Cuốn kinh quý giá

1. Sự khác biệt giữa kiến thức và tri kiến.

Kiến thức gồm những thông tin góp nhặt từ bên ngoài mà mình chưa thực sự trải nghiệm, trong khi tri kiến là sự thấy biết qua những trải nghiệm thực. Kiến thức nhiều nhưng không thể nghiệm được dễ trở thành sở tri chướng. Nhưng tri kiến nhiều được đức Phật gọi là đa văn, đa văn lại rất cần thiết cho sự giác ngộ vì đó chính là phần tướng dụng của trí tuệ gọi là hậu đắc trí, còn tánh biết là vô sư trí.

... Bằng cấp Tiến sĩ đời hay đạo chỉ khác nhau ở môn học, còn Thánh hay phàm khác nhau ở sự tu chứng. Bậc Thánh có thể không biết chữ và không có bằng cấp nào nhưng họ lại giác ngộ Sự Thật về Sinh tử và Niết-bàn.

... Bậc Thánh được Phật xác nhận nhờ đã thoát khỏi 10 trói buộc là Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân, dính mắc sắc giới định, dính mắc vô sắc giới định, ngã mạn, trạo cử, vô minh. Ai đang tu trí tuệ và từ bi là Bồ Tát.

 Vô sư trí

"Vô sư trí" hay "Căn bản trí" là trí tuệ vốn có sẵn trong tánh biết (tánh giác) của mỗi người."Đốn ngộ" là khởi đầu phát hiện được thực tánh vô sư trí của tánh giác không phải là tri thức thường nghiệm. Đốn ngộ chính là ngộ tánh (vô sư trí)

Hậu đắc trí

"Hậu đắc trí" là trí tuệ thành tựu do quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm mà chứng nghiệm được. 
"Tiệm tu" là trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi, khám phá... để điều chỉnh nhận thức và hành vi của cái ta ảo tưởng với khái niệm tục đế ...từ a, b, c... chính là chứng nghiệm tướng dụng (hậu đắc trí)
"Toàn giác" là hoàn toàn giác ngộ trí tuệ viên mãn cả Vô Sư Trí lẫn Hậu Đắc Trí. 

* Bản chất của tánh biết là trong sáng nên nó là căn bản trí hay vô sư trí, chứ không phải không có trí tuệ, nhưng nó chỉ mới hoàn hảo nơi tự tánh chứ chưa hoàn hảo trong tướng dụng, nên một đứa bé tuy bẩm chất thông minh nhưng vẫn phải trải nghiệm, chiêm nghiệm cuộc sống mới phát huy được tướng dụng của nó, đó là hậu đắc trí. Khi tánh tướng thể dụng của tánh biết đã hoàn hảo mới thực sự hoàn toàn giác ngộ. Do đó tánh thì có thể đốn ngộ nhưng sự thì phải tiệm tu mới toàn giác được. 


2. Vọng Tưởng

- Con phải làm sao khi con quá nhiều vọng tưởng?
- Sao con biết đó là vọng tưởng? Khi con nói đó là vọng tưởng tức là con có ý phê phán rồi cho nên con mới muốn làm sao để xử lý nó. Đó là thái độ nhận thức và hành vi thiếu trung thực.
Cái gì đến đi nơi thân tâm con đều là pháp, chỉ cần lặng lẽ lắng nghe quan sát hoặc cảm nhận nó như nó đang là thôi thì con sẽ phát hiện ra bản chất thật của pháp. Chủ yếu giác ngộ là thấy pháp chứ không phải loại bỏ pháp này tìm kiếm pháp kia theo ý mình.
Nếu là chân thì nó tự chân, nếu là vọng thì tự nó là không, vậy con đâu cần xử lý. Nếu con không thấy được điều này thì tạm thời con có thể niệm Phật để tâm lắng dịu dần rồi khi tâm đã lặng lẽ trong sáng thì nó sẽ tự biết chiếu soi để thấy rõ các pháp...





3. Kiến Tánh

Nhận ra Tánh Biết Thiền Tông gọi là Ngộ hay Kiến Tánh và đức Phật dạy trong Tăng Chi là "bậc trí thấy được Tâm Chói Sáng (Pabhassaracitta)". Khi 6 thức thanh tịnh (tri kiến thanh tịnh) thì mới nhận ra được Tánh Biết mặc dù nó vẫn thường chiếu sáng. Tri kiến vọng động (nhất là ý thức) ví như mây che mặt trời, nên khi tri kiến thanh tịnh thì Tánh Biết chói sáng như mặt trời không mây che. Đó chính là lúc nhận ra Tánh Biết. Thường chánh niệm tỉnh giác thì tri kiến thanh tịnh.... có câu "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" hoặc "Kiến tánh khởi tu", nghĩa là nếu chưa thấy được tánh thì tu chỉ mới là hoạt động của bản ngã, cho đến khi thấy được thực tánh chân đế mới thật sự biết tu là thế nào. Tưởng kiến tánh là đã xong thì lầm to!




4. Định hữu vi hữu ngã & chánh định

Định hữu vi hữu ngã chỉ làm trở ngại sự phát huy của trí tuệ. Vì vẫn còn sinh, hữu, tác, thành trong tam giới. Chỉ có chánh định không sinh, không hữu, không tác, không thành - tự nhiên vô vi vô ngã - mới giúp trí tuệ toả sáng. Đó chính là giới định tuệ tự tánh tròn đầy trong Bát Thánh Đạo. Nếu còn một chút ý đồ đình trụ trong tướng định của bản ngã thì làm sao tâm có thể Không, Vô Tướng, Vô Tác, Vô Cầu như đức Phật dạy được.

... nhận ra đâu là định, đâu là tuệ để không tham ưu, không bám víu vào bất cứ điều gì dù đó là hỷ lạc của thiền. Nguyên lý kỳ diệu của Đạo là chỉ thấy biết tự nhiên thực tại thân tâm cảnh đang là. Càng tự nhiên vô tâm (không cố gắng dụng công theo ý đồ của bản ngã) càng dễ thuần thục mà không mong cầu thuần thục. Giống như người đã biết đúng đường thì cứ thong thả mà đi, bởi vì Đạo ở ngay nơi mỗi bước đi chứ không phải ở nơi mình mong tới mà phải vội vàng.














5. Giác ngộ chân lý

Hãy tự khám phá chính mình, tất cả chân lý đều đầy đủ trong đó, đừng áp dụng bất cứ điếu gì dù từ nguồn quy chiếu uy tín của Trung tâm giáo dục nào. Chỉ thấy ra chân lý đang có sẵn chứ không ai tạo ra chân lý được đâu, dù đó là Phật hay Chúa. Chính Phật nói: "Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì chân lý vẫn vậy". Vấn đề là con có thấy ra chân lý nơi chính mình hay không chứ không phải con đang áp dụng sự chỉ dẫn của ai.

***
Toàn bộ lời dạy của đức Phật là chỉ cho chúng ta biết sống trải nghiệm, chiêm quan (minh sát với chánh niệm) thực tại thân tâm trong hoàn cảnh ngay đây và bây giờ của chính mình, không lệ thuộc vào bất cứ ai, dù đó là một bậc thầy vĩ đại. Chân lý mà đức Phật và các bậc giác ngộ chỉ bày đều có sẵn trong mỗi người, hãy trở về mà thấy!
Bất cứ ai giác ngộ chân lý đều tự do giải thoát và có tình thương yêu vô lượng hoà chung với muôn loài, vạn vật, không phân biệt quốc gia hay dân tộc, tôn giáo hay phi tôn giáo, chủng loại hay cá nhân. Đó là mục đích cuối cùng của cuộc sống.
trong tự tánh của mỗi người sẵn có trí tuệ và tình thương, chỉ vì chạy theo tà kiến và tham ái của cái Ta tư tưởng mà con người quên đi phần sáng đó của chính mình. Do vậy, bất cứ ai trở về với tự tánh chói sáng (pabhassaracitta) - dù Phật hay Chúa - thì ở đó liền có trí tuệ và tình thương yêu vô lượng.













6. Trò chơi Ngã Pháp

Ai cũng nghĩ bản ngã là kẻ thù của tánh biết, vì trong "trò chơi" giác ngộ nó quả thực là đối thủ đáng gờm, nó không những đầy mánh khóe lừa gạt và biến hóa khôn lường mà còn muốn chiếm ngôi tánh biết nữa! Nó chơi rất nhập vai trong ý đồ muốn trở thành vĩ đại (đại ngã). Khi bản ngã tiếm ngôi thì cuộc chơi ở trong tình trạng Khổ Đế Tập Đế của sinh tử Luân Hồi. 
Nhưng bản ngã càng đưa ra bao nhiêu chiêu thức tinh xảo thì càng giúp tánh biết giác ngộ vi tế bấy nhiêu. Nên nói cho cùng dù bản ngã lắm lúc chiếm được ngôi độc tôn và trở thành đại ngã nhưng kết thúc trò chơi, với pabhassara citta, bao giờ tánh biết cũng hóa giải được mọi hiện tướng của bản ngã, khi đó cuộc chơi ở trong tình trạng Đạo đế Diệt Đế hay giải thoát Niết-bàn.
Cuối cùng mới hiểu ra ý nghĩa trò chơi của mỗi người sinh ra trong cuộc đời là: Tính biết ban đầu vô sư trí cần có bản ngã lăng xăng đưa đường dẫn lối như vậy để khám phá ra thể tướng dụng của các pháp mà hoàn thành tính biết cuối cùng hậu đắc trí, nên trong trò chơi giác ngộ này người ta nói phiền não tức bồ-đề không phải là không có lý.

*Pháp an bài trò chơi thật kỳ lạ, cho bản ngã có khả năng biến hoá khôn lường để tánh biết phát huy trí tuệ vô biên (ananta ñāṇo), như trò chơi trốn tìm, rất bổ ích cho sự giác ngộ. 




7. Cuốn kinh quý giá

Cuốn kinh quý giá nhất mà mỗi người cần đọc từng giây phút đó là thân tâm và hoàn cảnh của chính mình. Hãy đọc những hoạt động của cơ thể, đọc những cảm giác, cảm xúc, đọc những thái độ, phản ứng nội tâm, đọc trong sự tiếp xúc giữa nội tâm và ngoại cảnh có mối quan hệ ràng buộc nào không hay chỉ có sự tương giao hồn nhiên trong sáng. Cuốn kinh kỳ diệu này được đức Phật gọi là Tứ Niệm Xứ. Chỉ cần đọc một bài kinh kỳ diệu này thôi là đủ.

Đọc kinh vô tự khỏi lo âu
Chữ nghĩa, văn hoa chỉ khổ sầu
Nếu biết tuỳ duyên tâm rỗng lặng
Nào ngờ thuận pháp tánh thâm sâu.

Trích : Mục hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông