Sự tĩnh lặng và Ý chí



Ông ta là một đạo sư có tên tuổi, mình đắp áo vàng nghệ, mắt lơ đãng xa xăm. Ông nói rằng đã bao năm rồi ông xa lìa thế tục, và nay ông chứng gần đến mức dửng dưng trước thế gian này và cả thế giới khác. Ông khổ luyện nhiều pháp tu, điều khiển thể xác gắt gao, cứng rắn, và nay ông chế ngự được hơi thở và bộ thần kinh một cách lạ thường. Điều ấy khiến ông cảm thấy có một mãnh lực lạ lùng, dầu rằng ông không để tâm tìm kiếm.


Krishnamurti: Mãnh lực ấy phải chăng toàn gây hại cho sự hiểu biết, cũng như mãnh lực của sự tham vọng và tự đại? Tham lam, cũng như sợ hãi, gây sức mạnh cho hành động. Mọi cảm giác về quyền lực, về sự thống trị, làm tăng sức mạnh của cái tôi, củng cố “cái tôi” và “cái của tôi” ; và phải chăng “cái tôi” che khuất thực tại? 

Nhà sư: Cái thấp phải trừ bỏ, hoặc đôn lên cho hợp với cái cao. Mọi xung đột giữa những ham muốn khác nhau giữa thân và tâm phải được điều chế; trong quá trình kiểm soát ấy, người cầm cương thưởng thức một nguồn mãnh lực khác thường, nhưng mãnh lực ấy chỉ dùng để đi sâu hơn, để hướng thượng. Mãnh lực ấy chỉ có hại khi dùng vào tư lợi, thay vì dùng vào việc san bằng con đường đi đến cái cùng tuyệt. Ý chí là mãnh lực, ý chí là năng lực chỉ đạo. Ý chỉ chỉ nguy hiểm khi đặt vào mục đích cá nhân, nhưng biết dùng theo đường chánh thì lợi ích vô cùng. Không ý chí, không thể có hành động.

Kr: Ông thủ lĩnh nào cũng dùng mãnh lực, dùng uy quyền làm phương tiện đi đến cứu cánh, khác gì người thường; nhưng họ lại tuyên bố rằng họ sử dụng uy quyền cho lợi lạc của toàn thể con người, còn người thường thì chỉ nhắm vào bản thân của họ. Chủ đích của nhà độc tài, của người quyền thế, của ông thủ lĩnh vẫn là chủ đích của người thuộc hạ, chúng giống nhau hết, cái này khai triển ra cái kia, và cả hai đều là phóng thể của cái tôi. Ta bác cái này và khen cái kia, nhưng tất cả chủ đích há chẳng toàn là kết quả của thành kiến, của thiên kiến, của sợ hãi và mong cầu? Ông mang ý chí, nỗ lực, quyền thế ra lót đường để đến cái cùng tuyệt; cái cùng tuyệt ấy, ông nặn ra theo tham vọng, và cũng tức là ý chí của ông. Ý chí tự tạo ra một chủ đích của riêng nó, rồi hy sinh tất cả, hoặc trừ bỏ tất cả, nhằm đến mục đích ấy. Cứu cánh ấy chính là ý chí, chỉ gọi khác đi là cái cùng tuyệt, hoặc nhà nước, hoặc ý thức hệ.

NS: Không có năng lực của ý chí thì làm sao chấm dứt xung đột?

Kr: Không hiểu then máy của xung đột, hành tung xuất hiện của nó, thì việc trừ bỏ hay cao thượng hóa hoặc tìm một cái gì để thay thế xung đột thì có ích lợi gì? Chính ý chí tự nó là xung đột, là kết quả của tranh chấp; ý chí là dục vọng có định hướng, có chủ trương, có mục đích. Không thấu hiểu then máy của dục vọng mà chỉ kiểm soát suông, toàn nung nấu thêm khổ não. Kiểm soát là lẩn trốn. Ông có thể kiểm soát một đứa bé hay một vấn đề, nhưng có phải vì thế mà ông hiểu được bất cứ cái nào. Sự thấu hiểu thì quan trọng gấp bội phần hơn là cái đến đích. Hành động của ý chí toàn gây phá hoại, vì đó là thứ hành động khép kín trong bản ngã, chia rẽ và cô lập. Ông không thể cố tâm bóp nghẹt xung đột, dập tắt dục vọng được, vì lẽ người cố tâm vẫn chính là sản phẩm của xung đột, của dục vọng. Trong quá trình tư tưởng, con người và tư tưởng đều là kết quả của dục vọng; nếu không thấu triệt dục vọng, tức là cái tôi, dầu được đặt ở bất cứ trình độ cao hay thấp nào, thì tâm thức vẫn còn mắc phải vô minh. Con đường đưa đến cái cùng tuyệt không nằm trong cửa ngõ của ý chí, dục vọng. Cái cùng tuyệt chỉ hiển lộ khi nỗ lực và người nỗ lực dứt bặt. Chính ý chí đẻ ra xung đột, đẻ ra khát vọng trở thành, hoặc đạt đến cái cùng tuyệt. Khi tâm thức mà bản chất là dục vọng bặt im, không dụng công phí sức, thì trong cái tĩnh lặng ấy, vốn không phải là mục đích, liền hiển lộ thực tại.

NS: Nhưng không phải tính đơn giản chẳng cần thiết cho sự tĩnh lặng sao?

Kr: Ông hiểu thế nào là đơn giản? Có phải ông muốn nói đến việc đồng hóa với tính đơn giản, hay tự nhiên là đơn giản?

NS: Ông làm sao đơn giản được nếu không đồng hóa với những gì xét ra đơn giản, trong cũng như ngoài

Kr: Ông trở thành đơn giản, có phải không? Ông vốn phức tạp nên ông trở thành đơn giản bằng việc đồng hóa, bằng cách tự đồng hóa mình với người dân quê, hoặc chiếc áo thầy tu. Tôi đang là thế này, và tôi trở thành thế khác. Nhưng trở thành như vậy có đưa đến tính đơn giản không hay chỉ là cái ý tưởng đơn giản. Đồng hóa với một ý tưởng được gọi là đơn giản thì không phải là tính đơn giản, có phải không? Tôi đơn giản vì tôi đơn giản, hay vì tôi nhất quyết đồng hóa với kiểu mẫu đơn giản? Người ta đơn giản vì thấu hiểu cái đang là, chứ không phải dụng công sửa đổi cái đang là thành cái đơn giản. Làm sao ông có thể thay đổi cái đang là thành một điều gì khác? Làm sao cái tham, dù hướng về Chúa, tiền bạc hay rượu chè, trở thành cái không tham được? Bất cứ điều gì ta đồng hóa với nó đều là hình tướng phóng ngoại của cái tôi, dù điều đó là cùng tuyệt, là Nhà Nước, hoặc gia đình. Đồng hóa, dù ở phương diện nào, vẫn là tiến trình của cái tôi.
Đơn giản tức thấu hiểu cái đang là, dù nó có vẻ phức tạp. Cái đang là không có gì khó hiểu, sở dĩ ta không hiểu tại ta phân tâm trong nếp sống so đo, khen chê, thành kiến, dẫu tiêu cực hoặc tích cực v.v… Chính những cái ấy đưa đến rắc rối. Cái đang là tự nó không bao giờ rắc rối, vốn luôn đơn giản. Ông là cái gì, cái ấy dễ hiểu; nó hóa ra rắc rối bởi thái độ của ông tiếp cận với nó; bởi vậy, cần thấu đạt toàn thể then máy tạo nên thái độ gây rắc rối ấy của ông. Chẳng hạn nếu ông không chê trách một em bé thì nó thế nào hiện y thế ấy, và ông dễ xử sự. Hành động của khen chê đưa đến phức tạp. Hành động của cái đang là thì đơn giản.
Sự tĩnh lặng tự nó tịnh, chẳng cần phải có gì mới được tịnh. Cái tịnh tự nó là chung, tự nó là thỉ. Không phương tiện nào tạo ra hay đưa đến cái tịnh. Chỉ khi nào ta nghĩ rằng sự tĩnh lặng là điều có thể đạt được, có thể thành tựu được, thì phương tiện mới hóa ra tối cần. Phương tiện là động, là bạo hành, còn bản chất cứu cánh vốn như nhau vì cứu cánh nằm trong phương tiện. Nếu cái thỉ là tĩnh lặng thì cái chung cũng tĩnh lặng. Không có phương tiện nào đưa đến tĩnh lặng được, khi động dứt thì có tĩnh lặng. Cái động không thể chấm dứt qua việc cố gắng, kiềm chế, khổ luyện, ý chí, vì như vậy vẫn là động. Thấy được sự thật của điều nầy, tự nhiên có tĩnh lặng.


Tác giả: Krishnamurti
Dịch giả: Trúc Thiên