NGẮM NHÌN TĨNH TẠI - Ai cũng có thể Thương Yêu

Quyển Ngắm Nhìn Tĩnh Tại gồm những bài viết chia sẻ về kinh nghiệm thiền tập. Sách được chia ra làm 4 phần: Buông xả, Có mặt, Tỉnh giác  Hiểu thương, mỗi như một bước chân nhỏ trên con đường trở về nhà.
1.  Buông xả. Đây là bước đầu của sự trở vềBuông xả ở đây là buông xả cái tâm mong cầu, nắm bắt vào một hạnh phúc hoặc ôm giữ một khổ đau nào đó của mình. Buông xả không có nghĩa là buông lung hoặc cố gắng làm một điều gì đó đặc biệt, mà là một thái độ của tâm biết quay về trọn vẹn trong sáng với những gì đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên như mây bay trên đầu núi.
Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay
(Viên Minh)
2.   Có mặt. Khi ta buông xả những kỳ vọng của mình, tự nhiên ta sẽ có mặt với bây giờ và ở đây một cách trọn vẹn, thấy được những gì xảy ra như nó đang là. Sự có mặt trọn vẹn này không phải do một sự nổ lực hay cố gắng nào, mà chỉ là cảm nhận những gì đang xảy ra một cách tự nhiên, không cố gắng, không mong cầu gì khác. Và trong giây phút này có thể đó là một sự an vui, một niềm hạnh phúc, và cũng có thể đó là những lo âu hay phiền muộn. Nhưng nếu như ta biết sống hoàn toàn với thực tại ấy, như nó đang là, thì đó cũng vẫn là một sự hoàn hảo tự nhiên.
Trăng vô sự,
Chiếu soi người vô sự.
Nước làn thu,
Chứa cả một trời thu
(Trần Thánh Tông)
3.   Tỉnh giác. Và khi ta có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, ta sẽ tỉnh giác thấy rõ được mọi việcđang xảy ra theo sự vận hành, đến đi tự nhiên của nó. Tuệ giác này không phải do một sự tìm kiếm nào của ta mà do sự buông xả và có mặt của mình. Vấn đề không phải là sửa đổi hay chấp nhận những gì xảy ra, mà là thấy rõ. Đôi khi những khổ đau, những khó khăn, sóng gió trong cuộc sống cũng là cần thiết, chúng giúp ta buông bỏ đi những nổ lực, cố gắng của bản ngã để thấy lại được sự trong sáng sẵn có ngay trong ta,

Cánh đồng trời
Nếu không có gió
Thổi tan mây mù
Thì trăng đâu thể
Vượt triền núi cao
(Kikigakishu)
4.   Hiểu thương.  Bao dung và từ ái phát xuất từ một sự hiểu và thương. Và thái độ từ ái ấy không phải chỉ giới hạn trong thiền tập, mà còn là một phương cách sống của ta nữa. Hãy mở rộng và bao dunglắng nghe những gì đang xảy ra, với một tâm không thành kiến, không phán xét. Được như vậy thì dù trên tọa cụ hay đi giữa cuộc đời, trong hoàn cảnh nào ta cũng sẽ có thể lắng nghe được nhau, giúp làm vơi bớt đi những khổ đau không cần thiết.
Vì vậy, xin bạn hãy lặng thinh
chỉ cần lắng nghe thôi.
Và nếu như bạn có gì cần muốn nói
xin cho tôi một vài phút
tôi hứa,
đến phiên bạn
sẽ lắng nghe với trọn một tấm lòng
Tóm lạicon đường trở về của ta bắt đầu với một bước chân thong dongbuông xả tự nhiên. Sự buông xả sẽ mang ta trở về có mặt với bây giờ và ở đây. Và khi ta có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, như nó đang là, ta sẽ thấy rằng mọi việc đều đến và đi theo luật nhân quả tự nhiên của nó. Và tuệ giácấy sẽ làm phát sinh trong ta một tình thương lớn.
    Tuy sách có bốn phần nhưng bạn không cần phải đọc chúng theo một thứ tự nào hết, vì mỗi bài như một giọt sương buổi sáng, một tờ lá, một tia nắng, một hạt bụi, một áng mây chiều… đều là những hình ảnhkinh nghiệm khác nhau của cùng chung một thực tại. Tất cả cũng để chỉ nhắc nhở ta rằng, thật ra mình chẳng cần phải đi tìm kiếm một nơi nào xa xôi khác, mà cũng không cần phải trở về, vì quê nhà xưa nay cũng vẫn là đây.

Mời đọc "Ai cũng có thể Thương Yêu" trích trong quyển "Ngắm nhìn tĩnh tại"


Ai cũng có thể Thương Yêu

Tất cả chúng ta ai cũng có một khả năng thương yêu. Nó có sẵn trong mỗi người chúng ta. Nhưng đôi khi vì những che lấp của một cái thấy sai lầm, của thành kiến, của văn hóa, xả hội mà khả năng thương yêu ấy lại bị giới hạn đi rất nhiều. Chúng ta chỉ thương yêu những gì hợp và gần gũi với mình, những gì mang lại cho ta niềm vui, hạnh phúc. Còn đối với những cái khác, ta trở nên dững dưng hoặc loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của mình.
  Trong đạo Phật tâm từ, metta, là một năng lượng giúp ta mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm của cuộc sống, nó mang lại cho ta một tuệ giác lớn để tiếp nhận cuộc sống này một cách trọn vẹn hơn. Xin chia sẻ với bạn kinh nghiệm dưới đây của ông Joseph Goldstein, về khả năng thương yêu có sẵn trong mỗi người chúng ta.
Một bài học về tâm từ
Khi mới bắt đầu tập quán tâm từ, metta, có một kinh nghiệm này đã giúp tôi thấy rõ được tâm thức mình, cũng như cách tôi liên hệ với những người chung quanh.
    Lúc ấy, tôi được hướng dẫn thực tập ban rải tình thương của mình đến một người dưng, a neutral person, mặc dù lúc đó tôi cũng không hiểu rõ "người dưng" là như thế nào. Thầy của tôi, ngài Anagarika Munindra, chỉ nói rằng, tôi hãy chọn một người nào đó ở gần đây, người mà tôi không thương cũng không ghét.
    Lúc ấy tôi đang sống ở Ấn độ, và trong tu viện nhỏ nơi tôi trú ngụ có một ông lão làm vườn. Tôi gặp ông ta mỗi ngày, nhưng thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ gì về ông. Ông chỉ là một người mà tôi gặp mỗi khi đi ngang qua. Và tôi giật mình khi ý thức được rằng, có biết bao nhiêu người như vậy chung quanh tôi, những người mà tôi hoàn toàn không thương cũng không ghét. Khám phá đó tự nó cũng là một sự giác ngộ cho tôi rồi.
    Và rồi trong nhiều tuần liên tiếp, đều đặn mỗi ngày, trong lúc ngồi thiền tôi bắt đầu quán tưởng về ông lão làm vườn, và niệm thầm những câu như "Mong cho ông được an vui, mong cho ông được khoẻ mạnh, mong cho ông không bị khổ đau." Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy một sự ấm áp và thân thiện đối với ông lão, và mỗi khi tôi đi ngang ông con tim tôi mở rộng ra.
    Và đó cũng là một kinh nghiệm rất quan trọng trên con đường tu học của tôi. Tôi khám phá được rằng, cảm tình của tôi đối với một người nào đó đều hoàn toàntùy thuộc vào ở chính nơi mình, mà thật ra, nó không hề dính dáng gì đến người kia, đến thái độ của họ, hay hoàn cảnh chung quanh. Ông lão làm vườn trước sau vẫn vậy không thay đổi. Ông không hề đổi cách ông làm việc hay thái độ đối với tôi. Nhưng vì tôi có một cái nhìn mới, một thái độ mới, con tim tôi bắt đầu mở rộng ra với một sự cảm thông chân thành và quý mến.
    Và điều này cũng giúp tôi học được một bài học quan trọng về năng lượng của tâm từ. Vì tình thương này không hề tùy thuộc vào bất cứ một cá tính nào của người kia, nên nó sẽ không dễ biến đổi thành thù ghét, hờn giận hay là bực dọc, như là những loại tình thương còn điều kiện khác. Tình thương vô điều kiện này được phát xuất từ một con tim mở rộng.
Làm sao mở rộng con tim mình?
Chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được thứ tình thương này, nhưng có thể ta sợ hoặc nghĩ rằng nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của mình. Nhưng tâm từ, metta, không phải là những năng lực dành riêng cho các bậc như là Đạt Lai Lạt Ma, Mother Teresa, hoặc một hạng người cao xa nào đó. Chúng ta ai cũng có thể phát huy, và đều có khả năng thương yêu được hết.
    Làm sao ta có thể mở rộng con tim mình ra trước những khổ đau? 
    Có một sự thật rất đơn giản và sâu sắc là hạnh phúc chân thật không hề phát xuất từ sự gom góp, hoặc tích chứa cho nhiều những cảm giác vui thú. Bạn hãy thử nhìn lại cuộc đời mình đi! Những cảm giác dễ chịu, những sự kiện vui thích mà bạn đã kinh nghiệm, chúng có mang lại cho ta một hạnh phúc nào bền vững chăng? Chắc chắn là không, bởi vì tự chúng cũng không thể nào có mặt lâu dài được.
    Xả hội và văn hoá chúng ta lúc nào cũng cố tạo cho ta một niềm tin rằng hạnh phúc bắt nguồn từ những cảm giác vui thích của mình. Có lần tôi xem một trang quảng cáo thuốc lá, có hình của một đôi nam nữ rất đẹp đứng trong một khung cảnh như thiên đàng, với điếu thuốc trên tay. Bên dưới là dòng chữ "Không có gì ngăn trở được thú vui của tôi." Và đó không phải chỉ là lời quảng cáo cho thuốc lá mà thôi, thật ra nó có mặt khắp nơi trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Có được cái này và bạn sẽ có hạnh phúc, cảm nhận được cái kia thì bạn sẽ có một niềm vui.
    Một điều rất nguy hiểm là niềm tin này - hạnh phúc chỉ có thể phát xuất từ những cảm giác vui thích - sẽ khiến ta trở nên đóng kín với những gì mang lại cho ta sự khó chịu, bất an. Nhưng nếu ta đóng chặt con tim mình trước khổ đau, thì ta cũng tự lấp kín nguồn suối thương yêu của chính mình.
Biết tiếp nhận trọn vẹn tất cả
Tuệ giác của thiền tập sẽ giúp ta thấy rằng, hạnh phúc hoàn toàn không hề tùy thuộc vào những cảm giác dễ chịu. Nhưng nếu vậy thì hạnh phúc chân thật phát sinh từ đâu? Và đó cũng là một câu hỏi chính của thiền tập.
    Thiền tập là một nghệ thuật sống, một nghệ thuật tương quan với những gì có mặt trong ta và chung quanh ta. Mỗi khi ta có những cảm xúc như buồn hay vui, giận hờn hay thương yêu, sợ hãi hay can đảm… bao giờ cũng có rất nhiều cách khác nhau để ta quan hệ với chúng. Ta có bị vướng mắc không? Ta có nhận chúng là mình không? Tâm ta có rộng lớn đủ để tiếp nhận chúng không, hay đang bị chúng sai xử?
    Tâm ta cũng giống như một bầu trời rộng lớn, một không gian bao la. Mọi vật có thể khởi lên trong đó, nhưng không gian ấy vẫn không hề bị xao động. Với cái thấy trong sáng ấy, tâm ta có thể được như bầu trời, không hề bị lôi cuốn hay dính mắc vào một hiện tượng nào hết. Và với một tâm như vậy, chắc chắn ta sẽ ung dung được trong mọi hoàn cảnh, vì nó không hề bị thay đổi hay chi phối bởi những điều kiện chung quanh.
    Điều quan trọng ta cần nhớ là hãy thực tập tâm từ với một thái độ khéo léo. Có lúc ta cảm thấy thương yêu, và sẽ có lúc là không. Cũng có những lúc niềm đau nỗi khổ to lớn quá, ta cũng cần phải bước lui lại một chút, khép lại một chút, để mình không bị tràn ngập. Những lúc ấy, ta cần tạo cho mình một khoảng không gian để ta có thể lấy lại được sự quân bình và an ổn. Và với một năng lượng mới, ta lại có thể mở rộng con tim mình ra. Mỗi lần thực tập tâm từ là mỗi lần năng lượng thương yêu trong ta được lớn mạnh thêm.
Ý nghĩa của cuộc đời
Trong thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, vấn đề quan trọng không phải là ta có được một kinh nghiệm đặc biệt nào. Vấn đề quan trọng là ta tiếp nhận những gì xảy ra như thế nào! Nếu ta biết đối xử với chúng cho khôn khéo, cho dù bất cứ đó là gì, tâm ta sẽ mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm của cuộc sống. Và tuệ giác ấy sẽ nuôi dưỡng và làm lớn mạnh tâm từ trong ta.
   Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "Chúng ta chỉ là những người khách ghé thăm hành tinh này.  Chúng ta ở đây nhiều lắm thì cũng chín mươi, hoặc trăm năm là cùng.  Trong thời gian ấy, ta hãy gắng làm gì cho hữu ích, mang lại những gì là tốt lành cho cuộc đời bằng chính cuộc sống của mình.  Hãy tạo cho mình có một sự an lạc, và chia sẻ niềm an lạc ấy đến với người chung quanh. Và khi ta đóng góp được hạnh phúc cho kẻ khác, ta sẽ thấy được mục đích của cuộc đời này, ý nghĩa của cuộc sống này."
    Điều ấy rất là đơn giản. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời gian thật ngắn ngủi. Chúng ta có thể làm điều gì tốt lành với cuộc sống của mình không? Ta có thể tạo cho mình một niềm an lạc và san sẻ hạnh phúc ấy với người khác được chăng? Và khi ta đóng góp thêm cho hạnh phúc của kẻ khác ta sẽ thấy được mục đích và ý nghĩa của cuộc đời này. Công việc của ta thật ra chỉ là vậy thôi.

Trích trong "Ngắm nhìn tĩnh tại"