ÁNH TRĂNG TRONG TRANG KINH XƯA

... Krisnamurti nói rằng, một đứa bé từ khi được người lớn dạy cho biết về một đóa hoa, nó sẽ không bao giờ còn thật sự nhìn thấy đóa hoa nữa. Bạn có nghĩ vậy không, những cái “biết” của ta có thể làm ngăn ngại cho cái thấy của mình rất nhiều. Và nếu như ta nghĩ mình đã “biết” ánh trăng rồi, thì có lẽ ta sẽ không còn thật sự nhìn thấy được ánh trăng nữa…
Nhưng làm sao để ta có thể nhìn thấy lại được ánh trăng nguyên sơ? Trong nhà thiền chúng ta thường nghe nói về chánh niệm, mindfulness, như là một sự thực tập giúp ta tiếp xúc với thực tại, nhìn thấy được những gì đang thật sự có mặt trong giây phút này...




ÁNH TRĂNG TRONG TRANG KINH XƯA

Có lần trong một khóa tu, chúng tôi đi với nhau trên một con đường làng ở miền quê, hai bên là cánh đồng cỏ mênh mông ngập ánh trăng, bập bềnh gió. Tôi ngửi được mùi nước, mùi cỏ dại của không gian miền quê, ngây ngây trong không khí. Tôi nghe tiếng lá xôn xao trong những bóng cây bên đường dưới ánh trăng. Tôi cảm thấy được cái bao la của không gian, trong tiếng gió lồng lộng cuối chân trời.
Xa phố thị, ánh trăng miền quê trong sáng một cách kỳ diệu, như mở ra từ một trang kinh xưa. Dường như cuộc đời của đức Phật cũng có một liên quan mật thiết với ánh trăng. Đi trên con đường quê nhỏ, tôi chợt cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống gần gũi và bình dị hơn những gì mình tìm kiếm.
Ông Krisnamurti nói rằng, một đứa bé từ khi được người lớn dạy cho biết về một đóa hoa, nó sẽ không bao giờ còn thật sự nhìn thấy đóa hoa nữa. Bạn có nghĩ vậy không, những cái “biết” của ta có thể làm ngăn ngại cho cái thấy của mình rất nhiều. Và nếu như ta nghĩ mình đã “biết” ánh trăng rồi, thì có lẽ ta sẽ không còn thật sự nhìn thấy được ánh trăng nữa…
Nhưng làm sao để ta có thể nhìn thấy lại được ánh trăng nguyên sơ bạn nhỉ? Trong nhà thiền chúng ta thường nghe nói về chánh niệm, mindfulness, như là một sự thực tập giúp ta tiếp xúc với thực tại, nhìn thấy được những gì đang thật sự có mặt trong giây phút này.

Biết mình đang làm gì, đó là chánh niệm?

Nhưng chánh niệm là gì ? Có phải khi ta nhìn một ánh trăng và biết đó là ánh trăng, khi ta làm gì và biết là mình đang làm việc ấy, thì đó là chánh niệm chăng? Nếu vậy thì cũng đâu có gì là khó phải không bạn, vì có ai mà lại không biết là mình đang làm gì đâu: tôi biết mình đang đi, tôi biết là ta đang ngồi… Nhưng nếu nhìn sâu sắc ta sẽ thấy rằng, ta có thể đang ngồi đây nhưng tâm ta không hề có mặt ở nơi này, tuy ngồi đây với một người bạn nhưng ta có thể đang tiếc nuối hoặc lo nghĩ về một vấn đề xa xôi nào đó. Ta đang đi trên một con đường sỏi nhỏ, nhưng có thể những bước chân của mình cũng chơi vơi và bấp bênh như một chiếc lá khô trên mặt hồ gợn sóng. Ta có thể biết được những gì mình đang làm, nhưng ta vẫn không hề có mặt.
Có một bài thiền kệ cho bước chân chánh niệm, “Ý về muôn vạn nẻo. Thiền lộ tâm an nhiên. Từng bước gió mát dậy. Từng bước nở hoa sen.” Nếu như ta có chánh niệm về bước chân của mình thì con đường nào ta đi cũng là thiền lộ, mỗi bước chân sẽ làm nở một đóa hoa sen và khơi dậy làn gió mát. Bộ bộ thanh phong khởi.
Và tôi nghĩ, muốn được như vậy chánh niệm phải có một năng lượng giúp ta dừng lại, khiến tâm mình ngừng dong ruổi và trở về có mặt ở nơi này. Tâm ta có thể ví như nước trong một tách trà. Khi cầm tách trà trên tay, nước bên trong bị xao động, lao chao. Nhưng nếu ta đặt tách trà xuống một mặt bàn, nó sẽ trở nên tĩnh lặng. Và trong tách trà nhỏ bé lặng yên ấy ta có thể thấy được trọn vẹn một ánh trăng trong sáng.
Và bạn biết không, hơi thở có ý thức, mindful breathing, chính là chiếc bàn để ta đặt tách trà của mình xuống cho nó bớt xáo động. Hơi thở ý thức sẽ chế tác được năng lượng của chánh niệm, của sự dừng lại, nó là chiếc neo giữ cho con thuyền của chúng ta khỏi bị trôi dạt bấp bênh theo những con sóng của lo âu, muộn phiền. Hơi thở sẽ mang tâm ý đang lang thang ở muôn vạn nẻo trở về an trú lại nơi này.

