PHÁP NGỮ 11 - Thiền Sư Viên Minh



Không bước tới, không dừng lại.

- Nỗ lực tạo tác để trở thành là bước tới, nỗ lực tập trung để an trụ là dừng lại. Trọn vẹn trong sáng trong mọi khoảng khắc là không bước tới, không dừng lại.

Tu chính là thường soi sáng lại chính mình

- Tụng Kinh, ăn chay, đi chùa chỉ là phương tiện thôi. Tu chính là thường soi sáng lại chính mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi thân khẩu ý cho đúng tốt, không hại mình hại người là được. Nếu con làm được như vậy thì không cần tụng Kinh, ăn chay và đi chùa cũng vẫn đúng.


- Hãy trọn vẹn chiêm ngoạn nỗi khổ đau đến tận cùng, chỉ ở đó con mới thấy lối thoát tuyệt vời. Chỗ đau đớn nhất chính là chỗ hoàn hảo nhất.

“Tâm, Phật cập Chúng Sinh thị tam vô sai biệt”.

- Có câu “Tâm, Phật cập Chúng Sinh thị tam vô sai biệt”. Trong Tâm có Phật và Chúng Sinh, nhưng Phật và Chúng Sinh cũng đều là Tâm. Tâm là bầu trời, ngộ là Phật, mê là Chúng Sinh, nhưng dù ngộ hay mê thì bầu trời Tâm vẫn là Tánh Không bất sinh bất diệt.




Thiền

- Thiền chủ yếu là thấy pháp tánh tự nhiên, do đó thấy pháp đến đi tự nhiên tốt hơn cố ý thấy. Tuy nhiên cố ý thấy (chủ quan) khác với hướng tâm thấy đúng (khách quan). Thấy đối tượng tự nhiên và hướng tâm thấy khách quan đều được.


- Hành thiền không có nghĩa là hành theo một phương pháp nào đó để đạt được trạng thái gì. Thiền mà đức Phật dạy chỉ có một mục đích duy nhất là tự soi sáng để thấy ra Sự Thật, vì vậy chỉ cần sống trải nghiệm, chiêm nghiệm sự sống đang diễn ra nơi thân tâm cảnh để thấy rõ chính mình và bản chất đời sống, nhất là thấy vô thường, khổ, vô ngã để xả ly dần những bám víu, dính mắc trong pháp thế gian mới thật sự là hành thiền.


“Sự thật như nó là”

- “Sự thật như nó là” không thể do nỗ lực rèn luyện mà được, nó hiển hiện khi tâm con bỗng rỗng lặng trong sáng, tự nhiên và vô tâm mà thôi. Đó chính là “thực tánh pháp” vượt ngoài khái niệm của lý trí.

- Đừng cố lập chân cũng đừng trừ vọng, chỉ cần thấy vọng, chân như nó đang là thôi. Có vậy con mới thấy vô thường, khổ, vô ngã và Niết-bàn; nếu con cố dùng phương tiện để đạt được gì, phải chăng để thoả mãn ý đồ của bản ngã cầu toàn?

Chánh niệm

- Chánh niệm mạnh hay yếu tuỳ thuộc vào độ trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp. Nếu tâm dính mắc ở quá khứ, vị lai và các đối tượng bên ngoài thực tại thân tâm nhiều thì chánh niệm yếu, nếu tâm trọn vẹn với thực tại thân tâm nhiều thì chánh niệm mạnh

- Khi tinh tấn tức thái độ sống nghiêm túc, chân thành với hiện tại, không buông lung phóng dật, thì sẽ không dính mắc vào quá khứ, tương lai hoặc bên ngoài nên không bị thất niệm.




Tướng biết và tánh biết

- Tướng biết và tánh biết cũng đồng một thể, nhưng khi hữu ý mà biết thì gọi là tướng biết; khi “vô tâm” hay tự nhiên mà biết thì gọi là tánh biết.

- Khi tướng biết lặng yên (tri kiến thanh tịnh), tâm hồn nhiên, rỗng lặng, trong sáng thì tánh biết liền soi sáng, như khi không bị mây che, bầu trời trong vắt thì mặt trời chiếu sáng tự nhiên vậy.

- Khi tánh biết thể hiện qua 6 căn khi đối tượng xuất hiện tự nhiên, nhưng khi ý thức chủ quan xen vào thì trở thành tướng biết. Phần lớn tánh biết hoạt động âm thầm ngay cả khi không qua 6 căn.


- Chính lúc tướng biết trở về với sự hồn nhiên trong sáng ban đầu của nó, gọi là tri kiến thanh tịnh. Tướng biết yên thì tánh biết hiển lộ, như sóng yên thì mới thấy nước hồ trong. Do đó khi buông mọi ý đồ tạo tác thì tánh biết chói sáng.


Kiến tánh

- Kiến tánh (Thiền Tông) hay thấy thực tánh chân đế (Thiền Vipassanā) chính là “khi tâm thanh tịnh thấy các pháp đều thanh tịnh”

Mười kiết sử


- Thân kiến nhận lầm ngũ uẩn là ta, của ta, tự ngã của ta
- Hoài nghi là tâm chưa thực chứng được Thánh đế
- Giới cấm thủ là còn chấp vào các hình thức chế định bên ngoài.
- Dục ái là tâm tham đắm thuận cảnh trong cõi Dục
- Sân hận là tâm đối kháng với nghịch cảnh trong cõi Dục.
- Sắc ái là tâm dính mắc trong thiền định cõi Hữu Sắc
- Vô Sắc ái là tâm dính mắc trong thiền định cõi Vô Sắc
- Mạn vi tế là tâm còn so sánh hơn hay thua với bậc Thánh thấp hơn hoặc cao hơn
- Trạo cử vi tế là tâm còn suy nghĩ tính toán đến lý tưởng chứng đắc A-la-hán
- Vô minh vi tế là tâm còn chưa thông suốt hết 5 kiết sử cuối cùng để thực chứng A-la-hán.


Cách gieo nhân tốt nhất với Phật Pháp

Phật Pháp ở nơi con, trở về thấy biết chính mình để khám phá ra lẽ thật thì không những là cách gieo duyên tốt nhất với Phật Pháp mà còn tự mình thấy ra Chánh Pháp. Nếu con còn nghi ngờ điều này thì con vẫn còn tìm kiếm chân lý ở bên ngoài, mà khi còn vọng tưởng thì bên ngoài chỉ là phản ánh vọng tưởng của con mà thôi. Khi nào trong con đã thấy ra Phật Pháp thì con mới thấy bên ngoài cũng đều là Phật Pháp, bằng không dù con có học thuộc trăm kinh, ngàn sách thì cũng chỉ là vọng tưởng mà thôi. Tâm con thế nào con chỉ nên thấy nó như vậy, đừng tìm cách lý giải vì mọi lý giải của lý trí đều là vọng. Các vị thầy của Bồ-tát, trước khi Ngài đại ngộ, tuy trình độ cao nhưng cao theo sự phát triển cái "bản ngã chứng đắc" chứ không cao theo trình độ xả ly bản ngã của ba-la-mật vì vậy vẫn còn tà kiến và tham ái, do đó vẫn còn sinh tử luân hồi trong Tam giới, nghĩa là vẫn còn bị sa đoạ vì tà kiến và tham ái ấy.

- Pháp nào có tính rèn luyện để đạt được sở đắc thì không phải Đạo giác ngộ giải thoát. Pháp nào giúp thấy ra Bốn Sự Thật mới là Đạo giác ngộ giải thoát.

Tánh giác thanh tịnh và tánh bất giác bất tịnh

Hỏi: Kính Sư, con có thắc mắc như sau, kính xin Sư giải đáp giùm con. Tại sao tâm chúng sanh vốn thanh tịnh mà vì một niệm bất giác để bị luân hồi trong tam giới. Vậy khi chúng ta tu để trở về lại bản tâm thanh tịnh vốn có (Niết-bàn) thì sau đó có bị một niệm bất giác nữa hay không? Con thành tâm cảm ơn Sư!
Mô Phật!

Trả lời:

Quan niệm vì một niệm bất giác mà tánh giác thanh tịnh sinh tử luân hồi không đúng. Thực ra thoạt đầu tánh giác thanh tịnh và tánh bất giác bất tịnh đều đã có sẵn. Cũng từ đó một cuộc chơi trốn tìm bắt đầu: Tánh bất giác thì lao vào sinh tử, tánh giác thì lặng lẽ chiếu soi, nên tánh bất giác đi đến đâu tánh giác đều biết được, cho đến khi tánh bất giác luân hồi khắp tam giới thì cùng đường liền bị tánh giác vô hiệu hoá và cuộc chơi chấm dứt. Nhưng cũng qua cuộc chơi hy hữu đó mà tánh giác thanh tịnh chứng tỏ được khả năng Araham (thanh tịnh), Sammā Sambuddho (thấy biết tất cả), Lokavidū (thông suốt tam giới) v.v... nghĩa là cuối cùng tánh bất giác không thể che mờ được tánh giác vốn thanh tịnh.

1 nhận xét: