Lý tưởng vị tha - Phước đức & công đức




... Trong cách dịch thứ nhất, trọng điểm là lý tưởng vị tha “đem thân vì mọi người”. Hình ảnh một người xả thân vì lợi lạc cho đời quả thực là cao quý, hiếm có trên đời. Phần nhiều người ta sống vị kỷ, chỉ biết lợi mình, chỉ biết làm sao cho “vinh thân phì gia”. Ít ai chấp nhận khổ cực để phụng sự cho hạnh phúc tha nhân, huống nữa là hạnh phúc của muôn người.

Cũng có kẻ biết nghĩ đến cha mẹ, con cái, gia đình, họ hàng thôn xóm hay quốc gia dân tộc. Đó là những người đã dẹp bỏ được phần nào lòng vị kỷ riêng tư để hướng về người khác. Nhưng xét cho cùng thì tình cảm đó mới trông có vẻ vị tha mà thực chất vẫn còn vị kỷ. Bởi vì chưa loại được ý niệm “con tôi”, “cha mẹ tôi”, “gia đình tôi”, “tổ quốc tôi”... cho nên ai đụng đến “cái tôi mở rộng” đó thì bản chất vị kỷ vẫn hiện nguyên hình.

Mở rộng hơn một bước nữa, con người vượt khỏi biên giới quốc gia để theo một lý tưởng quốc tế hay một tôn giáo đại đồng. Nhưng trên thực tế, cái ngã vẫn còn nguyên. “Lý tưởng của tôi” không chấp nhận “lý tưởng của anh”“Tôn giáo của tôi” cao siêu hơn “tôn giáo của anh”. Do đó vị tha hầu như đồng nghĩa với bành trướng hơn là thật sự “đem thân vì mọi người”

Cao hơn nữa, con người cho rằng mình là tiểu vũ trụ (tiểu ngã). Tiểu vũ trụ này sẽ tiến hóa cho đến một lúc nào đó thì tự giải thể để trở về với đại vũ trụ (Đại ngã). Cho nên nhiều tôn giáo chủ trương dẹp bỏ tiểu ngã, cách này hay cách khác, để sớm trở về với Đại ngã, một cái ngã lớn bằng càn khôn vũ trụ, bao la vô tận, trường sanh bất tử. Nhưng xét cho cùng động lực thúc đẩy ý đồ này vẫn phát xuất từ lòng vị kỷ khôn nguôi của con người.

Có thể nói Đại Ngã chỉ là ảo ảnh phóng lớn lòng tham không đáy của tiểu ngã mà thôi. Một cái ngã như vậy dù lớn bao nhiêu hay vị tha cách mấy cũng không phải là chỗ  “mọi người có thể trông cậy, gởi gắm”. Vì hành động vị tha của bản ngã, tuy cao thượng chăng nữa vẫn nằm trong vòng nhân - nghĩa, ngã - nhân.

Hơn nữa, hình như vị tha là một chiêu bài sáng sủa để cho những tâm hồn mờ ám ẩn núp với ý đồ thủ lợi riêng tư và khoe khoang bản ngã. Còn tệ hại hơn nữa, là để đem tư ý, tư dục của mình can thiệp vào đời sống vốn dĩ ổn định trong qui luật nhân quả nghiệp báo của con người. Và đó là lý do tại sao cuộc đời không ngừng bất an xáo trộn.

Do đó, nếu chỉ là vị tha trong vòng nhân - nghĩa thì chưa phải là Đức Thường của Đạo. Tổ Đạt Ma cũng nói đó chỉ là phước đức, chứ chưa phải là công đức thật sư xuất phát từ tự tánh  bản nguyên.

Lão Tử nói: “Đại đạo phế hữu nhân nghĩa” (Đạo lớn mất mới có nhân nghĩa) – LTĐĐK. Ch 18. Vậy lòng vị tha nhân ái không phải là điều mà Lão Tử muốn nói, khi giới thiệu với chúng ta lẽ sống của Đạo Thường, trong đó đã hoàn toàn bặt dứt nhân nghĩa (tuyệt nhân khí nghĩa  ) – LTĐĐK chương 19.

Một hành động vị tha thật sự phù hợp với tinh thần vô vi của Lão Tử phải là “vô kỷ, vô công, vô danh”, ví như mặt trời chiếu sáng cho muôn loài, đem sự sống cho vạn vật, mà không hề thấy mình đem lại lợi lạc cho ai, chẳng thấy mình có lòng vị tha nào cả. Có thể nói không vị tha mới là vị tha đích thực, giống như Lão Tử đã từng nói: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức ” (Đức cao vời vợi như chẳng phải đức, nên mới có đức)- LTĐĐK, ch 38.

Do đó, Lão Tử chẳng tự mình tỏ ra vị tha, khi ông nói:

Ngã vô vi nhi dân tự hóa,

Ngã hiếu tịnh nhi dân tự chính,

Ngã vô sự nhi dân tự phú,

Ngã vô dục nhi dân tự phác.

(Ta vô vi mà dân tự hóa, ta lặng lẽ mà dân tự đúng, ta thảnh thơi mà dân tự giàu, ta vô dục mà dân mộc mạc). Vì ông triệt để tôn trọng quyền tự chủ của con người. Va vì ông chỉ biết rõ rằng: Vị tha một cách chủ quan, khi can thiệp vào cuộc đời chính là ngăn chận đà tiến hóa tự nhiên của con người (Hóa nhi dục tác ngô tương trấn chi ) – LTĐĐK, ch.37.

Thiền Phật giáo cũng nói: “Nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba” (vào rừng không dẫm cỏ, vào nước sóng chẳng xao), để khuyên những người truyền bá Phật Pháp chỉ nên khai hóa chứ không nên áp đặt pháp môn tu hành của mình lên tâm hồn chất phác của bá tánh.

Cho nên, khi có người đến xin truyền pháp, Lục Tổ Huệ Năng nói (đại ý rằng): Ta chẳng có pháp (riêng) nào để truyền, pháp vốn tự đầy đủ nơi mỗi người, hãy tự mình ngộ lấy mà dùng, chẳng cần phải cầu xin ai cả.

Và chính Đức Phật khi xuất hiện ở cõi đời để hóa độ chúng sinh cũng chỉ khai thị cho chúng sinh tự tánh thanh tịnh của họ để họ tự tu, tự ngộ, tự chứng, tự nhập. Ngài dạy:

Do tự mình làm ác,

Do tự mình ô nhiễm,

Do tự mình làm lành

Do tự mình thanh tịnh

Uế tịnh tự mỗi người,

Không ai làm ai tịnh.

(Attanà va kataṃ pàpaṃ,

Attanà samkilissati

Attanà akatam pàpaṃ

Attanà va visujjhati

Suddhi asudhi paccattaṃ

Nañño aññaṃ visodhaye)

Như thế cả hai bậc Đạo Sư vĩ đại này đều đồng ý rằng vị tha đích thực chính là để cho mọi người tự mình giác ngộ. Lão Tử khuyên “dứt nhân nghĩa”, Đức Phật dạy “bỏ ngã - nhân”, chính là để cho mọi người không nương tựa vào ai khác (ko hi nàtho parosiyà), mà phải nhận ra “tự tánh bổn tự cụ túc” của mình. Đó là nguyên lý “vi vô vi tắc vô bất trị ” (Làm mà như không làm ắt không gì không ổn định – LTĐĐK, ch 3) của Lão Tử vậy.

Ngay cả đức Khổng Tử, chủ trương hữu vi, cũng ca ngợi tinh thần vô vi đó, khi ông nói: “Khưu văn Tây phương hữu đại thánh, bất tự nhi bất loạn, bất giáo nhi tự hành” (Khưu này nghe phương Tay có vị đại thánh không trị mà không loạn, không răn dạy mà tự làm). Vị đại thánh này nếu không ám chỉ Đức Phật thì phải là Lão Tử  mới có thể đạt đến chỗ vô vi uyên áo như vậy.

Vì những lý do trên, chúng tôi nghĩ rằng cách dịch thứ nhất đọc chữ vi là “vị” với nghĩa là “vì đời” hoặc “vì mọi người”, tuy nói lên được lý tưởng vị tha rất cao thượng, đáng được học hỏi, thi hành, nhưng đứng về tinh thần vô vi của Lão Tử thì rõ ràng là không phù hợp.

Vậy chúng tôi xin trình bày ý nghĩa của cách dịch thứ hai: “Quí (thân chính là) lấy thân làm thiên hạ, đáng được thiên hạ giao phó. Yêu (thân chính là) lấy thân làm thiên hạ, đáng được thiên hạ cậy nhờ.”

Dịch như vậy chúng tôi vẫn cảm thấy chưa vừa ý. Tuy chữ vi có nghĩa là làm, nhưng dịch chữ làm không lột được hết ý của nó. Và từ “thiên hạ” chúng tôi vẫn không tìm được từ tương đương để thay thế cho đủ nghĩa, do đó chúng tôi đành phải giữ nguyên. “Thiên hạ” ở đây không chỉ có nghĩa là “người đời” mà còn bao hàm một nghĩa rộng hơn, là thiên địa vạn vật, vũ trụ càn khôn, hay thế giới tự nhiên của sự sống, đặc biệt ám chỉ thể tánh bản nguyên, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là pháp tánh, chân như, thực tại, hay gọi tắt một chữ pháp cũng đủ bao gồm tất cả.

