Thật là như vậy, nhưng đây chỉ là những thực tập phiến diện, sự thực tập thật ra nằm nơi phần tinh thần, với một đối tượng. Ðấy mới là sự thực tập thật sự. Ví dụ khi người ta nói một điều gì đó mà mình không thích thì sự bực dọc, tức tối nổi lên; nếu họ nói gì đó mà ta thích thì ta vui vẻ và đồng lòng. Và đấy là lúc mà ta cần phải thực tập. Thực tập như thế nào ? Ðây mới là vấn đề chính.
Nếu chúng ta chỉ luôn luôn chạy theo sự sung sướng và quay lưng với đau khổ thì suốt đời ta không thấy được pháp. Thật là vô ích! Khi sung sướng hay đau khổ xuất hiện, chúng ta hãy thực tập giáo pháp để thoát khỏi sự kềm chế của chúng, và đây mới là sự thực tập tốt, có lợi ích.
Thông thường, khi chúng ta đối diện với một điều bất như ý, chúng ta không chấp nhận nó. Như người ta thường than van : " Ðừng làm phiền tôi! Tại sao đổ lỗi cho tôi ?" Ðây là một người hoàn toàn bị 'bưng bít' và bị tách rời.
Lúc nầy là lúc mà ta cần phải thực tập. Khi người ta phê bình, chúng ta nên lắng nghe.
Nếu họ đang nói sự thật ? Chúng ta nên cởi mở cõi lòng và gắng sửa đổi. Có thể có một điều nào đó mà họ nói đúng, và vì tự ái ta đã phản ứng lại và chống đối họ. Nếu người ta chỉ lỗi của mình cho mình thấy thì mình nên cố gắng loại bỏ thói xấu ấy. Và đây mới là sự thực tập của một người có trí tuệ.
Có những người không chịu được sự phê bình, họ rất là tự cao. Và như vậy họ quay lại và gây gỗ. Ðây là một sự thật hiển nhiên khi một người lớn đối xử với một đứa nhỏ. Ðôi lúc những đứa trẻ nói những điều rất là hay, rất là thông minh, nhưng nếu bạn là bậc cha mẹ, chẳng hạn, thì bạn đâu dễ dàng gì mà chấp nhận. Nếu bạn là một thầy, cô giáo mà học sinh nói một điều gì đó mà bạn không biết, bạn đâu có chấp nhận dễ vậy. Và nếu nghĩ như thế thì đã sai rồi.
Trong thời Ðức Phật còn tại thế, một đệ tử của Phật rất là thông minh. Một lần, trong lúc đang giảng pháp, Phật quay sang và hỏi người đệ tử," Sariputta, ông có tin điều nầy không ?" Ngài Sariputta đáp, " Thưa, con chưa tin." Phật liền khen, " Giỏi lắm, Sariputta, ông thật là một người sáng suốt. Một người sáng suốt không bao giờ tin liền một điều gì, họ phải lắng nghe với một tinh thần cởi mở, và so sánh để thấy được sự thật của việc đó trước khi kết luận là tin hay là không tin."
Nơi đây Ðức Phật đã làm một gương sáng cho những vị thầy. Những gì Ngài Sariputta nói là sự thật, Ngài chỉ nói như Ngài biết. Vài người cho rằng khi nói như thế là mình đang đánh giá người thầy, và như vậy là vô phép, cho nên họ rất sợ phải nói lên sự thật. Họ cứ nghe và đồng ý. Thường thì thiên hạ thích như thế hơn, nhưng Ðức Phật thì không thấy mếch lòng. Không có gì phải xấu hổ khi mình không biết và nói tôi không biết. Vì thế mà Ngài Sariputta mới nói "Thưa, con chưa tin.". Ðức Phật đã khen ông.
"Vị tỳ kheo nầy thật thông minh, sáng suốt. Suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định tin hay không tin." Ðây là một gương sáng cho những người thầy sau nầy đối với học trò của mình. Ðôi lúc chúng ta học được nhiều điều hay nơi trẻ em, vì thế đừng cứng ngắc tin vào quyền hạn hay địa vị của mình.
Trong khi bạn đứng, ngồi, hay đi đây đó, bạn vẫn có thể học được nhiều điều ở chung quanh mình. Chúng ta học một cách tự nhiên, mở lòng ra với mọi vật, dù là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay tưởng tượng. Người sáng suốt thì quan tâm đến tất cả mọi thứ. Thực tập đúng nhất là khi mà chúng ta không còn phải lưu ý cân nhắc đến mọi thứ trong tư tưởng.
