Nhưng cuộc sống vốn nhiêu khê, đa dạng và biến ảo khó lường nên thiền cũng phải "vô chiêu" mới có thể thực sự miên mật với bấy nhiêu bài học thực tế phức tạp trong đời.
Vì vậy tôi thường vận dụng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi chính những gì mà mình đang trải nghiệm, bất kỳ ở đâu và lúc nào, trong trạng thái tự nhiên, không thêm bớt, không cố đưa vào khuôn mẫu hay điều kiện đặc biệt nào. Tôi muốn thấy sự thật như nó là chứ không đặt nó trong chiều kích phải là.(1)
Đạo Phật là đạo trí tuệ, nên ngay trong thời Phật Giáo Nguyên Thuỷ, Đức Phật đã khẳng định không nên chỉ tin mà không tìm hiểu và thể nghiệm để chứng ngộ sự thật. Về sau, một vài tông phái Phật Giáo, vì lợi ích chuyển hoá quần chúng mê tín nên đã vận dụng hình thức tín ngưỡng hơi nhiều cho hợp với căn cơ trình độ của họ, từ đó một số Phật tử xao lãng trọng tâm trí tuệ và thực nghiệm của Đạo Phật. (2)
Vipassanā là trực chỉ sát-na thực tại hiện tiền, không qua bất kỳ phương tiện nào khác như các vị thiền sư cùng thời thường vận dụng. Nếu không nắm vững nguyên tắc cơ bản và rốt ráo này chúng ta rất có nguy cơ nhầm lẫn thiền Vipassanā với những lối thiền ám thị, thiền tinh tấn, thiền niệm, thiền định, và nhất là thiền tư duy quán tưởng.
Tuy nhiên, vì đây là giai đoạn cuối, đối đầu với cánh cửa thực tại nên ở đó thực tánh pháp rốt ráo vẫn luôn luôn sẵn sàng xuất đầu lộ diện, nhưng nếu chỉ còn một chút bụi trong mắt cũng đủ biến thành vô vàn hoa đốm giữa hư không, để rồi "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương" (Trên đầu đội đầu, trên tuyết thêm sương) như các thiền sư thường cảnh báo.
Chính vì vậy, nếu chúng ta cảm thấy chưa đủ trình độ thì chớ nên gượng ép đối đầu với thực tại, lúc ấy dùng các phương tiện xem ra hữu ích hơn mà cũng tỏ ra biết lượng sức mình hơn. Bởi không, chúng ta sẽ cảm thấy thiền Vipassanā sao mà quá khó khăn, khô khan và dễ nhàm chán đến thế, trong khi những hành giả căn cơ đã chín mùi lại dễ dàng nhận ra ở đó - Sát-na thực tại hiện tiền - một chân trời thênh thang mầu nhiệm của cứu cánh giác ngộ giải thoát.(3)
Thiền Phật giáo đã được truyền khắp năm châu, nhưng cũng vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường phái khác nhau, tựu trung chúng ta có thể phân ra ba loại tùy theo căn cơ trình độ hay nhu cầu của hành giả:
- Một số hành giả dựa trên GIÁO mà hiểu NGHĨA theo tầm cỡ nhận thức của mình hoặc theo truyền thống của tông môn mình, rồi vận dụng ra phương pháp thiền để tu tập và hướng dẫn người khác. Những phương pháp này nằm trong khuôn khổ chế định, mang tính tục đế, tuy cũng có nhiều kết quả khả quan nhưng chỉ giải quyết được những vấn đề cục bộ, như người mù sờ voi, không thể thấy chân tánh toàn diện của thực tại. Phần lớn hành giả chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm phiến diện trong các trạng thái định chứ chưa khai mở được tuệ giác.
- Ở tầm vóc cao hơn, một số hành giả đã thấy được LÝ nhưng khi vào SỰ thì hoàn toàn lúng túng. Bởi vì thấy LÝ cũng có nhiều mức độ khác nhau: 1) Hiểu được LÝ qua lý trí. 2) Nhận ra LÝ qua thể nghiệm ban đầu. 3) Thông suốt LÝ qua thể nghiệm toàn diện. Tiến trình này được đức Phật gọi là THẤY – BIẾT – HIỆN QUÁN và THỰC CHỨNG. Ở trình độ này hành giả có thể chứng ngộ được thực tánh pháp tùy theo độ khai mở của tâm (qua các tuệ chứng tương ứng).
- Khi đã thực chứng, tức đã thấy LÝ trong SỰ, hành giả bắt đầu sống TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP, trải nghiệm tất cả SỰ trong nghiệp mệnh chính mình chứ không tìm kiếm bên ngoài, nhờ đó thấy ra LÝ và SỰ không hai, LÝ và SỰ dung thông ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh hiện tiền.
Ở trình độ đầu, hành giả thường thích đề cao kinh nghiệm cá nhân, xem đó là sở đắc và luôn muốn đạt được những kinh nghiệm cao hơn. Chính vì vậy họ bị lệ thuộc vào lập trình quy ước của phương pháp, vào thời gian tâm lý trong cố gắng tạo nhân để gặt quả – sở đắc – mà họ mong đợi. Đây là một loại chấp hữu, khó khai mở được.
