Trà Đạo ngày 26.08.2017 (Niệm Pháp - Cốt lõi của Thiền Vipassanā)



Niệm Pháp

Hỏi: Khi con chuyên niệm thân, hoặc khi làm việc gì một mình thì con chánh niệm tỉnh giác dễ hơn, nhưng khi con tiếp xúc với người khác hoặc công việc có quan hệ phức tạp con thấy bị chi phối không thể niệm thân, thọ hay tâm rõ ràng được. Như vậy là do sao?

- Lúc đầu chánh niệm tỉnh giác còn yếu, hành giả thường chỉ niệm thân, niệm thọ hoặc niệm tâm riêng, nhưng khi tương đối nhuần nhuyễn hơn thì họ sẽ thấy thân thọ và tâm có liên hệ mật thiết trong một chuỗi diễn biến chứ không còn riêng rẽ nữa, lúc đó đối tượng của giác niệm sẽ uyển chuyển linh động hơn rất nhiều, nên cách chánh niệm tỉnh giác cũng phải thay đổi, không thể khư khư cứng nhắc nơi thân, thọ hay tâm thôi được mà tầm nhìn cần rộng hơn thì mới đủ sức thấy hết mọi diễn biến.

Rộng và sâu hơn nữa là khi đối tượng không phải chỉ bên trong một mình mà còn có sự tiếp xúc giữa căn với trần nữa. Đó chính là lúc bước qua lãnh vực giác niệm Pháp. Bước đầu khi tâm tiếp xúc với đối tượng niệm Pháp là phát hiện có gì che lấp không, như tham, sân, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối, nghi (5 triền cái) chẳng hạn. Sau đó vi tế hơn thấy được tiến trình phản ứng tạo tác của tâm qua 5 uẩn, phát hiện ra đâu là sắc, đâu là thọ, đâu là tưởng, đâu là hành và thức thuộc tâm gì, nhất là thấy rõ được khâu tưởng và hành.
Sâu hơn, khi căn tiếp xúc với trần phát hiện được có sự trói buộc nào không, như thấy từng kiết sử khi nó đang sinh, diệt, sinh lại hay đã đoạn tận. Thấy được như vậy tức trong tâm đã có đủ 7 giác chi, biết rõ từng giác chi ứng ra trong mỗi tình huống. Và cuối cùng thấy được đâu là sinh tử (khổ đế, tập đế) đâu là Niết-bàn (điệt đế, đạo đế). Nói một cách dễ hiểu là trong trường hợp tiếp xúc nhiều với hoàn cảnh phức tạp thì chỉ cần thấy tâm thanh tịnh trong sáng hay đang bị trói buộc là được
  
Mức độ thấy Pháp đang là (cốt lõi của Thiền Vipassanā)

Hỏi: Thưa Thầy trong con diễn ra hai thái độ thấy đang là. Thứ nhất là khi tiếp xúc đối tượng bên ngoài thì có thói quen đặt tên sự vật (danh khái niệm). Thứ hai là khi tiếp xúc đối tượng bên ngoài thì cái thấy mới tinh khôi, từ trong ra ngoài đều trong sáng, thấy rất tự nhiên vô tâm. Phải thật sự trải nghiệm mới thấy tự nhiên vô tâm đó chính là không có người thấy không có đối tượng được thấy. Xin Thầy chỉ dạy. 

- Con thấy ra điều này tức đang hiểu được thiền Vipassanā thực sự là gì. Tuy nói thấy “như thị” hay “đang là” nhưng trên thực tế vẫn có như thị dưới nhiều mức độ khác nhau. Có 3 mức độ thấy đang là:   
  • Thấy cái đang là như một khái niệm tên gọi (danh khái niệm)
  • Thấy cái đang là như một định dạng (vật khái niệm hay nghĩa khái niệm)
  • Thấy cái đang là đúng thực tánh của nó với chánh niệm tỉnh giác, vượt ngoài mọi khái niệm.
Chính ở mức độ thứ 3 này là kiến tịnh, hay rốt ráo hơn là tri kiến thanh tịnh, không còn năng tri và sở tri tức không còn người thấy và đối tượng được thấy nữa, hoàn toàn lặng lẽ trong sáng tự nhiên vô tâm – vô vi, vô ngã. Chính chỗ này là cốt lõi của Thiền Minh Sát.

Tôn giáo thật sự là lương tri nơi mỗi người

Hỏi: Trong trường hợp do hôn nhân mà một người con trong gia đình Phật giáo phải theo Tôn giáo khác để được lấy vợ hay chồng thì cha mẹ phải có thái độ thế nào?

- Nên để con cái tự do chọn lựa, đó là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người, cha mẹ không nên bắt ép con cái. Nếu chúng ta hiểu Tôn giáo là lương tri con người thì nó ở trong nhận thức và hành vi đúng tốt của mỗi người, chứ không nằm trong bất cứ hình thức tổ chức giáo hội, giáo phái có giáo quyền, có lễ nghi, có khuôn mẫu nhất định nào. Do đó, con cái theo tôn giáo nào không quan trọng mà bản thân nó có sống với thái độ nhận thức và hành vi đúng tốt hay không mới là vấn đề nên quan tâm.  



Tác giả: Thầy Viên Minh