Giác ngộ giải thoát.


... Giác ngộ thì thấy Xuân là Xuân, Hạ là Hạ, Thu là Thu, Đông là Đông, cho nên nói "hoa" tuệ giác nở thì đúng hơn...

1. Câu hỏi:

Kính thưa Sư Ông,
Con đang như 1 ly nước bị lẫn đất đá cặn bã, bị mây mờ ngăn che tầng tầng lớp lớp, vô minh dày đặc nên không thể trọn vẹn với thực tại, đôi khi lại tưởng mình đang học đạo nhưng hóa ra lại là bản ngã thể hiện.
Như vậy bây giờ con phải làm sao đây thưa Sư Ông? Xin Sư Ông từ bi chỉ dạy cho con. Kính chúc Sư Ông nhiều sức khỏe để dạy dỗ, dìu dắt chúng con đi đúng đường. Thành kính đãnh lễ Sư Ông!

Trả lời:

 Nếu con là ly nước đầy cặn bã mà chỉ thấy cặn bả không phải ta, của ta, tự ngã của ta thì con liền giác ngộ giải thoát. Nếu con là ly nước tinh khiết mà thấy đó là ta, của ta, tự ngã của ta... thì vẫn không thoát khỏi cái ta ảo tưởng.

2. Câu hỏi:

Thưa thầy, con hay nghe giác ngộ giải thoát. Đọc nhiều sách nhưng con rất mơ hồ. Xin Thầy có thể giúp con biết là Phật đã giác ngộ điều gì và giải thoát khỏi cái gì? Con cảm ơn Thầy nhiều lắm. Con chúc thầy nhiều sức khỏe để chúng con được nghe Pháp từ thầy.

Trả lời:

 Giác ngộ là thấy ra sự thật, giải thoát là không còn ảo tưởng về sự thật đó. Thí dụ thấy rõ (giác ngộ) tham sân si tạo ra đau khổ cho mình và người nên không tham sân si nữa (giải thoát).

3. Câu hỏi:

Kính xin Sư Ông hoan hỷ cho con được rõ:
1/ Có phải quá trình giác ngộ cũng giống như quá trình học vấn là mình phải học từ lớp 1 đến đại học phải không ạ? Nếu cũng tương tự thì kính xin Sư Ông cho con được biết từng bước của quá trình giác ngộ.
2/ Có phải sự giác ngộ giống như tấm gương bị bụi bẩn lâu năm được lau sạch phải không ạ? Chỉ cần chánh niệm tỉnh giác cho đến khi vô ngã thì tánh biết tự nhiên sáng tỏ? Nếu còn ngã thì tánh biết có sáng được không ạ?


Trả lời:

1) Quá trình giác ngộ cũng giống như học ờ trường, chỉ có khác là học ở trường thì ngày càng tích luỹ thêm kiến thức, còn giác ngộ thì ngày càng giảm bớt trói buộc. Và bài học ở trường theo trình tự nhất định, còn bài học giác ngộ thì tuỳ duyên của mỗi người không theo trình tự nhất định.

2) Còn bản ngã thì tánh biết vẫn sáng, giống như mặt trời bị mây che thì chúng ta tưởng không có mặt trời nhưng thật ra mặt trời vẫn chiếu sáng không ngừng.


4. Câu hỏi:

THẦY ƠI!
GIÁC NGỘ RỒI THÌ TRONG TỪNG SÁT NA HƠI THỞ ĐỀU LÀ HOA XUÂN NỞ ĐÚNG KHÔNG THẦY?

Trả lời:

Giác ngộ thì thấy Xuân là Xuân, Hạ là Hạ, Thu là Thu, Đông là Đông, cho nên nói "hoa" tuệ giác nở thì đúng hơn. 

5. Câu hỏi:

Kính thưa Thầy, con kính mong Thầy giải đáp giúp con vấn đề này ạ...
Tỉnh thức, giác ngộ là thế nào ạ, trước đây con nghiên cứu nhiều kinh điển, nhưng gần đây, duyên đưa đẩy, gần như con quên hết kinh điển, để đi vào sự thật dần dần, bỏ qua thăng trầm cuộc sống, nói chuyện giác ngộ thôi, thì gần như con đang bị tình trạng "trơ" và con nhận ra là cuộc sống không thể bỏ hết được, ngay cả câu chữ, hình thức, nó cũng có vẻ đẹp và sự sống của nó, bỏ qua hình thức quá nhiều, tâm con có cảm giác trơ trọi, và gần như đó là bài học mà Pháp cho con thấy về tôn trọng mọi thứ của Pháp.
Vậy con muốn hỏi giác ngộ là sao ạ, có phải là tâm mình trùm biết khắp đất trời không ạ, nếu nó chỉ là trạng thái hạnh phúc khi sống thiện, thì quá đơn giản, và con nhớ nhiều vị thầy nói, người chứng Tư Đà Hàm trở lên, thì thần thông so với sự giác ngộ của họ chỉ như đồ chơi, nếu vậy thì sự giác ngộ có nhiều mức độ, và ở mức độ cao, thì nó siêu việt, dữ dội lắm, bao trùm không thể nghĩ bàn, mà nhân duyên của con thì chưa khẳng định được điều này, dù rằng con đi theo con đường thực chứng, nhưng con cũng muốn kính xin Thầy khẳng định cho con có thêm niềm tin và sức sống ạ!
Con kính cảm ơn Thầy!!!

Trả lời:

Giác ngộ là sống, trải nghiệm, soi sáng trong ngoài để Thấy Ra Sự Thật, không loại bỏ gì mà cũng không nắm giữ gì. Do con loại bỏ mặt này nắm giữ mặt kia nên không giác ngộ Pháp một cách toàn diện.

6. Câu hỏi:

Thầy kính!
Sao ngày xưa thời ĐỨC PHẬT tại thế, ngài độ ngay được cho cả những người trong cơn bạo bệnh, cùng cực, khốn khổ?
Nhưng sao thời nay một người tu tập giác ngộ thì cần làm phước, tu phước và phước là trợ duyên cho con đường giác ngộ vậy thưa thầy?


Trả lời:

Hồi trước đức Phật chỉ thẳng vào sự thật đang diễn ra nơi những người đó, đúng vào lúc sự kiện hiển bày rõ ràng nhất đủ để người đó thấy ra. Còn bây giờ cứ đem Kinh Luận ra áp đặt mà thực chất người nói còn chưa thực chứng sự thật làm sao người nghe chứng ngộ được.

7. Câu hỏi:

Thầy ơi, làm thế nào để con biết được mình đã ở trong hàng ngũ tứ thánh hay chưa?
Có những lúc con thấy tâm mềm mại như một trong tứ thánh, lại có những lúc con sẵn sàng cao giọng, sẵn sàng phẩn nộ với người ta, nhưng không phải giận quá mất khôn, mà là giận có kiểm soát. Nghe nói thế hơi buồn chứ con nghĩ là con chưa an trụ trong tứ thánh rồi.


Trả lời:

Làm gì có tứ thánh mà an trụ! Chỉ có con đã thoát được bao nhiêu ảo tưởng thôi. Thầy cũng thấy có tứ thánh gọi là thánh a, b, c, d. Thoát được 30% ảo tưởng là thánh a, thoát 30,5% ảo tưởng là thánh b, 50% là thánh c, 100% là thánh d. Thoát hết thì không còn trói buộc thôi chứ trụ làm gì để tự trói buộc trở lại.

8. Câu hỏi:

Kính thưa thầy,
Tại sao Ngài Bahiya nghe Phật nói "trong nghe chỉ có nghe,..." ngài Bahiya liền ngộ, còn con nghe Thầy cũng nói y như vậy, con hiểu rõ câu nói ấy mà con không ngộ được? Mong thầy từ bi nói cho được hiểu. Con cảm ơn Thầy!


Trả lời:

Tại vì tâm của ngài Bāhiya lúc đó tương ứng với lời Phật dạy nên khi được chỉ ra liền chứng ngộ. Như một người đang cầm trong tay viên kim cương nhưng không biết đó là gì nên đi hỏi, có người rành rẽ cho biết đó là viên kim cương anh ta liền trực nhận. Còn người chưa có viên kim cương trong tay thì dù có hiểu cũng đành phải tìm kiếm thôi.

9. Câu hỏi:

Con thưa thầy, thầy cho con hỏi trong bài kinh Vô Ngã Tướng có đoạn: "Này các tỳ kheo, do nhàm chán vị ấy ly tham, do ly tham tâm được giải thoát, khi tâm được giải thoát vị ấy chứng đắc tuệ giải thoát và biết rõ sự sanh đã tận phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm và không còn tái sanh nữa."
Vậy ở đây con thấy tâm được giải thoát trước sau mới đến tuệ giải thoát, mà trong các bài giảng con có nghe sư giảng là phải giác ngộ trước sau mới giải thoát. Con thành kính xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con.
Con thành kính đảnh lễ và cảm ơn sư ạ!


Trả lời:

Từ giác ngộ thầy thường dùng có nghĩa là thấy ra Sự Thật (Tứ Thánh Đế). Nếu chưa thấy ra phiền não (Khổ Đế và Tập Đế) làm sao tâm giải thoát và tuệ giải thoát được. Nên trong các tiến trình tâm chứng ngộ Đạo-Quả thì phải có Đạo Tuệ quán chiếu mới thấy ra và thoát khỏi được Tập Đế và Diệt Đế.
Nói giác ngộ trước hay sau tuỳ theo nghĩa người nói muốn ám chỉ và tuỳ trường hợp. Như với 5 vị Kiều Trần Như tu khổ hạnh thì Phật nói Khổ Đế, Tập Đế trước, với Bāhiya thì nói Đạo Đế, Diệt Đế trước. Nhưng nói thế nào thì các vị ấy cũng phải giác ngộ mới có tâm giải thoát tuệ giải thoát được.
Ví như gỡ một cuộn chỉ rối (ngũ uẩn) không thấy ra đầu dây mối nhợ (giác ngộ) thì làm sao gỡ được (giải thoát). Như nếu không học (giác ngộ) làm sao thoát khỏi mù chữ (giải thoát). Cũng vậy muốn thoát khỏi khu rừng (giải thoát) phải biết rõ đâu là đường đi đâu là chướng ngại (giác ngộ) mới được. Do đó trong Bát Chánh Đạo Chánh Kiến (giác ngộ) phải dẫn đầu mới thoát khỏi Tà Đạo.

10. Câu hỏi:

Con kính bạch THẦY,
"Tâm hữu vi, hữu ngã (ngũ uẩn: tham-sân-si) là tâm luân hồi-sinh tử. Tâm vô vi, vô ngã (ngũ uẩn giai không: vô tham-vô sân-vô si) là tâm giác ngộ-giải thoát" đúng không ạ?
Con chân thành tri ân!

Trả lời:

 Phải. Nhưng tâm vô vi vô ngã không chưa đủ mà phải rỗng lặng trong sáng nữa mới giác ngộ giải thoát được.

11. Câu hỏi:

Kính thưa thầy,
Có vị thiền sư nói rằng, sau khi thấy sự thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, con hiểu là sau khi thấy sự thật thì chỉ thay đổi thái độ thôi, chứ không thay đổi gì cả, mình vẫn là mình, thay đổi là do tự nhiên. Con hiểu như vậy có đúng không ạ?

Trả lời:

Lúc đầu thấy núi là núi nhưng qua khái niệm danh và tướng, sau khi ngộ thấy núi vẫn là núi nhưng không còn qua khái niệm danh tướng nữa mà thấy thực tánh như nó là thôi. Đúng là thay đổi thái độ thấy chứ không thay đổi đối tượng khách quan.

12. Câu hỏi:

Con Kính Chào Thầy, Thưa thầy, xin thầy giúp con hiểu lý của chứng đạo là gì? Đắc pháp là gì?
Con thấy là khi con thấy vô ngã là gì, và con là ai, thì con sống với con trong những công việc hàng ngày. Nhưng con chưa rõ hoặc không biết là con có phải làm gì thêm nữa không, bởi vì con nghe có người nói với con về hai từ chứng đạo, và hai từ đắc pháp. Vì vậy con xin thầy giúp con giải lý cho con hết chỗ nghi này.
Con xin cảm ơn thầy.

Trả lời:

 Chứng đạo là thấy rõ đạo đế, hay nói dễ hiểu hơn là  thực sự trải nghiệm thế nào là chánh kiến, chánh tư duy v.v... Đắc pháp là thấy rõ thực tánh pháp, không còn bị pháp khái niệm chế định tục đế che lấp nữa. Nhưng con đừng bận tâm đến chuyện đó, chuyện đó để pháp lo, con chỉ lo sống sáng suốt biết mình thôi.
Lúc mới tu tập tinh tấn chánh niệm tỉnh giác con bắt đầu thấy thân hành, thấy các cảm giác cảm xúc, rồi thấy các thái độ hoặc trạng thái tâm sinh diệt, cuối cùng là thấy pháp. Đến đây, lúc đầu con phát hiện pháp che lấp, trói buộc, đó là thấy Tập đế, Khổ đế, rồi thấy các yếu tố tâm giác ngộ (thất giác chi, bát chánh đạo), đó là thấy Đạo đế, Diệt đế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét