BẢO VỆ ĐẠO PHÁP


Hướng tu hành chân chính không phải là cố gắng xây dựng cho mình thành một con người lý tưởng tài năng đức độ. Không phải bồi đắp từng chút công đức, sở tri và sở đắc cho đến khi hoàn thành “tác phẩm tuyệt đối cuối cùng”.
Chân, thiện, mỹ cuả tự tánh pháp (Sabhavàdhammatà) vốn đã tự viên mãn (Tổ Huệ Năng: hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc), chẳng phải tầm cầu (bất luận cầu chơn), chẳng cần thiết lập (chơn bất lập). Chỉ vì vọng khởi (vô minh ái dục)nên bản ngã sanh. Lấy bản ngã mà hoàn thiện con người lý tưởng, quả vị lý tưởng thì cũng hoàn là bản ngã. Đó chỉ là dục vọng của Tiểu ngã muốn trở thành Đại ngã của tư tưởng Bà Là Môn.

Bản ngã cùng với tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và tất cả thuộc tính khác của vô minh ái dục là nguyên nhân của tất cả luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Đó là thế giới mộng ảo huyễn hóa. Vì vậy tu hành giống như tỉnh dậy giữa cơn ác mộng đêm trường, bỗng nhiên những vui buồn sợ hãi tiêu tan và cái chân như tự tánh (yathàbhùtà) hiển hịên toàn chân. Vì vậy Đức Phật dùng chữ “diệt”để diển tả Diệt đế (chân tánh, Niết-bàn) khi Ngài dạy: “Pháp Như Lai tuyên thuyết chỉ có nhất hướng viễn ly, ly tham, ly chấp, đoạn xả, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng  trí, giải thoát, Niết-bàn”.
Đoạn diệt là điều mà bản ngã uý kỵ, nên nhiều người khi nghe nói đến đoạn diệt thì vô cùng sợ hãi, vội vàng lên án là tiêu cực, tiểu thừa. Nhưng tựu trung đoạn diệt chỉ là đoạn diệt chấp ngã chấp pháp cùng với thuộc tính vô minh ái dục của nó mà thôi. Ví như người nhìn lầm bụi  cây là bóng ma sinh tâm sợ hãi. Khi nhìn kỹ thấy đó chỉ là bụi cây thì cả bóng ma lẫn sợ hãi đều viễn ly, đoạn diệt. Kinh Viên Giác nói: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”, và Lão Tử cũng nói: “Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi” (hành đạo ngày càng bớt, bớt rồi bớt nữa cho đến vô vi).
Vậy tu hành không phải là bồi thêm cái ngã cho nặng ký mà chính là bớt đi (ly, tổn, đoạn, diệt) tất cả mọi ràng buộc của vọng ngã để trở lại bản lai diện mục xưa nay vốn đã tròn đầy.

Theo: (NẶNG KÝ)
***
CON NGƯỜI THẬT

 Có ông tăng thuyết pháp rất lưu loát nhưng giới hạnh rất bê bối. Những người nghe pháp thì rất nể trọng pháp sư còn những người thấy đời sống của ông thì không thể nào chịu phục.
Được hỏi về con người thật của vị pháp sư, thiền sư nói:
- Con người thật nhập Niết bàn rồi.  
۞ 
Lời góp ý:  
Khi còn vô minh ái dục thì mỗi người đều có hai bộ mặt, đó là con người thật và con người giả. Con người giả chính là vọng ngã, thủ đắc bởi những yếu tố ngoại lai như ý niệm, tư tưởng, quan niệm, tình cảm từ môi trường sống: hoàn cảnh xã hội, trường học,  gia đình, bè bạn,... Những tập tính hay tập khí đó được huấn tập dần dần cho đến khi mình trở thành... một kẻ lạ mặt (từ của Albert Camus), càng ngày càng xa rời tự tánh, càng xa lạ với con người thật.
Con người giả cũng không phải đơn thuần, anh ta vô cùng đa diện: khi thì anh, khi thì em, khi thì cha, khi thì chú, khi vui lúc giận chẳng chút giống nhau. Vì vậy anh ta luôn luôn tự mâu thuẫn với chính mình cả tri thức lẫn tình cảm, cả hành động lẫn lý thuyết. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi anh ta nói một đường làm một nẻo. Thực ra ai mà chẳng thế khi mình còn đa mang những con người xa lạ.
Còn con người thật ở đâu? Sư nói: “Con người thật nhập Niết bàn rồi”. Câu này hàm ý hai nghĩa:
1) Con người thật đã (bị con người giả giết) chết rồi. Ý nói anh ta chỉ là con người giả chứ làm gì còn có con người thật.
2) Con người đích thực chính là bản lai diện mục, chân như tự tánh, mà chân như tự tánh thì lúc nào lại chẳng ở nơi Niết bàn.
***


Một thanh niên mới xin xuất gia vào thiền viện đã tỏ vẻ rất nhiệt tình… Thấy vậy, Sư hỏi:
- Chí nguyện xuất gia của anh là gì?
Thanh niên nói:
- Con  muốn  trở  thành  một  người  bảo  vệ đạo pháp.
Sư  nhìn  người  thanh  niên  từ đầu đến chân mà nói:
  - Có lẽ anh nên để đạo pháp bảo vệ anh thì hơn.
Lời góp ý:  
Khi nói đến bảo vệ Đạo Pháp, nhiều người lầm lẫn một bên là bảo vệ hệ thống Giáo Hội hoặc tông phái, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, bảo vệ truyền thống lễ nghi, kinh điển, giáo điều, đền chùa hoặc các biểu tượng đạo giáo v.v..., và một bên là lấy việc học đạo, hành trí, tu chứng và hoằng dương chánh pháp để giữ gìn chân lý.
Thực ra chân lý hay Đạo Pháp không cần phải giữ gìn bảo vệ, vì chân lý dù cho có bị nhận xuống bùn thì vẫn là chân lý, còn tà đạo dù có được tâng bốc tận mây xanh cũng vẫn là tà đạo.
Ngược lại, chân lý bảo vệ chúng ta hơn là chúng ta bảo vệ chân lý. Vì thế, Đức Phật dạy: “Thật vậy, Pháp hộ trì cho người hành trì Pháp” (Dhammo have rakkhati Dhammacàrì). Người hành bốn Thắng Xứ mới xứng đáng là người bảo vệ Đạo Pháp:
1) Tuệ thắng xứ (Pannadhitthàna): trí tuệ (bát nhã) thắng tri pháp đúng thực tướng (vô ngã), không bị khổ lạc chi phối, không rơi vào hữu vô, không chấp thủ thường đoạn, diệt tận khổ ưu, thành tựu thánh trí, chứng ngộ Niết Bàn.
2) Đế thắng xứ (Sacc’àdhitthàna): không dao động, không điên đảo, không hư vọng, chân thực kiên cố, vô thượng an ổn Niết Bàn.
3) Xả ly thắng xứ (Càg’àdhitthàna): buông bỏ tất cả chấp y: bản ngã, ngũ uẩn, trạng thái, cõi giới,... kể cả chấp y Niết Bàn.
4) Tịch tịnh thắng xứ (Upasam’àdhitthàna): đoạn tận tham, sân, si,... cùng với tất cả các triền phược, kiết sử, tùy miên v.v..., tịch diệt hiện tiền, tự tại vô ngại.
Người như thế còn được Đạo Pháp bảo vệ, huống chi kẻ phàm phu mà có thể bảo vệ Đạo Pháp.


Trích: Vi Tiếu
Tỳ kheo Viên Minh