Bầu trời vụn vỡ trăng sao.


Tôi nhớ một bài thơ của bà Mary Oliver, một thi sĩ nổi tiếng từng được trúng giải thưởng Pulitzer Prize về văn chương,
Tự tánh của đá
Là hài lòng với nơi này
Tự tánh của nước
Là đi về một nơi khác
Bất cứ nơi nào ta nhìn
Tiếng róc rách ngọt ngào nhưng thâm trầm
Của nước nhào lộn tuông chảy về nơi xa
Bất cứ nơi nào ta nhìn
Đá tảng, nằm yên dưới nắng mới
Hoặc hiến mình cho những cành dây leo lá vàng óng
Nhưng bản chất của ta lại không thấy được rằng
Cuộc sống này rất đẹp.
Ta chọn đứng trong bóng tối,
Dưới một bầu trời vụn vỡ đầy trăng sao
Hay trong một ngày trưa, giữa ngàn tia sáng muôn màu
Và bức xúc tự hỏi rằng
Nó có nghĩa gì, khi bảo rằng cuộc sống này là đẹp?
Nó có nghĩa gì?
    Mà thật ra tôi không nghĩ bản chất của chúng ta là chọn đứng trong bóng tối, và không thấy được ngàn tia nắng đẹp muôn màu.  Nhưng vì chúng ta có tập quán, thói quen hay mong cầu và tạo tác theo cái tôi của mình, nên ta đánh mất thực tại và cứ lang thang đi tìm một ý nghĩa nào khác xa xôi.
   Giáo pháp của Phật có nói về lý vô tác, apranahita, tức là ta không đặt một sự tìm cầu nào trước mặt mình.  Vô tác có nghĩa là không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện nữa.  Vì thực tại bao giờ cũng đang đầy đủ tự nhiên.
    Bạn biết không, tôi nghĩ nhờ có thái độ trong sáng ấy mà ta không đánh mất đi thực tại này.  Trên hành trình của sự sống, dầu con đường ta đi là ở đoạn nào, khúc quanh nào, mỗi bước chân đều có thể buông thả và tròn đầy như nhau.   Và bạn đừng nghĩ rằng tôi muốn nói là ta không cần phải làm gì hết, nhưng như ông Epstein chia sẻ “kinh nghiệm của ta, hoàn cảnh nào ta đối diện, chúng không là quan trọng.  Nhưng điều quan trọng là cách phản ứng, và thái độ của ta tiếp xử chúng như thế nào”…
    Tự tánh của đá là hài lòng với nơi này, và tự tánh của nước là đi về một nơi khác.  Và tự tánh của ta là thấy được bầu trời đêm thênh thang vụn vỡ muôn trăng sao, hay sáng hôm nay, với ngàn tia nắng ấm muôn màu…
Nguyễn duy nhiên