ĐƠN GIẢN
Tôi muốn thảo luận về bản tính của đơn giản , và có lẽ nhờ sự thảo luận này, chúng ta có thể đi đến việc khám phá ý nghĩa của cảm tính, khám phá tính nhạy cảm. Dường như chúng ta nghĩ rằng sự đơn giản chỉ là một sự biểu hiện bên ngoài, một tâm thái ẩn dật rút lui khỏi đời sống ; chỉ có rất ít vật sở hữu, đóng khố, vô gia cư, không nhà cửa, mặc đôi ba manh áo quần, dành dụm một món tiền nho nhỏ ở ngân hàng. Cố nhiên, đó không phải là đơn giản. Đó chỉ là sự phô trương bên ngoài. Đối với tôi, dường như đơn giản là điều chính yếu nhất ; nhưng đơn giản chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta bắt đầu hiểu được ý nghĩa của sự tự tri, tự kiến.
Đơn giản không phải là chỉ khuôn rập theo một mẫu mực nhất định. Phải thông minh vô cùng thì mới đơn giản được, chứ không phải chỉ tuân hòa theo một khuôn khổ cố định nào, dù bề ngoài khuôn khổ ấy có vẻ thích ứng một cách xứng đáng đi nữa. Thực là một điều chẳng may, hầu hết chúng ta đều bắt đầu đơn sơ giản dị ở hình thức bên ngoài, những sự vật bề ngoài. Chỉ có chút ít vật sở hữu, chỉ bằng lòng tự mãn với đôi chút sự vật, như thế cũng hãy còn dễ, bằng lòng tự túc với đôi ba điều, chia sẻ đôi ba điều ấy với những kẻ khác, thực ra, điều ấy hãy còn dễ dàng. Nhưng tỏ bày tính cách đơn giản của mình qua những sự vật bên ngoài, qua tài sản, tỏ bày như vậy cố nhiên không có nghĩa là mình đã được đơn giản bên trong tâm hồn. Tình thế hiện trạng bây giờ đã đưa chúng ta đến hoàn cảnh bắt buộc mình phải đòi hỏi quá nhiều hình thức bề ngoài. Đời sống càng lúc càng trở nên phức tạp rắc rối. Để mà có thể thoát ly ra ngoài sự phức tạp rối rắm của đời sống, chúng ta cố gắng từ bỏ hoặc xa lìa những sự vật, xa lìa những chiếc ô tô, xa lìa nhà cửa, xa lìa những tổ chức, xa lìa những rạp chiếu bóng và xa lìa vô số những hoàn cảnh bên ngoài dồn dập vào mình. Chúng ta cho rằng chúng ta sẽ sống đơn sơ giản dị bằng cách rút lui, thoát ly ra ngoài đời sống. Quá nhiều bậc thánh, quá nhiều bậc tôn sư đã từ bỏ thế tục, đối với tôi, bất cứ người nào từ bỏ thế tục như thế thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Sự đơn sơ giản dị, mối căn nguyên nền tảng thiết thực ấy, chỉ có thể xuất hiện bên trong tâm hồn ; và từ bên trong tâm hồn ấy mới xuất phát hình thức bên ngoài. Vậy, biết cách sống đơn sơ giản dị mới là vấn đề chính, bởi vì , chính sự đơn giản ấy sẽ làm mình trở nên nhạy cảm hơn trong đời sống. Có được một tâm trí nhạy cảm, một con tim bén nhạy, là một điều chính yếu, vì chỉ có được tâm trí như thế, mình mới có thể dễ trực nhận, dễ đón nhận.
Mình chỉ có thể đơn giản trong nội tâm , cố nhiên là khi nào mình hiểu được vô số những trở ngại, những cố chấp, sợ hãi mà mình bị vướng kẹt. Nhưng phần đông chúng ta thíchbị vướng kẹt, thích bị ràng buộc trong nhân thế, trong những vật sở hữu, trong những ý tưởng. Chúng ta thích làm những kẻ tù tội lao lung. Trong tâm tư, chúng ta đúng lànhững kẻ bị nhốt tù, dù bên ngoài chúng ta có vẻ như sống đơn giản dễ chịu. Trong tâm tư, chúng ta bị nhốt tù trong những sự thèm khát, những ham muốn, những lý tưởng , trong vô số động lực tâm lý. Mình không thể nào tìm được sự đơn giản, chỉ trừ ra khi nào mình được giải phóng, được tự do trong tâm tư. Do đó, sự đơn giản phải bắt đầu từ trong, chứ không phải từ ngoài.
Khi nào mình hiểu trọn vẹn tiến trình tín ngưỡng , hiểu được lý do tại sao tâm trí phải bám chặt vào tín ngưỡng, khi nào hiểu được như vậy, mình mới được hưởng một niềm tự do phi thường. Sự đơn giản xuất hiện, lúc mình được tự do thoát ra ngoài mọi tín ngưỡng. Nhưng sự đơn giản ấy đòi hỏi mình phải thông minh, và muốn thông minh thì mình phải ý thức được những chướng ngại thực thụ của mình. Muốn ý thức, mình phải thường xuyên thức tỉnh, không để ràng buộc cố định trong bất cứ đường mòn lối cũ nào, trong bất cứ khuôn mẫu tư tưởng hay khuôn mẫu hành động đặc thù nào. Thực ra, những gì mình chứa đựng bên trong tâm hồn mình, chính những cái ấy đã ảnh hưởng biến chuyển thế giới bên ngoài. Xã hội, hay bất cứ hình thức hành động nào, đều là sự phóng hiện của bản thân chúng ta ; không chuyển hóa nội tâm , mà chỉ lo lập pháp bên ngoài thôi thì chẳng có ý nghĩa gì đáng kể, việc ấy có thể đem đến một vài sự cải cách nào đó, một vài sự điều chỉnh nào đó, nhưng những gì mình chứa đựng trong tâm khảm vẫn chế phục, lấn áp, khuynh lướt hoàn cảnh bên ngoài. Nếu trong tâm khảm mình vẫn gian tham, tham vọng, đeo đuổi một số lý tưởng nào đó ; sự phức tạp rối rắm trong tâm khảm ấy sớm muộn gì rồi cũng khuynh đảo lật đổ xã hội bên ngoài, dù xã hội ấy có được tổ chức trù định một cách qui mô cẩn thận đến đâu đi nữa, cơ cấu qui mô của nó vẫn bị phá đổ.
Vì lý do như thế, mình cần phải bắt đầu từ bên trong tâm khảm trước hết, đồng thời vẫn không độc chiếm chuyên đoán, không khai trừ ngoại giới. Cố nhiên các ngài đi đến thế giới nội tâm bằng cách lãnh hội thế giới bên ngoài, bằng cách tìm xem thể điệu hiện hữu của sự xung đột, sự giao tranh, thống khổ ở ngoại giới, lúc mình khảo sát điều ấy một cách thâm trầm hơn, hiển nhiên mình thâm nhập vào những trạng huống tâm lý đã phát sinh ra những xung đột thống khổ ở ngoại giới. Sự phát hiện bên ngoài chỉ là dấu hiệu của trạng huống bên trong, nhưng muốn hiểu được trạng huống nội tâm, mình cần phải đi vào bằng cửa ngỏ bên ngoài. Phần đông chúng ta hành động như thế. Khi muốn hiểu được nội giới mà không phải độc chiếm và khai trừ ngoại giới, trái lại, hiểu nội giới bằng cách hiểu ngoại giới, tình cờ lý nhập được nội giới bằng sự thể nhận ngoại giới ; khi hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng lúc tiến sâu vào những uẩn khúc nội tâm của hiện thể chúng ta càng lúc càng trở nên nhạy cảm và tự do. Chính sự đơn giản nội tâm này mới chính yếu, vì sự đơn giản đã tạo ra lòng xúc cảm bén nhạy. Một đầu óc thiếu nhạy cảm, không thức tỉnh, không ý thức thì không thể nào biết thụ cảm, đón nhận, không thể nào biết hành động khai sáng, hành động sáng tạo . Ăn rập vào khuôn thước ước lệ và làm thế như một phương tiện để cho mình trở nên đơn sơ giản dị thì thực ra chỉ là làm chola2a6m trí trở thành khô cằn, chán chường, chai lì, vô giác. Bất cứ hình thức cưỡng ép thị uy nào do chính quyền gây ra, do chính bản thân, do lý tưởng thành đạt, vân vân, bất cứ hình thức khuôn thước ước lệ nào rốt cục rồi cũng phải gây ra trạng thái vô giác, không biết xúc cảm bén nhạy, bởi vì không biết sống đơn sơ giản dị trong tâm hồn. Các ngài có thể khuôn đúc dáng dấp bên ngoài và tỏ vẻ đơn sơ giản dị , giống như trường hợp của nhiều tín đồ tu sĩ. Họ thực hành nhiều kỷ luật tâm tư chi li, gia nhập đủ loại tổ chức, tham thiền nhập định theo đủ lối, vân vân, tất cả nỗ lực của họ đều hướng về hình tướng dáng dấp đơn sơ giản dị ở bề ngoài, nhưng sự khuôn định công thức như vậy không đưa đến sự đơn giản thực sự. Bất cứ sự bức bách cưỡng ép nào cũng không bao giờ đưa đến sự đơn giản. Trái lại, các ngài càng đàn áp, càng tìm cách thay thế, càng tìm cách làm cao thượng thì các ngài càng ít được đơn giản ; nhưng các ngài càng hiểu đượhie63ie61n trình của sự cao thượng hóa, của đàn áp, của việc thay thế cái này bằng cái kia, các ngài càng hiểu được biến trình này thì các ngài càng có thể đạt được trạng thái đơn sơ giản dị.
Tất cả những vấn đề của chúng ta đều quá phức tạp rối rắm, những vấn đề thuộc phạm vi xã hội, hoàn cảnh, chính trị, tôn giáo, có thể giải quyết được bằng một đời sống giản dị đơn sơ, chứ không phải bằng cách trở thành uyên bác, thông thái, tinh thạo xuất chúng. Một người đơn giản có thể tri kiến một cách trực tiếp, trực nghiệm ngay lập tức, thẳng thắn, mau lẹ hơn một người phức tạp. Tâm trí chúng ta nhét vô số kiến thức về những sự kiện, về những gì người khác đã nói, đầu óc chúng ta đầy ứ những kiến thức vụn vặt rối rít như vậy, đến nỗi chúng ta không còn có khả năng sống giản dị và tự mình trực nghiệm. Tất cả những vấn đề phức tạp đòi hỏi chúng ta phải có một đường lối đón nhận mới mẻ, chúng ta chỉ có thể đón nhận những vấn đề ấy một cách mới mẻ, khi chúng ta đơn sơ giản dị, thực sự đơn giản bên trong tâm hồn. Sự đơn giản này chỉ xuất hiện lúc mình tự hiểu mình, tự tri ; những đường lối cảm nghĩ của chúng ta ; sự vận hành của tư tưởng chúng ta ; sự đáp ứng của chúng ta ; cách chúng ta đóng khung ăn rập theo dư luận, vì sợ hãi, đóng khuôn theo những gì kẻ khác đã nói, những gì Phật, Chúa, các bậc đại thánh đã dạy bảo, tất cả sự khuôn đúc ấy nói lên bản chất của chúng ta, bản chất thích ăn rập theo khuôn mẫu, theo công thức, thích được an ninh an toàn. Mỗi khi mình đi tìm sự an ninh, an toàn, hiển nhiên mình luôn luôn vẫn ở trạng huống lo lắng sợ hãi, và do thế, mình không thể nào đơn sơ giản dị được. Không đơn sơ giản dị, mình không thể nào nhạy cảm, không thể nào xúc động nhạy cảm trước những cây lá, những chim chóc, đồi núi, gió, trước tất cả những sự vật đang xảy ra chung quanh chúng ta trên đời sống này ; nếu mình không đơn sơ, mình không thể nào xúc động nhạy cảm trước sự tỏ bày thắm thiết lặng lẽ trong lòng sự vật. Hầu hết chúng ta đều sống quá hời hợt, chỉ sống trên thượng tầng của ý thức, trên thượng tầng ý thức ấy, chúng ta cố gắng trầm mặc hoặc thông tri, tu hành mộ đạo thì cũng đồng nghĩa như vậy. Trên thượng tầng ý thức ấy, chúng ta cố gắng làm tâm trí mình trở nên đơn giản, bằng cách bức bách cưỡng ép, qua qui phạm kỷ luật. Làm như vậy chẳng có gì là đơn sơ giản dị cả. Khi chúng ta cưỡng bức thượng tầng tâm trí, cưỡng ép trí óc trở thành đơn giản, cưỡng bách như vậy chỉ làm chai lòng, chứ không làm tâm trí trở thành uyển chuyển, mềm mỏng, trong sáng, hoạt bát, nhanh nhẹn. Sống đơn giản trong toàn thể tiến trình toàn diện của ý thức mình, đó là một điều vô cùng gian truân khó khăn, vì muốn được thế, mình phải có tâm hồn cởi mở, không gìn giữ, phải hăm hở tìm tòi đi sâu vào tiến trình hiện thể mình, nghĩa là mình phải thức tỉnh theo dõi tất cả sự tỏ bày lặng lẽ, tất cả gợi ý kín đáo, ý thức tất cả sự sợ hãi của lòng mình, tất cả hoài vọng ; khảo sát và càng lúc càng giải thoát ra ngoài tất cả những thứ ấy. Chỉ có lúc ấy, lúc tâm trí thực sự đơn giản , không còn bị đóng cặn bọc lớp, thì chúng ta mới có thể giải quyết được bao nhiêu vấn đề mà chúng ta phải đương đầu.
Kiến thức , học thức, tri thức không thể giải quyết được những vấn đề của chúng ta . Chẳng hạn, các ngài có thể có kiến thức, biết được về sự đầu thai, về sự kế tục sau khi chết. Các ngài có thể biết được những thứ ấy, tôi không nói rằng các ngài biết hay các ngài có thể tin chắc về điều ấy ; tôi chỉ nói : các ngài có thể biết được ; nhưng việc ấy cũng không giải quyết được vấn đề. Lý thuyết của các ngài, hoặc sự hiểu biết của các ngài, hoặc lòng xác tín của các ngài, tất cả thứ này đều không thể đóng ngăn sắp loại sự chết được. Sự chết hoàn toàn bí ẩn, huyền bí thâm sâu, có tính cách sáng tạo hơn hẳn tất cả sự đóng ngăn sắp loại kia.
Mình phải có khả năng khảo sát tất cả mọi sự một cách mới mẻ luôn ; vì chỉ có trực nghiệm kinh nghiệm trực tiếp mới có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta được, muốn có trực nghiệm, mình phải đơn giản, nghĩa là mình phải nhạy cảm. Sức nặng của kiến thức học thức, đã khiến cho tâm trí trở thành trì độn, trầm trệ, thiếu sâu sắc và cùn lụt, buồn tẻ. Trí óc trở nên cùn : chính quá khứ, chính tương lai đã làm trí óc trở nên như thế. Chỉ có một tâm trí tương ứng với hiện tại một cách liên tục từ giây phút này đến giây phút khác thì mới có thể tương nhiếp với những ảnh hưởng , áp lực mạnh mẽ do hoàn cảnh bên ngoài liên miên đổ dồn vào đời sống chúng ta .
Vậy, một người mộ đạo, một kẻ tu hành thực ra không phải là một kẻ mặc áo dòng tu hay đóng khố, hoặc đã phát nguyện như thế này và không như thế kia ; một kẻ chân tu là người thực sự đơn giản trong tâm hồn, một kẻ không trở thành một cái gì cả. Chỉ có một người có tâm thái như thế mới có khả năng đón nhận phi thường, vì lòng kẻ ấy không còn biên giới ngăn cách, không còn sợ hãi, không còn ngưỡng vọng, hướng về một chân trời nào cả, nhờ thế, mà kẻ ấy mới có thể đón nhận thiên ân, thánh sũng, thiên hựu, Thượng đế, chân lý, hay muốn gọi gì thì cứ gọi. Tuy nhiên, kẻ nào có đầu óc đi tìm kiếm đeo đuổi thực tại thì vẫn không phải là kẻ sống đơn giản. Tâm trí của một kẻ tra kiếm, tìm tòi, sờ sia5ng, xao động, vẫn không phải là tâm trí đơn giản. Tâm trí của một người qui thuận theo một khuôn mẫu quyền uy nào đó, nội tâm hay ngoại giới, vẫn không thể nào biết nhạy cảm. Chỉ có một tâm trí bén nhạy thực sự, linh động thức tỉnh thực sự, ý thức được tất cả sự vận hành biểu hiện của mình, những đáp ứng, những tư tưởng , khi tâm trí ấy không còn trở thành, hình thành, không còn khuôn nắn mình để được làmột sự thể nào đó : chỉ có lúc ấy, tâm trí mới có khả năng đón nhận thực thể, tức là sự thực. Chỉ có lúc ấy mình mới có thể có được hạnh phúc, vì hạnh phúc không phải là cứu cánh, hạnh phúc chính là thành quả của thực tại. Khi tâm trí đã trở nên đơn giản, và nhờ đơn giản, nên nhạy cảm ; đơn giản nhạy cảm không phải do bất cứ hình thức bức bách, hướng dẫn, cưỡng bách, bắt buộc nào, khi tâm trí trở thành đơn giản và nhạy cảm như vậy thì chúng ta mới thấy rằng tất cả những vấn đề của chúng ta đều có thể được nhiếp dẫn một cách đơn sơ giản dị . Dù những vấn đề của chúng ta có phức tạp đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhiếp dẫn những vấn đề ấy một cách mới lạ tươi tắn và được một cái nhìn biện biệt rõ rệt. Hiện thời chúng ta cần phải như thế ; mọi người phải có khả năng đối mặt với sự hỗn độn, náo động, tương phản, đối nghịch ở bên ngoài, đối mặt một cách mới lạ, một cách sáng tạo, một cách đơn sơ giản dị, không phải bằng những lý thuyết, cũng không phải bằng những phương trình của phái tả hay phái hữu. Các ngài không đơn sơ giản dị thì các ngài không thể nào đối mặt với ngoại vật một cách mới mẻ linh hoạt.
Bất cứ vấn đề nào cũng có thể giải quyết được và chỉ có thể giải quyết được, mỗi khi chúng ta tiếp dẫn, nhiếp dẫn vấn đề ấy như trên. Chúng ta không thể nào nhiếp dẫn vấn đề một cách mới lạ, khi chúng ta còn suy tư trong phạm trù của những mẫu mực tư tưởng nào đó, thuộc phạm vi tôn giáo, chính trị, hay những phạm vi khác. Vì thế, muốn được đơn sơ giản dị, chúng ta phải giải thoát ra ngoài tất cả những phạm trù mẫu mực ấy. Do đó, điều quan trọng là mình phải ý thức, phải có khả năng hiểu được tiến trình suy tư của chính mình, ý thức bản thân một cách toàn diện, nhờ thế, sự đơn giản mới hiện đến, sự khiêm tốn, từ tốn mới hiện đến, và lòng từ tốn này phát hiện tự nhiên, chứ không phải là một nhân đức được tôi luyện hoặc do tập quán thực hành. Lòng khiêm nhượng từ tốn, xuất phát từ sự thâu đạt sở đắc thì không còn đúng là khiêm nhượng, từ tốn. Một người có ý muốn làm mình trở thành khiêm nhượng, khiêm tốn thì không còn là một người khiêm tốn nữa. Chỉ khi nào mình khiêm tốn một cách tự nhiên, chứ không phải khiêm tốn vì tôi luyện, chỉ lúc ấy mình mới có thể đón gặp đối mặt nổi sự đời quá dồn dập, vì lúc ấy mình không còn quan trọng nữa, mình không nhìn đời qua sự khuôn ép nội tâm và qua cảm thức về sự quan trọng của mình, mình nhìn vấn đề trong tự bản thể của vấn đề ấy, và nhờ vậy, mình mới có thể giải tan vấn đề ấy
KRISHNAMURTI
Trích: Chương 11 "Tự do đầu tiên và cuối cùng"
Mục
Krishnamurti,
TRÍCH ĐOẠN,
VĂN