CÁI GÌ LÀ THẬT SỰ QUAN TRỌNG?

Trong tu viện, chúng tôi đã có dịp tiếp cận với một số người sắp lìa đời. Đối với họ lúc đó, không phải tiền bạc của cải, hay những thành công và thất bại trong đời, mà chỉ có việc thực hành giáo Pháp mới là quan trọng. Lúc lâm chung, tiền bạc và danh vọng không có ý nghĩa gì cả, và hoàn toàn không quan trọng. Nhưng quan trọng là giáo Pháp: đó là khả năng quán sát, suy tưởng, và hành thiền về sự vận hành của các pháp.
Mọi vật đều có cách thay đổi và biến chuyển theo cách thức riêng của nó: thí dụ như bản chất thay đổi của cơ thể con người, tiến trình lão quá của cơ thể, những chuyển biến của ngày, đêm, và bốn mùa trong năm. Có cái thay đổi và chuyển biến rất nhanh, và có cái chậm hơn; nhưng cái mà chúng ta cần nắm bắt và ghi nhận trong lúc hành thiền là năng lượng của những chuyển biến nầy.
Chúng ta rèn luyện nhận thức về những thay đổi trong cuộc sống, thay vì dành thời gian để làm việc nầy việc nọ, rồi mê lầm cho những thành đạt cá nhân của chúng ta là quan trọng và cần thiết. Nếu bạn cứ tiếp tục sống như thế, thì đến lúc già nua và sắp chết, bạn sẽ vẫn không biết những gì đã thật sự xảy ra trong đời mình. Và bạn chỉ sống cho qua thời giờ để chờ cái chết đến mà thôi.
Tâm chánh niệm bám sát vào sự vận hành của các pháp, vào những dòng chảy và đổi thay của năng lượng. Vì thế, tôi sẽ không chỉ biết chờ đợi cái chết xảy ra, hay chỉ biết cố gắng hết sức để sống cho qua cuộc đời nầy. Với tâm chánh niệm và tỉnh giác, tôi có thể thấy được vạn pháp như chính nó. Chúng ta đang buông bỏ những mê lầm và có thể thấy được sự tận diệt của khổ đau.
Nếu không biết bản chất của cuộc sống là gì, chúng ta sẽ hoang mang và bối rối. Chúng ta sẽ nói, "Tại sao phải là tôi? Tại sao tôi phải già? Tại sao tôi phải bị bịnh thấp khớp? Tại sao tôi phải ở trong nhà dưỡng lão nầy? Không công bình chút nào hết. Nếu quả thật có Thượng Đế, Ngài sẽ làm cho tôi khỏe mạnh suốt đời và khi chết, tôi vẫn tràn đầy sức khỏe. Tôi sẽ chỉ cần bất chợt đi ngủ rồi không bao giờ tỉnh dậy -- không đau đớn, không khổ sở, không ghê sợ những gì xảy ra. Tôi sẽ có một cái chết toàn hảo, và tôi sẽ không bao giờ cảm thấy xấu hổ hay là gánh nặng cho ai cả. Tôi sẽ luôn luôn sạch sẽ, lịch sự, được mọi người chấp nhận, và hài lòng nhất."
Nhưng chúng ta đều biết những gì sắp xảy đến với chúng ta, và phần lớn những điều nầy là không đẹp đẽ, sạch sẽ, hay lịch sự gì cho lắm, phải không các bạn? Nhưng đó chính là Pháp, phải không các bạn? Đó chính là sự vận hành tự nhiên của vạn vật. Chúng ta sẽ bắt đầu chiêm ngưỡng tất cả các Pháp -- không phải chỉ chiêm ngưỡng bộ mặt đẹp đẽ của nó -- vì chúng ta nhìn Pháp với tâm tỉnh thức và trí tuệ, chứ không phải qua cái nhìn tự ngã. Tự ngã sẽ luôn nói là, "Ôi, tôi không muốn là gánh nặng cho ai hết; tôi không muốn mất kiểm soát khi tiểu tiện. Tôi xấu hổ lắm." Đó là quan điển của tự ngã. Nó làm chúng ta khổ sở phải không các bạn, bởi vì cuộc sống không chiều theo ý bạn. Và ngay cả khi cuộc sống chiều theo ý bạn, bạn vẫn không an tâm về nó. Bạn sẽ nghĩ, "Những gì sẽ xảy ra, nếu...?" Bạn biết là hiện nay mọi việc vẫn bình thường, nhưng bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra. Và chính tư tưởng đó sẽ làm chúng ta đau khổ.
Cuộc đời nầy đầy dẫy những hiểm nguy và cái ngã luôn luôn bị đe dọa. Lòng ích kỷ là một hiểm họa. Vì thế, cái chết của tự ngã sẽ làm chúng ta nhẹ nhõm và giải thoát chúng ta -- đó chính là Niết Bàn. Cái chết của tự ngã sẽ giải thoát chúng ta khỏi hiểm nguy, khỏi cuộc đấu tranh và giành giật, khỏi những đau khổ mà chúng ta tạo ra do mê lầm và ảo tưởng về cái ngã. Xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống đang bám chặt vào ảo tưởng về cái ngã, nhưng khi thực hành giáo Pháp, chúng ta thách thức ảo tưởng đó. Chúng ta không tự cho mình là thông minh rồi tìm cách chối bỏ cái ngã, nhưng chúng ta quan sát và xem xét: "Đây có phải thật là cái ngã? Đây thật sự có phải là chân lý? Chân lý là cái gì?" Và chúng ta sẽ không còn đi tìm một người nào đó, mời họ đến và chỉ cho chúng ta thấy cái gì là chân lý, bởi vì chúng ta biết là tự mình phải chứng ngộ chân lý đó. Chân lý là ở tại đây và ngay bây giờ, để mỗi người chúng ta tự mình thấy và biết nó qua sự thực hành chánh niệm và trí tuệ.