Nếu chúng ta còn chưa nhận biết sự thích hay không thích lúc chúng xuất hiện, thì lúc đó vẫn còn phải lưu tâm đến những ý trong tư tưởng. Nếu chúng ta biết được sự thật của những thứ nầy, chúng ta sẽ nghĩ : " Ô, đâu có gì trong cái cảm giác thích nầy. Ðây chỉ là một thứ cảm giác xuất hiện rồi sẽ biến mất. Không thích cũng thế, chỉ là một cảm giác có rồi mất. Tại sao chúng ta phải rắc rối với chúng?" Nếu chúng ta nghĩ sung sướng hay đau khổ là những thứ mà ta sở hữu được, thì chúng ta sẽ bị nguy to, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi dây xích vô tận của thương và ghét. Và phần đông nhiều người trong chúng ta đều nằm trong trường hợp nầy.
Hiện nay khi thuyết pháp người ta không chú ý đến tư tưởng, không bàn về sự thật. Nếu bạn nói về sự thật thì người ta sẽ nói, " Ông đó không biết gì về thời gian và không gian, ông ta không biết nói chuyện cách tử tế". Nhưng mà con người cần phải nghe sự thật. Người thầy đúng nghĩa sẽ chỉ nói sự thật, họ không nói bằng ký ức. Phần đông chúng ta khi nói chuyện, chúng ta nói bằng ký ức, và nói để xưng tụng chính mình. Người thầy thật sự thì không như thế, ông ta chỉ nói sự thật, sự thật như nó là.
Người ta thường hay không hiểu khi vị thầy giảng về sự thật, cho dù ông thầy có cố gắng cách mấy, họ vẫn không hiểu. Hiểu được pháp (dharma) không phải là một điều dễ. Nếu bạn hiểu được pháp thì bạn nên thực hành theo sự hiểu biết của mình. Không cần thiết phải trở thành tu sĩ, mặc dầu hình thức tu sĩ là phương cách tốt nhất để thực hành. Ðể thực hành đúng nghĩa bạn phải nên quên đi sự hỗn loạn của thế giới, phải từ bỏ của cải cũng như gia đình, phải vào rừng. Rừng cây là nơi thực tập lý tưởng nhất.
Nhưng nếu chúng ta còn gia đình và bổn phận thì làm sao để thực tập ?
Vài người nói rất là khó mà thực hành khi chúng ta còn là cư sĩ. Hãy nhìn xem nhóm nào đông người nhất, nhóm tu sĩ hay cư sĩ ? Dĩ nhiên là cư sĩ nhiều hơn . Nếu mà chỉ có nhóm tu sĩ thực tập còn cư sĩ thì không, thì tất nhiên sẽ có nhiều vấn đề lộn xộn. Ðây là hiểu sai. " Tôi không thể trở thành tu sĩ..." Trở thành tu sĩ không phải là điểm đáng nói!
Trở thành tu sĩ không có nghĩa lý gì cả khi mà bạn không thực tập.
Nếu bạn thật sự hiểu pháp thì địa vị hay nghề nghiệp gì gì đi nữa, làm thầy cô giáo, làm bác sĩ, làm công chức ... bạn vẫn có thể thực tập pháp trong mỗi giây phút trong ngày.
Nghĩ rằng mình không thể thực tập vì mình là cư sĩ thì ta đã đi sai đường rồi.
Tại sao con người có thể tìm ra động lực nào thúc đẩy mình làm nhiều việc ? Nếu họ cảm thấy họ thiếu vật gì thì họ cố gắng làm để cho có được. Nếu có đủ lòng ham muốn, con người có thể làm mọi việc, vài người nói, "Tôi không có thời gian để mà thực hành pháp." Tôi nói, " Vậy sao bạn có thời gian để thở ?" Hít thở là việc quan trọng, việc sống còn của đời sống con người. Nếu họ thấy thực hành pháp cũng quan trọng không kém gì sự hít thở của đời sống thì họ sẽ thực tập liền.
Bạn không phải chạy vòng vòng hoặc phải nhọc nhằn khi thực hành pháp. Chỉ cần chú ý đền những cảm giác đang xuất hiện nơi tư tưởng bạn. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, thân thể xúc chạm, ... tất cả đều xuất hiện nơi tư tưởng, " cái mà biết". Khi mà tư tưởng nhận thấy những điều nầy thì điều gì xảy ra? Nếu chúng ta thích vật đó thì lập tức chúng ta cảm thấy sung sướng, nếu chúng ta không thích thì chúng ta cảm thấy bực bội. Tất cả chỉ có như vậy thôi.
