Tất cả mọi lựa chọn đều giống nhau...


"...Đứng về phương diện tu hành thì hình thức nào cũng không thành vấn đề. Chỉ có tâm tu và sự tu chứng mới là yếu tố quyết định. Cư sĩ, Sadi, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni đều bình đẳng trước sự tu chứng trên đường giác ngộ giải thoát....
...Chính bản thân thầy cũng không quan tâm rằng mình có thành tựu là Tỳ-khưu hay không. Không thành tựu có khi còn tốt hơn vì thầy tự thích mình vượt qua chính mình hơn là phấn đấu để ghép mình vào một cái khuôn lý tưởng đã định sẵn..."

Kính bạch Thầy, con hiếu kỳ muốn biết tại sao những vị tu nữ trong Phật giáo nguyên thủy lại không được đắp y giống như những vị Tăng? Và họ mặc nhiều màu khác nhau như màu hồng, trắng, vàng nâu v.v... Như vậy có mâu thuẫn với thời kỳ Phật còn tại thế Ni được đắp y không? Phật giáo nguyên thủy sao lại có điểm khác biệt này? Kính xin Thầy giải thích cho con rõ ạ. Con cám ơn Thầy.
Trả lời: Vì họ là tu nữ chứ không phải Sa-di-ni hay Tỳ-kheo-ni nên chưa được mặc y. Hiện nay bên Nam Tông cũng đã có một số nước có Sa-di-ni và Tỳ-kheo-ni nên đã có mặc y.

Nhân đọc, hỏi đáp này. Chúng tôi xin được chia sẻ lá thư Thầy gởi đệ tử. từ trang web <trungtamhotong.org>.





Tổ Đình Bửu Long, đầu mùa An Cư 2545.

LP. con.

Thầy rất mừng là con quyết định ở lại Myanmar thêm để hành thiền định và thiền quán. Bất cứ lúc nào có cơ hội thì việc khám phá thế giới thực nghiệm của thiền, nhất là thiền định, đều đáng được cứu xét ưu tiên. Vì nếu sau này con dấn thân vào con đường hoằng pháp thì Phật sự đa đoan khó mà có thì giờ để yên tâm chỉ tịnh.
Còn việc thành lập hội chúng Tỳ-khưu Ni đối với Phật Giáo Nam Tông Việt Nam thì cả một vấn đề không đơn giản chút nào. Hiện nay Nam Tông trên thế giới chỉ có Tỳ-khưu Ni ở Tích Lan, mà Tích Lan cũng có nhiều phái nên chưa hẳn đã được tất cả các phái chấp nhận. Các nước Nam Tông khác chưa có Tỳ-khưu Ni, ngoại trừ một chùa Thái ở Mỹ có Tỳ-khưu Ni và Việt Nam chỉ mới có sư cô Trí Hạnh, cũng ở Mỹ.
Ở Việt Nam, về vấn đề này thì nhóm những người chống đối giữ lập trường rằng Tỳ-khưu Ni đã thất truyền nay không thể có hai hội chúng để cho thọ giới lại. Một số vị khác không quan tâm, sao cũng được. Một số vị tương đối dễ chịu. Tín đồ thì phần lớn chỉ có thái độ theo thầy mình chứ chắc là không quyết liệt lắm.
Tập thể tu nữ thì có lẽ lớp già không thích. Còn lớp trẻ thì tùy vào hoàn cảnh của mỗi người.
Đối với ngài Tăng Trưởng, nếu được thuyết minh có lý Ngài sẽ dễ dàng chấp nhận, nhưng lúc đó lại đặt Ngài vào tình trạng chống đối của một số tăng ni.
Đứng về phương diện tu hành thì hình thức nào cũng không thành vấn đề. Chỉ có tâm tu và sự tu chứng mới là yếu tố quyết định. Cư sĩ, Sadi, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni đều bình đẳng trước sự tu chứng trên đường giác ngộ giải thoát. Một người cư sĩ hành Tứ niệm xứ nghiêm túc vẫn được Đức Phật gọi là Tỳ-khưu, vì hình như Đức Phật chỉ chú trọng đến nội dung tu tập khi dùng từ này. Về sau, khi giới luật đã hình thành thì từ này mới trở nên có ý nghĩa là giới phẩm.
- Về phương diện hình thức thì tùy thuộc vào tính cách của mỗi người, tùy thời đại và bối cảnh mà người đó đang sống. Có lẽ vì vậy mà Đại Thừa vận dụng thêm Bồ Tát Giới, Nhật Bản vận dụng thêm Tân Tăng và thầy thì đã tạm thời cho một số tu nữ để tóc hầu khai thông một số vướng mắc do điều kiện khách quan đem lại.
Nếu như người ta có thể tùy duyên bất biến thì cứ tùy duyên để chấp nhận một hình thức nào đó cho phù hợp với con người, thời đại và hoàn cảnh, tức là “tùy thuận chúng sanh vô quái ngại, Niết Bàn sinh tử thị không hoa” vậy thôi.
- Về phương diện tùy dụng thì mỗi hình thức, Tu nữ hay Tỳ-khưu Ni đều có hai mặt lợi và hại.
Tu nữ có lợi điểm là ít ràng buộc vào hình thức giới luật (350 giới) mà trong thời buổi này khó có thể giữ trọn vẹn. Giớí luật, nếu hiểu như những điều răn cấm thì dễ đưa đến phấn đấu căng thẳng (để đừng sai phạm), hoặc ăn năn cắn rứt (khi bị sai phạm), hoặc tự mãn ngã mạn (khi không sai phạm). Những điều này đều là trở ngại cho hành trình đi vào thế giới chuyển hoá tâm linh cao việt hơn. Còn giới luật do tự ý thức, do cẩn thận tế nhị mà có thì chỉ cởi mở chứ không ràng buộc, chính vì lý do đó mà cư sĩ sống đúng chánh niệm tỉnh giác được Đức Phật gọi là Tỳ-khưu mà không cần thọ Đại Giới.
Nhược điểm của tu nữ là chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội đưa đến những hậu quả như đời sống bị cô lập, bị xem như cư sĩ hay tịnh nhân, khó góp phần vào việc hoằng pháp độ sinh, khó có tiếng nói trên diễn đàn quốc tế, khó có uy tín trong đại chúng, v.v…
Tỳ-khưu Ni thì ngược lại. Tuy nhiên sự so sánh này cũng chỉ tương đối thôi vì còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Vị tu nữ dạy thiền cho sư Dhammajaya trụ trì trung tâm Dhammakāya đã được trọng vọng ngang hàng với các thiền sư. Bà Acharn Nep là một vị thiền sư nổi tiếng. Nghe nói Tây Tạng chỉ có Sadi ni nhưng nhiều người trong số họ có học vị cao và trở thành giáo sư đại học ở các nước Âu Mỹ, v.v…
Trở về hoàn cảnh Việt Nam, Nam Tông đã kém thế mà tu nữ lại là … yếu thế nhất trong Nam Tông nên chắc chắn là bị thiệt thòi nhiều. Vì vậy từ lâu thầy đã có hướng nâng đỡ tu nữ như lập Ni viện, dạy học, cho du học, v.v…
Thực ra nếu chỉ lo tu học hoặc làm một số công tác như viết lách, dịch thuật, dạy học nội bộ thì không cần hình thức gì cho rườm rà phiền toái. Càng ẩn danh thì sự tu hành và làm việc đạo càng ít gặp hệ lụy hơn.
Nhưng có một số trường hợp đặc biệt cần mặt nổi để tầm hoạt động rộng hơn ngoài xã hội và tất nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích đối ngoại hơn, lúc đó cần phải có Tỳ-khưu Ni mới được. Do đó thầy sẵn sàng chấp nhận hình thức này với những đề nghị giúp hoá giải thái độ đối lập gay cấn như sau:
- Nên thọ giới ở nước ngoài như giới đàn Tỳ-khưu Ni Tích Lan chẳng hạn.
- Nếu ở nước ngoài thì giúp đỡ các chùa Nam Tông hải ngoại đang thiếu nhân sự, như trường hợp sư cô Trí Hạnh, để khi đủ duyên mới về thì càng tốt.
- Xem đó chỉ là hình thức trên danh nghĩa khi đối ngoại, còn đối nội vẫn là Tu nữ. Nghĩa là không hình thành cái ngã Tỳ-khưu Ni để tự chuốc rắc rối. Hơn nữa, nếu theo đúng những điều kiện mà sư thúc Hộ Pháp nói thì rất khó mà có một giới đàn đủ yếu tố để thành tựu Tỳ-khưu huống chi là Tỳ-khưu Ni. Có lẽ khi chấp nhận lập giới đàn Tỳ-khưu Ni ở Tích Lan, hoặc Thái Lan ở Mỹ, các vị chủ trương dường như cũng biết như vậy nhưng đành phải tìm cách vận dụng vì lợi ích trên danh nghĩa hơn là quan tâm đến việc thành tựu thực hay không.
Chính bản thân thầy cũng không quan tâm rằng mình có thành tựu là Tỳ-khưu hay không. Không thành tựu có khi còn tốt hơn vì thầy tự thích mình vượt qua chính mình hơn là phấn đấu để ghép mình vào một cái khuôn lý tưởng đã định sẵn. Nếu vậy việc tính hạ lạp không còn gì quan trọng, nó chỉ có giá trị đối ngoại, còn đối nội thì không có gì thay đổi. Giống như LN. thọ giới đàn Tỳ-khưu Ni ở giới đàn Ấn Quang cách đây đã mấy năm nhưng về nhà vẫn là tu nữ cho nên đâu có gì là trở ngại.
Hơn nữa, nếu chỉ xem Tỳ-khưu Ni như là danh nghĩa giả định vì lợi ích đối ngoại chứ không có giá trị đối nội thì sẽ tránh được một vài thành phần lợi dụng danh nghĩa này để làm đảo lộn trật tự“gia phong”.
- Khi về Việt Nam sẽ tùy lúc mà mặc y, chứ không nhất định lúc nào cũng phải mặc để tránh chướng mắt những người đối lập hay dèm pha. Tỳ-khưu Ni Bắc Tông đâu phải lúc nào cũng mặc y như bên Nam Tông.
- Việc thọ giới Tỳ-khưu Ni chỉ giới hạn trong những trường hợp đặc biệt có lợi ích đối ngoại hoặc ở luôn nước ngoài làm Phật sự chứ chưa đến lúc cho thọ đại trà. Không phải thọ giới chỉ vì bị phân biệt đối xử, vì biết đâu khi thọ giới xong sẽ bị phân biệt đối xử theo kiểu khác, nhất là ở các nước Phật giáo Nam Tông.
- Việc Tăng Ni bình đẳng thực ra chỉ là tương đối tùy thời đại và quốc độ. Ngoài đời cũng vậy, khi thì mẫu hệ, khi thì phụ hệ. Gia đình này mẹ cầm quyền, gia đình kia cha quản lý là việc hoàn toàn bình thường, tùy sự diễn biến cơ cấu xã hội và gia đình, không thể nào có sự bình đẳng lý tưởng, Cho dù là được bình đẳng thật sự thì không hẳn trong đó có những mặt tiêu cực của nó. Vậy tất nhiên là cứ tùy duyên mà ứng xử thì chẳng có vấn đề gì.
Thầy chúc con quyết định sáng suốt và nhớ rằng: “Trên đời này chẳng có cái gì toàn vẹn, nên rút lại, tất cả mọi lựa chọn đều giống nhau”.

Thầy Viên Minh

 Tìm hiểu về Ni Giới Phật Giáo Nguyên Thủy:

... Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đầu tiên được hình thành, khi Tăng đoàn bị đặt vào một hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan. Điều lệ thứ sáu của Bát Kỉnh Pháp đòi hỏi việc truyền giới Tỳ-kheo-ni phải do nhị bộ tăng thực hiện, nhưng thời đó chưa có Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Vậy làm thế nào Tăng đoàn vượt qua khó khăn bế tắc này ? Theo kinh điển, thì Đức Phật đã dạy:” Ta cho phép các thầy truyền giới Tỳ-kheo-ni”. Và vì thế, các Tỳ-kheo tiếp tục truyền giới cho các Tỳ-kheo-ni cho đến khi nhị bộ tăng trở thành qui định hiện thực. Hoàn cảnh này gần như giống y hệt hoàn cảnh chúng ta gặp phải gần đây, khi có những phụ nữ muốn được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy nhưng không có Tỳ-kheo-ni Nguyên thủy nào để truyền giới cho họ. Vì thế, một giải pháp đã được đề nghị là cho phép Tỳ kheo tăng Nguyên Thủy sử dụng sự ủy quyền, vốn chưa bao giờ bị hủy bỏ, để truyền giới Tỳ-kheo-ni cho đến khi một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có chức năng hoạt động thực sự được hình thành. Đây là phương cách mà tăng đoàn Tích lan đã áp dụng ở Sarnath để ban cho các Tỳ-kheo-ni Tích lan lần truyền giới thứ hai và chính thức đưa các vị này vào Tăng đoàn Nguyên Thủy.
Tuy nhiên, bây giờ thì Ni đoàn Nguyên Thủy đã được phục hoạt tại Tích lan, không còn lý giải nào để biện minh cho việc truyền đại giới do nhất bộ tăng thực hiện mà thôi. Nếu một phụ nữ muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy, người ấy phải được huấn luyện giới hạnh Thức-xoa-ma-ni và cuối cùng sẽ thọ đại giới Tỳ-kheo-ni ở Tích lan. Chắc chắn đây đúng lúc là cơ hội để việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni được truyền bá rộng rãi ở Tây phương.

Kết luận


Sự kiện Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni bị đứt đoạn đã đặt ra cho chúng ta một hoàn cảnh không được đề cập rõ ràng trong Luật Tạng, và như vậy đó là một hoàn cảnh không có được một phương cách giải quyết rõ ràng. Theo như tôi hiểu, chúng ta không thể đọc Luật Tạng bằng một thái độ định kiến như là cho phép vô điều kiện hoặc hoàn toàn ngăn cấm việc phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Những thái độ đó là kết quả của việc diễn giải, và việc diễn giải thường phản ảnh thái độ của người diễn giải trong khuôn khổ những nhận định của người ấy, cũng như phản ảnh ngôn từ của văn bản Luật mà người ấy sử dụng.
Theo ý kiến của tôi, để giải quyết vấn nạn này, câu hỏi trước tiên chúng ta phải nêu lên là :” Đức Phật muốn các vị đệ tử trưởng lão của ngài làm gì trong tình huống như vậy, bây giờ, trong thế kỷ thứ 21 này ?”. Có phải Ngài muốn chúng ta áp dụng những qui luật điều hành việc thọ đại giới theo phương cách loại bỏ phụ nữ ra khỏi đời sống xuất gia đầy đủ phạm hạnh, để cho chúng ta trình bày với thế giới một tôn giáo trong đó chỉ có nam giới được quyền sống đời xuất gia trọn vẹn ? Hay là thay vào đó, Ngài muốn chúng ta áp dụng những điều lệ của Luật Tạng theo một phương cách từ bi, rộng lượng và bao dung, và từ đó hiến tặng cho thế giới này một tôn giáo thật sự là biểu tượng của công lý và không phân biệt đối xử ?
Chúng ta không thể có câu trả lời ngay tức khắc cho những câu hỏi này trong bất cứ một văn bản kinh điển hay truyền thống nào, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn bị rơi vào ý kiến chủ quan. Từ các văn bản kinh điển, chúng ta có thể thấy khi thực hiện những quyết định quan trọng, Đức Phật đã biểu lộ cả lòng từ bi lẫn tính nghiêm minh của giới luật, chúng ta có thể thấy là trong khi qui định những tiêu chuẩn hành xử của Tăng đoàn, Ngài đã xem xét những kỳ vọng về mặt văn hóa và xã hội của những người đương thời với Ngài. Vì vậy, để tìm ra một giải pháp cho vấn nạn của chính chúng ta, chúng ta có hai kim chỉ nam hướng dẫn để hành động. Một là cần phải đúng với tinh thần của Giáo Pháp – đúng cả chữ nghĩa lẫn tinh thần, nhưng trên hết là đúng với tinh thần. Hai là phải đáp ứng được những tầm nhận thức về mặt văn hoá, tri thức và xã hội của nhân loại trong thời đại lịch sử đặc biệt mà chúng ta đang sống, thời đại mà chúng ta đang nỗ lực hình thành số phận tương lai của chính chúng ta và số phận tương lai của Phật giáo. Được nhìn trong ánh sáng này, vấn đề phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể xem như một điều thực chất tốt đẹp phù hợp với tinh thần cốt lõi của Giáp Pháp, giúp cho việc hoàn thành sứ mạng của chính Đức Phật là “ mở cánh cửa Bất tử ” cho tất cả chúng sanh, cho nữ giới cũng như nam giới. Cùng lúc đó, sự hiện hữu của một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể hoạt động như một công cụ tốt đẹp. Điều này sẽ cho phép ni giới thực hiện nhiều đóng góp có ý nghĩa cho Phật giáo bằng nhiều cách giống như tăng giới - họ có thể là những giảng sư, học giả, thiền sư, nhà giáo dục, cố vấn xã hội, và những vị hướng dẫn nghi lễ - và có lẽ trong một vài trường hợp độc đáo chỉ dành cho các vị ni sư, thí dụ như là làm cố vấn tâm lý và người hướng dẫn cho nữ cư sĩ. Một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni cũng sẽ giúp cho Phật giáo nhận được sự kính trọng của những bậc thức giả trên thế giới, những người xem vấn đề không phân biệt nam nữ là dấu hiệu của một tôn giáo thật sự xứng đáng hài hoà với những khuynh hướng cao thượng của nền văn minh hiện đại.

Trích từ:
Vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ kheo Ni trong truyền thống Phật gíao Nguyên thủy - The Revival of Bhikkhuni Ordination in the Theravada Tradition
Tác giả: Bhikkhu Bodhi - 
Việt dịch: Trần Như Mai Source: Buddhist Fellowship of Singapore Website (General News/Comment with regards to Bhikkhuni Ordination/5/11/09)
Theo Thư Viện Hoa Sen