Khi nói: “Dịch, vô vi giả, vô tư giả, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (Dịch chính là vô vi, vô tư lặng lẽ không vọng động mới cảm ứng mà suốt thông được thiên hạ), thì từ “thiên hạ” này được dung cùng một nghĩa với từ “thiên hạ” mà chúng ta đang bàn đến.

Theo Đạo Phật, qua kính màu ý niệm của vọng thức, con người tạo ra khái niệm hoặc ý tưởng về bản ngã và thế giới. Từ đó con người chấp “thân” làm “ngã”, chấp thế giới khách quan chung quanh thành thế giới chủ quan “ngã sở”. Bấy giờ thế giới tự tánh (sabhava) hay đệ nhất nghĩa đế (paramattha) tuy còn nguyên đó, nhưng lại biến mất trước cái nhìn khái niệm (pannatti) đầy chủ quan và méo mó. Đúng như lời Lão Tử nói: “Chấp giả thất chi ” (Hòng nắm đó thì lại mất đó – LTĐĐK, ch 64), và như thế con người cứ  loay hoay với cái giả tướng mà mình đinh ninh nắm được, để rồi lặn hụp trong ảo ảnh của thành - bại, được - mất, hơn- thua, vui - khổ.

Trớ trêu thay, khái niệm của mỗi người không giống nhau, nên bản ngã và thế giới cũng trở thành trăm sai, nghìn khác. Tổng số những ảo tưởng bất đồng phóng chiếu lên thực tại cuộc sống, cũng chính là những khổ đau mà con người phải gánh chịu. Và càng đảo điên hơn nữa khi một số bản ngã cường điệu, tự cho mình là ưu việt, toan cứu độ cuộc đời, bằng cách áp đặt lên con người – vốn thực thà chất phác – những lý tưởng cao siêu, những ảo vọng ngông cuồng.

Nguyên nhân của những khổ đau bi đát đó, khởi đầu bằng ý niệm chủ quan: xem cái thân là tự ngã và từ khi “đem thân làm ngã”  con người tách nó ra khỏi thế giới tự nhiên của sự sống, ra khỏi thể tánh bản nguyên hay chân như thực tại, rồi tô vẽ cho nó những nhân cách, những phong thái, những phẩm chất, những nhãn hiệu mà tự nó không bao giờ muốn có.

Chính tư tưởng, cùng với những khái niệm đầy ắp lý trí và tình cảm chủ quan, đã nhào nặn cái thân thành hình tượng bản ngã, tùy theo tầm vóc tư ý, tư dục mà nó thủ đắc được qua góp nhặt kinh nghiệm.

Vậy muốn giải quyết những rối ren bất ổn trong cuộc đời, trước hết mọi người phải tự giải phóng cái thân ra khỏi ngục tù của bản ngã, để trả nó về với thế giới bản nguyên, chân như, thực tại.

Cũng vì thấy rõ chân lý hiển nhiên này mà Lão Tử nói: “Quí thân chính là lấy thân làm thiên hạ” chứ không phải chấp thân làm bản ngã riêng tư.

Đứng về khía cạnh nhân bản chúng ta có thể hiểu thêm một nghĩa là “lấy mình làm mọi người” như người xưa thường nói “tứ hải giai huynh đệ”, mà “huynh đệ như thủ túc”, thì phải “thương người như thể thương thân” mới là đạo lý.

Nhưng đó là nghĩa hẹp, tuy có vẻ như “vô ngã vị tha” phóng khoáng hơn tính chất “hữu ngã vị tha” trong nghĩa thứ nhất nhưng vẫn chưa phải là nghĩa Đạo Thường mà Lão Tử muốn nói.

Cho nên, “lấy thân làm thiên hạ” đây chính là giải phóng cai thân ra khỏi thân kiến (kàyadiṭṭhi – thuật ngữ nhà Phật), để trả nó về với tự tánh của nó trong thế giới bản nguyên. Bản nguyên chính là Đạo, mà đôi lúc Lão Tử gọi là nguồn (thỉ) hoặc mẹ (mẫu). Ông nói:

Thiên hạ hữu thỉ,

Dĩ vi thiên hạ mẫu,

Ký đắc kỳ mẫu

Dĩ tri kỳ tử,

Ký tri kỳ tử,

Phục thủ kỳ mẫu,

Một thân bất đãi.

(LTĐ ĐK, Chương 52)

(Thiên hạ có nguồn, để làm mẹ mình, nhận ra được mẹ, thì biết được con, đã biết được con, lại giữ được mẹ, trọn đời chẳng lỗi).

Con đây chính là cái thân, hiểu theo nghĩa toàn diện (gồm cả tâm - sinh - vật lý, chứ không phải là thể xác đơn thuần). Thân này là thành phần của một mối tương quan, tương duyên, tương dung, tương nhiếp trong toàn bộ sự sống của thiên địa vạn vật. Khi thân bị chấp làm bản ngã, thì nó bị cưỡng bách ra khỏi nguồn tự thân của nó và rơi vào tình trạng cô lập. Cũng vậy khi thiên hạ bị chấp làm ngã sở, nó liền bị tách ra khỏi nguồn và rơi vào thế giới giả định chủ quan. Nguồn chính là bản nguyên của sự sống, là mẹ của muôn loài. Nhận ra được mẹ (thiên hạ) đồng thời cũng giải thoát con (thân) ra khỏi tình trạng cô lập của bản ngã. Và khi đã nhận ra được vị trí đích thực của cái thân (con) thì đồng thời cũng trở về với bản nguyên của sự sống (mẹ). Tiến trình giác ngộ và trở về này được Lão Tử gọi là “quy căn” hay “phục mạng”. Ông nói:

Các phục quy kỳ căn,

Qui căn viết tịnh,

Thị vị phục mạng,

Phục mạng viết thường

Tri thường viết minh. 

(LTĐĐK ch 16)

(Mỗi loại lại trở về gốc, về gốc gọi là tịnh, nên gọi là phục mạng, phục mạng gọi là thường, biết thường gọi là minh).

Cho nên “lấy thân làm thiên hạ” chắc chắn có nghĩa là qui căn, là phục mạng, là trở về với Đạo Thường một cách quang minh sáng suốt. Và cũng chính là thái độ “huyền đồng”, vo phân biệt với thiên địa vạn vật (Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần) – như đã nói trên.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lầm lẫn giữa thuyết “tiểu ngã trở về Đại Ngã” với tinh thần “qui căn, phục mạng” trong câu “lấy thân làm thiên hạ” hay câu “đã biết được con lại giữ được mẹ” của Lão Tử. Bởi vì trong thuyết Đại Ngã, con người tuy bỏ được cái ngã nhỏ nhưng xem ra vẫn còn lưu lại hình ảnh của mình trong một ý niệm bản ngã vĩ đại hơn. Nghĩa là vẫn còn chỗ để bám víu thủ chấp. Đức Phật xem đó là vẫn còn chỗ “sinh y”. Thiền tông xem đó như người đã lên đến đầu sào trăm trượng nhưng không dám nhảy bước cuối cùng.

Còn “trở về nguồn” của Lão Tử không đòi hỏi phải thể nhập vào càn khôn vũ trụ bao la rộng lớn gì cả, mà đơn giản chỉ là thoát khỏi ngã kiến để trở về với thực tánh bản nguyên của mỗi mỗi sự vật. Chúng tôi không viết hoa những chữ “nguồn, mẹ, quy căn, phục mạng” vì đây không phải  là cái gì vĩ đại như Đại Ngã, Thượng Đế, mà chỉ là tình trạng nguyên sơ bình thường của mỗi sự vật khi chưa bị vọng thức bóp méo.

Có rất nhiều ngôn ngữ để gọi cái nguyên sơ bình thường đó như: “thỉ sinh chi xứ, đương xứ tức chân, bản lai diện  mục (sacca mukkha), bản thể chân như (yathàbhutà), thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko), đệ nhất nghĩa đế (paramattha), tự tánh bản nguyên (sabhàva), tùng bản lai xứ, lô sơn chân diện, thời vị trung chính, các hữu thái cực, thiên hạ chi lý, v.v...

Những tên gọi đó dù hay cách mấy cũng chỉ là khái niệm (pannatti), trong khi cái nguyên sơ bình thường là cái giản dị vô danh, như người xưa đã nói “dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ” (giản dị mà tới được chỗ nguyên sơ của trời đất).

Cũng vậy, “trở về nguồn” giản dị chỉ là “đồng với bụi bặm”, chứ không cần phải cố gắng để thể nhập Đại Ngã hay Thượng Đế một cách quá cao siêu huyền ảo. Nhưng khi ngọn cỏ chỉ là ngọn cỏ, bụi trần chỉ là bụi trần thì nó vẫn bao hàm tất cả càn khôn vũ trụ, thiên địa vạn vật mà không cần phải tìm kiếm đâu xa bởi vì:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

(Thiền sư Khánh Hỷ)

Xin tạm dịch là:

Hạt cải gồm thâu luôn nhật nguyệt,

Đầu lông thấy tận cả càn khôn.

Như vậy chỉ cần mỗi pháp đúng với bản vị của nó (thị pháp trụ pháp vị)  là đã trở về nguồn, là qui căn, là phục mạng, và cũng chính là đã “biết được con, lại giữ được mẹ” như Lão Tử đã nói vậy.

Không phải chỉ Lão Tử mà Đức Phật cũng khuyên đệ tử của Ngài thường nên “sống tùy thuận pháp” (dhammànudhamma patipanno viharati). Đức Chúa Jesus dạy “Vâng ý Cha”, và ngay cả Đức Khổng Tử cũng dạy “thuận thiên lập mệnh”, tuy ngôn ngữ bất đồng mà cùng chung một nghĩa.

Nhưng phải chăng một thái độ trở về gốc như vậy cũng vẫn là tiêu cực như nhà Thiền gọi là “trầm không trệ tịch”?

Dĩ nhiên là không. “Trầm không trệ tịch” là đối cực của cái ngã hiếu động chứ không phải là bản lai thanh tịnh của cội nguồn sự sống, cho nên trở về cội nguồn khác xa với “trầm không thủ tịch”.

Vì ngay khi trở về với Đạo thì đồng thời Đức lớn cũng hiện ra. Đức chính là đại dụng của Đạo. Khi còn trong vòng ngã chấp, cái dụng của thân bao giờ cũng hữu hạn. Nhưng khi được giải thoát, cái thân trở thành đại dụng, không sao dùng hết. Lão Tử nói: “Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh” (Đạo trống không mà dùng mãi vẫn không đầy). Trống không không phải là không có gì cả mà là tuyệt không còn bị ý niệm vọng thức xen vào.

Cái dụng của bản ngã tuy có vẻ tích cực nhưng vẫn còn trong vòng đối đãi: thiện - ác, ngã - nhân, nên dù có thiện cách nào cũng chỉ là phước đức thế gian, còn cái dụng của tự tánh, mới trông có vẻ tiêu cực, nhưng đã vượt qua giới hạn của thiện - ác, ngã - nhân nên dù không thiện không ác mà lại là công đức vô lượng. Vì vậy, khi đã vượt ra khỏi ngã nhân, trở về với cội nguồn thực tánh, tức “lấy thân làm thiên hạ” thì đúng là đáng được thiên hạ giao phó, cậy nhờ.

Để kết luận và minh họa cái đại dụng “sủng nhục, quý đại hoạn” của người sống thuận pháp “lấy thân làm thiên hạ”, xem “được cũng ngạc nhiên, mất cũng ngạc nhiên”, chúng tôi xin kể lại câu chuyện “Thế à!”  trong tập Góp Nhặt Cát Đá của Thiền sư Muju như sau:

Thiền sư Kakuin là một bậc tu hành thanh tịnh mà mọi người quanh vùng đều ca ngợi. Một hôm người ta khám phá ra rằng người con gái của một gia đình có tiệm bán dược phẩm gần chỗ Kakuin ở, có thai.

Cha mẹ cô gái nổi giận bắt cô phải khai người lấy cô là ai. Sau nhiều lần giấu giếm, cuối cùng người cô khai lại chính là Kakuin.

Khi cha mẹ cô gái nổi trận lôi đình đến tìm Thiền sư Kakuin để trách mắng. Kakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng “Thế à!”.

Sau khi đứa bé ra đời nó được đem giao cho Kakuin. Thế là Kakuin mất hết danh dự, nhưng ông vẫn bình thản lo đi xin sữa và những đồ dùng cần thiết về nuôi đứa bé hết sức chu toàn.

Một năm sau, cô gái không chịu được nữa. Cô thú thật với cha mẹ rằng cha thật của đứa bé là một thanh niên bán cá ngoài chợ.

Cha mẹ cô gái liền đến tạ lỗi Kakuin và xin đứa bé về. Kakuin cũng chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à!” rồi vui vẻ giao hoàn đứa bé.

Thiền sư Kakuin đúng là đã đạt được chỗ “được cũng ngạc nhiên, mất cũng ngạc nhiên”  trong “sủng nhục nhược kinh” của Lão Tử vậy...


Trích: Tư Tưởng Lão Tử Qua Quan Điểm Phật Học

Tác giả: Viên Minh

Nguồn: http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/LaoTuDDK/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét