SỰ TRUYỀN THÔNG KHÔNG LỜI

"Phật tánh của thầy luôn luôn chiếu sáng từ thầy mặc dù thầy không thể tự thấy. Nó luôn luôn trong sáng và không có lượng bụi nào có thể vấy bẩn nó được... Con Đường vào cái Không Cùng nằm ở phía bên kia cái nhìn của thầy. Hãy nhìn vào bên trong để thấy Phật tánh của mình đang chiếu sáng!"


              SỰ TRUYỀN THÔNG KHÔNG LỜI


Theo sự thú nhận của Vĩnh Gia (Yong Jia) đã phí nhiều thời gian lên mặt triết gia, trí thức trước khi thử thiền pháp với Lục tổ Huệ Năng. "Lúc còn trẻ," ông nói, "tôi học rất nhiều kinh luận để cố hết sức phân biệt cho được Danh và Sắc. Dường như tôi cố làm công việc đếm cát trong đại dương. Tôi quên mất lời Phật dạy, "Người mà đếm ngọc của người khác có giàu hơn được không?" Thiền pháp thực giống y như thanh gươm của vua Vajra. Chỉ trong một nhát, nó có thể chém xuyên qua ảo tưởng để với tới Phật tánh.
Bất cứ khi nào tôi suy gẫm về những năm tu tập trước khi đạt được tiểu ngộ, là tôi nghĩ tới Thiền sư Thần Sơn (Shen Zan). Tất cả chúng ta đều học được rất nhiều từ vị thiền sư này. Thần Sơn có một vị thầy không may chưa đắc đạo. Người ta không thể cho những gì mà mình không có; và vì vậy, tay không, Thần Sơn rời vị thầy cũ của mình để sang học với thiền sư Bá Trượng (Bai Zhang). Bấy giờ, dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Bá Trượng, Thần Sơn đắc đạo và với lòng yêu kính, ông trở về thăm thầy cũ của mình. Vị sư già hỏi ông, "Con học được gì sau khi rời thầy?" Và vì đã giác ngộ, Thần Sơn thân mật trả lời, "Dạ không, tuyệt đối không có gì." Đối với vị sư già, đây là tin nửa ngọt bùi nửa cay đắng. Ông cảm thấy buồn vì đồ đệ của mình không học được gì, nhưng vui vì đồ đệ trở về lại với ông. "Nếu muốn, con có thể ở lại đây," Ông nói. Vì vậy Thần Sơn ở lại và hầu hạ thầy mình. Một hôm, nhân khi tắm, vị sư già bảo Thần Sơn kỳ cọ cái lưng cáu bẩn của mình. Khi Thần Sơn bắt đầu chà, ông nói, "Mấy cửa sổ bằng pha lê ở Phật đường của thầy trông buồn cười quá". Thầy ông không hiểu ông muốn nói gì, bèn hỏi, "Con giải thích cho thầy nghe ý con được không". Thần Sơn vừa tiếp tục chà sạch lớp ghét, vừa nói, "Mặc dầu thầy không thấy được bên trong, Phật tánh vẫn phát ra những tia sáng như thế." Câu trả lời làm ông thầy bối rối. Vài hôm sau, nhân khi ông thầy già ngồi dưới cửa sổ bằng giấy có chất sáp đọc một cuốn kinh, một con ong bỗng đâu bay vo ve quanh phòng; và con ong, bị thu hút bởi ánh sáng bên ngoài, cứ đâm sầm vào giấy cửa sổ, cố tìm cách thoát ra khỏi phòng. Thần Sơn nhìn con ong đang phí công, và nói, "Thì ra, mày muốn thoát ra ngoài để đi vào cái vô cùng của không gian! Nhưng mà, mày không thể làm được bằng cách đâm xuyên qua lớp giấy cũ kia..." Đoạn ông buông thỏng một câu, "Cửa thì mở nhưng con ong lại không chịu đi bằng ngả đó. Xem con ong cứ va đầu vào cửa sổ đóng chặt kìa. Con ong ngu ngốc kia! Tới khi nào nó mới hiểu được con Đường đã bị giấy chặn lại chứ?" Lúc bấy giờ chợt một tia sáng chập chờn xuyên vào óc vị thầy. Ông cảm nhận được ý nghĩa sâu xa trong lời nói của Thần Sơn. Ông kín đáo hỏi, "Con đi đã lâu. Con có chắc là con không học được gì khi còn ở xa chăng?" Thần Sơn cười và thú nhận, "Sau khi rời khỏi thầy, con theo học với thầy Bá Trượng. Qua thầy ấy con học được cách ngưng lại cái tâm phân biệt... Ngừng không đoán xét nữa... để vượt khỏi thế giới của bản ngã. Qua thầy ấy con đạt được thánh quả của giác ngộ." Bấy giờ, khi nghe xong những tin tức tuyệt diệu đó, vị thầy già liền triệu tập tất cả các sư lại và truyền lịnh mở tiệc mừng tuyên dương Thần Sơn. Ông hết sức vui mừng, xin phép Thần Sơn, "Xin cho phép thầy cũ của ngài làm đệ tử ngài. Xin ngài giảng Pháp cho đệ tử... nhất là chuyện về vụ tắm và con ong." Thần Sơn cười. "Phật tánh của thầy luôn luôn chiếu sáng từ thầy mặc dù thầy không thể tự thấy. Nó luôn luôn trong sáng và không có lượng bụi nào có thể vấy bẩn nó được. Còn nữa, mắt thầy lúc nào cũng hướng ra bên ngoài, dán chặt và mấy trang giấy in; nhưng cái Không Cùng không thể nào nắm được trong chữ. Sách vở chỉ đưa chúng ta đến sự tranh cãi mà thôi. Nếu muốn giải thoát mình khỏi ảo tưởng, thầy phải nhìn vào trong. Con Đường vào cái Không Cùng nằm ở phía bên kia cái nhìn của thầy. Hãy nhìn vào bên trong để thấy Phật tánh của mình đang chiếu sáng!" Vị thầy cũ hoát nhiên hiểu được! Ông đột nhiên thấy rõ Phật tánh của ông! Ông vui mừng quá đến nỗi tuyên bố Thần Sơn là viện trưởng của tu viện. "Ai tin được là trong tuổi già của ta cuối cùng rồi ta cũng giác ngộ?" Ông la to. Nhưng đó là những gì quá tốt đẹp về phút giây vĩnh cữu phải không? Hãy bước ra khỏi thời gian chỉ một lần thôi, là tất cả những năm sống trong vô minh và phiền não dần dần tan biến hết. Chúng là những thứ mà các bạn dường như nhớ rõ. Tự ngã nhỏ bé của bạn biến mất và tất cả những kẻ thù, bạn bè, bà con của nó, cùng tất cả những kinh nghiệm, cay đắng hay ngọt bùi của nó đều mất hết quyền lực đối với nó. Chúng giống như một phim xi nê... ta tin là thật khi còn trong rạp, nhưng khi bước ra ánh sáng ban ngày thì không còn tin nữa. Sự thật đánh tan ảo tưởng. Ở Niết Bàn các bạn không trẻ cũng không già. Bạn là mình. Và bạn là ai? Thật là dễ. Là Phật.

Trích: NHỮNG BÀI GIẢNG CỦA NGÀI HƯ VÂN