MỘT DỊP ĐỂ MỞ RỘNG TÂM THỨC

Trong mấy năm qua, đã có người đến và viên tịch ở tu viện chúng tôi -- đây là những người bị bệnh nan y và chỉ nằm chờ chết -- chư tăng và ni ở đây chăm sóc họ trước khi họ lìa đời. Vì tôi chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm nầy nên chứng kiến người chết quả là một kinh nghiệm tâm linh kỳ diệu, và tôi đã học được rất nhiều điều. Nếu nói ra điều nầy, có thể bạn sẽ kinh ngạc, nhưng sự thật là tôi rất hoan hỷ khi được săn sóc những người sắp chết. Thông thường chúng ta rất tiêu cực về cái chết và la hoảng lên rằng, "Có ai đó sắp chết. Tôi không muốn thấy vị ấy chết. Tôi không muốn đi thăm. Tôi muốn lánh mặt và đi một nơi nào khác."
Một lần có một phụ nữ người Thái, bà ta khoảng bốn mươi ba tuổi và bị bệnh ung thư vào thời kỳ chót, đến ở tu viện chúng tôi và sắp chết. Bà biết hành thiền, rất cởi mở và chuẩn bị chấp nhận những gì sẽ xảy đến. Trước khi lìa đời, bà xin xuất gia làm tu nữ, và được các ni ở đây săn sóc. Chư tăng thỉnh thoảng cũng đến thăm và hành thiền với bà.
Các bạn người Thái của bà từ Luân Đôn thường đến và hỏi thăm sức khỏe của bà. Tôi trả lời là, "Bà ta thật là tuyệt vời." Và những người bạn nầy mừng rỡ hỏi lại, "Ồ, thế là bà sắp khỏi bệnh à?" Họ ngạc nhiên khi nghe tôi trả lời, 'Không, bà ấy vẫn bị bệnh." Họ không thể thấy cái đẹp và sự thanh tịnh của bà trước giờ nhắm mắt. Họ chỉ thấy sự kiện bà sắp chết là một điều kinh khủng. Nhưng khi thật sự tiếp xúc với bà, bạn không cảm thấy tiêu cực chút nào cả. Bạn không mong bà sẽ chết sớm; ngược lại, bạn mong bà sẽ sống, vì thế có một chút tình cảm đau buồn nào đó, nhưng đó vẫn không phải là niềm tuyệt vọng. Và rồi, khi bà thật sự ra đi, cả tu viện cảm thấy rất thanh thoát và nhẹ nhàng về việc nầy.
Mặc dù người đời thường có những nhận định tiêu cực về cái chết, nhưng thật ra cái chết tự nó sẽ không buồn thãm và khủng khiếp khi con người có khả năng cởi mở để tiếp nhận nó. Được gần người sắp chết có thể là một kinh nghiệm tích cực và thăng hoa khi bạn đánh thức được sự cởi mở đó trong tâm của bản thân người sắp chết và của chính bạn.


* Câu hỏi: Đối với Phật giáo nguyên thủy, kinh nghiệm chết có quan trọng hay không?

Trả lời: Vâng, quán tưởng về sự chết được xem là một cách quán sát về sự vận hành của các pháp, về quy luật của thế giới tự nhiên. Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ lễ tang của người Thái lan vì đó là một dịp để những người tham dự quán tưởng về pháp. Người ta không suy đoán là linh hồn người chết đang ở đâu. Người ta chỉ quán tưởng trên kinh nghiệm của một người nào đó đang chết. Người ta sẽ nhìn tử thi, và quán tưởng về một thân xác đã mệnh chung. Người ta không gán cho nó một ý nghĩ nào hết như chết là đáng sợ và ghê tởm chẳng hạn. Chỉ cần quán sát phản ứng của bạn với tử thi. Nếu bạn chưa bao giờ thấy tử thi, và nếu tử thi đó đang thối rữa, bạn sẽ nói: "Xác chết thật xấu xa ghê tởm. Tôi không chịu nỗi mùi hôi thối. Thật là khủng khiếp." Nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, và khi không còn tiêu cực nữa, bạn sẽ thấy sự hiện diện của tử thi thậm chí có thể đem lại sự bình yên cho bạn. Đó là một quá trình thối rữa tự nhiên, và rất kỳ diệu. Bạn sẽ thấy là thiên nhiên, ngay cả trong trạng thái hoại rữa của nó, cũng là một phần của sự toàn hảo. Không có cái gì là xấu xa hay hôi thối, ngoài những ý nghĩa bạn gán cho nó.
Có một lần tôi vào một bịnh viện ở Băng Cốc vì ở đây người ta cho phép chư tăng đến quán niệm các tử thi. Lần đó, họ để một tử thi sình chương mới vớt từ một trong những kênh đào chảy quanh thành phố. Xác đã chết một tuần lể, hôi nồng nặc và đã thối rữa, tử khí bốc lên, và vòi bọ bò lút nhút trong hai tròng mắt. Mới thoạt nhìn, mùi hôi và hình thù của tử thi rất là dễ sợ. Phản ứng bình thường của con người là hoàn toàn ghê tởm và chỉ muốn chạy thoát ra khỏi căn phòng ngay. Nhưng bạn phải tiếp cận với tử thi; bạn phải dùng ý chí để ở lại. Và rồi bạn phải đứng đó để chấp nhận xác chết như chính nó, ngay cả mùi hôi thối và hình hài của nó.
Nhưng rồi bạn sẽ thay đổi. Khi mà tình cảm chống ghét và tiêu cực không còn nữa, khi mà bạn đã vượt qua phản ứng trốn chạy đầu tiên đó, bạn sẽ bắt đầu quán sát tử thi như Pháp và chiêm ngưỡng nó. Bạn sẽ chiêm ngưỡng sự toàn hảo của quá trình hoại rữa, và đó chính là sự toàn hảo của thế giới tự nhiên. Đó là một tiến trình tự nhiên, không xấu xa hay ghê tởm. Nó là biểu hiện của cuộc sống và là sự vận chuyển và thay đổi của các pháp. Khi bạn có thể thấy tiến trình hoại diệt một cách bình tĩnh và sáng suốt, bạn sẽ thấy thế giới tự nhiên nầy chính là Pháp.
Ở Thái Lan, người ta gọi thiên nhiên hay thế giới tự nhiên là "Dhammachat" hay Pháp. Dhammachat có nghĩa là tiến trình phát triển tự nhiên của vạn vật, hay quy luật của thiên nhiên. Nhưng ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng xem thế giới tự nhiên là cái gì đó nằm ngoài tôn giáo. Cấu trúc giáo lý siêu hình của đạo Ky Tô không liên hệ chút nào đến quy luật tự nhiên cả. Vì thế, trong Ky Tô Giáo, con người có được cứu rỗi hay không là tùy thuộc vào việc họ có tin tưởng vào những giáo lý siêu hình, chứ không tùy vào việc họ có hiểu biết của những quy luật tự nhiên hay không. Theo cách mà tôi đã được huân tập ở phương Tây, thiên nhiên là cái gì nằm ở bên ngoài chúng ta; là cái mà chúng ta có thể thấy được. Có núi non, cây cỏ và những quy luật tự nhiên, nhưng chúng không liên quan gì đến bạn cả, vì thế bạn thường cảm thấy rất xa lạ với chúng.
Nhưng thân xác của bạn vận hành theo quy luật tự nhiên; nó là một phần của cấu trúc hành tinh nầy. Và toàn bộ quá trình vận động tự nhiên là bộ phận của một tổng thể toàn hảo. Trong Đạo Phật, thấy Pháp là thấy được sự vận hành tự nhiên của vạn vật, lúc đó bạn đang mở rộng tâm để tiếp cận với thế giới tự nhiên. Đó chính là những gì Đức Phật khám phá ra khi Ngài đại ngộ: Ngài nhận chân được sự vận hành tự nhiên của vạn vật. Và ngay lúc ấy, tất cả những nhận định sai lầm về cái ngã và nền văn hóa dựa trên vô minh, sợ hãi, và tham ái đã tự nhiên biến mất trong tâm của Ngài.

Trích: Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét