm thì mới biết đó là cái gì, hương vị ra sao, Tất cả chỉ là sự kết nối của tương duyên tương hợp, trong sự vô thường biến đổi, còn có vi diệu của chân thường bất biến, nhận thức và quán chiếu được như thế, thì tâm ta sẽ được an lạc, hạnh phúc thật gần có thể với tay kéo xuống, nó có mặt ngay tại nơi đây, con người nầy chứ không đâu khác. Chỉ cần lòng từ bi chan hoà trên muôn lối, trí tuệ dâng trào thắp sáng cõi nhân sinh, thì an lạc hạnh phúc nào không ngự trị ở trong ta?
Vua Trần Thái Tông, một vị thiền sư cư sỹ lỗi lạc, ngài sáng tác ra bốn mươi ba Công Án, vô cùng độc đáo, chúng ta thử chiêm nghiệm một vài công án dưới đây:

Công án thứ 14

Nêu:
Bách Trượng nói: Thế nào là không thuyết pháp này cho ngươi?
Nam Truyền nói: Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.

Niệm:
Nghìn thánh tìm người không dấu vết
Toàn thân ẩn cõi Đại hư không.

Tụng:
Nhìn lên công án chẳng thiên lệch,
Đối diện xem xem mới rõ là.
Phật pháp chính ngôi cầu chẳng ở,
Đêm về lại trú rặng lau hoa.

Lê Hữu Nhiệm- Băng Thanh dịch
Thơ Văn Lý Trần, tập 2 Quyển Thượng, trang 140-141

Công án thứ 38

Cử:
Có vị tăng hỏi Thiền Sư Huệ Tư về đại ý Phật Pháp. Tư nói; " Gạo ở Lư Lăng giá bao nhiêu?"

Nìệm:
Bóng trúc quét thềm, bụi trên thềm không lay động
Vầng trăng chiếu nước, mặt nước không vết ghi.

Tụng:
Ngữ khí quả là trang hảo hán
Tuỳ theo căn tính độ quần sinh
Lư Lăng giá gạo bao nhiêu nhỉ?
Rút lại gang tay vạn lý trình.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch

Thúc ép tâm thức liên tục thẩm thấu một điểm, cho đến khi bùng vỡ, không để cho ngôn ngữ tư tưởng bám theo gây rối, không để chổ cho dựa mong, cơ hội có mặt, không để cho tâm thức tìm cách ru ngũ. Một sự bí lối vô ngôn, dù rằng tự thân của " vô ngôn " đã là " hữu ngôn ". Bản chất của ngôn ngữ là vô thường, nó chỉ có thể diển tả phần nào tư tưởng, nhưng trên lãnh vực xúc tác vào giác ngộ thì hoàn toàn bất lực. Ta không thể dựa vào sự bất định của tâm thức để đổi lấy sự trá hình không thật khác của chính nó. Trong thiền không có định nghĩa, áp đặt, chỉ có trực nhận đối đầu, gay cấn để bùng vỡ, không có chổ cho sự đầu hàng trốn chạy chối bỏ ẩn núp. Ta ra công gắng sức để quật tung, thể nhập vào tận cùng, mới trông thấy trọn vẹn được sự tuyệt vời khuất lấp đâu đó. Phải giải quyết mọi thứ từ đây, phút giây hiện tại nầy, giải phóng mọi thứ từ đây, con người tâm thức nầy.
Tuệ Trung Thượng Sĩ ( Trần Tung ) 1230- 1291 một nhà thiền học thâm uyên, một con người tự tại phóng khoáng, không gò bó trong ngôn từ tư tưởng, không câu nệ trong hình thức, tướng trạng, tự do thong dong đúng nghĩa. Ngài từng theo học với Thiền Sư Tiêu Dao, một vị thiền sư nổi tiếng cuối đời nhà Lý, và là học trò của Thiền Sư Tức Lự. Trong tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục, phần Đối Cơ ( Tùy theo cơ duyên mà ứng đối ) có đoạn.

Hỏi:
Phật Thế Tôn nói: " Suốt bốn mươi chín năm nay, ta chưa hề nói một tiếng nào" Thế thì mười hai phân giáo do đâu mà có?
Sư đáp:
Kiếm vung khỏi hộp mong về lại,
Thuốc báu lìa bình muốn bệnh tiêu.
Lại hỏi:
Thế nào là Phật chính mình?
Sư đáp:
Không nhấp rượu bồ đào
Khó tìm người đập hủ.
Lại hỏi:
Làm thế nào mà biết được?
Sư đáp:
Một đêm cùng ngũ nhà to,
Gặp con sông rộng chung đò cùng sang.
Lại hỏi:
Thế nào là tâm của cổ Phật?
Sư đáp:
Đều bảo khắp thành không quốc sắc,
Hay đâu cửa tía có thuyền quyên.
Lại hỏi:
Người xưa nói " tức tâm tức Phật " mà sao Phật không hiện ra trước mắt?
Sư đáp:
Mổ trai, dầu vẫn khó tìm châu,
Mổ cá, đừng mong dễ kiếm đâu.
Lại hỏi:
" Không thể dùng " trí " mà biết, không thể dùng " thức" mà hiểu " Thế thì nên làm thế nào?
Sư đáp:
Người gổ tìm xuống biển
Ca hát khúc vô sinh.
Gái đá lướt mây xanh,
Thổi điệu buồn tất lật.

Lại hỏi:
Thế nào " vô thức cũng vô trí"?

Sư đáp:
Khổng Nhân chưa trình rõ,
Tài " thức " ngưạ " truy phong "
Tiết Chúc hẳn khó lòng,
Giỏi " trí " gươm " liệt vũ ".

Lại hỏi:
" Thấy sắc liền nghe tâm" ý nghĩa thế nào?

Sư đáp:
Vào nước " cởi trần " nên bỏ khố
Đừng học Hàm - đan quên ngọc đào.
Đỗ Văn Hỷ - Huệ Chi dịch
Thơ Văn Lý Trần tập 2 Quyển Thượng, trang 321,322

Và ở một đoạn khác.
Có người hỏi:
Gia phong của Thượng Sĩ thế nào?
Sư đáp:
Nhàn, kêu vượn đón quả rừng
Lười câu cá suối, xin cùng hạc tranh.
Lại hỏi:
Tổ ý và giáo ý giống nhau hay khác nhau?
Sư đáp:
Sóng, nước tuy hai chẳng cách xa
Hoa dù nở, nụ vẫn là hoa.
Lại hỏi:
Bồ Đề và phiền não, giống nhau khác nhau thế nào?
Sư đáp:
Vị muối trong nước biển
Sắc keo giữa màu xanh.
Lại hỏi:
Thế nào là nghiệp sanh tử?
Sư đáp:
Sương thu li lách bờ lau
Tuyết đêm lất phất dưới bầu trời trăng.
Lại hỏi:
Dật Đa không tu tịnh huệ, tại sao vẫn thành Phật như thường?
Sư đáp:
Trên cây đào thắm đúng kỳ
Cúc vàng bên dậu chắc gì đã xuân.
Lại hỏi:
Ngồi thiền tập định thì thế nào?
Sư đáp:
Vua chúa xuống xe chào ếch bướng.
Lại hỏi:
Không ngồi Thiền tập định thì thế nào?
Sư đáp:
Thuyền Phạm Lãi sông hồ thoả thích.
Đỗ Văn Hỷ - Huệ Chi dịch
Thơ Văn Lý Trần tập 2 Quyển Thượng, trang 322- 323