Vậy thì bạn đi đâu để tìm hạnh phúc trong cuộc đời nầy ? Chẳng lẻ bạn chờ đợi mọi người chỉ nói những điều hay,những điều dễ nghe trong suốt cuộc đời bạn? Có thể như thế được không ? Thật là hoang tưởng. Nếu không được, thì bạn sẽ đi đâu ? Thế gian chỉ có thế, chúng ta cần phải rõ thế gian - Lokavidu-- biết được sự thật của thế gian. Ðức Phật đã sống nơi thế gian, chứ không ở đâu khác. Ngài cũng có gia đình, nhưng Ngài thấy được giới hạn của nó và Ngài đã tách mình ra khỏi chúng. Bây giờ làm thế nào cho người cư sĩ thực tập? Nếu bạn muốn thực tập thì bạn phải cố gắng đi con đường đã chọn. Nếu bạn cố gắng thực hành đúng cách thì với sự thực tập bạn sẽ dần dần thấy được giới hạn của đời sống nầy và sẽ có thể buông bỏ một cách dễ dàng.
Người dùng rượu đôi khi nói, " Tôi không thể bỏ được rượu". Tại sao họ không bỏ được? Bởi vì họ không thấy được nguy cơ của sự nghiện rượu.
Nếu họ thấy rõ sự nguy hiểm của rượu thì họ sẽ tức thời từ bỏ rượu, không cần phải đợi người khuyên răn. Nếu bạn không thấy được cái nguy cơ của một sự việc thì làm sao bạn có thể thấy được sự lợi lạc khi từ bỏ việc đó.
Như thế sự thực tập của bạn sẽ không có kết quả, bạn chỉ đùa chơi với sự thực tập. Ví như có người chài lưới nghe thấy có một vật đập đập trong bẫy giăng cá. Nghĩ rằng đó là một con cá, anh ta thò tay vào trong bẫy. Vì không thấy được bên trong, anh ta có 2 ý nghĩ : có thể là một con lươn, hoặc có thể là một con rắn. Nếu anh ta liệng cái bẫy thì có thể anh ta sẽ hối tiếc lắm, nếu đấy là một con lươn. Ngược lại, nếu là con rắn anh ta có thể bị rắn cắn. Ngay lúc nầy anh ta đang phân vân lưỡng lự. Sự ham muốn được con lươn rất mạnh nên anh cố gắng tìm cách để xem bên trong bẫy,anh thấy da có sọc, có vằn lập tức anh liệng nó xuống nước. Anh không cần đợi ai phải nói cho biết, "Ðó là con rắn, liệng đi!" Hình dạng con rắn cho anh biết nhanh hơn là lời nói. Tại sao? Vì khi anh thấy được sự hiểm nguy--rắn có thể cắn! Cũng thế, trong khi thực hành pháp, chúng ta sẽ thấy được sự vật như nó là và chúng ta sẽ không ngần ngại mà từ bỏ những thứ có tác hại cho mình.
Con người không thực tập bằng cách nầy, họ thực tập cho những thứ khác.
Họ không suy ngẫm mọi sự vật, họ không suy nghĩ về già, bệnh, và chết.
Họ chỉ nói về không già, và không chết, vì thế họ không có lòng để thực hành pháp. Họ đến để nghe pháp thoại, nhưng thực ra họ chẳng có nghe.
Ðôi lúc tôi được mời đến nói chuyện ở những nơi hội hợp quan trọng, nhưng thật là phiền cho tôi khi phải đi. Tại vì sao? Vì khi tôi nhìn những người có mặt ở đó, tôi thấy rõ là họ đến không phải để nghe pháp thoại. Vài người mang mùi rượu nặc nòng, họ hút thuốc, họ tán gẫu...Nói pháp thoại ở những nơi nầy thật là không có lợi ích. Người ta phụng phịu, lơ đãng, họ nghĩ, "Chừng nào ông thầy mới hết nói đây?... Làm cái nầy không được, làm cái kia không được..." và cứ như thế tư tưởng họ chạy lung tung.
Ðôi lúc họ mời tôi đến để nói chuyện chỉ vì xã giao thôi. " Thưa Thầy, xin Thầy đến cho chúng con một bài pháp thoại."
Họ không muốn tôi nói nhiều, vì có thể làm họ khó chịu! Khi mà tôi nghe nói như vậy, thì tôi đã hiểu việc ra sao rồi. Những người nầy không thích nghe pháp. Pháp thoại làm họ khó chịu. Nếu tôi chỉ cho một bài pháp ngắn thì họ sẽ không hiểu. Cũng như khi bạn chỉ ăn có một ít, có đủ no không ?
Dĩ nhiên là không rồi.
Ðôi lúc tôi đang nói để giới thiệu bài pháp thoại bữa đó, thì có một ông say lớn tiếng, " Ðược rồi, tránh đường, tránh đường, hãy nhường lối cho Thầy ra!" -- ông ta muốn đuổi tôi ấy mà! Khi mà gặp những người như thế, tôi hay suy ngẫm về bản chất của con người. Giống như là một người có chai nước đầy rồi mà còn đi xin thêm nước. Ðâu còn chỗ nữa mà bỏ thêm vào.
Thật là phí thời gian và công sức mà giảng dạy cho họ, vì tư tưởng họ đã đầy ấp rồi. Nếu còn bỏ thêm vào thì chỉ làm tràn một cách vô ích. Nếu chai của họ trống thì còn có chỗ mà bỏ nước vào, và như thế thì lợi ích cho cả 2 người, người xin cũng như người cho.
Cũng như vậy, khi mà người ta thật sự muốn nghe pháp thoại, họ ngồi yên lặng, lắng nghe chăm chú, tôi sẽ thấy hứng thú giảng dạy cho họ hơn. Nếu họ không chú ý thì cũng như người đã có chai nước đầy...không còn chỗ để bỏ thêm gì khác. Thật là phí thời gian của tôi khi nói chuyện với những người như thế. Trong những trường hợp nầy, tôi thật không có sức để mà giảng dạy. Bạn không thể bỏ nhiều công sức trong lúc cho, khi mà người có mặt không bỏ ra công sức để thâu nhận.
Thời gian gần đây, những cuộc pháp đàm đều như thế, và càng lúc càng tệ.
Con người không kiếm sự thật, họ học chỉ để có được sự hiểu biết cần thiết để mà làm ra tiền, lo cho gia đình, và nuôi sống bản thân. Học sinh hiện nay biết nhiều hơn học sinh thời trước. Họ học hỏi được nhiều hơn, và mọi thứ tiện lợi hơn. Nhưng đồng thời họ cũng lộn xộn hơn và khổ hơn lúc xưa.
Tại sao như vậy? Bởi vì họ chỉ chú trọng đến cái hiểu biết để sau dùng làm phương tiện sinh sống.
Cả đến giới tu sĩ cũng như thế. Ðôi lúc tôi nghe họ nói, " Tôi không trở thành tu sĩ để thực hành pháp. Tôi chỉ thọ giới để được học". Ðây là lời nói của người đã tự tách rời khỏi con đường thực tập. Không có tương lai, đây là ngõ cụt. Khi mà những người thầy như vầy giảng dạy thì họ chỉ nói bằng ký ức. Họ dạy một việc nhưng mà tư tưởng họ lại ở những nơi khác. Những bài giảng như thế không có ỹ nghĩa gì hết.
Cuộc đời là như vậy đó. Nếu bạn gắng sống đạm bạc, thực hành pháp và sống yên lành, thì người ta nói bạn kỳ cục và phản xã hội. Họ nói bạn làm chận đứng sự phát triển của xã hội. Họ còn hăm dọa bạn nữa. Dần dần bạn bắt đầu tin rằng họ đúng và trở lại nếp sống của thế gian, chìm sâu từ từ trong thế gian và rồi thì không thể nào ra khỏi được. Vài người nói," Tôi không thể ra được vì tôi đã chìm sâu lắm rồi." Và xã hội là như thế đó. Xã hội không thấy được giá trị của Phật pháp.
Giá trị của Phật pháp không thể tìm trong sách vở. Ðấy chỉ là những phiến diện của pháp, pháp thật sự chỉ có nơi kinh nghiệm của người thực tập.
Nếu bạn hiểu rõ được pháp thì bạn sẽ hiểu rõ được tư tưởng mình, bạn sẽ thấy được sự thật nơi đó. Khi mà sự thật hiện hữu thì mọi vọng tưởng sẽ tự dưng bị chặt đứt.
Dù trong hiện tại hay tương lai, lời dạy của Ðức Phật là một sự thật trường tồn. Ðức Phật đã phơi bày sự thật nầy 2 500 năm trước và đến nay sự thật ấy vẫn không đổi thay. Lời dạy của Ðức Phật không thể được thêm vô hay bị cắt bớt. Ðức Phật đã nói, " Những gì Như Lai đã đề ra không được loại bỏ, và những gì Như Lai không nói đến không được thêm vào." Và như thế, Ðức Phật đã ngăn chận sự thêm bớt có thể xảy ra đối với giáo pháp của Ngài.
Tại sao như thế? Bởi vì đấy là lời dạy của một người đã không còn ô nhiễm. Không cần biết xã hội thay đổi ra sao, nhưng những lời dạy của Ðức Phật sẽ luôn luôn là sự thật, không bao giờ thay đổi. Bao thế hệ đến rồi đi, nhưng những điều Phật dạy không bao giờ thay đổi, bởi vì đó là những sự thật.
Ai đã đặt ra sự thật nầy ? Sự thật tự nơi nó phát sinh! Có phải chính Ðức Phật đã đặt ra nó ? Thưa không. Ðức Phật chỉ tìm thấy sự thật, sự thật của mọi vật như chúng là, và Ngài đã nói lên những gì Ngài khám phá ra được.
Sự thật luôn là sự thật cho dù có Phật ra đời hay không. Ðức Phật chỉ là người khám phá ra sự thật chứ không phải là người đã 'chế biến' ra sự thật.
Sự thật luôn hiện hữu. Chỉ có Ðức Phật là người đã đi tìm và khám phá ra sự thật để tìm ra cái 'bất tử' đã được dạy trong giáo pháp của Ngài. Ngài chỉ khám phá ra cái sự thật hiện hữu muôn đời mà trước Ngài không một ai tìm thấy.
Có một thời gian sự thật nầy sáng tỏ và sự thực tập giáo pháp được tăng trưởng. Theo thời gian và những thế hệ tiếp nối sự thực tập bị suy thoáí và giáo pháp bị phai tàn. Sau đó thì giáo pháp được chỉnh đốn lại và một lần nữa lại nở rộ. Theo thời gian thì những môn đồ của giáo pháp cũng tăng dần, phồn thịnh được một lúc rồi thì một lần nữa giáo pháp lại bắt đầu đi vào bóng tối của thế gian. Cho đến một lúc giáo pháp không thể còn tồn tại, và lúc nầy thì sự hỗn loạn sẽ ngự trị. Rồi lại đến một lúc sự thật được phục hồi. Sự thật thì chẳng mất đi đâu hết. Khi Ðức Phật nhập diệt thì giáo pháp vẫn tồn tại, hiện hưũ.
Thế giới xoay tròn như thế. Giống như cây xoài. Cây trưởng thành, nở hoa, kết trái, trái lớn và chín dần. Sau đó thì trái hư hoại và hạt cây rớt xuống đất để trở thành một cây xoài mới. Và cứ thế chu kỳ mới lại bắt đầu lần nữa. Tuần tự có rất nhiều trái chín tiếp tục sinh, trụ, hoại, diệt. Thế gian cũng như thế. Thật ra không có gì thay đổi nhiều, thế gian chỉ xoay quanh chu kỳ của sự vật.
Cuộc sống của chúng ta ngày nay cũng vậy. Ngày hôm nay chúng ta chỉ làm những việc cũ thường làm. Con người suy nghĩ nhiều quá. Có rất nhiều thứ làm họ thích thú, nhưng chẳng có thứ nào đưa họ đến sự đầy đủ. Có những môn khoa học như toán, vật lý, tâm lý, v...v... Bạn có thể tìm tòi nghiên cứu bất cứ thứ gì nhưng bạn chỉ có thể kết luận mọi thứ với sự thật.
Ví như có một chiếc xe bò. Bánh xe thì không dài, nhưng vết xe dài. Khi nào con bò kéo xe thì vết xe đi theo. Bánh xe tròn, vết xe dài; vết xe thì dài mà bánh xe thì tròn. Khi con bò kéo xe đi thì bạn thấy vết xe kéo dài ra . Khi nào mà con bò kéo, thì bánh xe tiếp tục lăn...cho đến một lúc nào đó, con bò mệt mỏi và liệng đi cái xe, cái xe trống nằm đó, bánh xe không lăn nữa. Với thời gian, cái xe sẽ hư hoại, mục nát, và những bộ phận của nó sẽ trở về với đất, nước, gió, lửa.
Tìm sự bình an trong thế gian giống như bạn đang kéo xe vậy, vết xe sẽ kéo dài vô tận. Khi mà bạn theo thế gian thì không có sự ngừng nghỉ. Nếu bạn chịu dừng lại không theo nữa, thì chiếc xe sẽ được nghỉ, bánh xe thôi không lăn. Theo thế gian là bánh xe lăn không bao giờ dừng. Tạo nghiệp xấu cũng giống như thế. Nếu bạn theo thói quen cũ thì sẽ không bao giờ có sự ngừng nghỉ. Nếu bạn dừng lại thì tức khắc có sự ngưng nghỉ. Và như thế là bạn đang bắt đầu thực hành giáo pháp đấy.