Mưu cầu khoái lạc

 Vô lượng thời gian trôi lăn trong biển luân hồi sinh tử để đến một lúc nào đó, tâm thức cá nhân chợt thấm thía những bất an xung đột, đau khổ luôn đè nặng lên người cho dù y đang sống trong bất kỳ môi trường thuận lợi nào. Ý thức được những nỗi bất hạnh đó, y bắt đầu hướng tới và bước từng bước khập khiễng vào con đường tâm linh với lòng quyết tâm sắt đá trong nỗ lực khám phá ra cái bình an chân thật muôn đời. 
Trải qua quá trình dấn thân vào con đường tâm linh ấy, ngày nọ y đột nhiên phát hiện ra được một điều là, thật ra y đã không có được một tấm lòng mộ đạo chân thành, không thật sự tìm cầu giải thoát mà thay vào đó là y chỉ khao khát tìm kiếm những chất kích thích, những cảm giác khoái lạc mới lạ để thỏa mãn “cái tôi” của y.
Tư tưởng của y đã tạo ra quá nhiều hình ảnh, hình ảnh về các sự vật bên ngoài cũng như hình ảnh về chính con người y làm cho y dễ dàng bị tổn thương khi hình ảnh về con người y bị người khác xúc phạm và giờ đây, cũng chính tư tưởng đã đánh lừa y bằng cách phủ lên những khao khát đó một lớp sơn thật hào nhoáng, bóng bẩy: Sự giải thoát tối hậu của kiếp con người. 
Điểm lại quá trình 6 năm hành đạo trong rừng trước trước khi đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Đức Phật, trong khoảng thời gian ấy – từ việc chứng đạt những sở đắc trong các tầng thiền định và ngay cả những nỗ lực triệt tiêu cái “ngã” bằng viêc nhịn ăn, nín thở v.v…, y cảm thấy toàn bộ tiến trình tu tập của Đức Phật chỉ là một cuộc săn tìm cảm giác mãi cho đến khi dưới cội Bồ Đề, những động cơ lẩn khuất này cùng với tất cả những cạm bẫy tế vi của tư tưởng đã được thấu triệt bằng Tuệ Giác Vô Thượng, ngài mới thật sự trở thành một con người hoàn toàn tự tại.
Liên hệ đến chuyện tầm đạo của ngài Huệ Khả, y cũng nhận thức được đằng sau lời cầu xin khẩn thiết mong được Tổ Bồ Đề Đạt Ma an cho cái tâm là cả một động cơ to lớn của sự tìm kiếm khoái lạc dưới một hình thức khác mà bản thân ngài Huệ Khả có lẽ cũng không hề hay biết. Từ động cơ sâu thẳm đó, một cách vô tình, Huệ Khả đã giăng sẵn một cái bẫy mà nếu không phải là bậc thực tu, thực chứng, ắt hẳn Tổ Đạt Ma sẽ đề ra một phương pháp để an tâm và tức khắc, Tổ cũng sập vào cái bẫy muôn đời của tư tưởng. Có lẽ, y nghĩ, do biết rõ lòng tham dục khi được đẩy lên tới cực điểm bằng những khát khao mãnh liệt một sự an lạc tối thượng có thể sẽ được chuyển hóa bởi sự khai mở của trí tuệ nên Tổ đã đưa ra lời yêu cầu sấm sét: “Hãy đưa tâm đây ta an cho”. Kết quả của lời yêu cầu minh triết ấy đã thực sự đánh thức được nguồn Tuệ giác vốn tiềm ẩn trong Huệ Khả và chính câu trả lởi: “Con tìm hoài mà không thấy tâm đâu cả” đủ để minh chứng được nguồn Tuệ giác nơi ông đã bắt đầu khởi động.
Cảm thấy có điều gì đó không ổn trong những nhận định trước đây của y - “Không thấy tâm đâu cả” là kết quả của sự dứt bặt tất cả mọi vọng tưởng để từ đó hành giả nhận ra sự thanh tịnh, vắng lặng, bất sanh bất diệt của Phật tánh, Phật tri kiến hay Vô sư trí - y bắt đầu tự hỏi: Vậy thì cái gì nhận ra được Phật tri kiến? Phải chăng chính trí não, tư tưởng đã nhận ra Phật tri kiến? Có thể nào cái giới hạn, sinh diệt của tư tưởng lại có thể nhận ra hay thâm nhập được cái bất sinh bất diệt vốn dĩ vượt ngoài thời gian, ngoài phạm vi giới hạn của tư tưởng? Phải chăng, khả năng của tư tưởng là chỉ nhận biết cái đã xảy ra chứ không thể nào nhận biết cái đang xảy ra, phi thời gian tính bởi bản chất của tư tưởng chỉ là hồi tưởng và tưởng tượng. Phải chăng "Con tìm hoài mà không thấy tâm đâu cả" hàm ý là không có cá nhân Huệ Khả đang bất an mà chỉ có dòng chảy tâm thức nhân loại đang trôi chảy tạm gọi là bất an?
Thêm một nghi vấn nữa chợt nảy sinh trong y: Vậy với một tinh thần luôn cảnh giác, phòng hộ một cách cao độ bằng cách giữ tâm không để cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dính mắc vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hoặc bằng sự phủi bỏ, quét sạch ngay lập tức mỗi khi các trạng thái tâm xuất hiện dù đó là bất an, vọng tưởng hay thanh tịnh…, hành giả có còn trụ tâm hay dính mắc vào các pháp không? Câu trả lời là: Cái gì giữ tâm không cho dính mắc vào các pháp, cái gì phủi bỏ hay quét sạch? Phải chăng đó cũng là phần việc của tư tưởng. Tư tưởng không biết rằng bản chất của nó là luôn chụp bắt khoái lạc, từ những khoái lạc thô thiển nhất cho đến những khoái lạc cao thượng, tế vi của tâm linh như những trạng thái hỷ lạc, an tịnh trong các tầng thiền định. Do vậy, y cho rằng nghi vấn mà y vừa nêu là một nghi vấn sai, thiếu tính nghiêm túc vì nội dung câu hỏi đã ngầm chứa sự mong muốn được thỏa mãn.
Phải chăng, y nghĩ, không liên hệ gì đến cái nhìn hữu ngã của tư tưởng, cái nhìn của Tuệ giác là cái nhìn không biết nên không còn thấy, nghe hay biết. Không còn thấy, nghe, hay biết nữa - đây không phải là cách nói phủ định đối lại với khẳng định - mới thật sự là cái Thấy Như Thật. Đó là cái nhìn của sự diệt mất - không phải phủ nhận sự hiện hữu luôn biến dịch của nội và ngoại pháp mà là diệt mất mọi tính đối kháng và qui ngã. Công năng của cái nhìn diệt mất là thấy được tính vô thường, khổ (bất toại nguyện), còn tự thân của cái nhìn diệt mất được gọi là Phật tri kiến hay Vô sư trí. Và y biết rằng, tất cả cũng chỉ là tên gọi mà thôi.
Y cũng phát hiện được những kinh nghiệm tâm linh mà y đã trải qua trước đây đều có mầm mống của sự bạo hành. Làm sao mà không bạo hành khi đằng sau những kinh nghiệm, thực chứng mà y cho là siêu tuyệt đó đều mang nặng dấu ấn của sự khẳng định và kết luận (ngoại trừ những khẳng định, kết luận có tính chất vật lý hay trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc khoa học, kỹ thuật…). Không phải chỉ có sự xung đột, đánh đập, giết hại lẫn nhau mới là bạo hành mà bất kỳ một sự khẳng định, kết luận nào có sự nhấn mạnh của “cái tôi” (người quan sát) cũng đều mang tính bạo hành cả.
Y cũng nhận thức được là trước đây, vì quá đỗi lo toan, khao khát từ những nỗ lực riêng tư cho sự giải thoát cá nhân mà y đã đánh mất đi tính mẫn cảm, nhạy bén của các giác quan để y có thể quan sát sự chuyển dịch của cuộc sống bằng cái nhìn không tư tưởng. Y đã không lắng nghe được trọn vẹn tiến kèn xe, tiếng ồn ào của xe cộ, không cảm nhận được trọn vẹn một làn gió nhẹ thổi qua, không cảm nhận được dáng đi, thế đứng của y, không cảm nhận được đằng sau cái liếc mắt của y trước một đối tượng mà y yêu thích hay chán ghét v.v… với một tâm thái rỗng lặng không kiến thức.
Nhìn một chiếc lá rơi, chứng kiến trực tiếp hoặc gián tiếp những cảnh như thiên tai, động đất, lũ lụt hay những cuộc chiến tranh đẫm máu, những vụ giết người hàng loạt ở một số nơi trên thế giới mà cho là đã thấy được tính vô thường của vạn vật, giờ đây, y cảm thấy những nhận định trước kia không còn được chính xác nữa. Đó chỉ là cái nhìn của tư tưởng, của kiến thức mà tư tưởng là sự ứng đáp của ký ức và kiến thức là sự tích lũy của kinh ngiệm nên cái nhìn đó vốn luôn cũ kỹ. Nhìn một cội cây hay một chiếc xe hơi thật đẹp để thấy được tính vô thường, vô ngã của đối tượng, với y, không phải là điều dễ dàng chút nào. Chỉ trong những khoảnh khắc thấy được cái thực thể không tên (cái đang hiện hữu hay đang xảy ra) của nội tâm và ngoại giới bằng cái nhìn mới mẻ (không phải là mới đối với cũ), y mới có thể lĩnh hội được thâm nghĩa: cái nhìn không có người quan sát (năng quán) và đối tượng được quan sát (sở quán). Từ cái nhìn không còn Năng - Sở (tâm lý), y mới có thể thấy ra được tính Vô thường, Khổ, Vô ngã của các pháp. Không còn vấn đề tư tưởng có trước hay cái nhìn mới mẻ (cái Thấy) có trước vì trước, sau là hàm ý có thời gian trong khi cái Thấy vốn phi thời và ngay khi đó giữa cái Thấy và đối tượng là Nhất Như (dường như một) hay Bất Nhị.
Khi tư tưởng đã thăng hoa và được hướng sang các lĩnh vực như: khoa học, kỹ thuật, hôi họa, âm nhạc v.v… nhân loại sẽ có được những nhà bác học vĩ đại, những thiên tài âm nhạc, những hội họa gia danh tiếng, những bậc thức giả lỗi lạc hay bí ẩn dị thường nhưng tất cả sự thăng hoa của tư tưởng dù tiềm ẩn dưới bất kỳ dạng nào cũng đều thuộc về phạm trù cái đã biết. Đọc một số sách về thiền đạo, y đã quan tâm quá nhiều đến các dữ kiện, chi tiết của nội dung quyển sách và cứ ngỡ rằng mình đã có được những nhận định rõ ràng, minh bạch. Y không biết rằng, để có được sự nhận định chân xác, điều kiện duy nhất và tối cần thiết là y phải có một tâm thái bén nhạy như thế nào đó, đủ để phân biệt một cách rạch ròi những gì được diễn giải trong kinh sách là kết quả phản hồi của cái đã biết hay được lưu xuất từ cái không biết. Đơn giản chỉ vậy thôi.
Và sau cùng, y cũng nhận thức được, ngày nào mà chưa thấy ra được sự bất khả phân ly hay tính toàn thể giữa nội tâm và ngoại giới, ngày đó, trên bước đường tâm linh, y vẫn là một kẻ hành khất chuyên đi xin xỏ những chất kích thích, tìm kiếm những cảm giác mạnh để rồi mãi mãi ngủ yên trên những khoái lạc do y tự tạo.

PAD


http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?module=mucluc&l_id=419