Ánh Sáng cho Chính Mình

Mỗi người phải được tự do để trở thành ánh sáng cho chính mình. “Ánh sáng cho chính mình”. Ánh sáng này không thể nhận được từ người khác, cũng không thể thắp lên bằng ngọn nến của người khác. Nếu bạn thắp bằng ngọn nến của người khác, nó chỉ là ngọn nến, nó có thể bị thổi tắt. Sự nghiên cứu ráo riết để tìm ra thế nào là ánh sáng cho chính mình là một phần của thiền quán. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem thế nào là ánh sáng cho chính mình và sự có ánh sáng này nó đặc biệt quan trọng đến mức nào.
Thân phận của chúng ta là chấp nhận thẩm quyền, thẩm quyền của vị tu sĩ, thẩm quyền của cuốn sách, thẩm quyền của vị đạo sư, thẩm quyền của người nào đó tuyên bố rằng họ biết. Đối với tất cả những vấn đề thuộc về tâm linh, nếu có thể dùng từ “tâm linh”, thì không có bất cứ loại thẩm quyền nào cả. Nếu không như vậy, bạn sẽ không có tự do để mà nghiên cứu, trầm tư, để tự tìm ra ý nghĩa mà thiền quán mang lại. Để đi vào thiền quán, bạn phải hoàn toàn thả nổi bản thân, giải phóng nội tâm khỏi tất cả mọi loại thẩm quyền, so sánh, kể cả thẩm quyền của người phát ngôn, nhất là khi người phát ngôn lại là chính tự ngã, là “cái tôi”, bởi vì nếu bạn nghe theo lời của “hắn” thì…, thế là hết, là tiêu rồi!
Bạn phải nhận thức được sự quan trọng về thẩm quyền của ông thầy thuốc, của nhà khoa học; đồng thời hiểu rằng hoàn toàn không có sự quan trọng về thẩm quyền đối với nội tâm, dù rằng đó là thẩm quyền của người khác, hay của kinh nghiệm, kiến thức, quyết định, thành kiến của chính bạn. Kinh nghiệm của ai đó, hiểu biết của ai đó rồi cũng sẽ trở thành thẩm quyền của chính họ:”Tôi hiểu, cho nên tôi đúng”. Nên tỉnh giác trước những loại thẩm quyền đó, nếu không, bạn sẽ không bao giờ có thể trở thành ánh sáng cho chính bạn được…..
…Trong thiền quán, sẽ không có ai chỉ dẫn bạn, không có ai nói cho bạn biết rằng bạn đang tiến bộ, không có ai khuyến khích bạn, bạn phải hoàn toàn đơn độc. Và cái ánh sáng cho chính bạn chỉ có thể bừng lên khi chính bạn tự tìm hiểu nội tâm một cách sâu xa, coi xem mình là cái gì. Đó là sự tự thức tỉnh, biết mình là cái gì. Cái biết ấy không dựa theo các tâm lý gia, không dựa theo các triết gia, không dựa theo các diễn giả, các nhà hùng biện, nhưng là bạn “biết”, bạn “tỉnh thức” về cái bản thể của bạn, sựsuy nghĩ của bạn, cảm xúc của bạn, tìm ra toàn bộ cấu trúc của cái toàn thể. Biết rõ chính mình là điều tối quan trọng. Đó không phải là do người khác mô tả về mình, mà là “đích thực là cái gì?”, bạn là cái gì; Đó cũng không phải “cái mà bạn tưởng rằng bạn là…”, hoặc ” cái mà bạn nghĩ rằng bạn nên là…”, nhưng là cái đang hiện hữu thực tế là cái gì.

Trích: This Light in Oneself’-True Meditation
Tác giả: J. Krishnamurti
Người dịch: Danny Việt