Trà Đạo ngày 08.08.2017 (Đức Tin - Mục đích chính của người tu)

Đức Tin

Hỏi: Thưa Thầy, có thật pháp môn tụng Chú là linh hiển? Có người tụng chú với đức tin lớn mà thay đổi cuộc sống. Điều này do ngẫu nhiên, do phước của người tụng hay do Chú có linh nghiệm?

- Theo nguyên lý thì tụng gì không thành vấn đề, miễn khi tụng tập trung được tâm ý thì đều có năng lực. Sự tập trung này phần lớn có được nhờ đức tin vào tha lực. Luyện bùa, trì Chú, thôi miên, niệm Phật, niệm Chúa, thiền định, thần thông v.v… cũng đều cần có sức mạnh tập trung mới thành tựu. Tưởng đó là nhờ tha lực nhưng sức mạnh đó chính là do “nội lực tự sinh” mà có. Thực ra, tự lực và tha lực cũng chỉ là một khi đi đến tận cùng.

Người sống chánh niệm tỉnh giác thường thận trọng chú tâm quan sát thực tại nên phát huy được năng lực giới định tuệ nội tại một cách tự nhiên, vô vi, vô ngã và vô lượng. Còn nếu tu luyện mà đạt được một năng lực nào đó thì cũng chỉ là hữu vi, hữu ngã và hữu hạn mà thôi. Nếu sở đắc đó do động lực tà kiến và tham ái thì dẫu có năng lực lớn lao đi nữa cũng chỉ hại mình hại người, như Devadatta có thần thông mà hại Phật nên đoạ vào địa ngục A-tỳ. Vì vậy cần phải nhận thức đúng mục đích của sự tu luyện các loại chú thuật, thôi miên, thiền định, thần thông… là gì mới được.
  
Đừng xem trọng việc tu có đạt được năng lực gì hay không mà nên xem lại tu có đúng hay chưa. Thực ra "năng lực lớn nhất của người tu là có thể chịu được sự rỗng không – không cần một năng lực nào cả". Thay vì cố tu luyện để tìm cầu sở đắc một năng lực lý tưởng nào đó thì người chân tu buông hết mọi nỗ lực mong cầu trở thành bất cứ thứ gì, dù với đức tin tha lực hay với khả năng tự lực. Vì chỉ khi thấy mình còn yếu kém hay thiếu thốn thì mới mong cầu một năng lực để nương tựa. Nhưng điều đó chỉ làm giàu cho cái ngã ảo tưởng mà thôi! Do đó Đạo Phật không đặt nặng đức tin vào tha lực, cũng không tập chú vào nỗ lực cá nhân để rèn luyện thành gì cả mà mục đích tu hành chỉ là thấy ra Sự Thật mà thôi.

Hỏi: Thưa Thầy, cho con hỏi niệm Phật, niệm Chú không phải để trừ tội tăng phước mà cốt lõi là để cho tâm thanh tịnh. Vậy khi tâm đã thanh tịnh, không niệm Chú, niệm Phật nữa mà chỉ để tâm trong lành sáng suốt thôi có phước đức không?

- Niệm Phật, niệm Chú hay tu bất cứ phương pháp nào cũng chỉ là phương tiện giúp tâm bớt vọng động mà thôi, vọng động thì sinh tội lỗi, tội lỗi thì bất an, đau khổ, nên khi hết vọng động thì tâm trở lại bình thường, không còn bất an đau khổ nữa. Phương tiện giống như những toa thuốc chữa bệnh, tùy bệnh mà uống thuốc. Khi đã hết bệnh thì phải ngưng uống thuốc. Cũng vậy, khi tâm đã tịnh, trở lại bình thường tội chướng đã trừ thì còn dùng phương tiện niệm Phật, trì Chú làm gì nữa. Tội tiêu, tâm tịnh đã là phước báu lớn lao nhất rồi, còn niệm Phật, trì Chú để cầu phước làm gì, như vậy chẳng phải kẹt vào phương tiện sao?

Mục đích chính của người tu

Hỏi: Thưa Thầy khi một tâm khởi lên con quán xét xem tâm đó do vô minh ái dục, bản năng hay trí tuệ. Khi nhìn sâu con thấy nền tảng của nó ít nhiều đều có tham sân si. Nhờ quán sát như vậy con thấy tâm mình không thiện như con nghĩ, con có nên tiếp tục quan sát như vậy để nhìn thấy rõ tâm mình không ạ?

- Tất nhiên là rất nên. Mục đích chính của người tu là thấy ra Sự Thật. Mọi hoạt động diễn biến nơi thân, thọ, tâm, pháp đều giúp con thấy ra Sự Thật. Chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát thực tại thân-tâm-cảnh một cách tự nhiên thì có thể thấy rõ chính mình. Đầu tiên là thấy ra tham sân si, thấy ra những sai xấu, dần dần thấy ra nguyên nhân của những phiền não khổ đau. Thời kỳ đầu tuy chỉ thấy toàn những sai xấu, nên cảm thấy bất an, tự ti mặc cảm và lo âu sợ hãi nhưng nhờ vậy cái thấy ngày càng sáng ra. Khi tánh biết toả sáng thì tham sân si bắt đầu đoạn giảm, ngày càng thấy rõ sự sinh diệt, nhân quả của các pháp đến đi, rồi thấy được vị ngọt và sự nguy hại của nó nên không còn bám víu, dính mắc vào cái thích cái ghét, cái được cái mất, cái vui cái khổ nữa.

Đến đây một giai đoạn mới phát sinh, thấy ra những thiện pháp: có tín, niệm, biết tàm quý, thấy được tâm không tham, không sân, không si, thấy khinh an, hỷ lạc, thấy thanh tịnh, trong sáng, thấy từ bi, hỷ xả v.v… Cuối cùng nhờ cứ thấy biết với tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trung thực như thế đến lúc chín mùi trí tuệ xuất hiện, giác chi sung mãn, Đạo Tuệ viên thành thì ngay đó chứng ngộ Niết-bàn. Như vậy được sinh ra trong đời chỉ có hai ý nghĩa: “Một là học được gì từ cuộc đời và hai là làm được gì cho cuộc đời” Và đó cũng là mục đích chính của người tu.

Tác giả: Thầy Viên Minh
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 08.08.2017