Sinh Tử qua Lăng Kính của Người Giác Ngộ

Hai chữ “Sinh Tử” đã khiến cho biết bao nhiêu người bất kể trí ngu giàu nghèo từ xưa đến nay đều phải lưu ý tới và khổ tâm vì nó. Người trí thì đối diện với nó và tìm cách để giải quyết nó để thoát khỏi nó một cách vĩnh viễn. Kẻ ngu thì sợ hải nó, trốn tránh nó và làm mọi cách để quên nó trong hiện tại một cách tạm thời. Người giàu không thể dùng tiền để mua lấy cái chiêu bài “miễn tử” mà người nghèo cũng không thể thoát khỏi sự chết. Bởi sanh già bệnh chết là bốn cái khổ chính chung của loài người và muôn loài chúng sanh. Vậy sinh tử là cái gì mà khiến cho bao nhiêu người phải để tâm đến? Phần đông con người quan niệm rằng sinh là sự hiện hữu của một cái thân hình tướng và tử là sự mất của cái thân hình tướng chính nó. Cũng có người cho rằng sinh tử là sự khởi niệm và diệt niệm nơi tâm trong từng sát-na. Tuy rằng thân và tâm đều sinh diệt theo định luật của vô thường vô ngã trong phạm vi tương đối, nhưng cái sinh diệt ấy là hư vọng của những người sống trong chiêm bao qua cái thấy của người giác ngộ đã vượt ngoài tương đối hay ở trong Bản Thể Tuyệt Đối. Nói một cách khác, đối với người Giác Ngộ thì thật không có sinh tử.

Qua con mắt nghiệp bệnh của loài người thì sinh già bệnh chết diễn ra trên thân tứ đại hằng năm, hằng ngày và hằng giờ. Nhưng đối với người có khả năng quán sát kỹ càng và tỉ mỉ hơn như là những người hiểu đạo và đang tu đạo thì sinh tử đang diễn ra hằng phút, hằng giây và thậm chí hằng từng hơi thở. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phẩm 38 có chép như sau:
Đức Phật hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Đáp rằng: "Trong vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu Đạo". Đức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Đáp: "Khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu Đạo". Đức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Đáp: "Khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Đạo."(1)

Đối với đức Phật thì người hiểu đạo là người có sự quán sát tỉ mỉ về thân vô thường chỉ tồn tại trong từng hơi thở, tức rất mong manh, vì một hơi thở ra không vào là đã qua đời khác. Quán cái thân vô thường trong mỗi hơi thở là để phá kiến chấp về thân vì thấy rõ bản chất của nó là duyên sinh vô ngã. Có quán như thế mới thấy được rằng không phải khi nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết, mà sự thật là cái chết đã thể hiện qua trong từng hơi thở.
Nói sinh tử trong từng hơi thở là cách quán sát kỹ lưỡng về thân vô thường ngô ngã. Nhưng nếu quán sát tỉ mỉ hơn thì cũng có thể thấy rõ rằng sinh tử hiện hữu ở trong từng tâm niệm, từng sát-na. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển hai, Vua Ba Tư Nặc có trình bày một cách chi tiết về sự sinh diệt của không những là thân mà còn là tâm trong từng niệm và sát-na như sau:
“Bạch Thế Tôn! Sự biến hóa âm thầm dời đổi, con thật chẳng hay, mùa đông mùa hạ thấm thoát trôi qua, dần dần đến thế này. Tại sao? Khi hai mươi tuổi, dù gọi là trẻ, nhưng mặt mày đã già hơn lúc lên mười, khi ba mươi tuổi lại sút hơn lúc hai mươi, đến nay đã sáu mươi hai, so với lúc năm mươi thì suy yếu hơn nhiều. Thế Tôn, con cảm thấy sự dời đổi âm thầm trôi chảy theo kỳ hạn mười năm, nhưng nếu suy xét tỉ mỉ thì cái biến đổi ấy đâu phải từng 10 năm! Thật ra thì mỗi năm mỗi đổi, cho đến mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi sát na niệm niệm biến đổi chẳng ngừng, nên biết thân này chung quy biến diệt vậy.”(2)
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn cũng dạy:
“Chuyện vô thường già chết không hề hẹn trước. Sớm còn tối mất, thoắt chốc đã sang đời khác; như sương như móc thoạt có thoạt không; như cây ven bờ vực, như dây leo vách giếng, có chi bền chắc? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, chỉ trong chớp mắt, trút hơi thở đã qua kiếp khác. Sao lại có thể yên lòng mà bỏ phí cuộc đời trôi qua vô ích?”(3)
Niệm niệm biến đổi không ngừng trong từng sát-na là chỉ cho cái tâm khởi diệt hết niệm nầy đến niệm khác một cách nhanh chóng để thể hiện sinh tử qua từng tâm niệm. Quán cái tâm sinh diệt trong từng niệm để phá vỡ cái nhận thức sai lầm về vọng tâm hay thức được biến hiện qua những làng sóng võ não khi trần cảnh tiếp xúc với phù trần căn và tịnh sắc căn, mà ai cũng cho nó là mình, của mình và tự ngã của mình. Thân đã vô thường duyên sinh vô ngã thì vọng tâm cũng như thế.
Nếu là người không hiểu đạo và tu đạo thì thật sự không thấy rõ được sự vô thường sanh diệt của thân tâm trong từng hơi thở và trong mỗi niệm sát-na sinh diệt như trên đã trình bày. Chính bởi vì những người ấy không biết nên không chánh niệm tỉnh giác trong từng hơi thở. Ngược lại họ cứ để tâm buông lung rong ruỗi chạy theo trần cảnh bên ngoài qua ngày tháng mà không hay, đến khi già già bệnh chết tới thì mới chợt tỉnh rằng thân mạng là vô thường giả tạm và cuộc đời là một tuồng hát, vở kịch, và giấc mộng nhanh chóng trôi qua. Người hiểu đạo và tu đạo thì không thể lãng phí cả một đời người sống trong mê lầm điên đảo đắm chấp thân mạng vô thường nầy được, mà phải như lời Phật dạy thực hành việc quán sát sự sinh diệt biến đổi không ngừng của thân và tâm trong từng hơi thở và mỗi niệm để chúng ta có thể buông xuống những kiến chấp sai lầm về chúng (như cho chúng là mình, là của mình và là tự ngã của mình) mà từ từ xa dần sinh tử. Còn chấp lấy thân tâm thì bị chúng chi phối ràng buộc, sai sử tạo nghiệp và chính vì thế mà theo nghiệp thọ nhiều báo thân ở trong tam giới lục đạo không thể nào ra khỏi được.
Thân và Tâm nầy nó vốn là duyên sinh vô ngã, vô thường giả tạm, và biến đổi không ngừng thì nó thật chẳng phải là mình, là của mình và là tự ngã của mình được. 


***
Bởi vì con người sống trong vòng tương đối của sanh tử, có không, hơn thua, yêu ghét, chánh tà, hư ngụy v.v… nên đức Phật mới dùng những pháp tương đối để trị những bệnh chấp tương đối ấy. Con người có quá nhiều tâm chấp trước nên đức Phật mới dùng nhiều phương pháp để hóa giải những tâm lầm chấp đó. Chứ kỳ thật nếu con người không có những tâm bám chấp đó thì Phật cũng không khổ nhọc để bày nhiều phương pháp đối trị để làm gì. Giống như nếu không có bệnh thì đâu cần phải uống thuốc! Như trong Truyền Tâm Pháp Yếu, Tổ Hoàng Bá có dạy: “Phật thuyết tất cả pháp vì độ tất cả tâm, ta chẳng tất cả tâm đâu cần tất cả pháp.”(6) Chính vì thế mà ở trong cả hai Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Viên Giác đức Phật cùng nói một lời “Tất cả kinh giáo như là ngón tay chỉ trăng” (nhứt thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ) và như Kinh Kim Cang ngài lại nói “Các Tỳ Kheo phải biết lời thuyết pháp của ta ví như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè; vậy pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!”(7)

***
Do vậy qua lăng kính của người giác ngộ thì sinh tử vốn không, là việc của người trong mộng vì bản thể chưa từng sinh nên cũng chưa từng diệt. Như mắt bệnh nên thấy hoa đốm sinh ra từ hư không, nhưng kỳ thật nếu mắt không có bệnh thì hư không tuyệt chẳng có hoa đốm. Sinh tử ví như hoa đốm do bệnh mắt, do chiêm bao mà thấy là có và cho là thật. Hư không dụ cho bản thể Tuyệt Đối hay chân tâm thường trụ chẳng có những cập phàm trù thuộc tương đối nào cả như sinh tử, đến đi và mê ngộ...

Lượt trích: Sinh Tử qua Lăng Kính của Người Giác Ngộ
Tác giả: Thánh Tri