Hỏi Đáp: THIỀN 4 [THẦY VIÊN MINH]



                                                           
1.Thiền là để thấy ra cái thực, chứ không phải để bám trụ hay đạt được bất kỳ trạng thái nào. 

Câu hỏi: 
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Thầy! Thưa Thầy trước đây khi gặp Thầy do không sáng suốt mà con đã tỏ ý không tôn kính Thầy. Nay con xin sám hối lỗi lầm mà con đã mắc phải. Kính mong Thầy từ bi tha thứ cho con.
Giờ con mong Thầy giải đáp giúp con thắc mắc như sau: Gần đây khi ngồi thiền những suy nghĩ khởi lên trong tâm có ít đi, song khi ngủ nó lại khởi lên nhiều hơn. Và con có thể cảm nhận được nó. Những suy nghĩ này tới suy nghĩ khác cứ nối tiếp nhau như từng đợt sóng. Nhiều khi con lại không hài lòng về việc này, con biết như vậy là còn mong cầu một trạng thái nào đó an ổn hơn. Nhưng con vẫn còn hoài nghi nhiều về điều này. Con xin Thầy giúp con được sáng tỏ. Con thành tâm biết ơn Thầy!
Trả lời:
Có thể là trong khi ngồi thiền do mong cầu trạng thái yên ổn nên con đã ít nhiều dồn nén những cảm xúc hay tư tưởng vào tiềm thức, vì vậy mà con ít thấy có cảm xúc hoặc tư tưởng khởi lên. Chính những cảm xúc và tư tưởng bị dồn nén này đã trở thành tập khí hay những khuynh hướng vô thức, tạo lực xung động để xuất hiện thành những giấc chiêm bao. Và ngay cả ban ngày khi con không ngồi thiền để ổn định tâm, thì những xung động này vẫn xuất hiện dưới dạng những tạp niệm (mộng mị ban ngày). Con nên trở về trọn vẹn trong sáng với những hoạt động hàng ngày nhiều hơn để hữu thức hoá những xung động vô thức và nên bỏ dần thói quen ngồi thiền với ý dồn nén để được yên ổn. Thiền là để thấy ra cái thực (thực tánh pháp) chứ không phải để bám trụ hay đạt được bất kỳ trạng thái nào.


2. Chỉ cần nhận diện...Đừng cố gắng nắm giữ tướng chung hay tướng riêng... 

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cho con hỏi ạ.
1. Khi ngồi chơi không làm gì cả tâm con suy nghĩ đủ thứ lúc đó con nên làm gì ạ?
2. Khi đang làm một việc như nhặt rau con thấy tâm con có hai trường hợp phóng tâm:
- Tâm con không biết việc nhặt rau mà nó nghĩ chuyện khác, lúc đó con biết rõ rồi hướng tâm lại vào việc nhặt rau (nhìn lại cành rau mình đang nhặt) như vậy có đúng không ạ?
- Con vừa biết việc nhặt rau vừa biết các ý niệm đủ chuyện cứ sinh khởi, lúc đó con nên làm gì ạ? 3. Khi con niệm Phật to tiếng, nếu bị phóng tâm thì con được khuyên nên quay lại với câu niệm Phật, nhưng niệm bằng tiếng không có điểm chú tâm con không biết quay lại thế nào, nếu con cố gắng nghe câu niệm Phật thì bị mêt, xin thầy chỉ dạy ạ?
Con xin cung kính đảnh lễ Thầy! Con cảm ơn Thầy ạ.
Trả lời:
1. Khi ngồi không làm gì, mà để tâm chạy lang thang là vì con không trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm, do đó con chỉ cần trở về thấy rõ trạng thái hay tư thế ngồi là được.
2. a. Không phải chỉ nhìn lại cành rau mình đang nhặt mà trở về biết rõ thân tâm trong việc lặt rau đó.
b. Con cứ thấy một cách toàn diện như vậy mà không phản ứng (làm) gì cả là tốt, chứ đừng nên cố gắng nắm giữ tướng chung hay tướng riêng của một đối tượng đặc biệt nào.
3. Khi niệm Phật mà bị phóng tâm, tức tâm hướng ra tìm kiếm đối tượng bên ngoài. Con chỉ cần nhận ra tâm trạo cử đó và trở về với việc niệm Phật là được. 


3. Trọn vẹn với thực tại thân tâm có nghĩa là tâm không buông lung thất niệm bất giác nên nó thấy rõ thân thọ tâm pháp.

Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi thêm câu hỏi:
1. Thầy dạy khi ngồi tự nhiên thì nên trọn vẹn với thực tại thân tâm con không hiểu lắm ạ, xin Thầy giải thích thêm cho con? (ví dụ khi ngồi không làm gì cả con biết rõ từng tâm niệm nhưng con không hiểu có đúng không vì như vậy cũng giống như là con đang phóng tâm!)
2. Khi con đang làm việc gì thì con nên biết rõ: đối tượng mình đang làm, hoạt động của thân, và mình có ý niệm hay cảm thọ gì cũng đều biết rõ cả (chỉ cần con buông thư xuống, không khởi tâm mong muốn gì là tự nhiên biết rõ cả mà không cần cố gắng biết). Con hiểu như vậy đúng không ạ?
Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con, con đọc sách và nghe băng giảng của Thầy nhiều rồi nhưng con chưa được chỉ dạy trực tiếp từ Thầy nên con sợ hiểu nhầm ý Thầy nên xin Thầy chỉ dạy cặn kẽ cho con phương pháp thực hành trong hai trường hợp là khi cần dụng tâm làm viêc và khi mình không làm gì cả.
Con thành kính tri ân đảnh lễ Thầy ạ! (Con nhớ đọc lại câu hỏi của con để phát hiện ra những từ đã được sửa lại lỗi chính tả. Ví dụ, trong tiếng Việt không có chữ ạh.)
Trả lời:
1) Trọn vẹn với thực tại thân tâm có nghĩa là tâm không buông lung thất niệm bất giác nên nó thấy rõ thân thọ tâm pháp. Khi con thấy rõ diễn biến của thân hành, cảm giác, trạng thái tâm v.v… thì đó chính là trọn vẹn trong sáng với thực tại.
2) Đúng con. Con chỉ cần thấy thôi chứ không nên xen tư ý để can thiệp vào sự vận hành của pháp là được.


                                  
4. Các loại Thiền

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Cách đây 30 năm con có nghe Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi nói Thiền còn có nghĩa là "tỉnh lự", tức là "suy nghĩ trong sự yên tỉnh. Con thấy cũng có lý là vì thỉnh thoảng con cũng thường nghe quí Thầy nói trong lúc ngồi thiền thì khám phá ra cái này cái kia, v.v.. Theo như thiền Vipassana thì không có sự suy nghĩ trong đó, mà chỉ có sự theo dõi cái tâm đi đâu, làm gì, hoặc theo dõi hơi thở, v.v...
Con cũng có nghe nói thiền "chỉ" và thiền "quán", như vậy Vipassana có phải là thiền "chỉ" hay không? Còn Đức Phật ngày xưa ngồi thiền định 49 ngày dưới cội bồ đề thì Ngài có suy nghĩ và thấy một cách sáng tỏ của vạn vật, rồi mới đại ngộ, và có phải Ngài áp dụng thiền "quán" hay không? Con kính xin Thầy giải thích thêm cho con hiểu rõ hơn. Kính chúc Thầy thân tâm mãi an lạc.
Trả lời:
Câu hỏi của con chứng tỏ con chưa phân biệt được thiền định, thiền tuệ và thiền tỉnh lự. Do đó thầy định nghĩa lại cho con nắm rõ.
- Thiền định (chỉ) là gom tâm vào một đề mục để đạt đến nhất tâm (định xả)
- Thiền tuệ (quán) là phát triển trí tuệ để thấy thực tánh pháp.
- Thiền tỉnh lự là tư duy trong tỉnh thức (chánh tư duy)
Còn trong thiền Vipassana thì định tuệ không thể tách rời (định tuệ nhất như)


5. Thấy người âm

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con xin Thầy hoan hỷ cho con được phép hỏi Thầy 1 việc sau. Hàng ngày con ngồi thiền vào lúc 4h00 sáng, nhìn chung con đã vào được định, nhưng thỉnh thoảng con lại thấy hình ảnh của người anh đã mất từ lâu, mặc dù lúc đó con vẫn tỉnh táo, không bị hôn trầm. Có đôi khi không phải trong lúc ngồi thiền, con cũng nhìn thấy. Sau đó là con thấy rất mệt, đau đầu. Như vậy đó là hiện tượng gì ạ? Có phải con bị người âm theo không? Kính xin Thầy giải thích và giúp con phương pháp nào để con không bị tình trạng đó nữa.
Con xin thành kính tri ân Thầy.
Trả lời:
Con không nên thiền định nữa mà nên tỉnh thức trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày thì tâm con vẫn định mà không bị tình trạng trên.


