Hà Nội, ngày 12 - 01 - 2011
Kính thưa thầy,
Cứ vài ba tháng là con rơi vào trạng thái “trầm cảm” một lần. Phải chăng đây là nghiệp của con? Phải chăng do si mê lầm lạc, tư cao tự đại nên con tự chuốc khổ vào thân? Cho nên hết lần này đến lần khác con rơi vào tình trạng này? Một căn bệnh mà con chưa biết từ nguồn gốc nào, sinh ra sao, diệt ra sao?
Có điều lần này khác với những lần trước, con biết rõ từng trạng thái, đang như thế nào, sắp tới sẽ ra sao. Con không chờ mong một lời khuyên nào của ai khác, dù là của thầy, người mà con kính yêu tôn sùng nhất. Con biết được con đang té, hoặc sắp rơi vào “hố” nhưng con không hoảng sợ, con không loay hoay tìm lối thoát như trước đây. Con cứ để y nguyên chư vậy mà xem nó ra sao. Tự nó sinh, trụ, diệt, con chẳng làm được gì, và cũng chẳng muốn làm gì cả. Thật tình mà nói, con đã quen mặt cơn bệnh nghiệp này rồi, nó không còn làm con quá bận tâm hay nóng lòng như xưa nữa.
Sáng nay không biết cảm ứng thế nào mà thầy đã gởi cho con một bài kệ rất đúng với tâm trạng con hiện giờ. Đọc xong con chẳng biết nói năng gì, một lúc sau mới nhắn tin lại cho thầy 3 chữ: “Dạ, xin vâng”. Để con ghi lại cho thầy đọc nha, con biết dạy xong là thầy quên mất rồi:
Mọi chuyện vẫn bình thường
Như mỗi ngày đổi mới
Hiện tượng đã tỏ tường
Tự tánh vẫn thanh lương.
Thầy đừng lo cho con. Con biết con sẽ không sao đâu. Để cơn bệnh này nó hành hạ con, hình như con có duyên học bài học này. Trên đời này ít ai làm cho con đau lòng, chỉ tự con chuốc lấy bệnh để rồi tự làm bác sĩ mổ vết thương cho mình. Phải chăng đây là tình nguyện của con? Phải chăng đó cũng là phước báu cho con để con tu tập ba-la-mật? Nên giờ đây con mới được “khổ luyện” để giác ngộ như thế này? Ai không vào lò luyện khổ mà được giải thoát đâu. Đây chính là lời dạy quý báu nhất để lại cho con mà con đọc được trong những lá Thư Thầy. Con có duyên gặp thầy nên được thầy chỉ dạy tận tình.
Lý và sự của Pháp thầy đã truyền dạy cho con cả rồi, đến lúc con phải một mình bước đi mà thôi. Xin thầy đừng cho con một lời khen hay lời động viên nào sau lá thư này. Từ đây con phải bắtđầu đứng dậy để uống cạn chén đắng của mình để giác ngộ.
Chào thầy kính yêu vô vàn.
Con, Trung Thiên
Từ bức thư của Trung Thiên.
Tác giả: Viên Minh
Thân và tâm có quan hệ và ảnh hưởng hỗ tương giữa trạng thái tâm lý và tình trạng thần kinh. Khi tâm lý quá hưng phấn thì thần kinh cũng trở nên căng thẳng. Khi tâm lý quá trầm uất thì thần kinh cũng bị ức chế. Đây chính là tình trạng trầm cảm mà Trung Thiên mô tả. Mỗi lần để tâm hưng phấn quá là chắc chắn sau đó sẽ bị ức chế, và sau ức chế lại hưng phấn. Cứ vậy thân tâm mỗi người phải trải qua một sự giao động như quả lắc, hết bên này đến bên kia. Hai trạng thái này làm nhân làm duyên cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau tạo ra thế mất quân bình của thân tâm. Hưng phấn và ức chế vốn là sự vận hành theo đạo dịch tự nhiên nhất âm nhất dương, nhất khai nhất hạp của pháp. Nhưng nếu sự giao động này vượt quá mức cho phép thì không những chỉ bị khủng hoảng stress thôi mà còn có thể bị rơi vào tình trạng tâm thần phân liệt. Đến đó thì vấn đề đã trở nên vô cùng phức tạp khó mà điều chỉnh cho quân bình lại được.
Tuy nhiên mất quân bình cũng chính là yếu tố cần thiết giúp chúng ta học ra bài học lấy lại quân bình. Tất nhiên quân bình không phải là “nọa tính” bất động của sự vật mà là “không động, không lay chuyển” của trí tuệ khi tánh biết rỗng lặng trong sáng. Cho nên trải qua nhiều lần tự chiêm nghiệm cơn bệnh của mình và nhờ thấu hiểu đạo lý Tứ Niệm xứ, Thất Giác Chi nên Trung Thiên đã bắt đầu thấy rằng: “Con không hoảng sợ, không loay hoay tìm lối thoát như trước đây. Con cứ để nó y nguyên như vậy mà xem nó ra sao? Tự nó sinh, trụ, diệt, con chẳng làm được gì, và cũng chẳng muốn làm gì cả…” Không làm gì không có nghĩa là buông xuôi, mà là không còn phản ứng một cách chủ quan theo cái ta ảo tưởng.“Có nhân mới có quả, không nhân ắt không quả”. Vì vậy tốt nhất là lắng nghe quan sát để thấy ra nguyên nhân sinh diệt của nó, để không gieo thêm nhân nữa thì sẽ không còn lãnh lấy hậu quả ở tương lai. Còn bệnh trạng chỉ là quả hiện tại do nhân quá khứ đã tạo ra thì chỉ cần xử lý như Trung Thiên để qua đó thấy ra toàn bộ sự kiện vận hành. Chỉ thấy biết thôi chứ không phản ứng gọi là vô vi, tức không tạo tác thêm nhân mới nên cũng được gọi là Không, Vô tướng, Vô tác, Vô nguyện. Đạo học Đông phương nói chung gọi đó là Vô ý, Vô Tất, Vô cố, Vô ngã. Chính nhờ thấy ra nguyên lý này mà Ngài Sariputta đã thể nhập vào Dòng Pháp (Dự Lưu) ngay khi nghe Ngài Assaji nói bài kệ:
“Các pháp đều do nhân
Như Lai chỉ nhân ấy
Nhân diệt pháp tự chân.
Đó lời Sa Môn dạy”
Chúng ta nên lấy đây làm bài học trung đạo, đừng quá hưng phấn căng thẳng để rồi rơi vào ức chế trầm cảm. Và chúng ta nên cảm thông chia sẻ với người đang trải qua cơn khủng hoảng này hơn là cố gắng can thiệp vào, nên để yên cho họ lắng nghe và chiêm nghiệm bản thân để học ra bài học của mình.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông