Những mẫu truyện Thiền thú vị (4)



1. VẼ TÁNH

Ekichu, vị sư thứ 17 của chùa Thọ Phúc, nổi tiếng là một họa sĩ. Một hôm Nobumitsu đến gặp sư và hỏi sư có thể vẽ được hương thơm tả trong câu thơ nổi tiếng, “Qua hoa rồi, vó ngựa còn thơm”. Sư liền vẽ chiếc vó ngựa có bầy bướm vờn quanh.
Rồi Nobumitsu dẫn một câu khác, “Gió xuân mơn man thổi qua bờ sông”, và yêu cầu vẽ bức tranh gió nhẹ mơn man. Sư liền vẽ một cành liễu đong đưa .
Nobumitsu đọc lên câu nói lừng danh của Thiền, “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Anh ta yêu cầu vẽ bức tranh về tâm. Sư lấy cây cọ quẹt nhẹ lên mặt Nobumitsu một vệt. Chiến sĩ ngạc nhiên và bực tức. Sư liền phác họa bộ mặt tức giận ấy.
Rồi Nobumitsu yêu cầu vẽ một tranh về tánh như trong chữ “thấy tánh”. Sư bẻ gãy cây cọ, nói:
- Đó là bức tranh.
Nobumitsu không hiểu và sư bảo:
- Nếu anh không có con mắt thấy đó thì anh chẳng thấy được.
Nobumitsu nói:
- Hãy lấy cây cọ khác vẽ tánh đi.
Sư bảo:
- Hãy chỉ tôi thấy cái tánh của anh rồi tôi vẽ cho.
Nobumitsu không lời để nói.

(Thiền và Đạo Thuật)

2. Cách duy nhất để đạt ngộ là tâm yên tĩnh


Một đêm nọ, hoàng tử hỏi thầy:
-Tại sao tôi phải ngồi thiền đạt ngộ? Tôi có thể nghiên cứu, có thể cầu nguyện, có thể suy nghĩ các vấn đềmột cách rõ ràng. Tại sao phải làm cái việc rỗng tâm ngốc nghếch này?
-Tôi sẽ chỉ cho.
Ông thầy đáp, rồi lấy cái thùng múc đầy nước xách ra vườn dưới ánh trăng tròn. Ông khuấy động mặt nước trong thùng rồi hỏi:
- Bây giờ anh thấy gì?
Hoàng tử đáp:
- Những lằn sáng.
Ông thầy bảo:
- Đợi một lát.
Rồi ông đặt thùng nước xuống đất. Hai thầy trò nhìn mặt nước dần dần trở nên yên tĩnh trong chiếc thùng tre sau mấy phút.
Ông thầy lại hỏi:
- Bây giờ anh thấy gì ?
Hoàng tử đáp:
- Mặt trăng.
- Như vậy đó, ông chủ trẻ, cách duy nhất để đạt ngộ là tâm yên tĩnh.

(Ngụ Ngôn Thiền)


3. TỈNH NGỘ

Thiền sư Setsugen nói với đệ tử là Jijo, “Nếu ông chuyên tâm tọa thiền bảy ngày bảy đêm không gián đoạnmà không ngộ, thì cứ cắt đầu tôi lấy sọ làm đồ chứa phân.”
Sau đó không bao lâu, Jijo bị bệnh kiết lỵ, liền lấy một cái thùng nhỏ mang đến một chỗ biệt lập chẳng ai đến. Jijo ngồi trên thùng chú tâm thiền định.
Jijo ngồi trên thùng bảy ngày liền, đến một đêm bỗng nhiên cảm thấy cả trời đất giống như cảnh tuyết dưới ánh trăng sáng ngời và toàn thể vũ trụ trở nên quá nhỏ hẹp, không thể chứa được mình.
Jijo nhập vào trạng thái này trong thời gian khá lâu cho đến khi nghe một âm thanh làm giật mình thức tỉnh. Toàn thân Jijo toát mồ hôi, cơn bệnh cũng biến mất. Jijo làm một bài kệ kỷ niệm:

Cái gì đây mà lung linh, sáng tỏ?
Mất tiêu liền trong nháy mắt lầm qua.
Cạnh cầu tiêu, chiếc mái dầm ngời sáng;
Rốt cuộc rồi, nó vốn là ta.


(Giai Thoại Thiền)


4. CHỚ LO LẮNG


Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên là một trong những người sáng lập Thiền ở Nhật Bản. Sinh ở Trung Quốc, sư đã ngộ lần đầu tiên năm mười hai tuổi khi nghe bài kệ sau đây, lúc sư cùng cha đến viếng một ngôi chùa ở miền quê:

Bóng tre quét thềm,
Không động mảy bụi;
Ánh trăng soi nước,
Không lưu vết tích.


Khi đoàn quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, tràn vào phía nam Trung Quốc năm 1275, Vô Học đã chạy tránh ngọn lửa chiến tranh; nhưng đến lúc tỉnh sư ẩn náu bị giày xéo vào năm sau, sư không chạy nữa .
Khi quân Mông Cổ gây giông bão tại tự viện Vô Học ngồi, tất cả tăng nhân khác và những người làm việc cho tự viện đều tìm chỗ trốn y như lũ chuột rúc vào hang.
Bọn lính tiến gần pháp đường chỗ sư ngồi một mình, chúng dí kiếm vào cổ sư. Sư hoàn toàn thản nhiên, bình tĩnh đọc bài kệ sau đây:

Đất trời mênh mông,
Không chỗ cắm dùi.
Vui thay biết được
Người pháp đều không.
Lưỡi kiếm Nguyên Mông
Dài và sáng rực
Chém ngọn gió xuân.


Xúc động vì phong thái không sợ hãi của sư, bọn lính Mông Cổ cất kiếm rút đi.
Vào năm 1280, Vô Học được Bắc Điều Thời Tông [Hojo Tokimune], quan nhiếp chính của chế độ tướng quân, mời đến Nhật Bản. Mùa xuân năm sau, khi Thời Tông đến viếng, Vô Học viết cho quan nhiếp chính một thông điệp ba chữ: “Chớ lo lắng.”
Khi Thời Tông yêu cầu giải thích, sư nói: “Vào lúc xuân hè tiếp nối, miền nam Nhật Bản sẽ có náo động, nhưng sẽ ổn định lại không lâu, vì vậy chớ lo lắng.”
Quả nhiên, vào chính thu, một lực lượng xâm lăng Mông Cổ tấn công phiá bắc nước Nhật, y như lời sư nói. Cũng đúng như sư tiên đoán, bọn xâm lược bị đánh dẹp, và thanh bình sớm trở lại.

(Giai Thoại Thiền)


5. "Câu thần chú của Milarepa":

"Ngày nọ, có một người đàn ông tìm đến Milarepa và nói:
"Tôi muốn đạt được một số quyền năng. Làm ơn hãy cho tôi một câu thần chú".
Milarepa trả lời:
"Ta chẳng có thần chú nào cả. Chúng ta chỉ là những nhà huyền học. Thần chú chỉ dành cho những phù thuỷ, những kẻ xảo quyệt - hãy đi tới họ mà hỏi!Chúng ta chẳng có thần chú nào cả - tại sao lại phải cần đến quyền năng chứ!?" Tuy nhiên, Milarepa càng từ chối, người đàn ông trẻ lại càng nghĩ rằng hẳn phải có gì đó, nếu không... nếu không tại sao ông ta lại từ chối? Vì vậy anh ta tiếp tục trở lại Milarepa và rồi lại trở lại nữa,... mỗi ngày! hẳn là vị thánh đang cố dấu diếm một điều gì đó... Cuối cùng, Milarepa quá đỗi ngán ngẩm nên ông viết cho hắn một câu thần chú lên giấy và nói:
" Hãy cầm lấy. Đêm nay là đêm không trăng. Hãy đọc câu thần chú này năm lần trong đêm. Nếu anh đọc đủ năm lần trong đêm, anh sẽ đạt được những quyền năng anh muốn... rồi thì anh sẽ có thể làm bất cứ gì anh muốn. Bây giờ, anh hãy đi đi và để tôi yên."
Người đàn ông trẻ chộp lấy mảnh giấy, vội vã quay bước ra cửa, thậm chí quên hẳn cám ơn Milarepa!... chưa xuống hết bậc thềm của đền thờ, nhà huyền môn gọi giật anh lại:
" Này anh bạn, ta chưa dặn anh một điều, một điều tiên quyết đi kèm với câu thần chú này, khi đọc thần chú, anh không được có bất kỳ một ý nghĩ nào trong trí về một con khỉ". ... thật đơn giản, đừng lo, suốt cả cuộc đời, tôi chẳng bao giờ nghĩ thế. Chẳng có lí do nào phải nghĩ về khỉ hết. Tôi chỉ việc đọc câu thần chú này năm lần. Không có vấn đề gì phải bận tâm hết!
Nhưng anh ta đã lầm, khi chưa xuống hết các bậc thềm, các con khỉ bắt đầu xuất hiện... thật kỳ lạ, ngay cả khi nhắm mắt, khi chạy, khi tắm rửa,... trốn đi đâu, những con khỉ dường như luôn thường trực trong tâm trí của anh!... nó chẳng mảy may gắn liền với cuộc sống của chàng trai, vậy mà từ lúc lắng nghe nhà huyền môn tới giờ, toàn thể tâm trí của người đàn ông trẻ luôn ám ảnh bởi chỉ một điều... những con khỉ phá đám! ... mà đêm buông xuống, trời tối mịt mùng cũng kô ngăn cản được khao khát mãnh liệt của chàng trai trẻ! anh cầm mảnh giấy và cố gắng, cố gắng... hết lần này đến lần khác, hễ cứ bắt đầu với những chữ đầu tiên của câu thần chú là milarepa với những con khỉ lại xuất hiện, chúng nhảy múa từ trong những ngóc ngách tối tăm nhất, sẵn sàng phá đám những thời khắc quan trọng ấy!! ... người đàn ông trẻ loay hoay, gắng gượng thay đổi tư thế... từ thế hoa sen, đến siddhasma, rồi đủ tư thế yoga khác nhau nhưng vẫn không sao dứt ra khỏi đám khỉ! Cuối cùng, anh ta lạy, cầu cứu cho đến van xin những vị thánh hãy đuổi cho anh những con khỉ... "

(Milarepa con người siêu việt)

6. KINH KHÔNG CHỮ CỦA PHẬT QUANG


Tu sĩ của Tsurugaoka Hachiman đến gặp Thiền sư Trung Hoa tên là Phật Quang, người thừa kế Thiền sưĐại Giác, kể sư nghe câu chuyện kinh một chữ của Thiền sư Đại Giác và hỏi:
- Tôi không hỏi sáu chữ, bảy chữ các phái khác tụng niệm, chỉ muốn biết thế nào là kinh một chữ của Thiền?
Phật Quang đáp:
- Tông môn chúng tôi một chữ cũng chẳng lập, giáo lý truyền riêng bên ngoài kinh điển, đạo thì lấy tâm truyền tâm. Nếu ông muốn đi sâu vào đó, thì cả cuộc đời ông sẽ là một câu thần chú, cái chết của ông cũng sẽ là một câu thần chú. Ông còn muốn một chữ, nửa chữ làm gì? Lão sư Đại Giác đi vào rừng sâu đặt xuống đó một chữ, giờ đây cả thiền lâm đang xé nát nó thành nhiều mảnh trên gai nhọn, cố tìm nó. Nếu thượng tọa đứng trước tôi đây muốn nắm lấy một chữ đó, thì không mở miệng tụng kinh không chữ. Nếu thượng tọa không biết kinh không chữ, thì liền mất kinh một chữ đó vậy. Hãy đem một chữ này gửi đến từng trời thứ ba mươi ba; hãychôn nó đi, nó ở dưới đáy đại địa ngục thứ tám. Bốn phương, trên dưới, chỗ nào có thể dấu được nó? Ngay giây phút này, ở trước thượng tọa! Có chữ nào hay không?
Kim vàng không thấu được (lớp vải thêu), tu sĩ im lặng rút lui.

(Thiền và Đạo Thuật)


 7. MƯA ĐÊM

Trước khi vào sống trong núi, Thiền sư Ranryo đã hành cước khắp bốn phương, không phân biệt triều đình hay thôn quê, thành phố hay làng mạc, không tránh quán rượu cũng không tránh nhà thổ.
Khi có người hỏi tại sao làm như vậy, sư đáp:
- Hễ tôi ở đâu thì Đạo ở đó. Không có khe hở nào hết.
Về sau, Ranryo vào núi dựng một cái am đơn sơ, sống cuộc sống khổ hạnh thanh đạm, tiếp tục tu Thiền.
Ranryo đặc biệt thích mưa đêm. Vào những đêm mưa, sư đốt nhang ngồi mãi cho đến sáng. Dân làng ở các vùng ven núi không biết tên, bèn kêu sư là Dạ Vũ tăng (ông tăng Mưa Đêm). Sư nghe gọi như thế, thấy hay hay, bèn lấy đó làm bút hiệu.
Có người đến hỏi sư về công đức tương đối của thiền định và phép niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, sư đáp bằng bài kệ sau đây:

Thiền định và niệm Phật,

Tựa hai quả núi to;
Tiềm năng cao và thấp
Phân chia một thế gian.
Một khi lên tột đỉnh,
Tất cả đều như nhau
Thấy trăng trên đầu núi;
Tội nghiệp kẻ bất tín
Đau khổ vì leo trèo.


(Giai Thoại Thiền)

8. PHẬT TRONG ĐỜI NÀY


Một hôm, Thiền sư Đông Lĩnh đang thuyết pháp ở Saga, ở vùng núi ngoại ô Kyoto. Trời mùa đông lạnh chết người. Thời tiết lạnh đến nỗi mọi người trong thính đường tỏ vẻ khó chịu kịch liệt.
Đông Lĩnh rống to, “Những ai trong quí vị sợ thời tiết lạnh nên trở lại đời sống thế gian ngay! Quí vị làm sao học Thiền được? Tại sao quí vị không tìm nó trong tâm của quí vị? Con cá ở trong nước, nhưng không biết nước ngay ở đó; con người ở giữa đạo lý tối thượng mà không biết đạo lý.”
Lúc đó, trong thính đường có một người theo phong trào Tâm Học tên là Nakazawa Doni, người sau này lập hội Tâm Học ở miền đông Nhật Bản, nghe những lời Đông Lĩnh nói, bỗng nhiện tỉnh ngộ. Sau này, Nakazawa giải thích, “Hiển Bày Giáo Lý có nghĩa là không đặt tâm ra ngoài,” rồi thêm, “Đây là những gì họ muốn nói qua câu thành Phật ngay trong thân này.”

(Giai Thoại Thiền)