Tất cả mọi sáng tạo đều đến từ khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong

Bản ngã hỏi: “Làm thế nào để ‘Tôi’ khiến cho tình huống này thỏa mãn những yêu cầu của tôi?”, hay “Làm thế nào để ‘Tôi’ có được một tình huống mà tình huống ấy sẽ thỏa mãn được những yêu cầu của tôi?”.
Sự có mặt là một trạng thái rộng thoáng, có nhiều không gian ở bên trong. Cho nên khi có mặt thì bạn sẽ hỏi: Có điều gì cần làm để đáp ứng được những đòi hỏi của tình huống này, của giây phút này? Thậm chí bạn không cần phải đặt câu hỏi nào cả. Bạn tĩnh lặng, sáng suốt và vồn vã với những gì đang hiện diện. Bạn mang một chiều không gian mới vào trong tình huống đó: chiều không gian ở bên trong. Rồi bạn nhìn và lắng nghe. Như thế bạn sẽ hòa làm một với tình huống đó. Vì vậy, thay vì phản ứng, bạn hãy hòa nhập với tình huống đó, và giải pháp sẽ phát sinh từ trong tình huống đó. Thật ra không phải là bạn, một con người đang nhìn và lắng nghe, mà chính là sự tĩnh lặng đang nhìn và lắng nghe. Sau đó, nếu cần hành động thì bạn sẽ hành động, hay đúng hơn là hành động đúng đắn qua bạn mà thể hiện. Hành động đúng đắn là một hành động phù hợp với tất cả, với Tổng thể. Khi hành động ấy hoàn tất, thì chỉ còn lại sự sáng suốt và tĩnh lặng. Chẳng có ai giơ tay lên tuyên bố: “Xong rồi!”, cũng chẳng có ai cần phải nói: “Xem này, điều ấy là do chính tôi làm đấy!”.
Tất cả mọi sáng tạo đều đến từ khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong. Một khi sáng tạo diễn ra và một cái gì đó được thể hiện ra thành hình tướng, bạn phải cảnh giác, không để cho khái niệm “Tôi” hay “của Tôi” ở trong bạn trỗi dậy, tranh lấy công sức của việc làm ấy. Nếu bạn cho rằng bạn có công với những gì vừa được hoàn thành, thì lúc đó bản ngã của bạn đã trở lại và khoảng không gian rộng thoáng ở trong bạn bắt đầu bị che mờ.

CẢM NHẬN NHƯNG KHÔNG CẦN PHẢI ĐẶT TÊN

Hầu hết mọi người đều chỉ nhận thức được vẻ bên ngoài của thế giới chung quanh, đặc biệt khi thế giới đó quá quen thuộc với họ. Đó là vì tiếng nói liên miên ở trong đầu họ đã thu hút phần lớn sự chú tâm của họ. Người ta chỉ cảm thấy phấn chấn khi có dịp đi tham quan những nơi họ chưa từng đến, vì vào những lúc đó, những cảm nhận qua giác quan chiếm lấy nhận thức của họ nhiều hơn là thói quen suy nghĩ. Họ trở nên có mặt nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang hoàn toàn bị khống chế bởi tiếng nói vang vang ở trong đầu của họ. Cảm nhận của họ về những gì đang xảy ra đã bị bóp méo bởi những phán xét nhất thời. Họ thực sự chẳng đi đâu. Chỉ có cơ thể họ là đi, trong khi tâm hồn của họ vẫn còn ở chỗ cũ: suy tư luẩn quẩn ở trong đầu.
Đây là hiện thực của hầu hết mọi người: ngay khi vừa cảm nhận được một điều gì, họ liền đặt tên, suy diễn, so sánh với cái khác, cảm thấy thích hay không thích, cho rằng điều ấy tốt hay xấu…, thông qua cái “Tôi” ma quái, bản ngã của họ. Họ bị cầm tù trong thói quen lo nghĩ vẩn vơ, trong thứ tâm thức bận rộn bởi đồ vật, bởi sự kiện.
Bạn chỉ có được sự tỉnh thức tâm linh khi xu hướng muốn đặt tên mọi thứ một cách vô thức ở trong bạn dừng lại hẳn, hoặc ít ra là bạn có ý thức về thói quen đó và có thể quan sát thói quen đó khi nó đang xảy ra. Qua quá trình đặt tên liên tục những gì bạn nhìn thấy này mà bản ngã của bạn mới có thể hiện diện với tư cách như là phần suy tư không được bạn nhận biết. Khi xu hướng đặt tên này ngưng hoạt động, hoặc thậm chí chỉ cần bạn có ý thức về nó thì khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong bạn sẽ phát sinh và bạn không còn bị suy tư của bạn chiếm hữu.
Hãy chọn một vật – cây bút chì, chiếc ghế, ly nước, hoặc một chậu hoa – và quan sát nó, chú ý nhìn vật ấy với sự tò mò. Tránh dùng những vật khiến bạn liên tưởng đến những gì đã qua: bạn mua vật ấy ở đâu, ai cho bạn,… cũng tránh những thứ có viết chữ trên đó như là một cuốn sách hay lọ thuốc tây, vì những chữ ấy kích thích thói quen suy nghĩ ở trong bạn. Không cần phải căng thẳng, bạn thư giãn nhưng tỉnh táo và hoàn toàn chú tâm đến vật đó với mọi chi tiết. Nếu có một ý nghĩ nào xuất hiện, đừng để cho mình chạy theo ý nghĩ đó. Đừng chú ý tới ý nghĩ mà chỉ chú ý đến chính sự nhận biết đang xảy ra ở trong bạn. Bạn có thể nhận biết một điều gì mà không cần phải suy tư? Bạn có thể nhìn ngắm mà không có tiếng nói ở trong đầu bạn luôn bình phẩm, kết luận, so sánh, hay gắng giải quyết một việc gì? Sau vài phút, hãy đảo mắt chung quanh phòng hay bất cứ nơi nào chung quanh bạn. Sự chú tâm đầy tỉnh táo của bạn khi hướng vào một vật gì đó sẽ làm cho vật đó sáng lên.
Sau đó, bạn lắng nghe bất cứ âm thanh nào đang xảy ra. Lắng nghe như cách bạn nhìn vật ấy. Có những âm thanh của thiên nhiên như: tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng chim hót; trong khi những âm thanh khác là nhân tạo. Có những âm thanh nghe rất dễ chịu, có những âm thanh thì rất khó nghe. Tuy nhiên, đừng phân biệt âm thanh đó là tốt hay xấu. Cứ để cho tai bạn nghe một cách tự nhiên, không suy diễn, phán xét. Cũng như ở trên, điều mấu chốt ở đây là thực tập lắng nghe với sự chú tâm, thoải mái nhưng cảnh giác.
Khi nhìn hoặc nghe như thế, bạn có thể nhận ra một cảm giác im lặng rất tinh tế mà lúc đầu bạn rất khó nhận ra. Tuy nhiên, có người cảm nhận nó như là vẻ tĩnh lặng ở đằng sau hậu trường của tâm thức. Người khác cảm nhận đó là một cảm giác thanh bình ở trong lòng. Khi nhận thức của bạn không còn hoàn toàn bị chi phối bởi thói quen suy tư thì một phần nhận thức ấy vẫn còn ở trong trạng thái nguyên sơ, không hình tướng, chưa bị điều kiện hóa. Đây là khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong bạn.

Trích: Thức tỉnh mục đích sống – Eckhart Tolle