KHÔNG bị lầm lạc giữa một rừng TƯ TƯỞNG



Melbourne, ngày 25 – 10 – 2012

Kính thưa Thầy,

Thời gian gần đây con có đọc một số bài viết trên mạng Internet của nhiều người tranh luận với nhau rất kịch liệt về hiện tượng một số Đạo Sư xuất hiện vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Tuy những Đạo Sư này muốn độc lập nhưng ít nhiều cũng có liên hệ đến Phật Giáo, Ấn Giáo và các Tôn Giáo khác nên đôi lúc đưa đến sự va chạm giữa các hệ tư tưởng. Con thấy những tư tưởng mới này được nhiều người ca ngợi và cũng bị nhiều người chỉ trích, không biết Thầy có đọc những dư luận đối nghịch ấy không? Và nếu có thì xin Thầy chia sẻ với chúng con được không ạ?
Hầu hết những nhà tư tưởng mới trong cận và hiện đại, điển hình như Krishnamurti, Mahasi, Osho, Eckhart Tolle... đều nhấn mạnh đến Tánh Biết và Thực Tại đang là giống như Thầy thường giảng về thiền Vipassanà trong các Pháp Thoại và trong sách Thầy viết mà chúng con đang học hỏi và ứng dụng tu tập... Mặc dầu chiều sâu của từ trường tâm linh và cách diễn đạt mỗi người một vẻ... và mặc dù con thấy thích hợp với cách thuyết giảng thực tế rõ ràng, cũng như cách biểu hiện đời sống giản dị tự nhiên của Thầy hơn, song cách dùng ngôn ngữ phổ thông, thực dụng và mới mẻ, không nặng ngôn ngữ kinh viện của họ đã thu hút được sự chú ý của giới trí thức cũng như được quần chúng ưa thích mến mộ, và bản thân con cũng học hỏi được ở họ nhiều điều.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít người chỉ trích chống đối, phải chăng vì những tư tưởng mới này tuy đúng trên một số phương diện nào đó nhưng lại nông cạn so với sự thâm sâu vô tận của những truyền thống đạo học cổ xưa, hoặc do các vị Đạo Sư này vô tình hay cố ý đã hủy báng những điểm giáo lý của một số Tôn giáo hoặc giáo phái đang bị thoái hóa và lỗi thời nên đã đụng chạm đến tự ái tôn giáo của họ?
Con biết Thầy là một vị Tăng không những có chiều sâu trong Phật Pháp mà còn nghiên cứu rộng rãi về các tư tưởng triết học, tôn giáo Đông Tây, kim cổ, do đó chúng con xin Thầy hoan hỷ cho chúng con biết nhận định của Thầy như thế nào về dư luận hiện nay, giữa một bên là truyền thống uy tín lâu đời của các Tôn giáo cổ xưa và bên kia là những tư tưởng mới mẻ hiện đại của các vị Đạo Sư xuất hiện gần đây. Qua sự thể nghiệm và chứng nghiệm của thầy, chúng con hy vọng sẽ được chỉ rõ điều gì đúng điều gì sai một cách minh bạch để chúng con không còn bị lầm lạc giữa một rừng tư tưởng, quan niệm, phương pháp quá phong phú mà cũng rất phức tạp như hiện nay.
Con xin thành kính tri ân Thầy.

Con Tuệ Nhiên.

                            



Bửu Long, ngày 30 – 10 – 2012

Tuệ Nhiên con,

Chắc con còn nhớ, trong mục Hỏi Đáp trang web Trung Tâm Hộ Tông con đã thấy khi có ai hỏi thầy về một phương pháp tu, một quan điểm sống hay về đạo đức cá nhân của một vị nào, thầy thường trả lời là thầy không thích bình phẩm về quan điểm của người khác. Cái đúng cái sai của mỗi người cũng chính là bài học điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi mà người ấy chịu trách nhiệm, do đó thầy không muốn xen vào tư tưởng của bất cứ ai. Cũng như xưa kia khi có người hỏi về những quan điểm tu tập của các tôn giáo khác, Đức Phật thường không trả lời mà chỉ nói: "Hãy gác chuyện đó qua một bên" rồi Ngài giảng về Tứ Diệu Đế hoặc những pháp khai thị sự thật đúng với căn cơ trình độ của người hỏi thôi. Tại sao chúng ta lại để mất thì giờ đánh giá những tranh luận thị phi của người khác, trong khi Đức Phật dạy lời di huấn cuối cùng rằng "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy thận trọng chớ có phóng dật". Và khi được hỏi sau khi Phật nhập Niết-bàn chúng con sẽ nương tựa vào ai, Ngài dặn dò hàng tứ chúng là chỉ y cứ trên PHÁP chứ không nương tựa bất cứ người nào. Y pháp bất y nhân là vậy, không nên vội chấp nhận hay phủ nhận hẳn quan điểm cá nhân của một người nào, mà thấy điều gì họ nói đúng sự thật thì chấp nhận điều gì nói sai sự thật thì không chấp nhận mới là thái độ phân minh sáng suốt.
Thời kỳ còn nghiên cứu học hỏi thầy cũng đã từng nghiền ngẫm đọc các tông phái Phật Giáo, đọc Dịch Lý, đọc tư tưởng các Tôn giáo, Triết học... nhưng từ khi thấy ra ý nghĩa của đời sống thì hàng ngày thầy chỉ lo sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha, nên thật tình mà nói là thầy không có thời gian để đọc những quan điểm tranh luận sau này của những người theo các trường phái triết học hay Tôn giáo khác nhau. Bao lâu còn đứng trên bình diện tình cảm và lý trí thì vẫn còn bất đồng, vẫn còn đối kháng và thậm chí vẫn còn oan trái với nhau từ kiếp này qua kiếp khác... Nếu họ có nghiệp duyên với nhau thì âu cũng là bài học nhân quả của họ nên thầy không muốn xen vào để cộng hưởng nghiệp duyên ấy. Vì lý do đó mà thầy không còn quan tâm đến những quan điểm dị biệt hay bất đồng nữa. Nếu phải so sánh thì thầy chỉ nêu lên những điểm đồng nhất hơn là triển khai những điều dị biệt.
Con nên thận trọng trong việc đánh giá đúng sai. Cái đúng cái sai cứ để hạ hồi phân giải, giống như khi trái cây chưa chín khó kết luận được ngọt chua. Đó là lý do vì sao Chúa nói chớ nên phán xét ai, đợi đến ngày phán xét cuối cùng mới thật sự biết rõ ai công ai tội. “Phán xét cuối cùng” đó chính là sự thể hiện luật nhân quả một cách công bằng và phân minh mà thường được ví von là “lưới Trời lồng lộng tuy thưa mà không lọt”. Vì chưa thấy hết mọi mặt của sự thật nên binh vực ai vô tình chấp nhận luôn mặt xấu của họ, bài xích ai vô tình phủ nhận luôn cái tốt của họ. Nhân vô thập toàn nên đàng sau cái đúng ẩn chứa cái sai và đàng sau cái sai cũng có cái đúng. Trong dương có âm, trong phúc có họa là lẽ thật rất bình thường. Đừng mất thì giờ phân định việc thị phi cho rành mạch đen trắng trong khi tất cả đều chỉ là tương đối trong tục đế mà thôi. Cái đúng với người này có thể sai với người khác, cái phải ở chỗ kia có thể trái ở nơi nọ, cái đang đúng lúc này không hẳn sẽ đúng về sau v.v... Những điều con cho là đúng trước đây bây giờ con lại thấy sai, nhưng một ngày kia con thấy nó cũng đúng với trình độ căn cơ của con lúc đó. Hoá ra tất cả đều sai mà tất cả cũng đều đúng, đúng sai chỉ là tương đối và tùy duyên. Một sự kiện chỉ có thể được gọi là đúng khi đúng lúc, đúng chỗ và đúng với bản chất thật của nó, nên Dịch Lý gọi đó là “thời vị trung chính".
Con thích hợp với pháp thầy hướng dẫn không có nghĩa là pháp thầy hay nhất thiên hạ mà chỉ vì căn duyên con hợp với pháp đó vậy thôi. Thật ra thầy chỉ đúng với những người hữu duyên với thầy, còn với những người không có duyên thì họ vẫn thấy sai. Hơn nữa, dù điều thầy nói đúng với chân thiện mỹ nhưng nếu ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc, không đúng căn cơ trình độ của người nghe, người hành thì vẫn sai con ạ. Giống như bác sĩ cho toa thuốc, toa ấy chỉ có giá trị khi trị đúng bệnh. Dùng đúng liều lượng thì một vị thuốc độc vẫn có thể chữa lành bệnh, nhưng không dùng đúng chỗ thì một vị thuốc bổ lắm khi vẫn có thể hại người! Pháp cũng vậy, đúng sai khó lường nên Phật dạy: "Pháp như thuyền đưa người qua sông pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp". Vậy tốt nhất là:


“Một lòng rỗng lặng sáng trong
Thị phi, xấu tốt, thong dong cõi ngoài
Từ bi, trí tuệ chẳng hai
Mỉm cười chợt ngộ đúng sai… “thế à!”

Chúc con sống hồn nhiên như thị với vạn pháp.


Thầy Viên Minh

www.trungtamhotong.org