Tái sinh - Ý nghĩa của sự giác ngộ.

 Tái sinh

Câu hỏi: Dưới cái nhìn của Đạo Phật, nếu không có cái ngã hay một linh hồn bất tử, thì ai hay cái gì sẽ được tái sinh? Ai hay cái gì sẽ nhận hậu quả của những hành động tốt hay xấu?

Trả lời: Thật ra trong ý nghĩa tận cùng và sâu xa nhất của vấn đề, sẽ không có người nào được tái sinh hay thọ nhận kết quả của việc mình làm. Cái được tái sinh chính là tham ái được liên tục tái diễn. Vì vô minh, tham ái phát sinh, và tham ái cho chúng ta cảm tưởng là có một người nào đó đang gặp khó khăn, một người nào đó đang phiền não và khổ sở.
Vì những tham ái nầy mà chúng ta nghĩ rằng đời sống phải là cái gì khác hơn cái hiện tại. Tiến trình tái sinh không thuộc về ai cả; nó chỉ là tiến trình của những điều kiện có liên hệ nhân quả với nhau.
Với chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng kết quả của sự sinh ra trong cõi đời nầy và những việc làm quá khứ là như thế đó. Và nếu bạn liên tục chính niệm về điều nầy, bạn sẽ không tạo ra điều kiện để cho một người nào đó được tái sinh. Bạn sẽ không còn ảo tưởng là có một người nào đó đang thọ nhận một cái gì đó, đang trở thành một cái gì đó, hay bị trừng phạt vì một lỗi lầm nào đó. Chỉ có giây phút hiện tại là kết quả của việc làm trong quá khứ. Khi không còn vô minh, chúng ta sẽ không còn khổ đau trong những điều kiện hiện tại. Đây là điều rất khó hiểu nếu chỉ nhìn nó từ quan điểm cá nhân. Vì thế, Đạo Phật bình dân dạy chúng ta rất đơn giản: nếu làm điều tốt, bạn sẽ nhận quả tốt; nếu làm điều xấu, bạn sẽ nhận quả xấu. Đây là cách nói quy ước của xã hội đời thường.
Nhưng khi bạn tiếp tục hành thiền và hiểu biết giáo pháp ngày càng sâu sắc hơn, bạn sẽ ý thức nhiều hơn về bản chất của vạn pháp. Và rồi, bạn sẽ thấy là việc nhận quả xấu hay tốt không còn ý nghĩa nữa. Ở giai đoạn nầy, sẽ không còn vấn đề tốt hay xấu. Khi có đủ duyên, bạn sẽ làm điều tốt, nhưng động cơ làm không còn xuất phát từ tư tưởng là bạn sẽ gặt một quả nào đó từ một việc làm nào đó. Và bạn sẽ không thích làm điều tội lỗi nữa, vì những gì xấu xa và tội lỗi chỉ hấp dẩn lôi cuốn khi con người vẫn còn ảo tưởng về cái ngã. Khi ảo tưởng về cái ngã không còn nữa thì vấn đề cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ làm những việc thiện và tốt đẹp, nhưng bạn làm vì đó là điều đúng đắn cần làm. Bạn không làm gì lợi lộc hay phần thưởng cá nhân nào hết.

Câu hỏi: Nếu thế thì có phải Sư muốn nói là đối với người có trí tuệ, làm điều tốt là cái gì rất tự nhiên? Có phải sẽ không còn cảm giác là chúng ta phải làm điều tốt -- làm việc tốt là một phản ứng tự nhiên trong mọi hoàn cảnh không?


Trả lời: Vâng, đó là phản ứng tự nhiên trái ngược lại với phản ứng bốc đồng bị thôi thúc bởi vô minh.Không có trí tuệ, chúng ta sẽ chỉ có những thôi thúc tâm lý mà chúng ta chiều theo hoặc tìm cách ức chế. Có trí tuệ, chúng ta sẽ có thái độ hồn nhiên đối với cuộc sống xuất phát từ cái tâm thanh tịnh và phủ trùm vạn pháp, thay vì từ một ý tưởng cá nhân của một người cố gắng làm điều tốt chỉ vì lo sợ sẽ bị trừng phạt vì đã làm điều tội lỗi.

Ý nghĩa của sự giác ngộ.
Câu hỏiXin Sư giải thích ý nghĩa của sự giác ngộ.

Trả lời: Giác ngộ không là gì khác hơn là sự lớn lên và trở thành một con người thuần thục và trưởng thành. Công phu hoàn thiện cái nghiệp làm người sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ. Giác ngộ là trở thành một người thuần thục, có trách nhiệm và quân bình, một người có đạo đức và trí tuệ, không còn chạy đi tìm "một chỗ dựa tình thương nào khác bên ngoài mình."
Nhiều người trong chúng ta không có tình yêu, nên chúng ta muốn thay thế bằng tình yêu của Chúa. Họ nói, "Tôi tin Chúa vì Chúa thương tôi. Không ai thương tôi hết, chỉ có Chúa mới thương tôi." Nhưng điều nầy thể hiện sự thiếu trưởng thành -- họ vẫn khát vọng một tình yêu từ bên ngoài -- từ một người nào đó ngoài mình. Một người giác ngộ không cần tình yêu của Chúa hay của một người khác. Được người khác yêu thương là một điều tốt nhưng không phải là điều cần thiết.
Giác ngộ là cái gì rất thực tế; đó là cái mà ai cũng có thể thực hiện được. Tất cả chúng ta đều có thể tiến đến trạng thái tỉnh giác. Và khi có tâm tỉnh giác, quân bình, và trí tuệ, chúng ta đều có thể thương yêu. Đó là quá trình trưởng thành của con người. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ thương yêu người khác một cách tự nhiên. Tình thương chính là ánh sáng tự nhiên của trí tuệ.

HƯỚNG VỀ CẢNH GIỚI BẤT TỬ

Chúng ta thường nói đến việc Thực hành giáo Pháp, nhưng ý nghĩa thật sự của việc nầy là như thế nào? Thực hành giáo Pháp là quá trình quán tưởng liên tục và quá trình nhắc nhở chúng ta liên tục tỉnh giác và chánh niệm về sự thật như nó đang diễn biến và hiển lộ trong giây phút hiện tại. Thực hành giáo Pháp là mở rộng tâm thức để hướng đến và nhận chân được thực tại như nó đang phơi bày trong giây phút hiện tại. Thí dụ như bây giờ, nếu tôi bước vào phòng nầy với một thành kiến nào đó, thành kiến nầy có thể xuất phát từ sự sân hận nào đó, tôi sẽ không còn khả năng hiểu được thực tại. Tâm tôi sẽ mờ mịt và bị ám ảnh bởi sự giận dữ. Nhưng nếu tôi ý thức là tôi đang giận dữ, là tôi đang bị một tình cảm mãnh liệt chế ngự, thậm chí chỉ biết đến mức đó thôi, thì ngay lúc ấy, tôi đã nhận ra được là tâm giận dữ này chỉ là một điều kiện, một duyên, đang được thiết lập trong tâm tôi. Từ đó, sức mạnh của sự chấp trước và dính mắc trong tôi yếu đi; trong tôi đã có một chút ít buông bỏ. Và ngay cả nếu tôi lại tiếp tục giận dữ, ngay giây phút mà tôi biết rằng tôi bị cơn giận chi phối trở lại, cơn giận lại một lần nữa bị chọc thủng. Nói khác đi, khi tình cảm giận dữ không được tiếp sức và hỗ trợ, nó sẽ yếu đi.Do đó, khi tôi càng quán tưởng về cơn giận, xung lực giận dữ của tôi sẽ giảm và yếu dần.
Nếu chúng ta thành tâm cố gắng buông bỏ, ngay cả chỉ buông bỏ một phần rất nhỏ nhiệm, chúng ta sẽ ngày càng tự chủ hơn, không bị lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, vào sức mạnh của thói quen, vào chu kỳ sinh tử, vào vòng luân hồi. Rồi chúng ta sẽ hướng về sự bất tử, về sự chứng ngộ Niết Bàn. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục chìm đắm trong phiền não và để cho phiền não làm chủ và sai khiến, chúng ta sẽ càng mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
Khi trở thành nô lệ của phiền não, chúng ta sẽ bị trôi dạt và xô đẩy không ngừng, mãi cho đến khi chúng ta chợt nhận ra rằng chúng ta đang bị giam cầm trong nhà tù sinh tử. Giây phút nhận chân được thân phận trôi giạt trong luân hồi sinh tử cũng là giây phút mà tâm chúng ta hướng về cõi bất tử. Tâm chánh niệm và sự chứng ngộ sẽ bắt đầu xuất hiện. Và cho dù sự xuất hiện đó chỉ là một tia chớp lóe lên rồi tắt lịm, đó cũng là sự chứng ngộ Niết Bàn. Dĩ nhiên, tham ái dục lạc ngũ trần trong chúng ta vẫn còn rất mạnh và sẽ tiếp tục chế ngự chúng ta và chúng ta sẽ lại cảm thấy tội lỗi, bực bội, chán nản, phiền muộn. Tình trạng phiền não nầy sẽ tiếp tục và tiếp tục cho đến một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra là mình vẫn còn trôi lăn trong luân hồi sinh tử, và lúc đó, chúng ta lại một lần nữa chứng ngộ được giây phút tự do và giải thoát. Sở dĩ chúng ta bị phiền não chế ngự là vì chúng ta cho rằng phiền não, cùng với những hệ quả của nó, là có thật và thường hằng. Và khi chúng ta càng muốn chống lại và xóa bỏ những phiền não cùng với những mặc cảm tội lỗi, thì những phiền não của chúng ta lại càng trở nên trầm trọng và nhân lên gắp bội. Thế là một chu kỳ sinh tử trầm luân mới lại bắt đầu.
Sau khi đã trải qua bao năm tháng sống trong cuộc đời nầy, đôi khi chúng ta có cảm tưởng là chúng ta đã không thành đạt được gì cả hay thậm chí chẳng thay đổi chút nào. Nhưng rồi, chúng ta chợt nhận ra rằng, ngay cả những lúc bị chìm đắm trong đau khổ, bằng cách nào đó, chúng ta cũng đã vượt qua khổ đau và ngày càng vượt qua khổ đau một cách hữu hiệu hơn. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã không bị giam hãm, tối mắt, và hoàn toàn bất lực trước sự công phá của tham ái và sợ hãi. Dần dần, chúng ta thấy rằng, Samsara, hay luân hồi sinh tử, hay ý thức của giác quan (sensory consciousness), chỉ là một sự chuyển động, sự vận hành, sự rung động, là một cái gì đó luôn thay đổi không có thực chất và bản chất của nó là vô thường. Chúng ta không thể nắm bắt nó và nói, "Nó đây rồi," nhưng chúng ta có thể quán sát nó.
Chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi vật đều diễn biến theo cách của nó. Nó không có tên gọi ngoại trừ cái tên mà chúng ta đặt cho nó. Chúng ta chính là người đặt tên cho nó; chúng ta cho nó một giá trị. Chúng ta cho cái nầy là tốt, cái kia là xấu, nhưng tự nó, sự vật chỉ là sự vật như chính nó. Nó không phải là cái gì tuyệt đối; nó chỉ là nó. Con người chỉ là con người, thế thôi. Chúng ta có thể đặt tên và mô tả con người. Chúng ta có thể lấy quyết định là thích hay không thích, chạy theo hay chống lại con người. Đó là những gì mà chúng ta thêm vào hay dự phóng dựa trên những thói quen, lo âu sợ hãi, và khát vọng của chúng ta. Chính vì thế mà việc quan sát mọi vật như chính nó ngay trong giây phút hiện tại là cực kỳ quan trọng. Chính nhờ kinh nghiệm quán sát nầy mà chúng ta có thể thấy và biết được những gì mà chúng ta đặt tên hay áp đặt cái nhìn của chúng ta trên đó.
Thân thể vật chất nầy của tôi là như thế đó. Sau khi được sinh ra và qua một thời gian sống mấy chục năm, nó trở thành già nua như thế đó. Nhưng tôi lại bắt đầu suy ngẫm về nó và nảy ra những tư tưởng như tôi không thích nó, tôi thích nó, tôi mong nó khác đi, tôi mong nó trẻ hơn một chút… Tôi có thể tạo đủ loại quan điểm và ý kiến về thân thể vật chất của tôi, nhưng thân thể nầy vẫn cứ là nó. Nó có những cảm giác như vậy. Nó có dáng dấp như vậy. Đó chính là thực tại, là chân như. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không ý thức về cái đẹp và cái xấu của cơ thể; nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ không tác động trên cơ thể của chúng ta hay tạo tác một cái gì đó về nó. Chúng ta có thể ý thức, thấy và biết cơ thể nầy là không hoàn hảo nhưng chúng ta không biến sự không hoàn hảo nầy thành một vấn đề. Tóm lại, tâm chúng ta sẵn sàng mở rộng, từ ái đón chào, tiếp thu và chấp nhận nó như chính nó mà thôi.

CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ

Chúng ta có thể tìm thấy con đường thoát khổ bằng cách sống hòa nhập với cuộc đời như nó đang diễn biến và sẵn sàng từ ái tiếp nhận cuộc đời như chính nó. Chúng ta sẽ không tìm được con đường thoát khổ bằng cách trốn đời và tránh né những hiểm nguy và bất an của cuộc sống. Người đời thường cho là các tu sĩ như chúng tôi đang trốn chạy cuộc đời vì chúng tôi không thể trực diện với cuộc đời. Nhưng thật ra, chúng tôi đang sống thật với thế gian nầy bằng cách mở rộng tâm thức của mình để từ ái đón nhận và tiếp thu toàn bộ cuộc đời. Qua việc thực hành giáo pháp, chúng tôi cảm thấy thoải mái khi được sống với mọi vật như nó đang diễn biến, thay vì luôn phải bám víu, chấp thủ, chống lại, hay bát bỏ nó. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu và an lạc bằng cách hòa nhập với cuộc đời như nó đang hiện hữu, thay vì tìm cách toan tính và dàn xếp mọi việc theo những quan điểm và ý kiến đặc thù có sẵn nào đó.
Thí dụ như tôi đặt câu hỏi, "Bạn sẽ làm gì nếu bạn bị nhốt trong một căn phòng nhỏ chung với một con rắn độc và con rắn nầy đang giận dữ?" Bạn có thể tìm cách giết con rắn độc để cứu mình. Nếu là một Phật tử và đã thọ giới không sát sanh, bạn có thể cảm thấy là mình không nên giết con rắn. Trước một vấn đề có tính cách giả thiết nầy, bạn có thể bị giao động và chao đảo, khi thì nghiêng về quyết định nầy khi thì nghiêng về quyết định kia. Nhưng trong hoàn cảnh khẩn trương như trên, dĩ nhiên bạn sẽ không có thì giờ để suy tính cặn kẽ là mình phải làm gì: lúc đó bạn phải dựa vào bản năng của mình. Bạn không thể tính toán trước được.
Có người đã hỏi tôi, nếu có một người điên đang tìm cách tấn công và hãm hại mẹ tôi, tôi có giết ông ta không? Nếu là người có lập trường bất bạo động (conscientious objector), tôi sẽ trả lời, "Tôi chỉ biết cầu nguyện thôi." Và người đó sẽ nói, "Ông muốn nói là ông sẽ để cho người điên đó cầm dao đâm vào người mẹ già, ốm yếu và đáng thương của ông?" Nhưng nếu người điên đó tấn công mẹ tôi, và lúcđó tôi đang có mặt ở đó, tôi tin là cái trí tuệ ngay chính giây phút đó sẽ hướng dẫn tôi ứng xử một cách đúng đắn. Tôi không thể nói là tôi sẽ làm gì vì tôi không biết được tất cả những yếu tố có thể tác động đến hoàn cảnh đó. Có thể lúc đó mẹ tôi sẽ bị nhồi máu cơ tim mà chết ngay, hay cũng có thể người điên đó bị mắc chứng động kinh và không thể tấn công mẹ tôi. Hay cũng có thể, người điên đó bất kỳ xuất ý nghĩ rằng, "Ta không thể hãm hại cụ già ốm yếu đáng thương nầy được. Con trai của bà đang đứng bên kia là một người bất bạo động, và vì thế, anh ta không thể đứng ra bảo vệ cho bà được." Hay cũng có thể, mẹ tôi đã từng là một võ công karate chuyên nghiệp, bà sẽ dùng võ công để chặt tên điên nầy thành hai mảnh. Hay cũng có thể nhân viên an ninh sẽ đến để cứu bà. Ai biết có thể được những gì có thể xảy ra -- điện thoại có thể reo hay cái chụp đèn trên trần nhà có thể rớt trúng đầu tên điên đó. Nếu chúng ta cứ suy đoán mãi thì đây là những gì có thể xảy ra phải không các bạn? Chúng ta có thể tiếp tục tưởng tượng tất cả những gì có thể xảy ra trong lúc đó, nhưng điều mà chúng ta có thể nói được là chúng ta không biết chắc những gì sẽ xảy ra. Hiện tại, chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì vì tất cả những điều kiện trên đều không có mặt. Nhưng chúng ta có thể biết những gì đang diễn tiến trong giây phút hiện tại, phải không các bạn? Chúng ta có thể mở rộng tâm thức để tiếp nhận thực tại ngay trong giây phút nầy mà không cần dựa vào một lập trường hay quan điểm nào hết.

CHỨNG NGỘ NIẾT BÀN

Trong nhiều giới nghiên cứu, Nibbana hay Niết Bàn (tiếng Phạn là Nirvana) thường được dùng để mô tả trạng thái xuất thần, nhập định, nhẹ nhàng và ngây ngất giống như trên thiên đường. Nhưng thật ra, từ Niết Bàn có nghĩa là "cái không bị giới hạn bởi những điều kiện của sự sanh và sự chết." Niết Bàn là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ. Khi thật sự tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ không còn nhu cầu, không còn khuynh hướng đồng hóa hay bám víu vào thân thể hay tâm thức -- thân và tâm chỉ tồn tại như vậy, thế thôi. Đây không phải là sự chối bỏ hay triệt tiêu thân và tâm, nhưng đó là cái thấy và biết thân và tâm chỉ như là thân và tâm mà thôi. Thân và tâm sinh rồi diệt; thân và tâm bắt đầu rồi chấm dứt, thế thôi.
Cái quán sát thanh tịnh đó, cái tỉnh giác của tâm thức đó -- hay nói khác đi, sự chứng ngộ Niết Bàn -- không phải là cái gì xa xôi cả. Nó không phải là cái gì nằm ngoài khả năng của bất cứ ai trong chúng ta. Nếu bạn cho là bạn không làm được việc nầy, dĩ nhiên bạn sẽ hành động và xử lý theo tư tưởng đó, và vì thế bạn sẽ không bao giờ chứng ngộ được. Nhưng Đức Phật đã khẳng định rằng giáo pháp của Ngài dành cho con người, cho những người có trách nhiệm đạo đức; cho những người có trí thông minh. Như thế thì bạn có phải là một trong những người nầy không? Nếu không thì có lẽ bạn nên cố gắng tu tập để trở thành tốt hơn -- không lẽ bạn cứ sống mãi như một người dễ duôi và buông lung trong cuộc đời nầy.
Do đó, Biết bàn không phải là một cảnh giới siêu nhiên và xuất trần ở trên trời cao, hay ở trong một không gian xa xôi nào đó, hay ở trong kiếp sau. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy thực tại như nó đang xảy ra ngay bây giờ, thấy những gì mà mỗi người chúng ta đều có thể biết và nhận thức trong khả năng giới hạn của mình, ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn nên phát huy khả năng quán tưởng và nhìn thẳng vào thực chất của các pháp ngay tại đây và ngay bây giờ, để bạn có thể thật sự hiểu được chân lý, thay vì cứ suy đoán về chân lý -- hoặc đoán mò, hoặc tin, hoặc không tin. Bạn có thể bắt đầu quán tưởng và nhìn xuyên qua các pháp với đôi mắt trí tuệ, thể nghiệm được sự giải thoát và tự do bằng cách buông bỏ tất cả.


Trích: Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch