Những bài Pháp ngắn (7) [ THẦY VIÊN MINH]





Bình thản đón nhận


Con đừng vội đáng giá là đi xuống hay đi lên một cách chủ quan như thế mà chỉ thấy ngã và pháp đang diễn ra như thế nào thôi...Nếu con thấy tâm ổn đinh hay không ổn định đều bình đẳng, đều là bài học để con thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã như nhau thì con sẽ có một thái độ khác hẳn. Một thái độ bình thản giữa động và tịnh, giữa khổ và vui, giữa được và mất, giữa thành và bại v.v...

Chỉ bình thản mà thấy để khám phá sự thật về mình và cuộc sống. Chỉ thấy pháp là pháp thôi thì con sẽ thấy ra cách vận hành của nó, và khi đó con sẽ nhận ra rằng nó đâu phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta mà phải lăng xăng xen vào xử lý. Có hai sự lăng xăng, đó là cái "lăng xăng" tất yếu trong sự vận hành trùng trùng duyên khởi của pháp, và sự lăng xăng của cái ta ảo tưởng muốn được như ý mình. Con có thấy ra điều đó không? Nếu không thì con không thể thấy cái "lăng xăng" kỳ diệu của pháp, mà chỉ miệt mài chạy theo cái lăng xăng trong ý đồ của bản ngã mà thôi.
Đừng sợ tạp niệm, có nó con mới biết mình đang phát huy tánh biết chứ...


***
Quán chiếu không có nghĩa là suy nghĩ tìm tòi điều gì. Con chỉ cần lắng nghe quan sát các pháp đến đi một cách tự nhiên thì con sẽ thấy rõ tiến trình sinh diệt của mỗi pháp. Khi diễn biến của nó đã rõ ràng thì chính tiến trình đó sẽ tự trình hiện đâu là nhân đâu là duyên và đâu là quả. Nhân và duyên hiện tại dễ thấy hơn còn quả thì tuy dễ thấy nhưng lại khó liên hệ được với nhân, vì thường quả hiện tại lại có nhân quá khứ, nhân hiện tại lại có quả vị lai. Con chỉ cần quan sát một cách tự nhiên thôi rồi mọi sự sẽ rõ ràng.

***

Không cần quay lại hay giữ một trạng thái nào vì như vậy vẫn còn kẹt vào "hữu ý", "hữu tướng", "hữu cầu" chứ chưa phải là không, vô tướng, vô cầu.

Khi đau khổ như thế nào con thấy là đau khổ như vậy, khi hạnh phúc như thế nào con thấy là hạnh phúc như vậy, khi tâm lao xao như thế nào con thấy là lao xao như vậy... mà không có thái độ tham sân hay lấy bỏ gì cả thì tâm liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành chứ con không cần phải giữ một trạng thái lý tưởng nào cả. Còn có cái để giữ, còn có chỗ để quay về là vẫn còn chỗ bám níu, dính mắc... vậy làm sao mà an nhiên tự tại được? Ngay nơi tâm lao xao con thấy rõ lao xao ấy đang sinh diệt như nó là thì tánh biết vẫn rỗng lặng trong sáng, đâu có lao xao? Nhưng ngay khi con muốn không lao xao để tâm an bình thanh thản thì tánh biết đã bị che lấp bởi ý muốn bình thản đómất rồi! Vậy hãy thấy pháp như nó đang là dù nó ở trạng thái nào chứ không nên quy chiếu nó vào một trạng thái tiêu chuẩn nào cả, đó chính là chánh niệm tĩnh giác của thiền vipassanà.

***
Bản chất của cái ta là cố gắng loại bỏ cái nó không thích và thu gom cái nó thích, vì vậy cái ta luôn lăng xăng trong thái độ tham sân, lấy bỏ. Ví dụ con đang buồn thì con liền có thái đội đối kháng với nỗi buồn đó và mặt khác con lại muốn có ngay một niềm vui. Nếu được thì tiếp tục tham, nếu không được lại tiếp tục sân... Thái độ đó chính là tháiđộ lăng xăng của cái ta hết tham rồi sân, hết lấy rồi bỏ. Bậc trí không tham sân, không lấy bỏ mà chỉ quan sát minh bạch (vipassanà) để thấy ra thực tánh (thể, tướng, dụng) của nỗi buồn ấy là gì, nó đang sinh diệt ra sao, thấy rõ nguyên nhân và hậu quả của nó.

Muốn làm nhiều việc vì tham sân thì đúng là lăng xăng, nhưng muốn làm nhiều việc với trí tuệ, từ bi thì lại tốt chứ không phải lăng xăng.


                                

Tình yêu và cuôc sống

Tình yêu và cuộc sống không có một công thức nào nhất định, mọi quan niệm về nó từ người khác không bao giờ phù hợp với tình huống riêng mà con đang trải nghiệm. Tình yêu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhận thức, hoàn cảnh, duyên nghiệp, mục đích... và tính cách hay bản chất của mỗi người. Nếu thầy có khuyên thì chỉ khuyên con nên thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình trong mối quan hệ với cuộc sống, về mọi lãnh vực chứ không phải chỉ riêng tình yêu nam nữ mà thôi. Đây là bài học mà chủ yếu là giúp con biết nhìn lại và thấy ra chính mình để có thể tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, hơn là tìm cách giải quyết hiện tượng bên ngoài. Vấn đề xuất phát từ bản thân con chứ không phải từ bạn ấy hay người kia. Ý nghĩa của cuộc sống là khám phá học hỏi ra sự thật chứ không phải đạt được điều mình muốn. Chính vì con mong đạt được điều mình muốn nên mới không học ra những bài học quý giá về bản chất của tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, nuối tiếc và trói buộc... mà chính con đang trải nghiệm bằng trái tim mình. Hãy tìm ra cho mình ý nghĩa của cuộc sống hơn là tìm một giải pháp an toàn cho những vấn đề...

Yêu mặt tốt ghét mặt xấu gọi là nhị nguyên. Khi nào có đủ khả năng đón nhận cả hai mặt của cuộc sống mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng thì mới thấy tính bất nhị của thực tánh pháp

Một tình thương yêu thật sự thì vô ngã nên không có buồn khổ. Khi đã có buồn khổ tức là tình thương đã có ý niệm cái ta và của ta xen vào trong đó rồi. Con nói đúng, chính cái ta tham sân si đưa đến luyến ái, bất mãn, chấp trước và không chấp nhận sự thật. Tất nhiên hậu quả là phiền muộn khổ đau. Mỗi lần như vậy con nên lắng nghe, quan sát lại chính những cảm xúc hay phản ứng của mình để thấy ra đâu là nguồn gốc của lo lắng, sợ hãi, và khổ sầu.

***

Chính sự khổ đau do thân chứng mới giúp con chấm dứt được lòng tham ái, ngược lại tránh né khổ đau do tưởng tượng chỉ ức chế lòng tham ái khiến nó mạnh mẽ hơn mà thôi. Con phải tự biết mình đang trong thái độ nào mới được. Nếu con xin thầy lời khuyên thì thầy sẽ nói: Đừng chọn lựa tình huống nào theo quan điểm chưa chắc chắn của mình mà tốt nhất là có đủ sáng suốt định tĩnh trong lành để học ra bài học giác ngộ trong mọi tình huống khi duyên pháp đến như thị.

***

Hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ tâm lý hơn là sự nặng nhọc của gánh nặng gia đình hay khối lượng công việc. Cái vòng lẩn quẩn nằm ở chỗ đó. Nếu bạn con hóa giải được thái độ tâm lý này thì mọi việc sẽ được nhẹ nhàng.

Nếu biết sống trọn vẹn tỉnh thức với công việc trong từng giây phút thì bạn con có thể hóa giải những vướng mắc trong thái độ tình cảm thương ghét mừng giận... và bắt đầu cảm thấy an lạc trong công việc, không còn bị chi phối bởi những ảnh hưởng từ người khác hay từ hoàn cảnh bên ngoài. Phải biết cái gì là gốc cái gì là ngọn, cái gì là trong cái gì là ngoài, cái gì là nhân cái gì là duyên... nếu không sẽ tự mình ràng buộc vào thái độ (nhân) của chính mình hơn là điều kiện (duyên) mà mình đang sống.

Pháp pháp vốn như chân
Chỉ tại lòng mê vọng
Chuốc vui khổ vào thân
Tỉnh ra, ồ giấc mộng!


                               


SỐNG TRONG THỰC TẠI

Sống trong thực tại không có nghĩa là im lặng để suy nghĩ tìm ra giải pháp xử trí. Sống trong thực tại là sống trọn vẹn và minh bạch với thân tâm và hoàn cảnh ngay lúc đó, không bị dính mắc trong quá khứ, tương lai cũng khôngđắm chìm trong hiện tại. Con vẫn hành động, nói năng, suy nghĩ bình thường nhưng động tịnh gì con cũng ngay đó thấy biết một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành như vậy mới là sống trong thực tại mà thiền tuệ gọi là sống tinh tấn chánh niệm tỉnh giác với thân, thọ, tâm, pháp.

Khi con biết thận trọng chú tâm quan sát hoạt động của thân tâm mình và người khác trong mọi tình huống thì ngay đó con có thể điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình chứ đâu cần phải im lặng suy nghĩ. Con có thể nhận thức sai hay hành động sai, nhưng nếu con biết lắng nghe, quan sát, chiêm nghiệm học hỏi và không cố chấp thì ngay nơi chỗ sai mà xin lỗi và điều chỉnh lại cho đúng tốt, ngược lại nếu con suy nghĩ tính toán chủ quan thì đáp án sẽ không như con nghĩ, dễ khiến người khác hiểu lầm và như thế vấn đề càng phức tạp hơn. Tóm lại, chính là con sống thiếu cởi mở, thoải mái, tự nhiên nên đã tự cô lập trong tư tưởng của chính mình, và tất nhiên đó không phải là sống trong thực tại.

***
Sống trong hiện tại khác với "sống như hiện tại" mà con nghĩ. Sống như hiện tại là chấp nhận "số mệnh", còn sống trong hiện tại là biết rõ mình đang làm gì, hiện trạng thế nào, hoàn cảnh ra sao... với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Nếu cả hai: kế hoạch và hiện tại đều chỉ là giả thuyết được tưởng tượng ra trong tham vọng mơ hồ thì chẳng có cái nào ra gì cả. Còn nếu con có kế hoạch một cách thực tế rõ ràng đúng với quy luật và điều kiện tất yếu, đồng thời trong tiến trình thực hiện nó con đều biết rõ mình đang làm gì, nhân duyên ra sao... thì đó chính là đang sống trong hiện tại. Con có kế hoạch hay không có kế hoạch không thành vấn để, mà vấn đề là con có sống đúng tốt ngay trong hiện tại hay không thôi. Nếu con có một kế hoạch hay nhưng không đủ trầm tĩnh sáng suốt để sốngđúng tốt trong hiện tại thì không bằng một người không cần kế hoạch vì họ biết rằng họ đang sống đúng tốt trong hiện tại thì tương lai của họ chắc chắn sẽ đúng tốt. Vậy con cứ làm những gì con muốn miễn là không bỏ quên thực tại thân tâm trong từng giây phút hiện tại là được.

***
Khi con sống trọn vẹn nơi thực tại với tâm rỗng lặng trong sáng, hay đầy đủ chánh niệm tỉnh giác chính là lúc con không bước tới không dừng lại. Bước tới là ước vọng cho một bản ngã ở tương lai, dừng lại là đắm chìm trong bản ngã ở hiện tại và quá khứ. Do đó Phật giải thích: Bước tới thì bị cuốn trôi trong luân hồi sinh tử, vì còn chỗ bám víu cho bản ngã tham ái muốn trở thành. Dừng lại thì bị chìm đắm trong bản ngã thỏa mãn (tham), bất mãn (sân) và cố chấp (si) nghĩa là đắm chìm trong phiền não khổ đau của cái ta ảo tưởng. Tâm con càng đơn giản càng dễ thấy ra sự thật quá hiển nhiên này.

Pháp vị thật vi diệu
Tiềm ẩn trong mỗi người
Chỉ cần được khai mở
Ngay đó thấy nụ cười!



                               

Quan niệm sống

Vấn đề không phải là quan niệm sống vì mình hay vì người, vì cái gì đã thành quan niệm cố định đều sai. Biết rõ lúc nào nên vì mình hay nên vì người thích hợp với vị trí, thời gian, tình huống và tính chất lương thiện của hành vi (thân, khẩu, ý) mới tốt.

Trong bách gia chư tử bên Trung Hoa có hai nhà chủ trương mâu thuẫn nhau: Dương Tử thì chủ trương mài ông ra từ đầu đến chân mà có lợi cho thiên hạ thì ông cũng làm, còn Mặc Tử thì chủ trương dù mất một sợi lông mà lợi cho cả thiên hạ ông cũng không làm. Những người theo thuyết kiêm ái chống lại những người theo thuyết vị kỷ và ngược lại. Nhưng xét cho cùng cả hai đều có chỗ đúng chỗ sai.

Thuyết vị tha đúng ở chỗ mở rộng tấm lòng ra để quên mình giúp người, nhưng sai ở chỗ can thiệp vào tính tự lực tự cường, tự giác tự ngộ của mỗi người. Ví như một người mẹ thương con, cái gì cũng giúp nó có thể làm cho nó trở nên ỷ lại và hư hỏng.

Thuyết vị kỷ đúng ở chỗ hễ chính được mình thì đã là lợi cho người, nhưng sai ở chỗ không thấy được mở lòng ra cũng là hành động chính tâm thành ý hay dưỡng tánh tu tâm. Và nếu vị kỷ đồng nghĩa với ích kỷ thì điều đó chỉ là hại mình hại người. Vậy cứ ngay nơi thực tại mà điều chỉnh thân tâm cho đúng tốt với mình với người chứ đừng quan niệm vị kỷ vị tha gì cả.



                          

Kinh nghiệm, trải nghiệm và chiêm nghiệm...

Từ kinh nghiệm nguyên chỉ có nghĩa là có trải nghiệm qua, nhưng khi đã tích lũy thành kết luận hay quan niệm thì kinh nghiệm đã trở thành chướng ngại cho những khám phá mới mẻ đầy tính sáng tạo. Vì vậy muốn chỉ trải nghiệm để khám phá sự thật mà không hình thành kinh nghiệm thì phải luôn chiêm nghiêm, thể nghiệm, chứng nghiệm trong chánh niệm tỉnh giác hay với tâm rỗng lặng trong sáng. Có kinh qua sự thể nghiệm mà không lệ thuộc vào kinh nghiệm đó chính là sự chứng nghiệm trong giác ngộ giải thoát.

Kinh nghiệm là kết luận rút ra từ sự trải nghiệm. Chiêm nghiệm là luôn học hỏi từ những sự kiện đang diễn ra mà không vội kết luận, không lệ thuộc vào kinh nghiệm có trước. Có thể chiêm nghiệm qua sự chứng kiến một sự kiện bên ngoài, còn thể nghiệm là chiêm nghiệm sự kiện mà chính mình đang trải nghiệm. Chứng nghiệm là sự thể nghiệm chín chắn, trọn vẹn và hoàn hảo.


Mưu sinh và biết đủ

Mưu sinh đúng tốt trong Phật giáo gọi là chánh mạng. Chánh mạng là vừa mưu sinh vừa làm lợi mình lợi người hay ít nhất cũng không hại mình hại người. Lợi nhuận chân chính của việc mưu sinh phải là thành quả có từ năng lực và trí tuệ của chính mình chứ không ỷ lại hoặc bóc lột từ người khác, không sống trên sự đau khổ của người hay chúng sinh khác. Do đó cần tránh những ngành nghề đem lại tai hại về sức khỏe, của cải hay sinh mạng... của người và vật khác.

Thành quả của mưu sinh phải được sử dụng hợp đạo lý: 1) Để nuôi thân; 2) Để xây dựng gia đình (vợ, chồng, con cái, nhà cứa...); 3) Đền ơn bậc sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thầy tổ và các bậc ân nhân; 4) Dành dụm cho tương lai. Việc dành dụm này được hiểu theo nghĩa làm việc phước đức (từ thiện, cúng dường...) hơn là cất giữđể dành. Vì theo Phật giáo cách dành dụm tốt nhất là sử dụng tài sản cho việc tu nhân, tích đức.

***

Có câu "Biết đủ là đủ chứ đợi cho đủ thì không biết khi nào mới đủ" bởi vì đủ không có tiêu chuẩn nhất định mà tùy vào mức định của mỗi người. Người xưa cũng nói: "Biết đủ thì không lỗi, biết dừng thì không nhục". Con nói đúng, người biết thận trọng, chú tâm, quan sát sẽ biết mình, biết hoàn cảnh để thấy ra đâu là lòng tham, đâu là nhu cầu cần thiết để biết đủ biết dừng. Nói như Sigmund Freud, văn minh của loài người hiện nay là kết quả của tính dục (libido) nên đang đưa trái đất chúng ta đến vực thẳm mà vẫn không biết đủ, biết dừng. Tình trạng suy thoái hiện nay trên toàn cầu chính lá xuất phát từ không biết đủ. Mỗi người phải tự biết đủ cho mình để dừng lại đúng lúc chứ không ai đưa ra tiêu chuẩn biết đủ nào được. 

Nếu  con lấy giác ngộ làm trọng tâm thì con sẽ thấy điều gì cũng có thể giúp con nhận ra bản chất sự thật nơi chính mình và cuộc sống. Khi nào con thấy ra bản chất sự thật lúc đó con mới thực sự có đạo đức và giải thoát. Cuộc đời phức tạp thật nhưng nếu con biết sống trọn vẹn với thực tại thì vẫn học ra từ đó bài học giác ngộ.




Giáo dục con cái

Không phải chỉ dạy con mà còn học từ con bài học làm cha mẹ. Cha mẹ cần học cách thận trọng chú tâm, lắng nghe quan sát với tâm hồn thật sáng suốt, định tĩnh, trong lành để khám phá chính mình, để thấy rõ thể chất và tinh thần của con cái, để hiểu biết bối cảnh gia đình, xã hội mà con cái và mình đang sống trong đó. Mọi thứ đều thành tựu từ nhiều yếu tố nhân và duyên đầy đủ, chứ không phải chỉ chú trọng một chiều. Nhiều người chỉ biết lo kiếm tiền để cho con cái được sống tiện nghi sung sướng mà không biết rằng hành động như thế chỉ làm cho con cái hư hỏng. Quá kỳ vọng ở sự thành đạt của con cái trên đường học vấn, công danh, sự nghiệp cũng phá hủy khả năng bẩm sinh đích thực của chúng.

Cha mẹ lại thường xem con cái là con nít nên muốn chúng phải vâng theo những chỉ thị của mình. Ngày nay nhiềuđứa bé còn rất nhỏ đã biết sử dụng những thiết bị điện tử còn giỏi hơn cha mẹ. Nên xem con cái bình đẳng với mình để chia sẻ thôi chứ không phải dạy dỗ chúng một cách chủ quan. Không nên bắt chúng phải đạt kết quả học vấn cao, hoặc có tiền cho con học trường chuyên chỉ để được chút hư danh, mà không biết như vậy chỉ tạo thêm áp lực cho con cái, do đó nhiều em học đến đại học thì không thể học được nữa, chúng buông thả và đi tìm những thú vui để tiêu khiển, rồi chìm đắm trong chơi game hay thậm chí hút chích xì ke ma túy. Con cái thiếu trải nghiệm cuộc sống, nhưng hãy khuyến khích chúng biết cách tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và học hỏi từ cuộc sống ý nghĩa đích thực của nó, mình chỉ chia sẻ, gợi ý cho chúng tự nhận thức chứ không bắt chúng phải áp dụng những kinh nghiệm của mình, trừ phi là những kinh nghiệm có tính kỹ thuật.

***

Đức Phật tùy căn cơ mà giảng pháp cho từng người, nhiều trường hợp một người chỉ nghe một bài kệ cũng đủđắc đạo quả, vị khác chỉ nhìn cái khăn mà đắc đạo quả, trong khi học kinh luật chẳng nhớ gì cả. Do đó vào thời đầu căn cơ trình độ cao nên tuy đức Phật chưa ban hành giới định tuệ chế định mà rất nhiều vị đắc đạo quả Tứ Thánh. Về sau nhiều người căn cơ trình độ thấp hơn nên đức Phật phải vận dụng thêm giới định tuệ chế định thì họ mới hành được. Chính đức Phật kể lại rằng có nhiều vị Phật quá khứ không chế định giới luật mà tứ chúng trong thời kỳ ấy vẫn đắc đạo quả. Và chính đức Phật Gotama đã ban hành giới luật rồi mà vẫn dạy một vi tỳ kheo không cần giữ giới luật nào nữa, chỉ canh chừng cái tâm thôi, mà vị ấy lại đắc đạo quả, trong khi trước đó vị ấy giữ giới luật mà không đắc đạo quả được. Ngày nay cũng tùy trình độ căn cơ khác nhau nên người thì phải giữ giới luật, thu thúc lục căn, thiểu dục tri túc rất mực mà vẫn không đắc đạo quả gì, trong khi những người khác chỉ thận trọng chú tâm quan sát (minh sát) hay tinh tấn chánh niệm tỉnh giác (tuệ quán) là có thể giác ngộ giải thoát. Vậy ai căn cơ trình độ nào cứ tu theo mức độ của mình miễn sao giác ngộ giải thoát là được. Thực ra, trong lành, định tĩnh, sáng suốt và thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là mức độ giới định tuệ mỗi người vốn đã có sẵn, cao hơn nhiều so với giới định tuệ chế định. Nếu không như vậy thì làm sao chư đại Thánh Tăng có thểđắc đạo quả trước khi đức Phật ban hành giới định tuệ chế định được?

Giống như người bệnh cần hỗ trợ thuốc để điều trị, cần xe lăn để di chuyển, cần nằm điều đưỡng hay nhiều phương tiện khác với mục đích có thể hồi phục sức khỏe để hoạt động lại bình thường. Trong khi đó người mạnh khỏe không cần những hỗ trợ đó mà vẫn đi đứng, làm việc, hoạt động bình thường và hiệu quả. Các hỗ trợ của giớiđịnh tuệ chế định cũng vậy, chỉ giúp cho người tu qua đó có thể phục hồi được sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm quan sát và trong lành định tĩnh sáng suốt vốn sẵn có nơi mỗi người để giác ngộ giải thoát mà thôi.

                        

Ý nghĩa cuộc sống

1. Một đời sống có ý nghĩa không đo lường bằng thời gian sống bao lâu mà bằng nội dung phẩm chất đời sống ấy. Một trong những phẩm chất đời sống là lương thiện. Nếu một người sống bất thiện theo sở thích thì càng sống lâu càng hại mình hại người, liệu có ích gì cho bản thân và xã hội? Sao không nghĩ rằng cuộc sống như khinh khí cầu, càng bớt đi vật nặng thì càng bay lên cao? Đời sống càng bớt đi điều bất thiện thì càng an lạc hành phúc hơn? Hoặc giống như đầu óc của chúng ta càng bớt đi ngu dốt thì càng khôn ngoan hơn, sao gọi đó là “ép”? Phật giáo dạy sống có ý nghĩa là phải biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chính yếu tố này mới giúp sống lâu chứ không phải làm theo sở thích của vô minh ái dục. “Làm theo sở thích” chỉ đúng khi “Tòng tâm sở dục bất du củ” tức làm theo sở thích mà vẫn không sai đạo lý. Còn làm theo sở thích như giết ngưởi cướp của thì bị án tử hình mất rồi làm sao mà sống lâu cho được!?

2. Một doanh nhân có ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ lương thiện - lợi mình lợi người, khác hẳn với tham vọng và chủ đích tham sân si. Đó chính là nhiệm vụ tiên quyết mà một doanh nhân phải biết thật rõ ràng trước khi bước vào thương trường. Một doanh nhân muốn thành công một cách chính đáng phải ứng dụng 4 yếu tố như ý (Iddhipàda) trong Phật giáo:

- Ý muốn chân chính và khả thi (Chanda).
- Có năng lực và nỗ lực đúng mức (Viriya)
- Có quyết tâm trước sau như một (Citta)
- Có nhận thức thông suốt để thực hiện (Vimamsa)

Đó là ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ chân chính của doanh nhân Phật tử.

3. Thiền hơi thở Phật giáo không theo một phương pháp nào cả. Phương pháp thường xuất phát từ yoga (Ấn Độ) và khí công (Trung Hoa). Thở là một hoạt động tự nhiên biểu hiện sự sống nơi mỗi người, nhưng hầu như chúng ta quá ham muốn tìm cầu cái yêu thích hay đối kháng lại cái không thích bên ngoài nên tâm ngày càng lăng xăng, vọng động và đánh mất khả năng chú tâm đúng mức cần thiết. Sự tiêu hao năng lực này khiến cho tâm tán loạn, bất an và căng thẳng. Chỉ cần thư giãn, buông xả, trở về với chính mình thì liền thấy lại hơi thở và sự sống đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Lắng nghe sự sống chân thực qua từng hơi thở tự nhiên cho tâm lắng dịu, tĩnh lặng và trong sáng đó chính là thiền hơi thở. Trong thiền hơi thở Phật giáo hoàn toàn không có mục đích rèn luyện để trở thành điều gì như yoga và khí công mà chỉ đơn giản là biết trở về với sự sống đích thực ngay nơi thực tại hiện tiền mà thôi. Trọn vẹn với hơi thở như nó đang là giúp thân tâm nghỉ ngơi vô sự và phục hồi năng lực đã bị tiêu hao trong những cố gắng đấu tranh đầy căng thẳng, để chúng ta có đủ khả năng sống an nhiên tự tại giữa kiếp sống đa đoan phức tạp này. Nếu cố gắng rèn luyện để trở thành thì không còn là thiền nữa.

4. Phật giáo không chủ trương thuyết định mệnh, nên không có gì gọi là an bài, cũng không có ai an bài cả. Chỉ có mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình và cuộc sống qua chủ tâm hành động mà họ gây ra cho mình, cho những người khác, cho xã hội hay môi trường sống xung quanh. Hành động có chủ tâm đó gọi là nghiệp. Nghiệp chính là sự chuyển hóa chứ không phải là định mệnh an bài. Sinh mệnh hiện tại của một người gọi là sinh nghiệp, là kết quả của nhân quá khứ. Do đó phần quả có vẻ như đã được lập trình sẵn, tuy nhiên ngưởi nhận quả có thể chuyển hóa nhờ nhân mới, hoặc nhờ tiếp ứng bằng một thái độ bình thản trong sáng, tức không bị nghiệp quả ấy chi phối. Thay đổi chính là tạo nhân tích cực và tốt đẹp mới, hoặc giữ thái độ an nhiên tự tại, không dao động.

5. Tĩnh lặng mới có đủ khả năng và nội lực để hoạt động tích cực. Hoạt động tích cực nhiệt tình không phải là phấn đấu để giành quyền lợi cho riêng mình. Sức mạnh của tĩnh lặng mới thật là phấn đấu chân chính.

6. Thận trọng không có nghĩa là e dè ngần ngại hay dè dặt quá mức mà thận trọng hay cẩn thận là một thái độ tích cực ứng ra một cách tự nhiên nhưng rất nghiêm túc, chừng mực và chu đáo. Một người thận trọng có đủ tự tin nên dễ dàng vượt qua những thử thách khó khăn, còn người e dè ngần ngại không bao giờ dám mạo hiểm. Vì vậy, đức Phật dạy thận trọng dẫn đầu tất cả thiện pháp.

Trọn vẹn thuộc về chú tâm nên không thể thay thế cho thận trọng được. Một cách đầy đủ hơn chúng ta có thể nóithận trọng chu đáo, chú tâm trọn vẹn và quan sát minh bạch.




Vấn đề tình dục trong phật giáo

Thưa thầy, cho con hỏi, trong Phật giáo vấn đề tình dục nói chung có bị coi là tội lỗi hay không? Nếu một người thường có mặc cảm về vấn đề tình dục của mình thì có thể sám hối, xưng tội hay trì chú để xoá bỏ tội lỗi đó hay không? Con xin cám ơn thầy.

***

Đây quả là vấn đề tế nhị mà mỗi tôn giáo có cách nhìn khác nhau. Có một số tông phái Phật giáo và một số tôn giáo chủ trương tình dục cũng là một trong những pháp tu. Nói như vậy cũng có phần đúng khi hiểu chữ tu theo nghĩa là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi trên đường tiến hóa đến giác ngộ giải thoát. Quá trình này phải trải qua tất cả sự kiện thực tế để thấy được sự sinh khởi, vị ngọt, sự nguy hại, sự đoạn diệt và cuối cùng là thoát ly khỏi sự trói buộc của sự kiện đó. Tham ái chỉ bị chận đứng bởi đau khổ và diệt tận bằng trí tuệ. Sám hối, xưng tội, trì chú hay tha tội chỉ là động tác tâm lý để người làm tội bớt đi mặc cảm mà vươn lên thôi chứ trên thực tế không thật sự có hiệu quả tận gốc. Nhân quả chính là bài học mà Pháp (hay Thượng Đế hiểu theo một vài tôn giáo khác) muốn con người phải trải nghiệm để học ra chính mình và sự thật về cuộc sống, nếu xá tội đi khi chưa thấy ra sự thật thì làm sao con người học ra bài học nhân quả nghiệp báođược.
Giống như cho con đi học mà nó lười biếng không học hành lại còn quậy phá bạn bè, ăn cắp ăn trộm v.v… rồi nó vẫn không lãnh lấy hậu quả nào để sáng mắt ra ngược lại còn được xóa tội hết thì biết khi nào nó mới nên người?
Tội sinh do tâm ý vọng động, ảo tưởng, mộng mơ… vì vậy nếu tâm ý tĩnh lặng thì dục cũng lặng theo. Do đó người ta mới bày ra các phương tiện như niệm Phật, trì chú, xưng tội, sám hối… để tâm dễ tĩnh lặng hơn. Tuy nhiên theo đức Phật thì làm như vậy chỉ là lấy đá đè cỏ mà thôi, nó chỉ giải quyết tạm thời chứ không phải là thông suốt và chuyển hóa vấn đề bằng trí tuệ.
Phải tự mình chiêm nghiệm, thẩm sát hay quan sát thật rõ ràng hành động của thân, của cảm giác, của tâm ý mình trong chánh niệm tỉnh giác để thấy ra đâu là nhân chính đâu là duyên phụ của vấn đề. Đừng mặc cảm tội lỗi cũng đừng dùng bất cứ phương tiện tạm thời nào để trấn áp nó mà phải đối mặt với thực tế để thấy ra nó, ngay từ khi nó mới khởi lên trong tư tưởng (dục tưởng). Nếu qua sự sinh diêt, nhân quả của nó mà học ra được bài học giác ngộ tận gốc (bằng trí tuệ) thì tốt hơn là dồn nén nó vào trong vô thức (bằng các biện pháp tạm thời) để rồi trước sau gì nó cũng bùng lên mạnh mẽ hơn. Chỉ có trí tuệ chánh niệm tỉnh giác mới quán chiếu và hóa giải được tà kiến và tham ái mà thôi. Nên nhớ rằng tất cả pháp đều là bài học để giác ngộ lại chính mình chứ không phải để thuận theo nó hay đối kháng lại nó.

Nguồn: www.trungtamhotong.org