Hỏi Đáp: Pháp học 2 (THẦY VIÊN MINH)


1. Pháp học và Pháp hành

Câu hỏi:Con Kính Thầy! Con cũng vừa mới biết qua trang web này. Con xin hỏi từ Pháp học và Pháp hành là sao ạ?
Trả lời:Pháp học là học để thấy lẽ thật. Pháp hành là thể hiện lẽ thật ấy.

2. Vô vi và hữu vi


Câu hỏi: Thưa thầy xin thầy phân biệt cho con thấy cái làm vô vi và hữu vi nó khác nhau thế nào và làm sao để biết là mình đang hành vô vi?
Trả lời:
Hành theo giới định tuệ là vô vi, hành theo tham sân si là hữu vi. Giới là KHÔNG làm việc ác. Định là tâm KHÔNG loạn động. Tuệ là KHÔNG vọng niệm, cho nên hành theo giới định tuệ là con đường KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC, VÔ CẦU nghĩa là vô vi vậy. Khi bản ngã khởi lên tư tưởng tham sân si tức là vô minh ái dục có mặt thì liền có hành động tạo tác để trở thành, đó gọi là hữu vi.

3. Pháp Hữu Vi

Câu hỏi:
Thưa thầy. Tại sao đức Phật nói vô thường là khổ? Cũng có những trạng thái chuyển biến từ đau khổ sang hạnh phúc chứ đâu phải chỉ có một chiều chuyển sang đau khổ đâu ạ? Như vậy trong thực sự chuyển biến (vô thường) này cũng có cả chiều hướng tích cực chứ đâu chỉ có chiều hướng tiêu cực ạ?
Trả lời:
Phật dạy "Hữu vi là vô thường" và "Hữu vi là khổ". Hữu vi thứ nhất là duyên sinh của vật lý, nó chỉ vô thường chứ không khổ. Hữu vi vật lý này lẽ ra không khổ, nhưng con người chấp lầm làm ngã và ngã sở nên khi nó vô thường lại thành khổ. Ví dụ chấp "vàng của tôi", "thân của tôi", "tâm là ngã" v.v... nên khi nó biến đổi liền thấy khổ. Hữu vi thứ hai là nghiệp tạo tác của ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên v.v... nên vô thường này mới thật là khổ. Chính cái khổ thứ hai này mới là khổ đế. Bản thân vô thường thì không khổ, không lạc, không tích cực, tiêu cực gì cả.


                  

4. Tánh biết sẽ đi về đâu.

Câu hỏi: Con xin đảnh lễ Thầy! Con thật sự rất ngưỡng mộ tuệ đức của Thầy, hiện tại con cũng có ý định xuất gia Tu hành nhưng vì mối ràng buộc với gia đình chưa được giải quyết triệt để nên con tu tâm ở nhà ạ! Con đang cố gắng thực hành Thiền trong mọi hành động hằng ngày, nên cũng thấy khả năng tập trung của mình cao hơn trước rõ rệt. Nhưng tai của con thì không được như mắt (mắt thì chủ động phòng được, còn tai thì khó phòng vì nó luôn mở). Dạ thưa Thầy, nay con có vài câu hỏi được xin hỏi Thầy ạ, xin Thầy hoan hỉ cho con ạ: 1/ Thật sự có thế giới siêu hình hay Chư Thiên, Quỷ,...là một dạng tồn tại khác của sự sống hay vật chất ạ? 2/ Phải chăng khi đạt được giải thoát (Niết bàn) thì "tánh biết" cũng phải "chết" hay chuyển sang sự sống (vật chất) khác? 3/ Để phòng ngừa tai thì nên làm gì giữa cuộc sống thường nhật vậy Thầy? Thành tâm cảm ơn Thầy! Kính chúc sức khỏe cho Thầy để nhiều chúng sanh được lợi lạc!
Trả lời:
1) Tất nhiên thế giới này gồm nhiều dạng tồn tại hữu hình vô hình khác nhau.
2) Con nên quan tâm đến việc làm sao thể hiện được tánh biết trong đời sống hàng ngày thì tốt hơn là tìm hiểu tánh biết sẽ đi về đâu.
3) Nghe mà không khởi tham sân si là hoặc khởi tham sân si thì liền biết là cách phòng ngừa hay nhất. Nếu chưa được như vậy mà con thấy điều nào khi nghe dễ làm cho con khởi tham sân si thì nên tránh.

5.Chân đế hoàn toàn mới mẻ, không phải lấy cái đã biết để quy chiếu.

Câu hỏi:
Kính thưa Sư. Con có ba câu hỏi, nhờ Sư giải thích: 1- "Vô minh thì sẽ có sanh-già-chết. Minh thì không có sanh-già-chết". Có phải vì thấy được sự sinh diệt từng sát-na của thân và tâm, có đó mất đó, không thật có thân tâm, nên gọi là không sanh-già-chết? 2- Vì sao vô thường là thường? 3- Nhận ra chân đế có phải là kiến tánh, tức thấy ra tự tánh không? Ví dụ, thay vì thấy cây đèn cầy là cây đèn cầy, con còn nhận ra được bốn đặc tính đất, nước, lửa, gió và sự sanh diệt từng sát-na của cây đèn cầy đang cháy. Nhìn người, thay vì thấy đàn ông, đàn bà, xấu, đẹp... con chỉ thấy danh sắc, nhân quả, nghiệp báo (dù không sâu sắc)... Kính thỉnh ý Sư?
Trả lời:
Câu hỏi của con vẫn còn nặng lý trí lắm. Con nên lặng lẽ mà thấy, đừng để ý niệm nào xen vào, dù là pháp học đúng đắn nhất, thì sẽ trực nhận ngay những gì con thắc mắc. Còn nếu không thấy thì dù có giải thích cách mấy con cũng chỉ hiểu được qua khái niệm của lý trí mà thôi.
1) Vô minh thì không thấy thực tánh pháp nên vẫn còn muốn trở thành. Có trở thành tức là sinh lão tử. Không vô minh nên ngay đó là chân đế, không có ý muốn trở thành. Không trở thành tức là không có sinh lão tử. Còn mọi khái niệm sát-na sinh diệt, có có, không không v.v... đều vẫn còn trong thức tri, không phải tuệ tri nên chưa thoát khỏi vô minh - sinh tử.
2) Thấy ra bản chất của tất cả pháp hữu vi là vô thường nên thấy vô thường là rất bình thường, không có gì để phải khởi lòng tham sân, thủ xả. Người không thấy tính chất vô thường của vạn pháp, nên khi vô thường xảy ra thì cho là bất thường do đó mới có tham sân, thủ xả. Thấy vô thường là thường thì không còn tham muốn cái thường nào khác nữa.
3) Trong 4 chữ "nhận ra chân đế", quan trọng không phải là nhận ra điều gì, như thế nào, mà là thấy được "ai nhận ra", và "cái gì là chân đế". Nếu động thái "nhận ra" là lý trí, là bản ngã thì chân đế (cái được nhận ra)cũng chỉ là khái niệm tục đế. Đó không phải là kiến tánh, không phải là vipassanà, và cái gọi là chân đế đó cũng không phải là tự tánh (thực tánh), nó chỉ là khái niệm có từ kiến thức đã có. Lúc đó dù nhận ra thì cũng chỉ nhận ra qua thức tri, nghĩa là khái niệm đất, nước, lửa, gió cũng chẳng khác gì khái niệm đàn ông, đàn bà, xấu đẹp... Chân đế hoàn toàn mới mẻ, không phải lấy cái đã biết để quy chiếu. Khi nào tánh thấy là vô ngã, và chân đế là tự tánh của pháp, chứ không phải là "cái ta nhận ra" thì mới thật sự gọi là nhận ra chân đế.

6. Tinh tấn thuận pháp và tinh tấn thuận ngã.

Câu hỏi:
Trong Thực Tại Hiện Tiền 2, con đọc thấy một đoạn Thầy viết rằng: "có tinh tấn mà không có đức tin thì chỉ là nỗ lực của bản ngã", điều này làm con gợi nhớ đến một người khá thú vị và cũng nổi tiếng... Nhưng bạch thầy, vì sao có tinh tấn mà thiếu đức tin lại là nỗ lực của bản ngã ạ?
Trả lời:
Bài đó thầy viết để nói về sự quân bình của ngũ căn, ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tinh tấn là con dao 2 lưỡi, nó có thể phục vụ cho cả thiện lẫn ác. Vì vậy nếu tinh tấn chưa đi kèm với chánh kiến (tuệ) thì ít nhất cũng phải đi kèm với đức tin (tín). Tinh tấn đi kèm với trí tuệ gọi là tùy pháp hành, đi kèm với đức tin gọi là tùy tín hành. Tuy nhiên đức tin ở đây không phải là mê tín hay dựa vào tha lực mà tin vào pháp đang vận hành nơi chính mình, đó là tánh thấy của tâm và thực tại tánh của pháp. Tánh thấy thể hiện nơi chánh niệm tỉnh giác, thực tại tánh thể hiện nơi thân, thọ, tâm, pháp mà mỗi người sẵn có. Thấy hoặc tin như vậy mới có thể tinh tấn đúng. Nếu không tinh tấn chỉ là công cụ hay nỗ lực của bản ngã muốn đạt được tham vọng của mình mà thôi. Như vậy có hai loại tinh tấn: Tinh tấn thuận pháp và tinh tấn thuận ngã. Theo Nho giáo, thuận pháp gọi là thuận thiên (tự nhiên), thuận ngã gọi là nghịch thiên, mà "thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" cũng đúng vậy.


                 

7. Khổ Đế

Câu hỏi:
Kính chào Thầy. Con chưa hiểu về KHỔ ĐẾ. Thưa thầy sự già nua cũ kỹ của các đồ vật như bàn ghế, vật dụng... có thuộc về KHỔ ĐẾ không ạ?
Trả lời:
Khổ đế phát sinh do phản ứng tâm lý chứ không phát sinh nơi đồ vật. Đồ vật là đối tượng của tâm, khi tâm phát sinh phản ứng tham, sân, si trên đồ vật đó thì mới tạo ra khổ đế. Đồ vật đụng chạm đến con có thể tạo ra khổ, hay lạc. Ví dụ con vấp một cục đá và chân bị đau. Đau là khổ nhưng không phải là khổ đế. Nhưng khi đau chân, con sinh bực tức, căng thẳng, mất bình tĩnh đó mới là khổ đế. Ngay cả cảm giác lạc, như khi ăn một món ngon, rồi con sinh tham ăn, lòng tham ấy mới sinh ra khổ đế. Nếu tâm con luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành, dù khi khổ hay lạc cũng không để tham lam, sân hận, si mê khởi lên thì sẽ không có khổ đế đâu con.

8. ĐẶC TÍNH của tứ đại

Câu hỏi:
Thưa Thầy, có phải thực chất của tứ đại là các ĐẶC TÍNH mà ta có thể trực tiếp cảm nhận như nóng lạnh, cứng mềm, trơn thô... phải không ạ? Và ngoài những cái đó ra thì các khái niệm, suy nghĩ, hình ảnh về đất nước gió lửa chỉ là "tưởng tri địa đại là địa đại, tưởng tri hỏa đại là hỏa đại" phải không ạ?
Trả lời:
Đất nước lửa gió chỉ là những tên gọi để biểu trưng cho bốn đặc tính cơ bản của vật chất: Tính cứng mềm gọi là đất, tính trơn dính gọi là nước, tính nóng lạnh gọi là lửa, tính chuyển động gọi là gió. Thực ra tứ đại còn bao hàm nhiều đặc tính vi tế hơn nữa mà mỗi người có thể trực tiếp cảm nhận được. Tuy nhiên trong đó yếu tố nước rất khó cảm nhận bằng giác quan mà phải có tri nhận nữa mới được. Tất nhiên tứ đại thuộc thực tánh pháp, nên tưởng tri và thức tri chỉ có thể nhận biết qua khái niệm, không thể nhận biết thực tánh được.

9. Thọ bát quan trai

Câu hỏi:
Thưa Thầy, con có thể tự thọ bát quan trai giới ở nhà mà không cần đến chùa xin giới hay không? Trong tu tập, người hành giả có cần phải chứng đắc được thiền định mới có thể tu tập thiền quán thành công hay không? Con xin cám ơn Thầy!
Trả lời:
1) Đi thọ bát quan trai ở chùa cũng tốt, mà tự mình thọ ở nhà cũng được, tùy theo điều kiện cho phép của mỗi người. Quan trọng là ngày hôm đó có thọ bát quan trai giới trong sạch thanh tịnh hay không mà thôi. Bát quan trai mục đích giúp người tại gia, không có điều kiện xuất gia, có thể tập sống không lệ thuộc vào một số phương tiện hưởng thụ để sống giản dị, thanh thoát, và ít bị ràng buộc hơn.
2) Có loại định cần thiết cho thiền tuệ, có loại định trở ngại cho thiền tuệ. Nói một cách tổng quát, định nào dính mắc vào thời gian, sở đắc và bản ngã đều trở ngại cho thiền tuệ. Định nào không vướng kẹt trong quá khứ, hiện tại, vị lai (thời gian), không trú vào sở đắc, không có bản ngã sở đắc mới có thể xứng hợp với giới và tuệ trong thiền tuệ được. Con vào mục Thư Viện trong trang Web này để xem thêm bài viết của thầy về đề tài này: Thực Tại Hiện Tiền 2, chương 8: Nội tâm tĩnh lặng. Chúc con tu hành tinh tấn.

10. Chánh nghiệp

Câu hỏi:
Thưa thầy, tại sao Chánh nghiệp lại được diễn tả dưới dạng phủ định là "không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm". Con thấy nhiều bài giảng giải thích tà nghiệp là gì thường chỉ nêu đến ba loại hành vi là sát sinh, trộm cắp, tà dâm thôi? Có phải vì nó tiêu biểu không ạ?
Trả lời:
Chánh nghiệp là hành động chơn chánh, không hại mình hại người, trong đó cụ thể là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Chánh nghiệp thuộc về giới luật, đây là những giới luật cơ bản nhất thôi chứ kể ra thì có rất nhiều hành động không nên làm nữa. Sở dĩ dùng phủ định vì chỉ cần không hành động bất thiện là được, còn nếu nói khẳng định thì làm sao kể hết hành động thiện.

11. Lễ kiết giới Sima

Câu hỏi:
Vì là một phóng viên nên con đã xuống tận Trà Cú để tham dự một buổi lễ kiết giới Sima một ngôi chùa PGNT mới xây, người ta tổ chức như ngày hội và Phật tử ném tiền sách vở gương lược xuống hố sima cho đến khuya mới làm lễ. Tại sao PGNT người Kinh mình không có tục lễ này vì con thấy đây là một nét văn hóa rất đẹp.
Trả lời:
Ném tiền hay vật dụng xuống hố sima là một tập tục có tính tín ngưỡng, do đó chúng ta không nên phê phán. Tất nhiên cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó người ta mới làm. Phần nhiều người ta làm như vậy để cầu phước, hay trừ tà, vì họ tin rằng sima là vật linh thiêng do Chư Tăng đọc tuyên ngôn Tăng sự để làm cho sima thanh tịnh trang nghiêm không bị sự quấy nhiễu bởi những nguồn tai hại nhất là phi nhân. Tuy nhiên, nếu quá lệ thuộc vào niềm tin này thì cũng trở thành mê tín, không có lợi cho việc tu tập giác ngộ giải thoát.
Còn đợi đến nữa đêm là do giờ đó sẽ không còn vị tỳ kheo nào ngoài số chư Tăng đang làm Tăng sự có thể đi qua lại bên ngoài vùng sima chưa kiết giới xong. Theo luật, như vậy là có vị tỳ kheo ở ngoài không tham dự thì Tăng sự không thành tựu được. Điều này chỉ có ý nghĩa về giới luật thôi, chứ không có ý gì khác. Tóm lại, mỗi nơi có một số tập tục độc đáo do niềm tin hay quan niệm của nơi đó, chúng ta không nên bắt chước cũng như bài xích. Phải chiêm nghiệm học hỏi kỹ lưỡng rồi mới theo hay không theo.

12. Hưởng thụ ngũ dục

Câu hỏi:
Tại sao đức Phật lại ví hưởng thụ các dục như cầm bó đuốc cỏ đi ngược gió? Mong thầy giải đáp dùm. Xin cảm ơn thầy.
Trả lời:
Đơn giản là vì cầm đuốc đi ngược gió thì bị lửa tạt vào đốt cháy chính mình, cũng vậy hưởng thụ ngũ dục thì bị lửa ngũ dục thiêu đốt. Sắc, thanh, hương, vị, xúc là món ăn của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nếu sự tương giao giữa căn môn và trần cảnh diễn ra trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì phát sinh điều thiện hay giác ngộ giải thoát. Nếu sự tương giao diễn ra trong vô minh ái dục, cụ thể là say mê trong ngũ dục thì đưa đến bất thiện và hậu quả là phiền não khổ đau.
Cũng cần lưu ý phân biệt hưởng thụ ngũ dục với đắm say ngũ dục. Hưởng thụ ngũ dục theo nghĩa biết thưởng thức sắc tướng, âm thanh, mùi vị v.v... một cách đúng đắn và không dính mắc thì vẫn tốt. Chỉ khi say đắm trong âm thanh, sắc tướng v.v... mới thật sự tự hại mình như cầm đuốc đi ngược gió vậy.

13. Làm phước

Câu hỏi:
Kính thưa thầy, Trong một chương trình từ thiện, khuyến khích ủng hộ bằng cách mua bò cho dân nghèo. Mua bò có thai thì giá mắc hơn một chút nhưng có lợi hơn. Kính thưa thầy, trong cái nhìn nhân quả nghiệp báo của nhà Phật, ủng hộ cách nầy có vô tình tạo nghiệp ác không? Con vẫn thường ủng hộ nhiều cách như xây giếng, mổ mắt, phát gạo, xây cầu... và các chương trình từ thiện khác nhau. Nhưng cách mua bò, sao con thấy sờ sợ. Xin thỉnh ý thầy.
Trả lời:
Tất nhiên người Phật tử phải biết cân nhắc việc làm từ thiện nào đem lại lợi ich cho người khác mà không gây tổn hại cho bất cứ chúng sinh nào mới nên làm. Chăn nuôi phần lớn (không phải tất cả) thuộc về tà mạng vì vậy cần phải cẩn thận, nếu cung cấp vốn cho người chăn nuôi vì mục đích không chân chính thì không nên làm. Một việc làm vừa có lợi cho chúng sinh này vừa có hại cho chúng sinh khác thì gọi là nghiệp vừa thiện vừa bất thiện. Tuy nhiên, giúp một người làm nghề sinh sống trên đau khổ của chúng sinh khác vẫn không phải là hành động thông minh, hiền thiện.


                  


14.Kinh A-Di-đà

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Trong Kinh Phật Giáo Nguyên Thủy, có đoạn nào Đức PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI nói về Đức Phật A-di-đà và Đức Phật Di-lặc không? Vì mới đây trên trang web con thấy 1 vị Thầy ở nước ta cho rằng chỉ có duy nhất 1 Đức PHẬT BỔN SƯ mà thôi còn những vị kia là do hư cấu. Con đang là Phật Tử tu theo Tịnh Độ nên lòng con rất bâng khuâng, con không biết nên ngừng hay chuyển tông khác. Con sực nhớ tới Thầy. Vì chỉ có Phật Giáo Nguyên Thủy mới giữ gìn và không sửa đổi lời nói của Đức PHẬT. Xin Thầy cho con 1 lời khuyên. Chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Trả lời:
Theo Tam Tạng Kinh Điển Pāli nguyên thủy thì không có Kinh nào nói đến Phật A-di-đà cả. (Nhưng Đức Phật Thích Ca có thọ ký cho một vị tỳ kheo trong hội chúng của Ngài với lời tiên đoán là vị ấy sẽ thành Phật tương lai hiệu là Di-lặc). Kinh Di-đà xuất hiện đồng thời với sự khởi nguyên của Phật Giáo Đại Thừa, khoảng 600 năm sau Phật Niết-bàn. Kinh Di-đà có nguồn gốc bằng tiếng Sanskrit, ngôn ngữ này được người Bà-la-môn đặt ra phỏng theo ngôn ngữ Pāli hàng trăm năm sau Phật Niết-bàn, nên trong thời Đức Phật chưa có ngôn ngữ này.
Để hiểu thêm về nguồn gốc ngôn ngữ Sanskrit đạo hữu nên đọc cuốn "Pāli is the mother of Sanskrit" của Harbir Angaree (Ngôn ngữ Pāli mẹ đẻ tiếng Sanskrit, Hữu Minh dịch, trên trang phatgiaonguyenthuy.com ). Và để hiểu thêm về pháp môn niệm Phật xin đạo hữu vui lòng xem thêm cuốn " Thiền Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triển", phần đối chiếu Pháp môn niệm Phật A-di-đà với Pháp môn niệm Ân Đức Phật trong Phật Giáo Nguyên Thủy.

15. Kiết sử

Câu hỏi:
Thưa thầy, cần phải hiểu câu "và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy..." trong phần quán pháp trên pháp với 6 nội ngoại xứ của Kinh Tứ Niệm Xứ như thế nào ạ? Làm sao có thể biết là kiết sử không thể sanh khởi trong tương lai được ạ?
Trả lời:
Vị đã thực chứng tiến trình tâm Nhập Lưu và Nhất Lai biết 3 kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ không thể sanh khởi trong tương lai. Vị Bất Lai biết 3 kiết sử trên cùng với dục ái và sân hận không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, vị Vô Sanh biết 5 kiết sử trên cùng với sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử và vô minh không thể sanh khởi trong tương lai.
Nếu con thực sự muốn làm sao có thể biết điều này thì nên tinh tấn tu tập buông bỏ bản ngã cùng với vô minh ái dục thì sẽ biết ngay. Nhưng nếu con muốn biết chỉ để thoả mãn tính tò mò của lý trí hay muốn tích luỹ kiến thức thì coi chừng trở thành sở tri chướng. Giống như người ăn những món ngon mà không tiêu hoá được thì sẽ chuốc lấy bệnh tật vô cùng nguy hiểm.


16. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo

Câu hỏi:
Trình tự sắp xếp của 37 phẩm trợ đạo có ý nghĩa như thế nào thưa thầy? Phải chăng Tứ Niệm Xứ hỗ trợ cho Tứ Chánh Cần rồi Tứ Chánh Cần lại hỗ trợ cho Tứ Như Ý Túc -> Ngũ Căn -> Ngũ Lực -> Thất Giác Chi... cứ như vậy cho đến Bát Chánh Đạo được hoàn thành?
Trả lời:
37 phẩm trợ đạo chỉ sắp xếp theo thứ tự chi pháp tăng dần thôi chứ không theo thứ tự hành pháp này rồi đến hành pháp kia như con trình bày. Vì mỗi pháp môn sử dụng cho mỗi lãnh vực khác nhau. Tất nhiên những pháp môn này có liên hệ và bổ túc cho nhau nhưng không phải theo trình tự như được sắp xếp.


17. "Vô minh duyên lậu hoặc, lậu hoặc duyên vô minh"

Câu hỏi:
Xin thầy cho con một ví dụ để hiểu hơn vì sao "Vô minh do duyên lậu hoặc mà lậu hoặc cũng do duyên vô minh" ạ? xin cảm ơn thầy.
Trả lời:
Lậu hoặc gồm: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu (đôi lúc có kiến lậu nữa, nhưng nói gọn lại chỉ còn vô minh, ái dục thôi cũng được). Như vậy trong lậu hoặc đã có vô minh rồi. Cho nên nói "Vô minh sinh ái dục, ái dục sinh vô minh" thì dễ hiểu hơn. Nghĩa là do vô minh, tức không thấy sự thật, mới có tham - sân, ưa - ghét, lấy - bỏ, v.v... Đó chính là ái dục và tạo nghiệp (ái, thủ, hữu). Rồi ái dục, chấp thủ và tạo nghiệp lại làm dày thêm cho vô minh. Do đó nói "Vô minh duyên lậu hoặc, lậu hoặc duyên vô minh" là vậy.

18. Khayā (tận diệt) và Vayā (hoại diệt)

Câu hỏi:
Con đọc trong cuốn "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ" của sư Hộ Pháp trong mục Thư Viện thấy có hai khái niệm tương đối giống nhau là tận diệt và hoại diệt. Xin thầy cho con biết sự khác nhau giữa hai ý nghĩa Khayā (tận diệt) và Vayā (hoại diệt) (của danh và sắc), con chưa phân biệt được hai từ này ạ. Xin cảm ơn thầy.
Trả lời:
Tận diệt còn gọi là diệt đoạn tận hay tuỵệt diệt nghĩa là chấm dứt hay diệt mất hoàn toàn không còn dư sót. Còn hoại diệt hay biến diệt là diệt dần dần do biến hoại cho đến khi chấm dứt.

19. Sinh lão bệnh tử là ám chỉ luân hồi sinh tử

Câu hỏi:
Thưa thầy, con đã thỏa mãn với câu hỏi trước về sinh là khổ và sinh ở đây không phải là sinh nở mặc dù sinh nở cũng là khổ. Vậy xin thầy hãy giải thích cho con cái khổ thứ hai "già là khổ". Con xin cảm ơn!
Trả lời:
Sinh lão bệnh tử là ám chỉ luân hồi sinh tử. Vì vậy, nói sinh lão bệnh tử, sinh trụ dị diệt hay thành trụ hoại không thì cũng cùng một nghĩa tương ứng với những sự kiện khác nhau mà thôi. Nếu con đã hiểu sinh thì già, bệnh, chết cũng đều nói lên tính vô thường biến hoại của tất cả pháp hữu vi duyên hợp. Nhất là nhấn mạnh hữu vi tâm lý tức phản ứng tạo tác của tâm. Khi vô minh, không định tĩnh sáng suốt để thấy sự thật (thực tánh pháp) thì liền phát sinh ý muốn trở thành (ái dục), trong ý muốn này nội hàm hai đối cực: muốn thoát tình trạng hiện tại (sân), muốn lặp lại tình trạng quá khứ hay đạt đến trạng thái ảo ở tương lai (tham). Ý muốn trở thành thúc đẩy ý chí (thủ) cố gắng tạo tác để trở thành (hữu). Đây chính là toàn bộ nguyên nhân của sinh - lão tử mà chúng ta thường gọi là luân hồi sinh tử. Hình tướng già nua, bệnh tật chỉ là biểu hiện bên ngoài của bản chất biến hoại vô thường do hữu vi tạo tác. Cũng cần nhận ra rằng vì lâm vào giữa hai đối cực tham và sân mà đánh mất thực tại để thấy biết rõ ràng minh bạch. Đó chính là mê muội bất an (si) làm cho vô minh ngày càng được củng cố sâu dày. Sở dĩ thầy không chỉ giải về khổ già một cách cục bộ mà nói dài dòng như vậy để con thấy nó trong toàn cảnh mà con có thể chiêm nghiệm nơi chính mình, chứ không phải chỉ thu thập kiến thức về những mảnh vụn cô lập.

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông