Trước hết phải hiểu nhận biết nghĩa là gì. Bạn bước đi. Bạn nhận biết về nhiều thứ - về cửa hàng, về người đi qua bạn, về giao thông, về mọi thứ. Bạn nhận biết về nhiều thứ, chỉ vô nhận biết về một điều - và đó là bản thân bạn. Bạn đang bước đi trên phố, bạn nhận biết về nhiều thứ, và bạn chỉ không nhận biết về bản thân mình! Nhận biết này về bản thân mình, George Gurdjieff đã gọi là tự nhớ. Gurdjieff nói, "Dù bạn ở bất kì chỗ nào, thường xuyên nhớ tới bản thân mình."
Bất kì điều gì bạn đang làm, cứ làm một điều bên trong liên tục: nhận biết về bản thân mình đang làm điều đó. Bạn ăn - nhận biết về bản thân mình. Bạn đang bước đi - nhận biết về bản thân mình. Bạn đang nghe, bạn đang nói - nhận biết về bản thân mình. Khi bạn giận, nhận biết rằng bạn giận. Trong chính khoảnh khắc cơn giận có đó, nhận biết rằng bạn đang giận. Việc thường xuyên nhớ tới cái ta này tạo ra năng lượng tinh tế, năng lượng rất tinh tế trong bạn. Bạn bắt đầu là người được kết tinh lại.
Thông thường, bạn chỉ là cái túi lỏng lẻo! Không kết tinh, không trung tâm thực - chỉ là chất lỏng, chỉ là việc tổ hợp lỏng lẻo của nhiều thứ mà không có trung tâm nào. Một đám đông, thường xuyên dịch chuyển và thay đổi, không có người chủ bên trong. Nhận biết là điều làm cho bạn thành người chủ - và khi tôi nói người chủ, tôi không ngụ ý người kiểm soát. Khi tôi nói là người chủ, tôi ngụ ý sự hiện diện - hiện diện liên tục. Bất kì cái gì bạn đang làm, hay không làm, một điều phải thường xuyên có trong tâm thức bạn, rằng bạn hiện hữu.
Cảm giác đơn giản này về bản thân người ta, rằng người ta đang có đấy, tạo ra trung tâm - trung tâm của tĩnh lặng, trung tâm của im lặng, trung tâm của việc làm chủ bên trong. Đó là sức mạnh nội tâm. Và khi tôi nói, "sức mạnh nội tâm", tôi ngụ ý nghĩa đen của điều đó. Đó là lí do tại sao chư phật nói về "ngọn lửa của nhận biết" - nó là ngọn lửa đấy. Nếu bạn bắt đầu nhận biết, bạn bắt đầu cảm thấy năng lượng mới trong mình, ngọn lửa mới, cuộc sống mới. Và bởi vì cuộc sống mới này, sức mạnh mới này, năng lượng mới này nhiều điều vốn đang chi phối bạn tan biến đi. Bạn không phải tranh đấu với chúng.
Bạn phải tranh đấu với giận dữ của mình, với tham lam, với dục, bởi vì bạn yếu. Cho nên thực sự, giận dữ, tham lam và dục không phải là vấn đề, yếu mới là vấn đề. Một khi bạn bắt đầu mạnh hơn ở bên trong, với cảm giác sự hiện diện bên trong - rằng bạn hiện hữu - năng lượng của bạn trở nên được tập trung, kết tinh lại một điểm, và cái ta được sinh ra. Nhớ lấy, không phải là bản ngã mà là cái ta được sinh ra. Bản ngã là cảm giác giả tạo về cái ta. Không có cái ta nào bạn cứ tin rằng mình có cái ta - đó là bản ngã. Bản ngã nghĩa là cái ta giả - bạn không là cái ta, dầu vậy bạn tin rằng bạn là cái ta.
Maulungputra, một người tìm kiếm chân lí, tới Phật. Phật hỏi ông ấy, "Ông đang tìm kiếm cái gì?"
Maulungputra nói, "Tôi đang tìm kiếm cái ta của mình. Giúp tôi với!"
Phật yêu cầu ông ấy hứa rằng ông ấy sẽ làm bất kì cái gì được gợi ý. Maulungputra bắt đầu khóc và nói, "Làm sao tôi có thể hứa được? Tôi không hiện hữu - tôi còn chưa có, làm sao tôi hứa được? Tôi không biết điều mình sẽ làm ngày mai; tôi không có cái ta nào có thể hứa được, cho nên xin đừng yêu cầu điều không thể được. Tôi sẽ cố gắng, tôi có thể nói nhiều nhất là điều này thôi - tôi sẽ cố gắng. Nhưng tôi không thể nói rằng bất kì cái gì thầy nói tôi sẽ làm, bởi vì ai sẽ làm điều đó? Tôi đang tìm kiếm cái mà có thể hứa và có thể hoàn thành lời hứa đó. Tôi còn chưa có."
Phật nói, "Maulungputra, ta yêu cầu ông câu hỏi đó để nghe điều này. Nếu ông mà hứa, ta đã đuổi ông ra rồi. Nếu ông nói, 'Tôi xin hứa rằng tôi sẽ làm điều đó,' thế thì ta đã biết rằng ông không thực sự là người tìm kiếm cái ta, bởi vì người tìm kiếm phải biết rằng mình chưa có. Bằng không, mục đích của tìm kiếm là gì? Nếu ông đã có rồi, thì không có nhu cầu. Ông chưa có đâu! Và nếu người ta có thể cảm thấy điều này, thế thì bản ngã bay hơi."
Bản ngã là khái niệm giả tạo về cái gì đó mà còn chưa có đó chút nào. "Cái ta" nghĩa là trung tâm có thể hứa. Trung tâm này được tạo ra bởi việc liên tục nhận biết, thường xuyên nhận biết. Nhận biết rằng bạn đang làm điều gì đó - rằng bạn đang ngồi, rằng bây giờ bạn đang sắp ngủ, rằng bây giờ giấc ngủ đang tới với bạn, rằng bạn đang rơi vào. Cố gắng ý thức vào mọi khoảnh khắc, và thế thì bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng một trung tâm được sinh ra bên trong bạn; mọi sự bắt đầu kết tinh lại, việc định tâm có đó. Mọi thứ bây giờ đều có quan hệ với trung tâm.
Chúng ta hiện hữu mà không có trung tâm. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy được định tâm, nhưng đó là những khoảnh khắc khi tình huống làm cho bạn nhận biết. Nếu bỗng nhiên có một tình huống, tình huống nguy hiểm, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy trung tâm trong mình bởi vì trong nguy hiểm bạn trở nên nhận biết. Nếu ai đó sắp giết bạn, bạn không thể nghĩ vào khoảnh khắc đó được; bạn không vô ý thức vào khoảnh khắc đó được. Toàn thể năng lượng của bạn được định tâm, và khoảnh khắc đó trở thành rắn chắc. Bạn không thể đi vào quá khứ, bạn không thể đi vào tương lai - chính khoảnh khắc này trở thành mọi thứ. Và thế thì bạn không chỉ nhận biết về kẻ giết người, bạn trở nên nhận biết về bản thân mình, người đang sắp bị giết. Trong khoảnh khắc tinh tế đó bạn bắt đầu cảm thấy một trung tâm trong bản thân mình.
Đó là lí do tại sao những trò nguy hiểm có sự hấp dẫn của chúng. Cứ hỏi ai đó trèo lên đỉnh Gourishankar hay đỉnh Everest mà xem. Khi lần đầu tiên Hillary ở đó ông ấy phải đã cảm thấy trung tâm tinh tế đó. Và khi lần đầu tiên ai đó ở trên mặt trăng, một cảm giác bất thần về trung tâm phải tới chứ. Đó là lí do tại sao nguy hiển có sức hấp dẫn. Bạn lái xe và bạn cứ tăng tốc ngày một lớn hơn, và thế rồi tốc độ trở thành nguy hiểm. Thế thì bạn không thể nghĩ được; ý nghĩ dừng lại. Thế thì bạn không thể mơ được. Thế thì bạn không thể tưởng tượng được. Thế thì hiện tại trở thành rắn chắc. Trong khoảnh khắc nguy hiểm đó khi bất kì lúc nào cái chết cũng đều là điều có thể, bạn bỗng nhiên nhận biết về trung tâm trong bản thân mình. Nguy hiểm có sức hấp dẫn chỉ bởi vì trong nguy hiểm bạn đôi khi cảm thấy được định tâm.
Nietsche ở đâu đó nói rằng chiến tranh phải tiếp tục bởi vì chỉ trong chiến tranh đôi khi cái ta được cảm thấy - trung tâm được cảm thấy - bởi vì chiến tranh là nguy hiểm. Và khi cái chết trở thành thực tại, cuộc sống trở nên mãnh liệt. Khi cái chết ở ngay gần, cuộc sống trở nên mãnh liệt và bạn được định tâm. Nhưng nếu nó mang tính tình huống, thế thì khi tình huống qua rồi, nó sẽ biến mất.
Nó phải không mang tính tình huống, nó phải là cái bên trong. Cho nên cố gắng nhận biết trong mọi hoạt động bình thường. Khi ngồi trong ghế, thử điều đó - nhận biết về người ngồi. Không chỉ về chiếc ghế, không chỉ về căn phòng, về bầu không khí bao quanh, nhận biết về người ngồi. Nhắm mắt lại và cảm thấy bản thân mình; đào sâu vào và cảm thấy bản thân mình.
Eugen Herrigel đã học cùng một Thiền sư. Ông ấy học nghệ thuật bắn cung trong ba năm. Và thầy bao giờ cũng nói, "Thế là tốt rồi. Bất kì điều gì ông đang làm cũng đều tốt, nhưng không đủ." Bản thân Herrigel trở thành thầy về bắn cung. Ông ấy bắn trúng đích 100 phần trăm hoàn hảo, và dầu vậy thầy vẫn nói, "Ông làm tốt lắm, nhưng vẫn chưa đủ."
"Với một trăm phần trăm hoàn hảo!" Herrigel nói. "Thế thì trông đợi của thầy là gì? Làm sao bây giờ tôi có thể đi xa hơn được? Bắn chính xác một trăm phần trăm rồi, làm sao thầy còn trông đợi gì hơn nữa ở tôi được?"
Thiền sư tương truyền đã nói, "Ta không quan tâm tới nghệ thuật bắn cung hay việc bắn trúng đích của ông. Ta quan tâm tới ông. Ông đã trở thành nhà kĩ thuật hoàn hảo. Nhưng khi mũi tên của ông rời khỏi cung, ông không nhận biết về bản thân mình, cho nên điều đó là vô tích sự! Ta không quan tâm tới mũi tên đạt tới mục tiêu. Ta quan tâm tới ông! Khi mũi tên trên cung được nhắm đích, bên trong, tâm thức của ông cũng phải nhắm đích. Ngay cả khi ông bắn trượt mục tiêu, điều đó cũng không khác biệt gì, nhưng mục tiêu bên trong phải không bị trượt, và ông lại trượt cái đó đấy. Ông đã trở thành nhà kĩ thuật hoàn hảo, nhưng ông là người bắt chước." Nhưng với tâm trí phương Tây hay, thực sự, với tâm trí hiện đại - và tâm trí phương Tây là tâm trí hiện đại - thì khó mà quan niệm được điều này. Nó dường như vô nghĩa. Cung thuật có liên quan tới tính hiệu quả đặc biệt của việc nhắm đích.
Dần dần Herrigel trở nên thất vọng, và một hôm ông ấy nói, "Bây giờ tôi đi đây. Điều đó dường như là không thể được! Điều đó là không thể được! Khi anh nhắm vào cái gì đó, nhận biết của anh đi tới mục tiêu, tới đối thể, và nếu anh là một cung thủ thành công, anh phải quên đi bản thân mình - chỉ nhớ mục tiêu, cái đích, và quên mọi thứ đi. Chỉ mục tiêu phải có đó." Nhưng Thiền sư vẫn tiếp tục buộc Herrigel tạo ra mục tiêu khác bên trong. Mũi tên này phải là mũi tên kép; hướng tới mục tiêu bên ngoài và liên tục hướng tới bên trong - cái ta.
Herrigel nói, "Bây giờ tôi đi đây. Điều đó là không thể được. Điều kiện của thầy không thể nào được hoàn thành." Và cái ngày ông ấy ra đi, ông chỉ ngồi. Ông ấy đã tới để xin phép thầy ra đi, và thầy đang nhắm tới mục tiêu khác. Ai đó khác đang học, và lần đầu tiên Herrigel không tham gia. Ông ấy chỉ tới để xin phép đi; ông ấy ngồi đó. Khoảnh khắc thầy vừa kết thúc việc dạy, Herrigel sẽ xin phép rồi đi.
Nhưng thế rồi, đột nhiên, ông ấy trở nên nhận biết về thầy và tâm thức mũi tên kép của thầy. Thầy đang nhắm. Trong ba năm liên tục Herrigel đã ở cùng thầy, nhưng ông ấy quan tâm với nỗ lực của mình. Ông ấy chưa bao giờ thấy con người này, điều người này làm. Lần đầu tiên ông ấy thấy và nhận ra - và bỗng nhiên, một cách tự phát, chẳng nỗ lực gì, ông ấy đi tới thầy, cầm mũi tên từ tay thầy, nhắm đích và thả mũi tên ra. Và thầy nói, "Được đấy! Lần đầu tiên anh đã làm được nó. Ta thật sung sướng."
Ông ấy đã làm gì? Lần đầu tiên ông ấy đã định tâm vào bản thân mình. Mục tiêu có đó, nhưng ông ấy cũng có đó - hiện diện.
Cho nên bất kì điều gì bạn làm - bất kì cái gì; không cần cung thuật nào cả - bất kì cái gì bạn làm, ngay cả chỉ ngồi thôi, là mũi tên kép. Nhớ điều đang diễn ra bên ngoài và cũng nhớ ai đang ở bên trong.
Lin-chi đang giảng vào một sáng và ai đó bỗng nhiên hỏi, "Xin trả lời tôi một câu hỏi: Tôi là ai?" Lin-chi đi xuống và đi tới người đó. Cả phòng trở nên im lặng. Ông ấy định làm gì? Đó là một câu hỏi đơn giản. Ông ấy đáng ra đã trả lời từ chỗ ngồi của mình chứ. Ông ấy đi tới người này. Cả phòng lặng ngắt. Lin-chi đứng trước người hỏi nhìn vào mắt người đó. Đó là khoảnh khắc xuyên thấu. Mọi thứ đều dừng lại. Người hỏi bắt đầu vã mồ hôi. Lin-chi cứ nhìn chằm chằm vào mắt người đó. Và thế rồi Lin-chi nói, "Chớ có hỏi ta. Đi vào bên trong và tìm ra ai đang hỏi. Nhắm mắt lại. Đừng hỏi 'Tôi là ai?' Đi vào bên trong và tìm ra ai đang hỏi, ai là người hỏi này ở bên trong. Quên ta đi. Tìm cội nguồn của câu hỏi. Đi sâu vào bên trong!"
Và tương truyền rằng người này nhắm mắt lại, trở nên im lặng, và bỗng nhiên người này chứng ngộ. Người này mở mắt ra, cười to, chạm chân Lin-chi, và nói, "Thầy đã trả lời cho tôi rồi. Tôi đã hỏi mọi người câu hỏi này và nhiều câu trả lời đã được trao cho tôi, nhưng chẳng cái gì chứng tỏ là câu trả lời. Nhưng thầy đã trả lời cho tôi rồi."
"Tôi là ai?" Làm sao bất kì ai có thể trả lời nó được? Nhưng trong tình huống đặc biệt đó - cả nghìn người im lặng, im lặng đến cái kim rơi cũng nghe thấy được - Lin-chi đi xuống với con mắt xuyên thấu và thế rồi ra lệnh cho người này, "Nhắm mắt lại, đi vào bên trong, và tìm ra người hỏi là ai. Đừng đợi ta trả lời. Tìm cho ra ai đã hỏi." Và người này nhắm mắt lại. Điều gì đã xảy ra trong tình huống đó? Người đó trở nên được định tâm. Bỗng nhiên người đó được định tâm, bỗng nhiên người đó trở nên nhận biết về cốt lõi bên trong nhất.
Điều này phải được phát hiện ra, và nhận biết nghĩa là phương pháp để phát hiện ra cốt lõi bên trong nhất này. Bạn càng vô ý thức, bạn càng xa khỏi bản thân mình. Bạn càng ý thức, bạn càng đạt tới gần bản thân mình. Nếu ý thức là toàn bộ, bạn ở chính trung tâm. Nếu ý thức kém đi, bạn ở gần ngoại vi. Khi bạn vô ý thức, bạn ở ngoại vi nơi trung tâm bị quên đi hoàn toàn. Cho nên đây là hai khả năng di chuyển.
Bạn có thể đi tới ngoại vi - thế thì bạn đi tới vô ý thức. Ngồi trong rạp chiếu phim, ngồi đâu đó nghe âm nhạc, bạn có thể quên đi bản thân mình - thế thì bạn ở ngoại vi. Đọc Bhagavad Gita hay Kinh Thánh hay Koran, bạn có thể quên bản thân mình - thế thì bạn ở ngoại vi.
Bất kì điều gì bạn làm, nếu bạn có thể nhớ tới bản thân mình, thế thì bạn ở gần với trung tâm. Thế thì một ngày nào đó bỗng nhiên bạn được định tâm. Thế thì bạn có năng lượng. Năng lượng đó là ngọn lửa. Toàn thể cuộc sống, toàn thể sự tồn tại, đều là năng lượng, là ngọn lửa. Lửa là tên cũ; bây giờ họ gọi nó là điện. Con người đã dán nhãn cho nó bằng nhiều, nhiều cái tên, nhưng lửa là tốt. Điện dường như có chút ít chết, lửa có vẻ sống động hơn.
Hành động một cách có lưu tâm. Đó là cuộc hành trình dài, gian nan, và khó mà nhận biết ngay cả cho một khoảnh khắc; tâm trí lấp loé thường xuyên. Nhưng điều đó không phải là không thể được. Nó gian nan, nó khó khăn, nhưng nó không phải là không thể được. Nó là có thể - với mọi người nó là có thể. Chỉ nỗ lực là cần thiết, và nỗ lực toàn tâm. Không cái gì nên bị bỏ ra; không cái gì nên bị để lại bên trong không được chạm tới. Mọi thứ đều nên được hi sinh vì nhận biết; chỉ thế thì ngọn lửa bên trong mới được phát hiện ra. Nó có đó.
Nếu người ta cứ đi tìm sự thống nhất bản chất giữa tất cả các tôn giáo đã từng tồn tại hay các tôn giáo có thể tồn tại, thế thì có thể tìm thấy một từ này nhận biết.
Jesus kể một câu chuyện... Người chủ của một ngôi nhà lớn đi ra ngoài, và ông ta bảo người hầu phải thường xuyên tỉnh táo, bởi vì bất kì khoảnh khắc nào ông ta đều có thể quay lại. Cho nên trong hai mươi bốn giờ một ngày họ phải tỉnh táo. Vào bất kì khoảnh khắc nào người chủ đều có thể về - bất kì khoảnh khắc nào! Không có khoảnh khắc cố định, không ngày cố định, không ngày tháng cố định. Nếu có ngày tháng cố định, thế thì bạn có thể ngủ; thế thì bạn có thể làm bất kì cái gì bạn thích và tỉnh táo chỉ vào ngày tháng đặc biệt đó bởi vì thế thì người chủ về. Nhưng người chủ đã nói, "Ta sẽ về vào bất kì khoảnh khắc nào. Ngày và đêm các ông đều phải tỉnh táo để đón ta."
Đây là chuyện ngụ ngôn về cuộc sống. Bạn không thể trì hoãn được; bất kì khoảnh khắc nào người chủ cũng có thể về. Người ta phải tỉnh táo liên tục. Không ngày tháng cố định; chẳng cái gì được biết về khi nào việc xảy ra bất thần này sẽ có đó. Người ta chỉ có thể làm một điều: tỉnh táo và chờ đợi.
Nhận biết là kĩ thuật cho việc định tâm người ta, cho việc đạt tới ngọn lửa bên trong. Nó có đó, ẩn kín; nó có thể được phát hiện ra. Và một khi nó được phát hiện ra, chỉ thế thì chúng ta mới có khả năng đi vào ngôi đền - không trước đó, chưa bao giờ trước đó cả.
Nhưng chúng ta có thể tự lừa dối mình bởi các biểu tượng. Biểu tượng là để chỉ ra thực tại cho chúng ta, nhưng chúng ta có thể dùng chúng như việc lừa dối. Chúng ta có thể thắp hương, chúng ta có thể tôn thờ những vật bên ngoài, và thế rồi chúng ta cảm thấy thoải mái rằng chúng ta đã làm cái gì đó. Chúng ta có thể cảm thấy bản thân mình có tính tôn giáo mà không trở thành tôn giáo chút nào. Đó là cái đang xảy ra; đó là cái đã trở thành đất. Mọi người nghĩ họ mang tính tôn giáo chỉ bởi vì họ đi theo các biểu tượng bên ngoài, không có ngọn lửa bên trong.
Cứ nỗ lực cho dù bạn thất bại. Bạn sẽ ở chỗ bắt đầu. Bạn sẽ thất bại đi thất bại lại, nhưng cho dù vậy thì thất bại của bạn sẽ có ích. Khi bạn không nhận biết trong một khoảnh khắc thôi, lần đầu tiên bạn cảm thấy mình vô ý thức làm sao.
Bước đi trên phố, và bạn không thể đi vài bước mà không trở nên vô ý thức. Bạn sẽ cứ quên đi quên lại bản thân mình. Bạn bắt đầu đọc biển chỉ đường, và bạn quên mất bản thân mình. Ai đó đi qua, bạn nhìn người đó, thế là bạn quên mất bản thân mình.
Thất bại của bạn sẽ có ích. Chúng có thể chỉ ra cho bạn rằng bạn đang vô ý thức thế nào. Và cho dù bạn có thể trở nên nhận biết rằng bạn vô ý thức, bạn đã thu lại được nhận biết nào đó. Nếu người điên trở nên nhận biết rằng mình điên, người đó đang trên con đường trở về lành mạnh.
http://oshovietnam.net/cach-song-co-y-thuc-truc-tuyen/451-nhan-biet/trang-3