Tư tưởng và phong cách siêu việt của ngài ẩn chứa trong từng ngữ khí, vượt ra ngoài lằn ranh định mức, không bị gò ép uốn nén trong phạm trù tư tưởng, từ trong dòng chảy tuyệt vời của trí tuệ giác ngộ, tự tại lưu xuất không gì đuổi theo sánh kịp. Nó như sấm sét bùng lên mưa tuôn xối xả, khiến ta choáng ngợp hụt hẩng, có lúc nhẹ nhàng bay bổng, có khi dồn dập đẩy ta lên tận trời cao, có dịp chém thẳng vào dòng tư tưởng đang ngập ngừng, toan tính ở trong ta. Trong sự tưởng chừng bất chợt khủng khiếp đó, là cả một sự mênh mông tỏa sáng, một khung trời lặng yên, không gì bén mãng đến chi phối được. Muốn chạm vào, ta phải phá vỡ mọi ngăn cách, xa lìa những đeo cứng ôm chặt, gạt bỏ mọi đi lại, phiền nhiễu. Như nhát kiếm chém phăng vào dòng nước, làm sủi bọt tung toé, nhưng kiếm và nước vẫn không hề hấn, không lưu lại dấu. Tất cả đều bị ngã nhào, cuốn trôi, đổ ập, trước nội lực trí tuệ vô cùng độc đáo của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Thiền Sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông ( 1258- 1308) một vị vua nổi tiếng khoan hoà, nhân ái, một nhà thơ, nhà văn hoá, và cũng là một thiền sư lỗi lạc. Ngài là Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm, một thiền phái mang đậm dấu ấn của Thiền Việt Nam, đi vào cuộc đời để chuyển hoá khổ đau phiền não trong sự giác ngộ vượt thoát của mình. Chúng ta tìm hiểu vài trích đoạn trong phần " Thầy trò hỏi đáp " dưới đây, để thấy sự giác ngộ tuyệt vời của ngài.
Có vị tăng hỏi:
Thế nào là gia phong của Phật quá khứ?
Ngài đáp:
Rừng vườn vắng vẽ không người quản
Mận trắng đào hồng riêng tự hoa.
Hỏi:
Thế nào là gia phong của Phật hiện tại?
Đáp:
Nước trắng mênh mông chim én lạc
Vườn tiên đào thắm gió xuân say.
Lại hỏi:
Thế nào là gia phong của Phật vị lai?
Đáp:
Đợi triều bên bể trăng gần mọc
Nghe sáo thuyền câu khách nhớ nhà.
Lại hỏi:
Thế nào là gia phong của Hoà Thượng?
Đáp:
Áo rách ôm mây, ban mai húp cháo
Bình xưa dốc nguyệt, trời khuya nấu trà.
Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 Quyển Thượng trang 496
Gia phong, là tác phong, cung cách, bản chất riêng biệt đặc thù, tự thân tâm toát ra nội lực cùng sức sống diệu kỳ, khiến ta hết lòng quy ngưỡng, hết lòng vươn tới. Tự mình nổ lực khai phá để cho bản thể giác ngộ trong ta bừng dậy soi sáng, một khuôn mặt đích thực " bản lai diện mục ", một khuôn mặt không bị biến dạng méo mó, không bị thời gian bào mòn đào thải, một khuôn mặt như thật, từ vô thủy đến tận vô chung mãi còn vô tận.
Từ thế giới biến đổi vô cùng của thời gian, xuyên suốt qua từng hiển hiện của không gian, từ đỉnh cao ngút ngàn đi lại của tâm thức, đến chốn không cùng của uyên nguyên. Tất cả trên đường trở về của tịch lặng, không có sự đơn độc hụt hẩng nào trong đến đi, chỉ có đẩy xô chối bỏ, phủ quyết của chính ta trong mọi vấn đề. Nâng lên hay buông xuống, thả ra hay nắm vào, mở ra hay đóng lại, bây giờ hay bao giờ, đều do chính ta quyết định. Như một câu nói bất hủ vượt ra ngoài càn khôn của Thiền Sư Chân Nguyên: " Vì anh đưa một nét. Đầu núi ánh dương hồng ".

Như Hùng