Chất liệu nhiệm mầu của hơi thở

Trong nhà thiền, hơi thở có ý thức là một chìa khóa nhiệm mầu mở cánh cửa dẫn ta bước vào thực tại. Hơi thở ý thức giúp chúng ta an trú trong hiện tại: ta có mặt trong giờ phút này, nhưng không bị những gì đang xảy ra chi phối và xô đẩy.
Tôi nghĩ, hơi thở có ý thức là một yếu tố rất quan trọng trong thiền tập, và cũng là nền tảng của chánh niệm, vì những yếu tố sau đây,
Hơi thở là sự sống. Sự sống của ta bắt đầu với hơi thở và cũng sẽ chấm dứt bằng một hơi thở. Khi ta tiếp xúc với hơi thở là ta đang tiếp xúc với chính sự sống của mình, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả chỉ là một tiến trình biến đổi, không ngừng nghỉ. Hơi thở đến và đi, tiếp nối nhau như những vòng xoay tự nhiên của cuộc đời. Không có gì để ta mong cầu và nắm bắt, cũng không có gì để ta ghét bỏ và xua đuổi. Mọi việc tự đến và tự đi theo điều kiện tự nhiên của nó.
Hơi thở lúc nào cũng có mặt. Ta đang làm gì, ở đâu, trong bất cứ một hoàn cảnh hay tâm trạng nào: buồn vui, được mất, hạnh phúc hay thất vọng… hơi thở bao giờ cũng có mặt với ta. Ta có thể trở về tiếp xúc với hơi thở của mình bất cứ lúc nào ta muốn. Chiếc bàn lúc nào cũng có mặt cạnh bên, để ta đặt tách trà của mình xuống cho nó được trở lại an ổn và tĩnh lặng.
Hơi thở mang ta trở về với bây giờ và ở đây. Mỗi khi bạn ý thức đến hơi thở của mình, chắc chắn là bạn phải đang có mặt trong bây giờ và ở đây. Vì hơi thở không thể nào có mặt trong một không gian hay thời gian nào khác hơn là giây phút hiện tại này. Trong nhà Thiền có câu “Bước trên thật địa, thở giữa chân không”. Nếu trong mỗi bước chân ta có một hơi thở ý thức đi kèm theo, bước chân của ta sẽ trở nên vững chãi hơn, vì mình đang thật sự có mặt ở nơi này. Hơi thở sẽ mang ta trở về, giúp ta tiếp xúc được với “thật địa” ngay dưới bàn chân mình trong giây phút này.
Chế tác năng lượng tĩnh lặng. Một hơi thở nhẹ nhàng và tự nhiên sẽ mang lại cho ta một năng lượng tĩnh lặng. Nó giúp ta dừng lại và trở về với giờ phút hiện tại, nhưng không để những gì đang xảy ra lôi cuốn mình đi. Trong một ngày mưa to gió lớn, nhìn một thân cây với cành lá nghiêng ngã, ta có thể lo sợ cây sẽ bị ngã đổ. Tuy ở bên trên cành lá có bị gió xô đẩy ngã nghiêng, nhưng ta biết rằng cây đó sẽ đứng vững giữa cơn giông, vì nó có rễ ăn sâu trong lòng đất. Rễ ấy chính là sự thực tập trở về nương tựa vào hơi thở ý thức của mình. Mỗi khi có một bất an, bạn hãy thở vào một hơi thở có ý thức tự nhiên, nhẹ và sâu, bạn sẽ thấy lưng mình thẳng lên, thân trở nên vững vàng và tâm cũng được trở nên an nhẹ.
Hơi thở là cây cầu nối liền giữa thân và tâm. Hơi thở tuy thuộc về lãnh vực của thân nhưng nó cũng phản ảnh và biểu lộ rõ rệt những trạng thái tâm lý của mình. Mỗi khi sợ hãi, hơi thở ta trở nên gấp và nhanh, khi ta giận hơi thở ta nặng nề và ngắn, khi an vui hơi thở ta nhẹ nhàng, và khi ta nghỉ ngơi hơi thở sẽ trở nên sâu dài. Và ngược lại cũng thế, hơi thở ta cũng có ảnh hưởng mật thiết đến những trạng thái tâm thức của mình. Những lúc sợ hãi, lo âu, tức giận… nếu như ta biết trở về và làm an nhẹ hơi thở của mình, thân ta sẽ được buông thư và tâm ta cũng sẽ trở nên an nhiên hơn.
Hơi thở ý thức giúp ta chế tác được năng lượng của chánh niệm và tĩnh lặng. Khi có hơi thở ý thức đi kèm theo những việc mình làm, ta sẽ thấy rõ được những gì đang thật sự xảy ra, nhưng không để bị chúng lôi cuốn theo. Nó giúp ta dừng lại và thấy rằng, trước những hoàn cảnh khó khăn, ta bao giờ cũng có nhiều sự chọn lựa hơn mình nghĩ.

Ánh trăng trong trang kinh xưa
Bạn có thấy được một ánh trăng trong những trang kinh xưa? Có một đêm sau thời ngồi thiền, tôi thấy một vầng trăng thật sáng nằm yên sau những cành lá bên ngoài khung cửa sổ, lại nhớ đến câu thơ của thầy Huyền Không:

Tọa Thiền đâu thấy bơ vơ
Lang thang từ thuở bao giờ hay chăng?
Đêm rằm ta hỏi ánh trăng
Ngàn năm về trước đã từng chiếu ai?


Trăng đêm nay cũng cùng là một ánh trăng đã từng chiếu cho ai đó dưới gốc cây bồ đề hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, chưa bao giờ đổi thay. Tôi bước nhẹ đến bên cửa sổ, nhìn xuống một vườn sân vắng nằm yên lặng tràn ngập dưới ánh trăng:

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thiền quyên.

Nguyễn Du

Trăng khuya tràn ngập vườn sân vắng
Nguyên sơ trăng vẫn sáng như thuở nào.


Với hơi thở ý thức, nhìn ánh trăng ấy bạn có thấy nó vẫn trong sáng nguyên vẹn một màu nguyên sơ như thuở nào…

Nguyễn Duy Nhiên





Mặt trăng thường xuất hiện trong các câu chuyện nhà thiền và văn học nơi nó vẫn thường biểu tượng của sự giác ngộ .Thầy Taizan Maezumi Roshi của trung tâm Phật giáo thiền định ở Los Angeles vẫn thường nói về vầng trăng mờ ảo của giác ngộ với hàm ý sự giác ngộ hoàn hảo . Đó là một khái niệm thiền học .
Với "vầng trăng trong hạt sương" của Dogen là biểu tượng của sự giác ngộ khi mặt trăng phản ánh trên mặt nước . Mặt trăng không bị làm ướt và nước không bị vỡ tan . Mặc dù ánh sáng của nó to và rộng, mặt trăng vẫn phản ánh trên cả một vệt nước chỉ rộng một inch . Cả mặt trăng và bầu trời được phản chiếu trên những giọt sương trên cỏ và ngay cả trên một giọt nước mà thôi .
Sự giác ngộ không phân chia bạn như mặt trăng không hề phá vỡ mặt nước. Bạn không thể che dấu sự giác ngộ cũng như một giọt nước không thể che dấu mặt trăng trên bầu trời .
Chiều sâu của giọt nước là chiều cao của mặt trăng. Mỗi sự tương phản thường dài hay ngắn, sâu hay rộng thể hiện sự giới hạn của mặt trăng trên bầu trời .
Có một câu chuyện thiền nổi tiếng về một ni cô tên là Chiyono đã đấu tranh trong nhiều năm để nhận ra sự giác ngộ . Một đêm, cô đổ đầy nước vào cái thùng bằng tre và quan sát sự phản chiếu của mặt trăng trong chiếc thùng . Sau đó, cái thùng bị vỡ và Chinono đã nhận ra sự giác ngộ . Cô viết bài thơ:

Đột nhiên đáy thùng vỡ ra
Không còn nước nữa
Không còn ánh trăng trong nước
Tay tôi trống không.


Một câu chuyện nhà thiền khác về thầy Ryokan (1758-1831) sống nhiều năm ẩn tu và không có gì ngoài chiếc y bát . Một đêm, cái cốc của thầy đón chào một tên cướp . Thay vì chống đối, Ryokan khăng khăng kêu tên cướp cứ lấy mọi thứ mà Ngài có. Sáng hôm sau, các đệ tử thấy Ngài ngồi trần trụi, vui vẻ trong căn lều trống. Bài thơ của Ryokan là:

Tên cướp đã để lại sau lưng
Vầng trăng
Bên khung cửa sổ của tôi.


Ánh Thái Dương dịch (Theo Buddhism)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét