GIÁC NGỘ


Ta không biết đâu suối nguồn An Lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa.
Ta không biết đâu bến bờ Diệu Giác
Đúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.


Viên Minh




Người giác ngộ là nội tâm thanh tịnh thấy rõ các Pháp, tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng tức là phản ánh tất cả các Pháp như chân như thật...trở lại với cái tâm xích tử, với cái tâm như con trẻ...
Giác ngộ chỉ có nghĩa là trở lại bình thường, mà người ta thường diễn tả thật kêu là “ngộ nhập tự tánh”. Một thiền sư đã xác nhận: Người giác ngộ “bất muội nhân quả” chứ không phải “bất lạc nhân quả”. Nhân quả biến dịch là cái bình thường, là cái “dữ ngã tịnh sinh” (cùng ta sinh ra), là cái “dữ ngã vi nhất” (cùng ta là một). Cho nên họ ở trong nhân quả mà không “muội” nhân quả, nghĩa là họ sống ung dung trong dòng sông nhân quả ấy mà chẳng hề bị nhân quả cuốn trôi và hẳn nhiên trong sự huyền đồng tuyệt đối đó họ đã là một với dòng sông - và vì biết như thế (như thị giác), nên đã “ra khỏi nó”, ra khỏi sự cuốn trôi (luân hồi) của dòng sông nghiệp mệnh. Đó cũng chính là ý nghĩa lời tuyên bố siêu việt của Đức Phật: “Không dừng lại, không bước tới Như Lai thoát khỏi bộc lưu”. Nếu con có dọc Kinh Kim Cang thì con nên hiểu chữ “thoát khỏi” theo lối biện chứng này: “Thoát khỏi mà không thoát khỏi nên gọi là thoát khỏi”.

Trích Tuyển tập Thư Thầy 3

Tâm lăng xăng là sinh tử...
Tâm rỗng lặng trong sáng là không sanh diệt...Chính là Tâm của một người Giác ngộ...


Trích Pháp thoại Thầy Viên Minh


P/S: Trong cuốn "Minh triết trong đời sống" của Darshani Deane do Nguyên Phong chuyển dịch có đoạn: "Người giác ngộ không có dấu hiệu gì khác thường...Hai người đã giác ngộ lại có thể hành động không giống nhau...Đôi khi đức hạnh và cách xử thế của những người này lại dường như bí hiểm, không ai có thể biết được họ sẽ làm gì hoặc không làm gì. Tại sao như vậy, vì họ đã vượt qua giới hạn tầm thường của bản ngã, họ đã trọn vẹn phục tùng Thượng Đế. Họ không còn nô lệ các thói quen thông thường hay các lý lẻ phổ thông. Họ cũng không bị giới hạn bởi các ước lệ của xã hội hay kinh điển Giáo điều. Vì họ đã hoà nhập được vào một quyền lực cao cả, do đó cách cư xử và hành động của họ cũng tùy theo cách thức mà quyền lực cao cả kia hoạt động. Người ta không thể phán đoán hay nhận xét những người đó qua quan niệm thế tục vì đôi khi hành động của họ giống như khờ dại hoặc điên khùng. Tuy thế tất cả những hành vi của họ không có tính ích kỷ hay trái với luật nhân quả...Trong cuốn God experience rằng dấu hiệu đặc biệt và duy nhất của người đã chứng đắc là họ có một sức hút mãnh liệt, có thể thu hút mọi người như đá nam châm hút sắt...Họ không còn lo lắng, sợ hãi hay nô lệ vào các giới hạn thông thường vì họ biết rằng họ không phải là cái thể xác này mà là một tinh thần bất tử. Các cảm giác về tội lổi không còn ở trong họ nữa vì trong tâm khảm họ đã dứt tuyệt các ý niệm về tội lổi, tốt xấu, phải quấy, thiện ác hay sống chết...