HAM MUỐN: NHU CẦU MUỐN CÓ NHIỀU HƠN

Bản ngã luôn tự đồng nhất nó với chuyện sở hữu một cái gì, nhưng cảm giác thỏa mãn của bản ngã khi có được vật gì đó thì rất cạn cợt, và chóng phôi pha. Vì ẩn giấu rất sâu kín ở trong bản ngã của bạn là một cảm giác chưa thỏa mãn, chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Khi bản ngã nói “Tôi chưa có đủ”, thì thực ra bản ngã muốn nói rằng: “Con người của Tôi chưa hoàn thiện”.Như ta đã thấy, “sở hữu một cái gì” chỉ là một câu chuyện do bản ngã thêu dệt nên với mục đích cốt làm cho tự thân của bản ngã có vẻ chắc chắn và vững bền hơn, làm cho nó nổi bật lên, hay đặc biệt hơn, vì thực ra bạn không thể tìm ra được chính mình qua chuyện sở hữu vật chất. Tuy nhiên, trong bạn luôn có một sự thôi thúc rất mạnh mẽ đẩn dưới việc muốn tìm kiếm đó; sự thôi thúc này có liên quan đến chính cấu trúc của bản ngã. Đó là nhu cầu muốn có nhiều hơn, mà ta có thể gọi là lòng ham muốn. Không bản ngã nào có thể tồn tại lâu dài nếu không có ham muốn được có nhiều hơn. Vì thế lòng ham muốn có vai trò giúp cho bản ngã của bạn sống sót nhiều hơn là chuyện bạn sở hữu một cái gì. Do đó, bản ngã của bạn luôn ham muốn để có được nhiều hơn, hơn là ham muốn để sở hữu một thứ gì. Vì vậy mà sự thỏa mãn trở nên rất nông cạn: khi bạn đã có được một cái gì đó thì sự thỏa mãn đó sẽ rất nhanh chóng được thay thế bởi ham muốn có thêm nhiều hơn nữa, một đòi hỏi không bao giờ có thể thỏa mãn được. Có thêm nhiều hơn nữa để bản ngã của bạn có thể tự đồng nhất nó với những thứ đó. Đó là một nhu yếu có tính nghiện ngập hơn là một nhu yếu đích thực.
Trong nhiều trường hợp, nhu yếu muốn có nhiều hơn, hay cảm giác chưa đầy đủ rất đặc trưng của bản ngã được chuyển thành một nhu yếu của cơ thể và trở thành những cơn đói khát không thể nào thỏa mãn. Những người bị chứng bulimia (chứng cuồng ăn vô độ) cảm thấy đói khát ăn uống một cách không thể kiểm soát, do đó họ thường tìm cách để nôn ra những gì đã ăn, cốt để cho dạ dày có chỗ trống để họ có thể tiếp tục ăn thêm nữa. Cái đầu của họ cảm thấy đói khát, chứ không phải là cơ thể của họ thực sự đói khát. Sự rối loạn trong cách ăn uống này sẽ được chữa lành nếu người bệnh, thay vì đồng nhất mình với những thèm khát thức ăn ở trong đầu, thì họ có thể tiếp xúc với cơ thể của họ và cảm nhận được nhu cầu thật sự của cơ thể chứ không phải là nhu cầu giả tạo có tính bản ngã ở trong đầu họ.
Có thứ bản ngã biết mình ham muốn thứ gì và theo đuổi mục đích đó cho đến cùng mà không chút xót thương hoặc nhân nhượng: Thành Cát Tư Hãn, Hitler… là những ví dụ điển hình trong đời sống. Tuy nhiên năng lượng đằng sau tham vọng quyền lực đã tạo nên một lực đối nghịch, có cùng cường độ với tham vọng quyền lực của họ, rốt cuộc sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ. Cùng lúc đó, họ đã tạo ra bao nhiêu bất hạnh cho chính mình cũng như những người chung quanh, hoặc tạo ra địa ngục như trong những trường hợp trên. Hầu hết bản ngã đều có những ham muốn rất mâu thuẫn nhau. Họ ham muốn những thứ khác nhau vào những lúc khác nhau, thậm chí nhiều khi họ không biết họ đang ham muốn thứ gì, ngoại trừ một thứ mà họ chắc chắn là không muốn: phút giây hiện tại. Kết quả của lòng ham muốn bất tận này là sự bất an, chán chường, cảm giác đâu lo và nôn nóng. Lòng ham muốn của bản ngã thuộc về cấu trúc nên không có sự sở hữu nào có thể thỏa mãn dài lâu cho bản ngã, chừng nào mà cấu trúc của bản ngã vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta thường nhận thấy lòng ham muốn mãnh liệt nhưng không có mục tiêu cụ thể thường bộc lộ ở bản ngã còn đang phát triển của những thanh thiếu niên, trong đó một số các em thường xuyên ở trong một trạng thái bất mãn và tiêu cực.
Những nhu cầu vật chất như thức ăn, nước uống, chỗ ở, áo quần và những thứ căn bản khác có thể được đáp ứng dễ dàng cho mọi người trên quả đất, nếu không vì sự mất quân bình trong tài nguyên tạo ra bởi nhu cầu điên rồ và tham lam của bản ngã, luôn muốn mình có nhiều hơn người khác. Lòng tham lam đó được biểu hiện ra trong cơ cấu kinh tế của thế giới này, chẳng hạn như các tập đoàn kinh tế lớn mà thực ra chỉ là các thực thể có tính bản ngã đang đấu tranh lẫn nhau để giành giật được nhiều hơn. Mục tiêu mù quáng duy nhất của họ là lợi nhuận. Họ theo đuổi mục tiêu đó mà không chút xót thương. Thiên nhiên, loài vật, con người và ngay cả công nhân của họ, tất cả chẳng qua cũng chỉ là các con số trong bảng kết toán, chỉ là những thứ vô tri để sử dụng và loại bỏ.
Những cách tư duy như “Tôi”, “của Tôi”, “Nhiều hơn”, “Tôi muốn”, “Tôi cần”, “Tôi phải có”, “Tôi chưa có đủ” không nằm ở những vật sở hữu của bạn mà ở cấu trúc của bản ngã. Hình thức của những vật sở hữu của bản ngã thì không quan trọng, vì nó có thể thay thế cho nhau. Chừng nào mà bạn còn chưa nhận ra những kiểu suy nghĩ như thế ở bản thân, chừng nào mà chúng chưa lộ rõ ra dưới ánh sáng nhận thức thì bạn sẽ còn tin vào chúng, bạn sẽ bị buộc phải hành xử theo những kiểu suy nghĩ như thế, bạn buộc phải đi tìm thêm, vì khi những hình thái tư tưởng như thế tồn tại ở trong bạn thì không có nghề nào, nơi nào, người nào hay hoàn cảnh nào có thể làm cho bạn thỏa mãn được. Không có vật sở hữu nào thỏa mãn được bạn, chừng nào mà cấu trúc của bản ngã vẫn đang còn. Dù có sở hữu được một bảo vật quý giá đi nữa thì bạn vẫn luôn cảm thấy không hài lòng. Bạn luôn đi tìm một cái gì khác hứa hẹn sự thành công lớn hơn, hứa hẹn sẽ làm cho cảm giác bất toàn ở trong bạn được toàn vẹn hơn và lấp đi cảm giác trống vắng, thiếu thốn ở trong bạn.

Trích:
Thức tỉnh mục đích sống – Eckhart Tolle