6. Thiền Vipassana chỉ nói đến thực tánh chân đế

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Theo các kinh điển PG Đại Thừa thì thế giới này là huyễn mộng là không thật. Tất cả thế giới hiện tượng đều do tâm tạo “Vạn Pháp Duy Tâm Tạo”. Thế giới này cùng một thể tánh (tánh Không) chỉ do vô minh vọng động mà sinh ra thiên hà đại địa.
Kính thưa Thầy, trở về thực tại như vậy phải chăng là trở về với thực tánh mộng ảo của vạn pháp. Nhưng tại sao con vẫn “trải nghiệm” được tánh “như thật” của thế giới này. Thực và ảo trong Phật giáo được Vipassana nhìn thấy và quan niệm như thế nào?
Kính Thầy.
Trả lời:
Thiền Vipassana chỉ nói đến thực tánh chân đế, tức là pháp như nó đang là (như thị), nghĩa là vượt ngoài khái niệm có hay không, thật hay ảo.


7. Thiền chính là khám phá lúc nào là pháp, vô vi vô ngã; lúc nào là ngã, hữu vi, tạo tác..

Câu hỏi:
Thưa sư! Trong nhiều trường hợp con rất phân vân rằng mình đang hành động tuỳ duyên thuận pháp hay mình đang theo lòng tham và bản ngã của mình. Đứng trước những quyết định, con thận trọng chú tâm quan sát, nhưng thật khó mà đưa ra được một quyết định chính xác (tuỳ duyên thuận pháp). Con phải suy nghĩ mãi. Tính đi tính lại mà con đâu có thấy Pháp tự vận hành? Khi đó con rất sợ mình đưa ra quyết định theo bản ngã. Trường hợp khác, khi con thấy thân con cũng là Pháp trong các Pháp thì tự nhiên trong con có sự cảm thông, tình thương khởi lên. Khi đó con cũng không rõ sự thông cảm và tình thương đó có phải là bản ngã hay con đang tuỳ duyên thuận Pháp thưa sư? Kính mong sư hoan hỷ giải đáp giúp con ạ!
Trả lời:
Chính sự phân vân đó là trạng thái nghi hoặc của bản ngã lý trí, là dây trói buộc, là sự cản trở sống tùy duyên thuận pháp. Lý do là chưa thực sự buông cái bản ngã lăng xăng tính toán xuống để thấy pháp đang vận hành. Khi phân vân thì không thể có một quyết định chính xác. Còn khi thật sự buông ra mọi lăng xăng tính toán của bản ngã thì tâm liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Lúc đó pháp tự vận hành nhưng không phải vận hành như bạn mong đợi nên "con đâu có thấy Pháp tự vận hành", chứ pháp lúc nào mà chẳng vận hành! Hãy cứ chánh niệm tỉnh giác ngay nơi thân tâm thì sẽ thấy đâu là thuận ngã đâu là thuận pháp.
Trong trường hợp thực sự thấy được thân tâm là pháp thì ngay đó có trí tuệ và từ bi, có sáng suốt, trong lành, thương yêu và thông cảm. Nhưng sau đó bản ngã có thể khởi lên cho rằng từ bi trí tuệ đó là thành tựu của nó. Thiền chính là khám phá lúc nào là pháp, vô vi vô ngã; lúc nào là ngã, hữu vi, tạo tác.. 


                             
8. Đức Phật dạy có 4 hạng người

Câu hỏi:
Thưa thầy! Con thấy hình như hơi mâu thuẫn ở chỗ, người tu để không còn tham sân, nhưng thầy lại lấy cái không còn tham sân để tu (vì không còn tham sân xen vào cái thấy thì sẽ thấy được Pháp như thực, để trả lại nó như nó đang là...) Mong thầy hoan hỷ giải đáp giúp con ạ. Con cảm ơn thầy nhiều lắm ạ.
Trả lời:
Tại bạn cứ dùng lý trí để lý luận nên mới thấy khó hiểu. Sao bạn không làm trên thực tế để thấy ra một cách trực tiếp thì dễ biết bao. Ví dụ lúc trước không biết tu thì nghe ai nói xấu bạn giận liền, bây giờ bạn đang chánh niệm tỉnh giác nên tâm sáng suốt, đình tĩnh, trong lành vì vậy mà khi nghe nói xấu bạn không khởi tham sân si nữa. Đơn giản chỉ có thế thôi. Còn khi đã không còn tham sân si nữa thì cứ thế mà sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha chứ đâu cần lý luận gì nữa.
Đức Phật dạy có 4 hạng người: 1) Từ tối tới tối: là hạng người đã tham sân si lại lấy tham sân si mà xử lý. 2) Từ sáng tới tối: là hạng người đang lúc không có tham sân si nhưng không biết dùng nên khi đụng chuyện lại để tham sân si khởi lên. 3) Từ tối tới sáng: là hạng người đang có tham sân si nhưng liền biết có tham sân si, sự chánh niệm tỉnh giác đó gọi là không tham sân si. 4) Từ sáng tới sáng: là hạng người đang lúc không có tham sân si thấy biết rõ ràng không có tham sân si. Hai hạng người sau chính là những người lấy không tham sân si để sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha mà thầy đang hướng dẫn Phật tử. 


9. Cốt lõi pháp hành Tứ Niệm xứ

Câu hỏi:
Thưa thầy, nếu thiền được thúc đẩy bởi một động cơ thành tựu thì không phải là thiền thực sự mà chỉ là tạo tác của tham sân si. Vậy tại sao đức Phật lại hứa hẹn rằng nếu kiên trì tập luyện Tứ niệm xứ 7 năm, 7 tháng, 7 ngày... thì sẽ đạt quả vị này quả vị kia? Chẳng phải như vậy sẽ tạo nên một động cơ, một thành tựu (achievement) cho người tu tập theo đuổi sao? Xin thầy giải nghi.
Trả lời:
Hành thiền Vipassanà chủ yếu là trở về trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp gọi là chánh niệm, thấy biết thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay tại đây và bây giờ một cách trong sáng minh bạch, tuyệt đối không để (động lực) tham ưu xen vào bất cứ pháp nào trên đời gọi là tỉnh giác, cứ như vậy mà tu tập không buông lung phóng dật gọi là tinh tấn. Đó là toàn bộ cốt lõi pháp hành Tứ Niệm xứ. Trong đó không tìm đâu ra hai chữ hứa hẹn và bốn chữ kiên trì tập luyện cả. Nếu đức Phật hứa hẹn một tương lai thì sao lại nói: "Quá khứ không truy tầm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây." Và khi Phật dạy: "Không động không rung chuyển, biết vậy nên tu tập, hôm nay nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai" lại càng chứng tỏ nhiệt tâm tu tập một cách trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ, (vì biết khi nào chết mà vọng móng ỏ tương lai), hoàn toàn khác với kiên trì tập luyện do động lực tham ưu của bản ngã mong được sở hữu một sở đắc (achievement) ở tương lai. Nếu không thấy ra chỗ khác biệt vi tế này thì không phải chỉ sai một ly đi một dặm mà còn đi ngược hoàn toàn Giáo Pháp của Đức Phật. Vô tình đồng hóa Ma Đạo với Phật Đạo, mà người xưa gọi là hủy báng Phật Pháp đó con à!
Ví dụ: Một người đi học cách trồng ổi. Chuyên gia nói rằng: "Anh cứ gieo trồng cây ổi con rồi nhiệt tâm chăm bón đúng mức thì tùy theo giống ổi mà 3 năm, 2 năm, 1 năm, thậm chí 6 tháng ổi sẽ có hoa có trái." Người trồng ổi cứ bình tâm mà gieo trồng đúng, tưới bón đúng, còn ra hoa ra trái là việc của cây ổi, chứ đâu phải việc của anh ta mà tham lam cố gắng làm quá sức mình để sinh bệnh (tẩu hỏa nhập ma) và không chừng chết trước khi ổi có trái! Đó là lý do vì sao khi một vị tỳ kheo xin hoàn tục vì kiên trì tập luyện không thành công và trách Pháp Phật không có kết quả. Phật dạy: "Như Lai đâu có hứa hẹn những thành quả mà ngươi mong muốn", và Ngài xác nhận tinh tấn quá mức là hoàn toàn vô ích chẳng khác lên dây đàn quá căng thì chỉ đứt thôi chứ đâu có được âm thanh hay ho gì! Trong một bài kinh khác đức Phật dạy rằng: "Không phải mong cầu hay không mong cầu mà là có làm đúng pháp hay không mà thôi." 


10. Bệnh suy nhược thần kinh

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Từ khi qua Mỹ đến nay, con đã bị suy nhược thần kinh, lúc nặng lúc nhẹ. Gia đình con gặp nhiều vấn đề rối rắm nên hầu như ai cũng bị suy nhược tinh thần ít nhiều. Phần con, có may mắn về Việt Nam thời gian vừa rồi, được nghe băng giảng của Thầy nên thấy khỏe ra được phần nào. Con kính xin Thầy chỉ dẫn thêm cho con là để chữa bịnh suy nhược này, ngoài thư giãn buông xả thân tâm, chánh niệm tỉnh giác,... thì con cần làm thêm gì nữa không? Con nghĩ là mình có thể tự chữa bịnh suy nhược này như lời Thầy dạy. Hiện tại con vẫn còn sợ hãi, lo âu và nhiều ám ảnh. Con kính cám ơn Thầy.
Trả lời:
Thầy rất mừng là con đã hiểu được những điều thầy dạy. Khi lo âu, sợ hãi, căng thẳng hay đau đớn con chỉ cần có thái độ như sau:
1) Lắng nghe trạng thái đó một cách trọn vẹn, trong sáng, không phân tâm.
2) Thư giãn, buông xả để cho thân tâm nghỉ ngơi hoàn toàn, nên vô tâm chứ không nên cố gắng giải quyết, nghĩa là không phản ứng lại bằng thái độ đối kháng, không cố xua đuổi nó, xem nó là pháp duyên sinh, không phải ta hay của ta gì cả.
3) Nếu làm như vậy không được thì ngồi ngả người ra đàng sau hoặc nằm dài buông lỏng như một xác chết, nghĩ rằng: "Đang chết, đang chết, đang chết..." Một xác chết thì đâu có sợ hãi căng thằng gì phải không?
4) Nếu cần pháp hỗ trợ thì con có thể thành tâm niệm: "Araham, trong lành thanh tịnh...Araham trong lành thanh tịnh..., Araham trong lành thanh tịnh..."
Chỉ như thế là đủ, con không cần cố gắng làm gì khác. Chúc con tìm thấy an lạc ngay trong hiện tại. 


11. Ý nghĩa hai câu thơ:
"Tự do là ung dung trong ràng buộc. 

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau"

Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Con rất thích hai câu thơ của Thầy: "Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau" Thưa thầy, hai chữ "ràng buộc" trong câu đầu phải chăng là nhân quả, nghiệp duyên, hay một ý khác là định mệnh? Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn? Kính thầy khai thị cho con! 

Trả lời:
Có hai loại ràng buộc:
- Một là loại ràng buộc của pháp tự nhiên như con đã nói: "là nhân quả, nghiệp duyên, ...là định mệnh (từ quả của nghiệp). Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có (thấy) như thị, chấp nhận không điều kiện, không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn".
- Hai là ràng buộc mà đức Phật gọi là kiết sử, triền cái, tức là các phiền não bên trong do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Giải thoát chính là thoát khỏi sự ràng buộc này. Như vậy, khi thoát khỏi sự ràng buộc của bản ngã tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc, thất niệm, bất giác, vô tàm, vô quí v.v... thì đồng thời có thể ung dung tự tại trong những ràng buộc tự nhiên giữa cuộc đời (loại ràng buộc thứ nhất). Vì vậy chư Phât, chư Thánh nhân, Bồ-tát mới ung dung tự tại như vậy. Các ngài không những có khả năng tự giác mà còn có thể vào đời, sống thuận pháp tùy duyên, thong dong vô ngại, với tâm nguyện vô ngã vị tha.
Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: dù là ràng buộc của kiết sử hoặc triền cái, cũng không phải giải thoát bằng cách đem bản ngã tham sân si ra mà lăng xăng giải quyết hay tìm cách loại bỏ, diệt trừ theo quan niệm chủ quan, mà vẫn phải ung dung tự tại mới thấy ra được nó. Loại ràng buộc thứ hai này, thực chất chỉ là hư ảo do vọng tưởng của bản ngã tạo ra, nên không cần phải diệt mà chỉ cần thấy ra bằng trí tuệ (tuệ tri) trong chánh niệm tỉnh giác thì nó liền tự diệt. Hành thiền theo Vipassanà chỉ có nghĩa là thấy ra minh bạch chứ không cố gắng để giải quyết gì cả. Còn lấy nỗ lực của bản ngã mà giải quyết, diệt trừ thì chính là tạo tác trong quỹ đạo tham sân si, nên chỉ làm tăng thêm sức mạnh của ràng buộc mà thôi.
Ví dụ, khi ảo tưởng của bản ngã thấy sợi dây là con rắn liền phát sinh sợ hãi, rồi lại lăng xăng tìm cách giải quyết, hoặc diệt con rắn hoặc diệt sợ hãi. Hành động đó cũng là biểu hiện của bản ngã tham sân si nên chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng chỉ cần trầm tĩnh sáng suốt (thái độ ung dung tự tại) nhìn kỹ thấy rõ sợi dây là sợi dây thì không cần lăng xăng giải quyểt gì cả mà con rắn và sợ hãi đều tự biến mất.

 12. Tinh thần: "phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ"

 
Câu hỏi:

Con cảm ơn thầy, con nhận được câu trả lời lần trước của thầy, con rất vui và đã giúp ích cho con rất nhiều. Con mong thầy làm rõ giúp con trong trạng thái tâm này: Giáp mặt với hiện tại chỉ còn HƠI THỞ và tình huống ĐANG LÀ (không còn ý niệm về bản thân như được tôn trọng, được khen chê, được thấy mình làm tốt nhiều việc, không tự ti hay là gì đi nữa), mà chỉ còn niềm vui sống với hơi thở và những sự vụ mà pháp đang vận hành theo duyên nghiệp đến với mình nơi hiện tại đang là. Ở đó bỗng quên mình đi không còn lo lắng hay sợ hãi nữa (vì trạng thái tâm không còn cảm nhận về cái tôi nữa), bây giờ, chỉ còn niềm vui sống trọn vẹn cùng hơi thở CHÁNH NIỆM và sự vụ đang là trong trạng thái tâm "phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ". Ở đó không còn khái niệm, không còn chờ thời gian cứu cánh, đón nhận mọi pháp đến với mình bình thản, không lo âu, không hy vọng, không thất vọng... Tất cả chỉ là bài học để mình sống đúng, sống tốt hơn. Con mong thầy làm rõ giúp con, trạng thái tâm đó và tinh thần: "phục vụ để hoàn toàn - hoàn toàn để phục vụ" con còn phải điều chỉnh thêm gì? Con thưa thầy.
Trả lời:
Sống luôn chánh niệm tỉnh giác ngay nơi hiện tại, như vậy gọi là sống tùy duyên thuận pháp, không có gì sai. Tuy nhiên đã sống tùy duyên thuận pháp thì chỉ cần tâm rỗng lặng trong sáng là có thể trọn vẹn với tất cả mọi hoạt động, mọi trạng thái, mọi tình huống chứ không cần phải chỉ trọn vẹn với hơi thở. Có khi chỉ cần có chánh niệm tỉnh giác thôi còn đối tượng nào cũng được, hoặc không cần đối tượng nào bên ngoài mà lấy ngay chánh niệm tỉnh giác làm đối tượng cũng được. Chánh niệm là tâm không thất niệm, tạp niệm và vọng niệm, nên đôi lúc chánh niệm có cái tên gọi khác là vô niệm. Tỉnh giác là không mê mờ đối với thực tại (trạng thái đang là), không bị ý niệm, tư tưởng, quan niệm, tình cảm v.v... che lấp. Tánh biết trong sáng tự nhiên luôn có đức tính sáng suốt, định tĩnh, trong lành và ung dung tự tại trong vạn pháp, chỉ có bản ngã tham sân si mới tự làm khổ mình mà thôi.
"Phục vụ để hoàn toàn" là lấy việc làm lợi mình lợi người, vô ngã vị tha, để thể hiện đời sống giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến (giác ngộ giải thoát). "Hoàn toàn để phục vụ" là sống trọn vẹn trong giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến để thể hiện đời sống tự giác, giác tha. Đây chính là đời sống của người Phật tử chân chính:"Thuận pháp tùy duyên, vô ngã vị tha". Tuy nhiên cũng cần thận trọng, chú tâm quan sát thật rõ ràng trạng thái thân tâm để không rơi vào cái ngã vi tế: Đó là cái ngã "niềm vui sống trọn vẹn cùng hơi thở" hoặc cái ngã vị tha "phục vụ để hoàn toàn, hoàn toàn để phục vụ". Cần nhớ rằng giải thoát giác ngộ không phải là trạng thái mà chỉ là thái độ thấy biết mà thôi. 


Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông