Bàn về ĐÚNG SAI



Đó là duyên nghiệp và trình độ căn cơ của mỗi người mà chỉ qua đó họ mới học ra bài học của họ, vì vậy con không nên quá lo cho bạn con. Duyên nghiệp là bài học khó lường của pháp nên cũng khó mà phân tích đúng sai xấu tốt theo một hướng nào nhất định, sơ suất một tí là phán đoán chủ quan ngay. Cái đúng của người này có thể là cái sai của người khác, cái tốt ở chỗ này có thể là cái xấu ở chỗ kia. Tất cả duyên nghiệp dù đúng sai xấu tốt đều là bài học hay nếu như ai biết học ra bài học giác ngộ của mình. Con đừng quá quan tâm đến việc thì phi của người khác khi đó là bài học hay của pháp đối với họ. Hãy tin vào sự vận hành của pháp đừng chủ quan theo phán đoán của mình.


1. Hỏi: 
Con kính chào Thầy. Có một việc làm con cứ phân vân miết mà không biết phải như thế nào mới là đúng.
Con làm ở một Công ty, ông sếp yêu cầu hàng tháng phải có phong bì cho cán bộ thuế. Con thấy việc đưa hối lộ này là không cần thiết, vì người ta cũng không giúp được gì cho mình nếu thật sự Cty mình có làm sai, nhưng theo ông sếp thì việc đưa như vậy sẽ làm cho họ dễ dãi với mình, không hoạch họe này kia. Thôi, ý kiến của sếp thì con phải làm, nhưng thay vì đưa cho người đó hết số tiền mà ông sếp đề nghị, con chỉ đưa cho người đó khoảng một nửa, phần còn lại con đã giúp những người khó khăn nghèo khổ, con thấy họ mới là người thật sự cần số tiền đó.
Thầy ơi, việc làm này của con, nhiều lúc con thấy mình giống như là một kẻ cắp, vì dùng tiền của người khác mà không được sự đồng ý của họ thì chẳng khác nào là kẻ trộm phải không thầy? Nhưng trong tâm con lại có tiếng nói là không sao, mình dùng để giúp người nghèo khó mà, vả lại, khoảng một nửa số tiền đưa cho ông cán bộ đó thì cũng đủ tạo ra cái gọi là an tâm cho ông sếp rồi. Thật ra, con cũng không biết hành động của con có đúng không, con sợ mình phải mang tội là kẻ cắp trong khi con dùng tiền đó với tâm muốn giúp người, việc này đã làm cho tâm trí con mâu thuẫn miết. Con kính xin Thầy cho con một lời khuyên, con cám ơn Thầy nhiều, kính chúc Thầy luôn được khỏe mạnh!

Trả lời:Việc này đúng hay sai, xấu hay tốt là do thái độ chủ ý của con. Ở đời việc thị phi thiện ác rất khó lường, đôi khi trong cái đúng có cái sai, trong cái thiện có cái ác. Do đó, việc đầu tiên là cần thấy rõ chủ tâm của mình trong hành động, đồng thời quan sát nguyên nhân và hậu quả của việc làm đó có tác hại hay lợi ích gì cho mình và người khác hay không. Có những việc làm không phải do chủ ý của mình mà do bị bắt buộc thì trách nhiệm nhân quả sẽ do người chủ trương nhiều hơn. Ví dụ như việc nói dối, nếu do người khác buộc mình nói dối thì mình không mang tội nói dối mà người bắt mình nói dối mới mang tội. Vậy chỉ có con mới biết được việc làm của mình đúng hay sai, thiện hay ác và muốn biết như vậy thì chính yếu vẫn là thận trọng chú tâm quan sát một cách khách quan trung thực chứ không nên quy chiếu vào một định kiến nào có sẵn.

2. Hỏi: 
 Kính Thầy, con đọc bức thư trả lời về chuyện đúng sai của Thầy, Thầy bảo ở đời không có cái gì đúng, cái gì sai, đúng với người này, sai với người kia... Vậy cho con hỏi có những việc thấy sai hoàn toàn như cướp của giết người thì mình phải hiểu như thế nào ạ? Con cám ơn Thầy. 

Trả lời: 
Cướp của giết người là sai đối với nhận thức của con, nhưng hoàn toàn đúng với căn cơ trình độ của người đó,đúng với nhân quả duyên báo của chúng sanh. Hơn nữa, qua việc cướp của giết người đó, con có thể học được bài học về nghiệp oan oan tương báo của chúng sanh mà lo tu hành, và mở lòng đại bi. Phật có lòng đại bi chính là nhờ có nỗi khổ đau của những kẻ cướp của giết người ấy, nếu không có cảnh cướp của giết người thì chư Phật và Bồ tát đều thất nghiệp. Và hơn thế nữa, chư Phật và Bồ tát không ai chưa từng cướp của giết người mà giác ngộ được cả. Đó là quá trình tiến hóa tất yếu mà mỗi chúng sanh phải trải qua trên đường giác ngộ giải thoát.
Bậc giác ngộ thấy chúng sanh trải qua cái sai cái đúng là quá trình tất nhiên để điều chỉnh nhận thức và hành vi, nên các ngài không chỉ trích chúng sanh mà chỉ có lòng thương yêu vô lượng. Vậy phải chăng khi con thấy việc cướp của giết người mà phê phán là xấu, và kết luận là sai thì chính tâm con lúc đó đã sai rồi? Con có hiểu tại sao trong khi cũng qua tất cả những cảnh thế gian đó mà chư Phật lại chứng đắc được thiên nhãn minh thấy hết căn cơ trình độ của chúng sanh với tâm đại bi đại trí? Và vì sao Ngài lại dạy: "Khi tâm thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều thanh tịnh" hay không?
3. Hỏi: 
 Kính thưa thầy, lúc này con hay muốn biết về tương lai, nên biết ở đâu xem tử vi hay là con đi. Từ đó con bị cuốn vào vấn đề này, nó như là chất nghiện mà con biết là không tốt nhưng vẫn không thoát được ra. Con mong thầy chỉ dạy giúp con. 

Trả lời: 
Con thích thì con cứ đi xem khi nào tự mình thấy sai, thấy vô ích, thấy chán thì bỏ. Con đang thấy vị ngọt của nó, chừng nào thấy sự nguy hại mới xuất ly được. Tự con chiêm nghiệm tốt hơn là nghe thầy giải thích. 

4. Hỏi: 
Dạ thưa Thầy cho con hỏi:
Nếu 1 người nông dân trồng rau, hoa hoặc lúa, nếu trên vườn ruộng mà có nhiều sâu, rầy phá hoại hoa màu thì người nông dân đó sẽ xử lý như thế nào? Nếu phun thuốc thì phạm vào tội sát sanh. Nếu không phun thuốc thì hoa màu sẽ hư hại. Có cách nào mà người nông dân vẫn trồng rau, hoa mà không sợ phạm tội sát sanh sâu và rầy không?
Còn con thì mong muốn trồng rau, hoa... nhưng con lại sợ phạm vào tội sát sanh.
Con kính tri ân Thầy.

Trả lời
Giới là điều học (sikkhàpada), do đó mỗi người tùy căn cơ trình độ mà qua đó học ra bài học nhận thức về hành vi đạo đức của mình. Người sát sinh sẽ học ra bài học nhân quả từ việc sát sinh, người không sát sanh cũng học ra bài học về không sát sinh theo trình độ của họ. Đừng nên quá phụ thuộc hay quy chiếu vào mức tiêu chuẩn đạo đức lý tưởng. Nếu con không muốn sát sinh thì đừng làm điều gì tổn hại đến sinh mạng chúng sinh, còn người chủ trương sát sinh thì cứ để họ học ra bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của họ qua hành động đó cho đến khi có nhận thức và hành vi hoàn toàn đúng tốt. Con hãy học bài học của mình và để mỗi người tự học bài học của họ.Đời là một trường học đa diện mà con. Giúp nhau học hơn là bắt người khác học bài học như mình.

5. Hỏi: 
Thầy dạy con sứ mệnh lớn nhất của đời người là nhận rõ chính mình trong bối cảnh cuộc sống. Vậy làm sao để nhận rõ điều đó? Có phải khi bối cảnh sống và bản thân ta thay đổi thì nhận thức về con người ta sẽ thay đổi. Con nghĩ đời ta phải có một thể thống nhất có đúng không thầy? 
Con thấy cuộc sống là vô thường, không biết liệu một việc xảy đến là phúc hay họa, không biết việc làm này là đúng hay là sai. Vì thế nhiều khi con hoài nghi và tự vấn việc mình đang và sẽ làm. Vì thế con đôi khi hay luẩn quẩn trong tư tưởng.

Trả lời: 
Đó là bệnh lý trí phân vân nghi hoặc của tất cả mọi người khi chưa thấy ra lẽ thật nơi chính mình và cuộc sống. Nhưng để thấy ra chính mình thì cần một quá trình điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi. Sai cũng là một nhân tốđể thấy ra cái đúng, nhờ vậy mới có quá trình điểu chỉnh cho đến khi hoàn toàn đúng tốt. Một người có nhận thức và hành vi hoàn hảo gọi là bậc Minh Hạnh Túc. Thể thống nhất chỉ có khi biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình và làm gì cũng thận trọng chú tâm quan sát một cách tự nhiên chính là cách tốt nhất để nhận rõ chính mình trong cuộc sống. 

Trích: "Hỏi đáp Phật Pháp"