Chỗ hay của Krishnamurti - Thầy Viên Minh

"... Krishnamurti, "Chân lý là mảnh đất không có đường vào", nên buông hết mọi đường ngay đó liền thấy. Cũng vì thế nên đức Phật dạy "Pháp Thế Tôn khai thị là thực tại hiện tiền, không qua thời gian, hồi đầu là thấy, ngay đây bây giờ, bậc trí tự chứng...".

"... Điều Krishnamurti, Lão Tử nói thuộc về chân lý tuyệt đối (chân đế) phi thời gian..."

"...Có người hỏi Krishnamurti nên ăn chay hay ăn mặn Ông trả lời rằng cái gì ràng buộc trong khuôn khổ thì cái đó mất tự do giải thoát..."

(Trích phần trả lời của Thầy Viên minh trong mục hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông)




1/  Chỗ hay của Krishnamurti 

Hỏi: Thầy có thể chỉ cho con chỗ hay của ông Krishnamurti không ạ? Tình thương mà ông ấy đề cập như là giải pháp cứu rỗi cho sự tồn tại của nhân loài. Con thấy có gì đấy lan man. Theo con tình thương cần phải có tuệ giác nhìn rõ chân tướng thiện ác thì đấy mới là tình thương thực sự Giống như tình thương của ĐỨC PHẬT đối với ĐỀ-BÀ ĐẠT-ĐA. Tình thương mà không thấy rõ mọi mặt đời sống thì tình thương có thể gây hậu quả hại người hại mình hại chúng sinh.

Trả lời:

- Con nói về tình thương phải có trí tuệ là rất đúng, tuy nhiên con chưa hiểu hết Krishnamurti, ông mới là bậc thầy sáng nhất thế kỷ 20. Chính ông bài xích hết mọi giáo điều, mọi quan niệm, mọi hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo, triết học v.v... giúp con người trở về với thực tại mà tự tri tự giác - rất đúng tinh thần Tứ Đế, Bát Chánh, và Niệm Xứ đức Phật dạy - qua ngôn ngữ hiện đại. Chính ông đề cao trí tuệ nhưng đối với cục diện của thế giới hiện nay thì tình thương yêu mới là điều khẩn thiết nhất để cứu nhân loại ra khỏi sự tiêu diệt lẫn nhau.


2/ Cách dạy quan sát các vấn đề của Ngài Jiddu Krishnamurti (1895-1986) chính là thiền Vipassana

Hỏi: Bạch thầy, trong giới Phật tử và thiền sinh có một số người cho rằng cách dạy quan sát các vấn đề của Ngài Jiddu Krishnamurti (1895-1986) chính là thiền Vipassana, điều đó có phải không ạ? Con đọc một số bài nói chuyện của K. bằng tiếng Anh cũng thấy rất nhiều điều liên quan đến Phật pháp. Vậy việc Phật tử học hỏi từ các tôn giáo khác hay cả người không tôn giáo, miễn là tiến bộ cũng hoàn toàn kkông có gì là "phản bội" tôn giáo mình phải không ạ?

Trả lời:

Krishnamurti là một trong những nhân vật kiệt xuất trong thế kỷ 20. Ông thường bài xích các hệ thống tôn giáo, chính trị, triết học, tư tưởng, truyền thống v.v... Nhưng thực ra, ông chỉ bài xích kiến thức sai lầm hiện nay của con người về những lãnh vực đó thì đúng hơn. Ví dụ như hầu hết những người theo tôn giáo đều không hiểu đúng tôn giáo của mình. Hiểu sai rồi áp dụng cái sai của mình để tu tập mà vẫn nghĩ là tu theo lời dạy của giáo chủ mình. Như vậy, quan sát ngay nơi thực kiện để thấy sự thật còn tốt hơn là theo một tôn giáo mà hiểu sai. Nhiều người hiểu lầm K., cũng bắt chước bài xích tôn giáo, truyền thống v.v... nên rơi vào lý thuyết không không, không biết đâu để tu tập. Nếu đọc kỹ, toàn bộ cốt lõi lời thuyết giảng của K. đều mang tinh thần Tứ Diệu Đế và thiền Vipassanà.

Nếu có điều kiện, nghiên cứu những tôn giáo khác để mở rộng tầm nhìn là tốt, không nên cố chấp cho tôn giáo của mình là đệ nhất mà không chịu học hỏi thêm cái hay của tôn giáo khác. Càng có tầm nhìn rộng càng hiểu đúng hơn về tôn giáo mình chứ có sao đâu mà gọi là "phản bội"!.


3/ Vượt ra khỏi thiện ác tương đối trong tục đế.

Hỏi: Khi con nghe pháp của Thầy hoặc con đọc sách của Krishnamurti thì con hiểu là cần phải bỏ hết mọi kinh nghiệm, chỉ trọn vẹn với cái đang là.

Giờ con vẫn còn chút băn khoăn là vậy có những kinh nghiệm hoặc hiểu biết cũng hữu ích cho đời sống thì nó cũng có vai trò nhất định của nó có phải không thưa Thầy? Ta cứ nhận biết nó theo đúng vai trò của nó chứ không phủ định nó phải không ạ?

Trả lời: Phải, con thấy đúng, nhưng chỉ đúng tốt trong thế gian tương đối, còn điều đức Phật, Krishnamurti và thầy lại muốn chỉ cho con thấy thực tánh chân đế, xuất thế gian, vượt ra khỏi thiện ác tương đối trong tục đế.


4/ Krishnamurti nói khi mình còn một quan niệm thì mình không thể tự do

Hỏi: Bạch sư ông, Krishnamurti nói khi mình còn một quan niệm thì mình không thể tự do, hay mọi kết luận đều là nông cạn. Sư ông cũng nói đừng có chủ trương gì hết. Con không phân biệt được chủ trương, quan niệm và chánh kiến trong bát chánh đạo, mong Sư ông khai thị. Khiến con thường sống dãi đãi, khó phân biện phải trái đúng sai.

Trả lời: Khi đã hình thành chủ trương, quan niệm thì không còn tầm nhìn và hành động mới mẻ nữa, giống như hoa nhựa đã bị đúc khuôn thành những mẫu nhất định, dù có đẹp và bền hơn hoa thật thì nó vẫn là đồ giả. Đó chính là sự khác biệt giữa quan niệm - cái thấy khô chết - và chánh kiến - cái nhìn sáng tạo.


5/ Sống và chết 

Hỏi: Con đọc một bài viết của Ngài Krishnamurti có đoạn "... nếu ta không biết sống là gì thì làm sao biết chết là gì? Sống và chết có thể chỉ là một chuyện thôi và việc chúng ta cứ tách chia chúng ra có lẽ là nguồn gốc của mối phiền não to lớn này..." Con thấy hay và đúng quá thưa Thầy. Nếu thật sự "sống" ("chết đi cái ngã rộn ràng") thì "sống và chết chỉ là một", đâu còn luân hồi (quá khứ), sinh tử (tương lai) nữa phải không Thầy? Có gì con xin Thầy chỉ dạy thêm!

Trả lời:

Phải, Krishnamurti nói rất đúng. Sống chết như những nốt nhạc trong một giai điệu mà âm thanh và vô thanh hoặc dấu lặng đều là tiết tấu làm nên giai điệu ấy mà thôi.


6/  Thời gian của J.KRISHNAMURTI 

Hỏi: Con thưa Thầy ạ! Xin Thầy cho con hỏi: Thời gian của J.KRISHNAMURTI viết con đọc hoài mà không thể hiểu nổi, mong thầy chỉ giùm con.

Trả lời:

 Đó là thời gian tâm lý do ảo tưởng của mỗi người tạo ra, nó không phải là thời gian cần thiết cho một sự vật tồn tại và biến đổi. Thí dụ thời gian cho một đóa hoa hồng nở, khác với thời gian mà người yêu hoa muốn hoa lâu tàn, hoặc ghét hoa muốn hoa mau héo.


7/ Tư tưởng vắng lặng tự nhiên thì tánh biết liền soi chiếu

Hỏi: Thưa Thầy kính! Con có đọc sách của Ông Krishnamurti. Ông có nói về cấu trúc của bộ não, tâm trí. Con người khi lớn dần lên tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm, trải nghiệm riêng, những điều thích và không thích từ đó hình thành nên "cái tôi" cùng với các định kiến, các kinh nghiệm và chọn lựa riêng của nó mà từ đó người ta hành động một cách máy móc và tách biệt với mọi người và tạo thành kí ức. Tâm trí đó bị quy định và luôn diễn giải mọi thứ theo tình trạng bị quy định, tâm trí hoạt động qua tư tưởng và suy nghĩ. Ông có nói về khoảng không gian khi cái trí yên lặng, khi suy nghĩ không có. Con thực hành quan sát và thấy rằng khi suy nghĩ vắng bặt, mọi thứ con vẫn hay biết và tiếp cận mọi thứ một cách mới mẻ hơn, không bị tình trạng bị quy định chi phối. Con có nghe thầy giảng về tánh biết, con muốn hỏi có phải khi suy nghĩ chấm dứt mà vẫn hay biết mọi chuyện thì đó là tánh biết đang thấy Pháp không ạ?

 Trả lời: Đúng đó con. Những điều thầy thấy cũng như vậy. Tuy nhiên, nếu tư tưởng vắng lặng tự nhiên thì tánh biết liền soi chiếu, nhưng nếu con cố gắng ngưng tâm lại thì khoảng không yên lặng đó vẫn được hình thành bởi tư tưởng và bản ngã.


Trích Mục hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông

http://www.trungtamhotong.org/


                                                                                  








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét