ÁNH SÁNG CỦA CON CÓ THỂ TẮT - KHÔNG XA PHẬT VỊ

Một học trò Tông Thiên Thai, một tông phái triết lý Phật giáo, đến thiền viện của Gasan học thiền. Vài năm sau cậu ra đi, Gasan cảnh báo cậu: “Học về sự thật bằng phỏng đoán thì lợi ích cũng chỉ như lượm lặt tài liệu giảng huấn. Nhưng nhớ rằng nếu con không thiền quán thường trực, ánh sáng chân l‎ý của con có thể tắt."

Bình:

• Gasan Jōseki (峨山 韶碩 1275–23/11/1366) là thiền sư dòng Tào Động Nhật Bản, mà ta đã nhắc đến trong bài Không Xa Phật Vị.
• “Học về sự thật bằng phỏng đoán thì lợi ích cũng chỉ như lượm lặt tài liệu giảng huấn.” Đây là cảnh báo về cách học triết lý lệ thuộc nặng nề vào chữ nghĩa và lý luận của Thiên Thai Tông. Trong bài Cỏ Cây Giác Ngộ Như Thế Nào chúng ta đã nói đến sự vô ích của các câu hỏi triết lý rắc rối của học trò Thiên Thai. Triết lý và lý luận là phỏng đoán sự thật bằng chữ nghĩa, cùng lắm thì cũng chỉ là như lượm lặt tài liệu để giảng bài. Giảng bài đã không phải là chân lý, lượm lặt tài liệu càng xa chân lý hơn.
• “Nhưng nhớ rằng nếu con không thiền quán thường trực, ánh sáng chân l‎ý của con có thể tắt.” Thiền quán là nhìn một cách tĩnh lặng. Nhìn sự vật “như nó là”, không suy luận, không biện giải, không phê phán… Chỉ nhìn mà thôi, và nhìn rất kỹ. Chính vì tĩnh lặng nhìn kỹ như thế cho nên chúng ta mới có thể “ngộ” (thấy rõ) chân lý trong sự vật.
Nếu ta không thiền quán mà lại thích triết lý, lý luận và thuyết giảng – tức là các thứ thuộc về chữ nghĩa – thì ánh sáng chân lý của ta có thể tắt.
• Khác biệt giữa “thiền quán” và “suy nghĩ”: Suy nghĩ hay suy tư là “nghĩ”. Thiền quán là chỉ “nhìn” (quán), nhìn sự vật “như nó là” mà chẳng “nghĩ” gì cả. Khác biệt về tính danh này đưa đến các khác biệt sau:

1. Khác biệt đầu tiên là tĩnh lặng về cảm xúc. Chúng ta có thể suy nghĩ với đủ loại cảm xúc trong đầu, nhưng thiền quán thì tâm ta phải rất tĩnh lặng,
Ví dụ: Suy nghĩ về cách trả đũa anh chàng mới chửi mình hồi chiều, vừa suy nghĩ vừa sôi máu. Nếu ta thiền quán về anh chàng này, thì tâm ta phải rất tĩnh lặng, không hờn giận, không một gơn sóng khi ta “nhìn” (quán) anh chàng trong tâm mình.

2. Khác biệt thứ hai là tĩnh lặng về tư tưởng. Suy nghĩ thì có câu hỏi, và chạy theo dòng lý luận để tìm câu trả lời; thiền quán thì chỉ “nhìn” thôi, rồi điều gì đến thì đến, không đến thì không đến, chẳng chạy theo điều gì, chẳng nhắm vào câu trả lời nào cả.
Ví dụ: Suy nghĩ “Có thượng đế không?” À, có cái bàn là có ông thợ mộc. Có quả là có nhân. Có vũ trụ phải có người làm ra vũ trụ,. Vậy phải có thượng đế. Có thượng đế thì phải có người sỉnh ra thượng đế. Ai vậy?…
“Thiền quán” thì chỉ “nhìn.” Muốn quán vũ trụ thì cứ nhìn các tinh tú, không gian, các thiên hà, các giới hạn (hay không giới hạn) của vũ trụ… đến các phân tử, nguyên tử li ti của vật thể… rồi chân l‎ý nào đến với mình thì đến, không thì thôi, chẳng đeo đuổi theo ý gì trong đầu cả…

3. Khác biệt thứ ba là sự tập trung và tự do của tâm trí. Đây chỉ là hệ quả của khác biệt thứ nhất và thứ hai bên trên.
Khi “suy nghĩ” ta có cả hàng trăm tư tưởng, cảm xúc, lý‎ luận, kết luận, phán đoán chạy tới chạy lui. “Thiền quán” thì ta chẳng có gì trong đầu cả, ngoại trừ một “hình ảnh” của điều mà ta đang quán, như nó là, mà chẳng l‎ý luận, phán đoán, kết luận gì cả.
Vi dụ: Suy nghĩ về chuyện cãi nhau hồi chiều với người bạn thân , ta có thể suy nghĩ: Cô ấy nói câu này, nói như vậy là rõ ràng làm mình đau, tại sao cô ấy làm mình đau, vì cô ấy ganh tị với mình, cô ấy đang cạnh tranh ảnh hưởng với mình…
Nếu thiền quán về chuyện cãi nhau này thì tâm mình thật tĩnh lặng, không sóng giận, cũng chẳng suy nghĩ gì, chỉ “nhìn” hình ảnh cãi nhau hồi chiều… và thấy… khuôn mặt cô ấy thật buồn vời vợi khi nói với mình câu này… và mình đã không thấy được các nét ấy lúc đó, và mình đã vội vã thọc cho cô ấy một quả đấm ngôn ngữ kinh hồn… và cô ấy đã nhìn mình với khuôn mặt vừa kinh ngạc vừa buồn vô tận… và lặng lẽ ra ngoài… và mình đã cho là cô ấy khinh thường mình… và mình đã chửi ngóng theo một câu cuối…
Một điểm nữa quan trọng ở đây là khi suy tưởng các vấn đề trừu tượng, chúng ta thường theo một trường phái lý‎ luận triết lý nào đó, ví dụ: triết l‎ý hiện sinh, hay duy vật biện chứng pháp… cho nên tư duy thường rất phiến diện, vì bị gò bó trong khung lý luận của trường phái ta đang dùng. Chính vì vậy mà các triết gia hay cãi nhau, ông nói gà bà nói vịt.
Khi “quán” ta chỉ “nhìn sự vật như nó là” cho nên ta chẳng theo trường phái nào cả. Cứ nhìn kỹ thôi. Vì vậy tâm trí ta thực sự tự do và độc lập, và cái nhìn rõ ràng hơn rất nhiều.

4. Khác biệt thứ tư là kết luận. Đây là hệ quả đương nhiên của ba khác biệt trên: Suy nghĩ chấm dứt bằng một kết luận của suy tưởng lý luận, thường theo công thức của luận lý học.
Quán chấm dứt khi nào mình biết là mình đã nhìn thấy toàn thể, thông suốt hoàn toàn điều mình nhìn, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ mọi hướng nhìn.

Ví dụ: Suy nghĩ về một tên trộm: Hắn vào nhà, lấy chiếc nhẫn hột xoàn bỏ túi, toàn vụ việc bị thâu vào hệ thống quan sát điện tử. Kết luận: Vậy hắn là tên trộm.
Quán về tên trộm thì nhìn hắn, nhìn hình ảnh hắn lấy hột xoàn, nhìn thái độ đầu hàng dịu dàng của hắn khi bị bắt, nhìn khuôn mặt buồn rười rượi tuyệt vọng của hắn, dáng đi thiểu não của hắn…
• Trước khi “quán” thì tâm ta phải “định” (samadhi), tức là đứng yên. Nếu tâm còn nhảy choi choi thì không thể quán được. Vì vậy người ta thường phải dùng “thiền chỉ” (samatha), ví dụ tập trung vào hơi thở để định tâm trước, khi đã “định” được rồi, muốn quán (vipassana) gì thì “quán”, và trong khi quán, tâm mình vẫn “định”.


KHÔNG XA PHẬT VỊ

Một sinh viên đại học thăm thiền sư Gasan và hỏi ông: “Đã bao giờ thầy đọc Thánh Kinh Thiên chúa giáo chưa?”
“Chưa, đọc cho tôi nghe đi,” Gasan nói.
Người sinh viên mở Thánh Kinh và đọc phúc âm Thánh Matthew: “Và tại sao lại lo áo quần? Hãy xem các bông huệ ngoài đồng mọc thế nào. Chúng không làm việc, không dệt vải, nhưng tôi nói thật với các bạn ngay cả vua Solomon trong tất cả vinh quang của mình cũng không mặc đẹp như các bông hoa đó… Đừng lo đến ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo cho nó.”
Gasan nói, “Ai nói những lời này, tôi xem đó là một người đã giác ngộ.”
Người sinh viên đọc tiếp: “Xin và bạn sẽ được, tìm và bạn sẽ thấy, gõ cửa và cửa sẽ mở cho bạn. Bởi vì ai xin thì sẽ nhận, ai tìm thì sẽ thấy, và ai gõ cửa sẽ được mở cửa.”
Gasan nói: “Tuyệt vời. Ai mà nói điều này thì không xa Phật vị.”

Bình:

• Đó là các lời nói của Giêsu của Nazareth—một sự thật về nghệ thuật sống vượt mọi biên giới tôn giáo và văn hóa.
• “Đừng lo đến ngày mai”: Sống ở đây lúc này. Đó là Thiền.
“Tìm thì sẽ thấy”: Thành tâm tìm chân lý thì sẽ có lúc được. Đó là lời Phật dạy.

“Không xa Phật vị”: Giác Ngộ không chỉ dành riêng cho Phật giáo.
• Gasan Jōseki (峨山 韶碩 1275–1366) là một thiền sư Tào Động Nhật Bản. Là học trò của Keizan Jokin, và có các học trò là Bassui Tokushō, Taigen Sōshin, Tsūgen Jakurei, Mutan Sokan, Daisetsu Sōrei, và Jippō Ryōshū.

CỎ CÂY GIÁC NGỘ THẾ NÀO?


Vào thời Kamakura, Shinkan học Thiên Thai Tông sáu năm, sau đó học Thiền 7 năm; rồi thiền sư qua Trung Quốc và nghiên cứu Thiền 13 năm nữa.
Khi thiền sư trở về Nhật nhiều người muốn gặp thiền sư và hỏi các câu bí hiểm. Nhưng Shinkan rất ít tiếp khách, và khi tiếp khách, thiền sư rất ít khi trả lời câu hỏi của họ.
Ngày nọ có một người 50 tuổi đang học về giác ngộ, nói với Shinkan, “Tôi đã học tư tưởng của Tông Thiên Thai từ lúc còn nhỏ, nhưng một điều tôi không hiểu nổi. Thiên Thai cho rằng ngay cả cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi đây là điều rất lạ.”
“Bàn luận cỏ cây giác ngộ thế nào thì được ích gì?” Shinkan hỏi. “Câu hỏi là anh làm thế nào để có thể giác ngộ. Anh có bao giờ nghĩ đến chuyện đó không?”
“Tôi chẳng bao giờ nghĩ như vậy cả,” ông già kinh ngạc.
“Vậy thì về nhà và nghĩ đến nó,” Shinkan kết thúc.

Bình:

• Thời Kamakura bắt đầu từ năm 1185 đến năm 1333.
• Thiên Thai Tông của Nhật thật ra cũng có thiền. Thiên Thai Tông do Tối Trừng (Saicho) thiết lập năm 805 sau khi đã học Thiên Thai từ Trung Quốc. Tuy nhiên Thiên Thai Nhật của Saicho có đển bốn phần: (1) Thiên Thai Trung Quốc (dùng tư tưởng của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là chính); (2) Mật tông (Tây Tạng); (3) Thiền (nhưng chú trọng nhiều đến thiền chỉ – Samatha – tập trung tư tưởng vào một điều gì đó như là hơi thở để lắng đọng, hơn là thiền quán – Vipassana – quán sát một điều gì đó để hiểu được thâm sâu); và (4) giới luật (đại thừa).
Trong bài này nói Shinkan ngưng Thiên Thai để học Thiền, có lẽ là dòng Thiền thuần túy như thiền Lâm Tế của Thiền sư Hakuin Vậy À.
• Bài này rất rõ: Giải phóng chính mình, giải phóng tư tưởng của mình, giác ngộ của chính mình, là trọng tâm của Phật pháp và Thiền học.
Rất nhiều câu hỏi triết lý bí hiểm hấp dẫn ở đời thật ra là không quan trọng và tốn thời gian vô ích.
Trong Tiểu Kinh Malunkya, Malunkya nhận thấy:
Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.
Đức Phật nói:
Này Malunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm công. ..[hay]… tộc tánh là gì…[hay]… cao hay thấp, hay người bậc trung… [hay]… da đen, da sẫm hay da vàng … [hay] thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào… [hay]… cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ … [hay]… dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa… [hay]… cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau khác… [hay]… mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két… [hay]… cái tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa… [hay]… tên nhọn, hay … tên móc, hay… như đầu sào, hay… như răng bò, hay… như kẽm gai”.
Này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì.
Và Đức Phật, nói thêm:
Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời ? Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.
Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời. “Đây là khổ… Đây là [nguyên nhân] khổ… Đây là [diệt] khổ… Đây là con đường đưa đến [diệt] khổ” là điều Ta trả lời.
Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời.
Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là trả lời những điều Ta có trả lời.