MƯỜI BÀI CHỨNG ĐẠO CA VĨ ĐẠI NHẤT CỦA MILAREPA



Bài 1: 

SÁU CÂU HỎI

Tâm đầy rẫy sự phóng chiếu, nhiều hơn cả bụi vi trần dưới ánh mặt trời.
Có ai là một yogi hay yogini (*) chứng đắc, nhìn thấy được hiện tướng của vạn vật, trần trụi như chúng là, ở ngay nơi chúng đang hiện diện?
Chân tánh nguyên sơ của vạn pháp không dựa vào sự kết tạo của nhân và duyên.
Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc, thấu triệt được cốt tủy của điều này, bứng sâu vào đến tận gốc rễ hay không?
Hàng trăm người với gươm và giáo cũng chẳng thể nào chặn đứng 
sự thôi thúc bất chợt của vọng niệm trong tâm.
Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc, thấy ra được rằng, 
tham luyến có thể tan biến và tự giải thoát cho chính nó hay không?
Sự vận hành của tâm tạo tác, chẳng thể nào khoá lại trong một chiếc hộp sắt.
Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc, thấy ra được rằng, 
tự chính vọng tâm ấy cũng mang tánh Không?
Ngay cả các vị hộ phật trí tuệ cũng không lánh xa các lạc thọ.
Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc, có thể nhìn xuyên qua được cái trong suốt của sự vận hành của thức hay không?
Còn các hiện tướng của sáu loại đối tượng khi đối diện với sáu thức thì sao?
Ngay cả đôi tay của các Đấng Chiến Thắng cũng chẳng thể nào ngăn chặn được.
Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc, có thể ngộ ra được rằng,
chẳng có đối tượng nào đằng sau các hiện tướng ấy hay không?

(*) Yogi: hành giả du già; yogini: nữ hành giả du già.

Đỉnh Se Phug ti núi Lapchi nơi Milarepa đã bay cao và để li du chân trên đá - Photo: TBĐ (2012)
______________________________

Bài 2:

BÀI CA BA CÂY ĐINH HÁT TẠI ĐỘNG MÃNH HỔ - THÀNH QUÁCH SƯ TỬ Ở YOLMO

Lạt ma yêu kính, 
xin hãy gia hộ để con có thể tự nhiên an trú trong tri kiến, thiền định và đạo hạnh như Ngài đã từng...
Những cây đinh cần đóng xuống, liên hệ đến tri kiến, gồm có ba.
Những cây đinh cần đóng xuống, liên hệ đến thiền định, gồm có ba.
Những cây đinh cần đóng xuống, liên hệ đến đạo hạnh, gồm có ba.
Những cây đinh cần đóng xuống, liên hệ đến đạo quả, gồm có ba.

Ba cây đinh liên quan đến tri kiến được mô tả như sau:

Các hiện tướng trong đời đều là sản phẩm của tâm.
Trong hư không rỗng rang của sự tỏa sáng, bản tâm là đấy.
Nơi ấy không có bất kỳ một phân chia đối đãi nào.

Ba cây đinh liên quan đến thiền định được mô tả như sau:

Tất cả các suy tưởng đều là pháp thân, thảy đều tự do không trói buộc.
Tánh giác [vốn] chiếu sáng, trong sâu thẳm là đại lạc.
Và khi an trú không tạo tác, đấy là đại định.

Ba cây đinh liên quan đến đạo hạnh, gồm có ba, được mô tả như sau:

Thập thiện chính là sự biểu lộ tự nhiên của giới hạnh.
Thập ác, tự bản thể vốn thuần tịnh.
Và tánh Không chói sáng, 
chẳng thể nào được tạo lập bởi các toan tính.

Để mô tả về những cây đinh liên quan đến đạo quả, gồm có ba:

Niết bàn không phải là điều gì có thể du nhập vào từ đâu cả.
Luân hồi không phải là điều gì có thể đẩy xô ra từ đâu cả.
Ta đã khám phá ra một cách chắc thực, rằng tâm chính là Phật, 
tâm này của ta.

Bây giờ, trong tất cả những cây đinh ấy, 
có một cây đinh có thể đưa ta quay về bản thể.
Đây là cây đinh của tánh Không hiện hữu hoàn toàn thanh tịnh.

Một vị chân sư sẽ biết làm thế nào sử dụng cây đinh ấy để quay về.
Nếu cứ phân tích, quán xét quá nhiều thì con sẽ chẳng thể nào hiểu được đâu!
Một sự chứng ngộ đồng-khởi-hiện (*) sẽ đưa ta quay trở về với bản thể.
Những dụng cụ giúp giảng dạy chút giáo lý này, hiện ra trong tâm của hành giả yogi, là người đã biến chúng thành bài đạo ca, để mang ra chia sẻ.
Mong rằng những điều này sẽ làm trái tim của các con hoan hỉ, 
các đệ tử nam và nữ của ta.

----------------------------
Bài 3: 

BÀI CA ĐẠI ẤN ĐỂ TRẢ LỜI CHO SỰ THÁCH THỨC CỦA BA HỌC GIẢ

Khi thiền định về Đại Ấn Mahamudra,
Ta an trú, không cần phấn đấu dụng công, trong sự hiện hữu đích thực như ta là.
Ta an trú, nhàn nhã trong pháp giới hư không, thoát mọi loanh quanh lẩn quẩn.
Ta an trú, trong sự sáng tỏ của pháp giới hư không, ôm ấp bởi tánh Không không lằn mé.
Ta an trú, trong pháp giới hư không của giác tánh và hỷ lạc.
Ta an trú, trong pháp giới hư không, không hề giao động bởi các khái niệm tạo tác.
Trong vô vàn pháp giới hư không, ta an trú trong đại định.
Và an trú như thế, chính đấy là bản tâm.
Kho báu của sự thâm tín kiên định hoá hiện bất tận, không ngưng nghỉ.
Ngay cả không cần dụng công, tâm vận hành tự chiếu sáng.
Không vướng kẹt vào các kết quả mong đợi, ta đang [thực hành] tốt. Không đối đãi nhị nguyên, không hy vọng và không sợ hãi, hô hê!
Mê lầm là trí tuệ, đấy mới thực là vui sướng và chiếu soi.
Mê lầm chuyển hoá thành trí tuệ, đấy là tốt lành!
____________________________

Bài 4: 

RANH GIỚI GIỮA HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ

Kẻ nào an trú trong sự tự nhận diện (*)
Và qua đó, chạm mặt được với thực tại nguyên sơ.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp đuổi bắt theo mê vọng,
Vướng mắc trong việc tạo dựng con rối khổ đau.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào an trú trong cảnh giới chân thực, không giả tạo,
Tâm thanh tịnh, không lay chuyển, cho dù việc gì có xảy ra.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp luôn vướng kẹt và phản ứng trước các hiện tượng,
Những điều ưa thích và không ưa thích do họ tự chất chồng.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào chứng ngộ được hiện tướng chính là pháp thân,
Đoạn trừ mọi hy vọng, sợ hãi và tâm nghi ngại.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp thiếu chánh niệm và giả trá,
Lại chẳng thể nào vượt qua tám pháp thế gian.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào thấu biết tất cả đều do tâm tạo,
Sẽ vận dụng mọi hóa hiện như vận dụng tài nguyên.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp trôi lăn trong các thú vui thế tục,
Sẽ ân hận xiết bao khi chạm mặt với tử thần.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ. 

Kẻ nào sở đắc được ít nhiều chứng ngộ,
Có thể an trú trong sự hiện hữu như nhiên của chân tâm. 
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp bị kềm kẹp trong tham dục,
Hưởng thụ trong vị kỷ và tìm kiếm sự quan tâm.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ. 

Kẻ nào với suối nguồn chứng nghiệm nội tâm không gián đoạn,
Giải phóng được sự“định danh” ngay khi vừa gán đặt.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp vướng kẹt trong ngôn từ ước lệ,
Chẳng thể nào liễu ngộ rốt ráo khi ứng dụng cho tâm.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ. 


Kẻ nào đã buông bỏ, không tham dự vào những đam mê thế tục,

Tự giải thoát mình khỏi những mục đích nhỏ hẹp và lợi lạc cho bản thân,

Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.

Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.


Một hành giả giáo pháp luôn phấn đấu cho cơm ăn áo mặc,

Với mục đích duy nhất là chăm lo cho bằng hữu và gia đình.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào xa lìa được tham ái ngay tự trong tâm,
Và trực ngộ được rằng tất cả đều là hư ảo.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp đi trên con đường sao lãng,
Luôn bán rẻ thân, khẩu của mình để trở thành nô lệ.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào cưỡi trên con tuấn mã của sự tinh tấn,
Dong duỗi trên các nẻo đường giải thoát xuyên qua các mức độ chứng tu.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp bị gông cùm trong sự lười biếng,
Sẽ chìm sâu như cái neo ngay giữa biển mặn luân hồi.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào luôn lắng nghe, suy tư và cắt đứt mọi ngăn ngại,
Lại thường xuyên quán chiếu cảnh giới bao la của tâm.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp cho rằng mình đang hành trì giáo pháp,
Nhưng mọi hành vi đều thực sự giống kẻ lầm đường.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.

Kẻ nào cắt đứt được mọi hy vọng, hoài nghi và sợ hãi,
Luôn an trú không gián đoạn trong tâm thái như nhiên
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

Một hành giả giáo pháp bị bao người lôi kéo và sai sử,
Luôn làm vừa lòng người và nịnh hót để được hoan nghênh.
Đấy là một kẻ không có hạnh phúc dù bất kỳ lúc nào.
Đấy là một kẻ luôn luôn đắm chìm trong đau khổ.
Kẻ nào để lại sau lưng mọi lo toan thế tục,
Luôn hòa mình trong công phu hành trì Giáo Pháp tối thắng.
Đấy là một yogi và luôn luôn hạnh phúc.
Một người như thế ấy là một yogi và luôn luôn hài lòng.

(*) tự nhận diện khuôn mặt thật của chính mình, trực chứng chân tánh hay tâm bản lai vốn sẵn có.
____________________________

Bài 5: 

TÁM LOẠI SỞ ĐẮC

Không tách lìa hiện tướng và tánh không.
Đây chính là chánh kiến, chẳng còn gì sở đắc được hơn.

Không nhìn thấy có khác biệt nào giữa ban ngày và mộng (ban đêm).
Đây chính là thiền định, chẳng còn gì hơn là như thế.

Không nhìn thấy có sự khác biệt nào giữa hỷ lạc và tánh không.
Đây chính là giới hạnh, chẳng còn gì sở đắc được hơn.

Không nhìn thấy có khác biệt nào giữa bây giờ và mai sau.
Đây chính là chân tánh, chẳng còn gì sở đắc được hơn.

Không nhìn thấy có khác biệt nào giữa tâm thức và không gian.
Đây chính là pháp thân, chẳng còn gì hơn là như thế.

Khi niềm vui và nỗi khổ chẳng phải là hai điều khác biệt.
Đây chính là giáo huấn, chẳng còn gì sở đắc được hơn.

Không nhìn thấy có khác biệt nào giữa cảm xúc nhiễm ô và trí tuệ.
Đây chính là chứng ngộ, viên mãn tròn đầy, chẳng thể nào hơn là như thế.

Không nhìn thấy có khác biệt nào giữa tâm ta và tâm Phật.
Đây chính là đạo quả, viên mãn tròn đầy, chẳng thể nào hơn là như thế.

(còn nữa)