Ở trình độ thứ hai, hành giả thường tự mãn về LÝ mà mình đã thấy nên chỉ lo thuyết phục người khác mà quên đi thực tại nơi chính mình, vì tưởng rằng thấy lý là đã xong. Do quá đề cao LÝ, họ sống thiếu thực tế và tỏ vẻ lập dị giữa cuộc sống bình thường. Đây là một loại chấp không, khó chấp nhận đời sống hiện thực.
Ở trình độ thứ ba, dù hành giả lặng lẽ hay nói năng đều hợp nhất SỰ và LÝ, thân và tâm, vừa tùy duyên thuận pháp – sống hợp với chân đế; vừa tùy thuận chúng sanh – không xa lìa tục đế; đồng thời tùy hạnh nguyện VÔ NGÃ VỊ THA mà hành xử theo trung đạo chứ không có chỗ tham cầu, không có nơi dừng lại...(4)
Nghiệp là một đạo lý vô cùng quan trọng và hết sức tế nhị trong Giáo Pháp Đức Phật, đến nỗi Ngài cảnh báo rằng đó là vấn đề bất khả tư nghì, không nên suy nghĩ quá xa về sự vận hành của nó. Bởi vì chính những suy luận chủ quan đã gây biết bao hiểu lầm về định luật độc đáo mà Đức Phật đã giác ngộ và khai thị này. Tuy nhiên, trên mặt lý, nếu không nêu rõ một số nét khái quát và cương yếu thì lại càng gây hiểu lầm nhiều hơn, nên trong Giáo Điển Phật Giáo Nguyên Thuỷ Đức Phật đã giảng giải đạo lý về nghiệp một cách rõ ràng minh bạch đủ để chúng ta học hỏi, chiêm nghiệm mặt sự của chân lý này.
Có điều định luật (niyama) chi phối sự vận hành của vũ trụ và đời sống con người như luật về sinh học (bija), thời tiết (utu), lý hoá (dhamma), tâm thức (citta), và nghiệp lực (kamma), riêng đối với loài hữu tinh, trong đó có con người, thì định luật về nghiệp là quan trọng hơn cả, nói lên tính đạo đức, tính khoa học, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự do và nhiều phương tiện nhân bản khác.
Chính vì không thông suốt định luật nhân quả nghiệp báo này mà con người tự gây cho mình và xã hội biết bao đau thương khổ luỵ, rồi lại đổ cho trời đất, tha nhân hoặc gán cho những điều kiện khách quan bên ngoài. Nhưng khi người nào đã thấu rõ định luật này từ sự quan sát, chiêm nghiệm đời sống một cách sâu sắc thì không những có thể tự vượt qua khổ đau, tự hoàn thiện chính mình mà còn đem lại nhiều lợi lạc cho cộng đồng xã hội.
Không chỉ những người theo Đạo Phật mà những người nghiên cứu Phật học khách quan nhất cũng cần phải nắm vững đạo lý về nghiệp, một phần cốt lõi của nguyên lý Bốn Sự Thật Vi Diệu (Ariya Sacca), thì mới không nhầm lẫn tôn chỉ uyên nguyên của con đường Giác Ngộ Giải Thoát. (5)
Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta) là một trong những bài kinh Trung Bộ(Majjhima Nikāya) được nhiều thiền sư cũng như hành giả lưu ý nhất vì đó là pháp môn được Ðức Phật trình bày một cách khúc chiết, thiết thực và toàn diện. Toàn diện vì trong kinh này hàm súc phần lớn yếu tính Giáo Pháp của Ðức Phật về con đường Giác ngộ giải thoát.
Tính toàn diện rất quan trọng, nhất là trong thời mạt pháp, khi mà phần đông chỉ thích đi theo nhánh ngọn, có tính phân ly và cục bộ, nghĩa là chỉ biết hành theo những phương pháp vận dụng phiến diện, thiếu cái nhìn phổ quát, nhất hướng và chu toàn.
Dĩ nhiên một phương pháp cục bộ cũng có thể đưa đến một số thành quả nhất định nào đó, khiến cho hành giả cảm thấy hài lòng, mãn nguyện, nhưng chẳng khác nào một người bị lạc lối trong rừng sâu, tuy hái được một vài trái cây thơm ngon qua cơn đói khát, hay vượt qua một vài bụi bờ khó vượt thì đã vội vàng mừng rỡ, thật ra anh ta vẫn còn quanh quẩn trong khu rừng bao la mù mịt đầy hiểm trở, chông gai.
Cũng vậy, muốn thoát khỏi khu rừng luân hồi đầy phiền não khổ đau này, không thể dựa trên một vài phương tiện nghèo nàn cục bộ nào đó, mà phải y cứ trên chân lý, có định hướng cùng với những pháp môn thực tiễn, rõ ràng và toàn diện. (6)
Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp, hay tông môn nào, cho nên đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình. Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.
Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo. Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó. (7)
Chú thích:
(1) Trích lời giới thiệu: Ngôi nhà hạnh phúc
(2) Trích lời giới thiệu:
(3) Trích lời giới thiệu: Minh sát tu tập
(4) Trích lời giới thiệu: Sống trong thực tại
(5) Trích lời giới thiệu: Chánh kiến và Nghiệp
(6) Trích lời giới thiệu: Đoạn trừ Lậu Hoặc
(7) Trích lời giới thiệu: Hạnh Phúc Tùy cách nhìn