TỈNH THỨC VÀ HIỂU BIẾT

Trong bài kinh Kalama nổi tiếng, thường được nhắc đến, Đức Phật đã đề ra mười điều mà ta không nên dựa vào để chọn người thầy hay để đi theo con đường tâm-linh nào đó. Tất cả đều có liên quan đến một hệ thống niềm-tin dựa vào truyền thống hay vào các cổ thư. Không tin, nhưng ta phải tự tìm ra sự-thật là điều Đức Phật thường nhấn mạnh. Nếu không làm thế, ta sẽ khó có được cái thấy nội-tại, là bước đầu tiên đưa ta đến con đường đạo.

Cái thấy nội-tại là một chứng-nghiệm – không có nó, tuệ-giác không thể phát sinh. Điều đó đúng đối với những vấn đề bình thường trong cuộc sống, cũng như sự hiểu-biết sâu sắc về giáo-lý của Đức Phật. Thí dụ, có ai đó không vừa lòng với ta, nếu ta không tìm hiểu tại sao, thì sự hiểu lầm giữa ta và người đó sẽ không bao giờ chấm dứt. Ta cần phải nhận rằng hẳn mình đã nói hay làm gì đó khiến người kia phật lòng. Đây chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nó cũng cho thấy ta cần có sự hiểu-biết về kinh-nghiệm của mình.
Pháp-hành có nghĩa là không ngừng chuyển-hóa bản thân để đạt đến chỗ hoàn hảo. Nếu ta không hoàn toàn chú tâm đến từng chi tiết, ta sẽ chẳng bao giờ chuyển-hóa đến chỗ tuyệt đối. Chú tâm đến chi tiết là cốt lõi của chánh-niệm. Tuy nhiên, phần đông không được hướng dẫn hoặc không thực sự thực hành chánh-niệm. Hiểu biết qua sách vở là một chuyện, thực hành lại là chuyện khác. Chánh-niệm là cốt lõi của trí-tuệ, vì không có chánh-niệm ta sẽ không thể nhìn thấu-suốt vấn đề gì.
Theo dõi hơi thở có nghĩa là “biết chính xác”. Chánh-niệm không phán đoán, phân biệt, vẽ vời. Chánh-niệm biết khi nào tâm-định, khi nào tâm phóng đi và khi nào nó trở nên bình an. Sự chánh-niệm hoàn hảo sẽ biết rỏ điều gì đang xảy ra trong từng giây phút.
Khi ta chú-tâm đến các cảm-xúc, chỉ cần quan-sát chứ không phản ứng lại với chúng, là ta đang hành niệm thứ hai của Tứ niệm-xứ – (niệm Thọ). Khi ta biết mình đang suy tưởng – (niệm Tâm) và khi ta biết nội dung suy tưởng, đó là – (niệm Pháp). Nếu không có sự chú tâm, ta không thực sự tỉnh thức. Ta cần luôn thực tập sự chú tâm rõ ràng vào các đối tượng này.
Khi hành thiền, tâm có thể trở nên an định. Nếu có cảm giác an bình, ta phải biết điều đó rõ ràng. Nếu không thể nhận thức điều gì đang xảy ra, ta không thể tiến xa hơn, vì ta không biết mình đang ở đâu. Một chi tiết quan trọng của việc hành thiền là biết chính xác điều gì đang xảy ra, và có thể mô tả lại điều đó sau khi nó xảy ra. Điều được mô tả là kinh-nghiệm đã được nếm trải. Nó tự động xảy ra theo sau sự việc. Điều này đúng đối với bất cứ trạng thái tâm nào hay bất cứ cảm-xúc nào.
Pháp là các trải-nghiệm của Đức Phật được mô tả lại. Nếu ta không thể làm thế đối với chính những trải-nghiệm của bản thân, là ta sống trong hệ thống tín-ngưỡng, có thể khiến tâm ta mờ mịt. Trong khi thiền là để làm cho tâm sắc bén. Tâm chánh-niệm là chiếc búa đã được mài bén, có thể cắt xuyên qua tất cả mọi vọng-tưởng của ta. Khi ngồi thiền, ta có thể biết các chướng ngại trong tâm như là: tâm ù lì không biết việc gì đang xảy ra (hay tâm mê), tâm phóng dật, tâm sân không muốn vâng lời. Đó là chánh-niệm về tâm-pháp.
Như mọi chúng sanh khác, tâm ta thường phóng dật, luôn tìm cách tránh khổ và mong cầu hạnh phúc. Điều này thật khó thay đổi. Nếu ta quán sát thấy mình đang chống lại cái khổ, tìm kiếm điều dễ chịu, ta phải biết đó chỉ là cách hành xử theo thói quen bình thường. Đó là cách vận hành của thế giới này, nhưng ta có thấy ai thực sự hạnh phúc trong đó không? Đó là một cuộc phiêu lưu vô vọng, chắc chắn thất bại, vậy mà tất cả mọi người vẫn còn cố gắng chạy theo. Tất cả đều đã cố gắng đủ lâu rồi, giờ ta có thể buông bỏ, ít nhất là trong thời gian này thời gian ngồi thiền.
Chúng ta có thể thoát khổ (dukkha), nhưng không phải bằng cách loại bỏ các cảm-thọ khó chịu, mà chỉ bằng cách loại bỏ các phản-ứng đối với chúng. Đây là cửa chính để bước vào con đường tâm linh. Nếu ta không hiểu rõ điều này, thì mọi thứ đều thất bại. Chúng ta sẽ không thoát khỏi sự khó chịu của việc ngồi lâu, của muỗi mòng, hay của bất cứ khổ thọ nào mà ta gặp phải. Tất cả đều do tâm tạo, do tâm phản ứng lại. Dukkha (khổ) sẽ biến mất khi các phản ứng của ta biến mất.
Trừ khi hiểu biết chính mình là người tạo ra cái khổ cho mình, nếu không thì khó thể nào ta thấy Pháp. Chúng ta bắt đầu biết tu khi không còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, tha nhân, thể chế chính trị, kinh tế hay thời tiết… Chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy các phản ứng của bản thân. Dĩ nhiên các phản ứng này không phải tất cả đều khả ái, thiện lành ngay. Phải cần có thời gian. Nhưng ít nhất ta có thể bắt đầu làm gì đó cho bản thân.
Chánh-niệm không những chỉ cần có mặt trong khi ta hành thiền, mà cả lúc ta hành động, cảm-thọ hay nghĩ suy trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm về thân có nghĩa là ta biết tất cả mọi chuyển động nơi thân. Khi quán sát bản thân, ta cũng nhận thấy rằng đôi khi thân không thể vâng lời tâm vì nó yếu đuối. Đây là cửa đầu tiên để vào thiền tuệ, khi biết rằng có thân, tâm và tâm thì quan trọng hơn.
Chánh niệm về các chuyển động của thân cũng liên quan tới các đối tượng chánh niệm khác. Thí dụ, nếu ta đang lo nghĩ đến tương lai thì ta không còn để ý đến thân nữa; thay vào đó ta có thể chú tâm đến quá trình tư duy. Ta biết mình đang nghĩ suy, đang tạo nghiệp. Các tư tưởng là tâm hành, cũng như nghiệp hành. Chúng ta là chủ nhân của nghiệp mình. Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì chúng ta sẽ là thế ấy. Đó là một quá trình tự nhiên, không liên quan đến một chủ thể đặc biệt nào.
Sau đó chúng ta có thể bắt đầu ý thức đến nội dung tư tưởng của mình, có nghĩa là ta biết chúng thiện hay ác. Ta có thể tập buông bỏ bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào và thay thế nó bằng cái khác. Ngay đó ta có thể khởi tâm thiền, mà không tách rời khỏi các hoạt động bên ngoài. Khi đang chú tâm đến hơi thở trong thiền, một ý nghĩ xen ngang, ta tập buông suy nghĩ, trở về với hơi thở. Ta có thể sử dụng quy cách đó trong đời sống hàng ngày để buông những suy nghĩ bất thiện. Lúc đó ta thay thế bằng ý nghĩ thiện, giống như khi đang hành thiền ta thay thế bằng hơi thở.
Chánh-niệm về quá trình tư-duy được Đức Phật gọi là “bốn nỗ lực cao-thượng” (hay bốn tinh-tấn ba-la-mật: 1. Tránh các trạng thái tâm bất thiện, 2. Chế ngự các trạng thái tâm bất thiện, 3. Phát triển các trạng thái tâm thiện, 4. Duy trì các trạng thái tâm thiện). Chúng là cốt lõi trong quá trình thanh-tịnh. Con đường tâm-linh là con đường thanh-tịnh, xoay quanh chánh-niệm. Đức Phật dạy: “Chỉ có một cách để thanh-tịnh hóa chúng sanh, chế ngự khổ, giải-thoát khỏi đau buồn, ưu não, than van, để bước vào con đường cao thượng, để đạt được Niết-bàn, đó là chánh niệm”. Sự thanh-tịnh hóa không chỉ mang lại tâm an bình cho một cá nhân, mà còn để giúp ta hành thiền.
Nếu cho rằng, người ta có thể ngồi xuống gối thiền, theo dõi hơi thở, rồi tâm trở nên định là huyễn-hoặc. Người ta phải trang bị tâm để hành thiền, do đó, ta phải thực hành bốn tinh tấn ba-la-mật, không chỉ trong lúc hành thiền, mà cả trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó ta sẽ đạt được an-tĩnh nội tâm là điều mà ai cũng hoài vọng, nhưng có mấy ai tìm được.
– Tinh tấn đầu tiên là không để cho tư tưởng bất thiện chưa phát khởi, được phát khởi. Muốn làm được điều này chánh-niệm phải thật sắc bén. Một tư tưởng chưa phát khởi, tạo nên những làn sóng đi phía trước. Để biết được rằng chúng không mang đến lợi ích gì, ta cần nhiều chú-tâm và công-phu tu tập.
– Tinh tấn thứ hai, không để một tư-tưởng bất thiện đã phát khởi, được duy trì, có thể được thực hiện bởi bất cứ ai có thiện chí, nếu người đó biết là không có ai khác để đổ lỗi ngoài mình. Ý nghĩ bất thiện không phải do ngoại vật kích động, mà hoàn toàn do các uế nhiễm từ bản thân.
– Tinh tấn thứ ba là khiến cho tư tưởng thiện, chưa phát khởi, được phát khởi. Có nghĩa là chúng ta phải liên tục quán sát tâm, khuyến khích những ý nghĩ tích cực, thiện lành khi chúng chưa có mặt, ngay cả trong những hoàn cảnh khó xử nhất.
– Cuối cùng, tinh tấn thứ tư là làm cho tư tưởng thiện, đã phát khởi, được duy trì. Trong khi hành thiền, điều đó liên quan đến đề mục thiền-quán của ta. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, đó là phản ứng của tâm. Nếu ta có chút cảm nhận đối với bản thân, ta có thể cảm thấy bấn loạn bên trong khi tư-tưởng bất thiện phát khởi, cảm giác của sự chống đối. Tư-tưởng bất thiện luôn ở trong tâm ta trong quá nhiều năm tháng, đến nỗi chúng đã trở thành những phần không thể thiếu trong quá trình tư duy của ta. Cần phải có chánh-niệm và quyết tâm ta mới buông bỏ được chúng.
Khi hành thiền chúng ta trở nên ý-thức rằng các tư tưởng bất thiện của mình không do ai hay hoàn cảnh bên ngoài tạo ra. Tâm ta sẽ thêm vững mạnh để có thể buông bỏ những gì ta không cần, giữ lại hoặc thay thế bằng những điều hữu ích. Bốn tinh tấn ba-la-mật này là bốn căn bản của chánh niệm liên quan đến nội dung tư tưởng của ta (niệm Pháp). Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều thực hành điều này, thì thế giới này đáng sống hơn nhiều.
Trạng thái nội-tâm của ta được biểu hiện qua cảm xúc, phát khởi khi có sự xúc chạm của các giác quan. Suy tư cũng là một sự xúc chạm giác quan. Ý nghĩ bất thiện sinh ra các cảm-thọ bất thiện, như là khó chịu, bực bội. Thấy, nghe, nếm, ngửi, chạm là năm ngoại giác-quan. Tư-duy là giác quan bên trong. Tất cả khi xúc chạm, đều tạo ra cảm-giác. Kia là mắt và đối tượng của mắt. Khi cả hai đều tốt đẹp, nhãn-thức phát sinh và kết quả là cái thấy (nhãn-căn, nhãn-trần và nhãn-thức tụ hội). Khi ta biết đó là cách bản-thể này (cái gọi là “ta”) hoạt động, chúng ta có thể dừng lại những chương trình đã được cài đặt sẵn trong tâm, luôn luôn phản ứng cùng một cung cách. Bởi thế không khó đoán người ta sẽ phản ứng như thế nào, đối với một sự kích động quen thuộc nào đó, vì chương trình cài sẵn của họ chưa được thay đổi. Để dừng chương trình đó lại, trước hết ta phải biết có một chương trình, và nó bao gồm những gì. Thí dụ, với nhĩ-căn, là ống tai; rồi có âm thanh. Khi nhĩ-thức phát khởi, vì cả căn và trần đều có mặt, ta có cái nghe, và từ cái nghe, cảm-xúc phát khởi. Tai chỉ có thể nghe âm thanh, mắt chỉ có thể thấy màu sắc, hình thể. Còn tâm làm tất cả những thêm thắt như giải thích… Mỗi người lại có sự giải thích khác nhau, nên không ai thấy hay nghe bất cứ điều gì giống nhau.
Suy nghĩ cũng là một xúc chạm của giác quan. Ta có ý-căn và “tưởng”. Tâm-thức phát sinh, tiếp xúc với ý-nghĩ và tư-duy bắt đầu. Từ đó cảm xúc phát khởi. Nếu ta nghĩ mình thương yêu mọi chúng sanh, thì dầu ta có thực sự làm được hay không, chắc chắn ta cũng có một cảm giác ấm áp, dễ chịu phát sinh từ ý nghĩ đó. Tương tự, nếu ta thấy ghét ai đó, thì ta có cảm giác lạnh lùng, xa cách. Sau đó là phản ứng đối với cảm-giác, hoặc là muốn/ước ao hay không muốn/xua đẩy. Khi chú tâm quán-sát bản thân, chúng ta có thể trải-nghiệm điều đó thật rõ ràng. Chính phản ứng đối với cảm-xúc là cửa ngõ để vào tính nhị-nguyên và khổ lần nữa. Nhưng đồng thời nó cũng chỉ cho ta cửa ra khỏi mọi phiền-não.
Nếu một lần nào đó ta không phản ứng, nhưng biết rõ cảm-giác chỉ là cảm-giác, thì ấy là chánh-niệm đã được thiết lập. Ta cũng khởi lòng tin là ta có thể làm được như thế lần nữa, và đang thực sự thực-hành thanh tịnh hóa tâm-linh. Đó là một sự thuyết phục nội-tại quan trọng. Đức Phật dạy rằng, chúng ta cần cả hai, học và hành. Văn (học) giúp ta biết Phật dạy những gì. Nhưng nếu ta không thực-hành thì ta giống như con vẹt hay giả đạo đức, nói những điều mình không có chút kinh-nghiệm tự chứng nào.
Qua sự thực hành chánh-niệm, chúng ta trở nên ý thức đến các cảm-xúc phát khởi khi có sự xúc-chạm của các giác-quan. Cảm-xúc lúc nào cũng có mặt, chúng cần được nhận diện để ta có thể chuyển-hóa cách sống theo bản-năng thành cách sống có chủ-đích của một con người. Theo bản-năng, ta luôn là người phản-ứng. Có chủ đích, ta sẽ trở thành người tạo-dựng.
Cho nên, chúng ta phải luôn luôn duy trì chánh niệm trong tất cả mọi hoạt động hàng ngày. Ta có thể thực hành dù bất cứ ở đâu: tại nhà, ở chợ, nơi làm việc, lúc viết thư, điện thoại, bất cứ làm gì, bất cứ lúc nào. Thiền cho ta động lực, giúp ta tỉnh-thức để tháo gỡ mọi chướng ngại ẩn tiềm trong các quan-điểm của mình. Ta không thể thấy được cái tổng-thể, mà chỉ thấy từng bộ phận. Ta thấy những gì quanh ta, nhưng không thể thấy xa hơn nữa. Với chánh-niệm, dường như có cánh cửa mở. Khi mọi thứ đều có chỗ nhất định và đều liên kết với nhau, ta sẽ buông bỏ được cảm-giác về sự quan trọng của một cái-ngã được thổi phồng, và có thể liên kết nhiều hơn với tất cả mọi hiện tướng. Tất cả những thứ này vẫn còn là thứ phẩm, là vấn đề bên lề. Chánh-niệm thực sự nghĩa là “biết”. Khi ta biết và thực sự trải nghiệm, dần dần bản thân ta có thể sẽ chứng-nghiệm được Tứ diệu-đế. Lúc đó công việc của ta hoàn mãn.
Một trong những yếu tố của chánh-niệm làkhả năng đạt được nhất-tâm. Chúng ta không trở nên phóng dật hay mù mờ, mà có thể luôn giữ tâm ở vị-trí của nó. Chúng ta phải ý thức rằng những chướng ngại của tâm là một bi kịch của con người, không phải bi kịch của cá nhân nào. Sự hiểu-biết này giúp ta chịu đựng một cách nhẫn-nại và chuyển hóa dần dần._

 Ni sư AYYA KHEMA 

 Diệu Liên Lý Thu Linh (dịch)
(Chuyển ngữ theo Awake & Awareness, là một trong mười bài pháp thoại mà Ni sư Ayya Khema đã giảng trong một khóa tu tại Trung tâm Đào tạo Tăng sĩ Pelmadulla, Tích Lan, năm 1989, và đã được tổng hợp thành sách với tựa đề To be seen here and now.