… Trong trí não tôn giáo có tâm thái tĩnh lặng không do tư tưởng khởi sinh mà là kết quả của giác ngộ, tức là thiền, khi thiền giả hoàn toàn vắng mặt. Trong chỗ tĩnh lặng đó, có một năng lượng trong đó không có xung đột. Năng lượng là chuyển động và hành động. Mọi hành động đều là chuyển động và mọi hành động đều là năng lượng. Mọi dục vọng là năng lượng. Mọi cảm xúc là năng lượng. Mọi tư tưởng là năng lượng. Toàn bộ đời sống là năng lượng. Nếu năng lượng đó được lưu thông mà không bị xen tạp bởi mâu thuẫn, chống kháng, bấy giờ năng lượng đó là tự do, vô tận. Khi không còn có sự va chạm, năng lượng liền vô giới hạn. (Dịch giả: Vô danh)(1)
Hoàn toàn khác với hành động phủ nhận dựa trên ý thức - luôn ngầm chứa sự khẳng định; phủ nhận toàn triệt cuộc sống là động thái của một tâm trí tỉnh thức. Trong sự tỉnh thức nầy có sáng tạo - dung nhiếp và giải phóng năng lượng của cảm xúc, dục vọng, tư tưởng làm cho năng lượng này được lưu thông, không còn bị ngăn ngại và tự do hành động một cách đúng đắn, lành mạnh. Đây là điều mà người tư tưởng không thể nào thực hiện được.
Tâm yên tĩnh một cách tự nhiên khi lắng nghe một bản nhạc, tiếng chim hót, tiếng suối reo; nếu khởi ý muốn yên tĩnh để lắng nghe, tâm sẽ không còn yên tĩnh. Tương tự, trong lúc tâm đang tĩnh lặng, chỉ cần có sự nhận diện hay duy trì sự tĩnh lặng ấy, dĩ nhiên tâm sẽ trở nên vọng động. Khi nhìn ngắm, lắng nghe thật rõ ràng, thấu hiểu được sự vận hành của tư tưởng, bản ngã, cái tôi: tâm mới thật sự đang tĩnh lặng.
Sự trống rỗng, tĩnh lặng, theo đạo Phật và Thiền tông, là tánh Không hay Bản Lai Diện Mục, là bản chất của cái thấy tỏ suốt của tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác, một tên gọi khác của Phật tri kiến. Phật tri kiến là cái thấy phi thời nên thiền giả không thể tỏ ngộ được qua con đường của ký ức tức thời gian. Tất cả mọi pháp môn phương tiện bao gồm dụng công, nỗ lực, phấn đấu với mục đích thành đạt đều phát xuất từ người tư tưởng nên không thể tiếp cận được bản chất tĩnh lặng của Phật tri kiến (những mảnh vụn không thể thấy được cái toàn thể - Krishnamurti). Ngày nào người tư tưởng tức sự qui định còn hiện diện, tâm tĩnh lặng được cảm nhận bởi thiền giả chỉ là sự phóng hiện của tư tưởng, vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi ý niệm.
Người tư tưởng luôn tự đánh lừa chính mình bởi ảo giác muốn được hiện hữu để trở thành và thành đạt trong cuộc sống (tâm lý). Đeo mang những ảo giác sâu thẳm, kèm theo những suy nghĩ, tư duy, tu học chỉ luẩn quẩn dựa trên sự dễ dãi, tự hài lòng với những từ ngữ và những ngôn từ đối nghịch tương phản; tất cả những điều đó, tự bản chất đều mang tính cô lập, chia rẽ và luôn bị qui định mà người tư tưởng hoàn toàn không hề hay biết. Bằng tất cả thiện ý, người tư tưởng muốn phổ biến, truyền đạt những hiểu biết có được qua quá trình học hỏi, phấn đấu, tu tập đến với mọi người nhưng khổ thay, vì luôn bị chìm đắm trong ảo giác và tự đánh lừa chính mình nên tất cả thiện ý, một cách vô tình, lại đánh lừa luôn những người khác.
Trong Thiền tông có một câu rất hay: “Không cần thiền định, giải thoát, chỉ cần kiến tánh”. Rất chuẩn xác, vì chỉ có “ngộ” ra Phật tri kiến, chính cái thấy tuyệt đối tĩnh lặng thuần khiết này, là cách duy nhất, mới thấu hiểu và vượt khỏi cái tôi, bản ngã (chỉ có cái toàn thể mới thấy được những mảnh vụn - Krishnamurti). Nhưng sau này những thiền giả lại sử dụng những pháp môn phương tiện phát xuất từ tư tưởng - thời gian, với hy vọng sẽ tỏ ngộ Bản Lai Diện Mục - bản chất của Phật tri kiến và cuối cùng, thiền giả chỉ bắt gặp những phóng ảnh do người tư tưởng vạch ra và tưởng lầm đó là Bản Lai Diện Mục. Do mải mê dụng công để kiến tánh, hành giả đã quên đi mấu chốt của đạo Phật là chấm dứt phiền não, đau khổ qua động thái tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác, là cái thấy bất chợt (không có người tư tưởng dụng công thực hành tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác), là cái phi thời của Phật tri kiến, tự trong đó có GIỚI và TÌNH YÊU.
Vì không bị uốn nắn, định hình bởi tư tưởng nên tâm trí hoàn toàn tự do hành động, trong hành động nầy có đầy đủ GIỚI vốn thuộc cái phi thời nên không phải là dạng giới luật cứng nhắc được tuân thủ bởi người tư tưởng. Việc cưỡng bách tâm trí dưới bất kỳ một lý do nào dù cao thượng đến đâu đi nữa cũng đều mang hạt giống của bạo hành.
Khác biệt với tình yêu hữu ngã của người tư tưởng; trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, TÌNH YÊU phi thời xuất hiện nên người tư tưởng không thể thực hành hay thực tập yêu thương cũng như không thể sử dụng tình yêu để ban rải đến mọi người v.v... bởi TÌNH YÊU phi thời thuộc về năng lượng thuần khiết nên không có đối tượng và không ai có thể sở hữu được.
“Thấy bất chợt” từ tâm trí tĩnh lặng mới mở được cánh cửa chân lý hay thực tại như Krishnamurti cho biết:
Chỉ có một tâm trí tĩnh lặng mới thấy được chân lý, còn một tâm trí đang nỗ lực không thấy được, nỗ lực chỉ làm năng lực chúng ta tiêu tán. Chúng ta sẽ không tìm thấy chân lý qua nỗ lực, bất kể chân lý đó do ai nói, bất kể theo quyển sách cổ nào, vị cổ nhân nào, hay các thứ tương tự trong thời đại này. Nỗ lực chính là phủ nhận hiểu biết; và chỉ có một tâm trí lặng lẽ, một tâm hồn giản dị, một tâm hồn tĩnh lặng chứ không phải tâm hồn bị kiệt quệ bởi nỗ lực - chỉ có tâm hồn như thế mới tìm ra chân lý. Chân lý không phải là điều gì đó xa xôi, không có con đường nào dẫn đến nó, dù theo cách của anh hay cách của tôi; không có con đường sùng mộ nào, không có con đường tri thức hay thực hành nào, bởi vì chân lý không có đường vào. Ngay lúc chúng ta có con đường dẫn đến chân lý là chúng ta chia rẽ, vì con đường nào cũng mang tính loại trừ, độc quyền, và những gì độc quyền ngay bước đầu rồi cũng sẽ chấm dứt trong sự độc quyền. Người nào bước theo một con đường sẽ chẳng bao giờ biết chân lý vì hắn ta sống trong sự độc quyền; phương tiện của hắn là độc quyền, mà phương tiện là cứu cánh, không tách biệt với cứu cánh. Cho nên nếu phương tiện là độc quyền thì cứu cánh cũng độc quyền.
Vì thế không có con đường nào dẫn đến chân lý, và không có hai chân lý. Chân lý không thuộc về hiện tại hay quá khứ; nó phi thời. Người nào trích dẫn chân lý của Phật, của Shankara, của Chúa, hay chỉ lặp lại lời tôi nói, sẽ không tìm ra chân lý, bởi vì sự lặp lại không phải là chân lý. Lặp lại là dối trá. Chân lý là một trạng thái hiện thể chỉ hiển lộ khi cái tâm trí tìm kiếm phân chia, tìm kiếm loại trừ, chỉ biết suy nghĩ trong giới hạn của kết quả, của thành tựu, cái tâm trí đó đã chấm dứt…Chân lý là một sự thể, và sự thể đó chỉ hiểu được khi các thứ cản trở nằm giữa tâm trí và sự thể được tháo dỡ. Sự thể đó là mối quan hệ của chúng ta với tài sản, với vợ con, với con người, với thiên nhiên, với các ý tưởng; và khi nào chúng ta chưa hiểu được sự thực về quan hệ này, sự tìm kiếm thượng đế của chúng ta chỉ làm gia tăng hỗn loạn, bởi vì nó chỉ là một sự thay thế, một cách chạy trốn, và do đó chẳng có ý nghĩa gì. Chân lý không phải là sự tương tục, nó không có nơi an trú, chỉ có thể nhìn ra nó từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Chân lý luôn luôn mới, và do đó phi thời.
…Chúng ta không thể tìm chân lý qua bất cứ người nào khác. Làm sao như thế được? Hẳn nhiên, chân lý không phải là vật bất động, nó không có nơi chốn cố định, nó không phải là một đích đến, một mục tiêu. Ngược lại, nó sống động, linh hoạt, sinh động. Làm sao nó có thể là một đích đến? Nếu chân lý là một điểm cố định, nó không còn là chân lý nữa; lúc đó nó chỉ là một ý kiến. Chân lý là điều chưa biết, và một tâm trí tìm kiếm chân lý sẽ không bao giờ tìm thấy, bởi vì lúc đó tâm trí được tạo ra từ cái đã biết, nó là kết quả của quá khứ, thành quả của thời gian… Chân lý không thể tìm mà có được; nó tự đến với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể theo đuổi điều đã biết. Khi tâm trí không bị dày vò bởi điều đã biết, bởi ảnh hưởng của điều đã biết, chỉ lúc đó chân lý mới tự hiển lộ. Chân lý trong từng chiếc lá, trong mỗi giọt nước mắt; nó được nhận biết từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Chẳng ai có thể dẫn chúng ta đến chân lý; và nếu có người dẫn chúng ta đi thì chỉ có thể đi đến điều đã biết.
…Chân lý không có được qua sách vở, qua sự sùng kính hay qua sự dâng mình; chỉ nhận biết được nó khi tâm trí tự do, tĩnh lặng. Và sự tự do, sự tĩnh lặng ấy chỉ đến khi hiểu được các sự thể trong tương quan với tâm trí. Thiếu sự hiểu biết về tương quan này, bất kỳ những gì tâm trí làm chỉ gây thêm phiền phức. Khi tâm trí thoát khỏi mọi phóng ảnh của nó, sẽ có trạng thái tĩnh lặng mà trong đó các vấn đề dừng lại, và chỉ lúc đó điều phi thời, điều vĩnh cửu mới hiện thể. Chân lý không phải là vấn đề thuộc tri thức, nó không phải là điều để ghi nhớ, không phải là điều để lặp lại, để in ấn và phát hành. Chân lý là cái như thị. Nó vô danh nên tâm trí không thể vươn đến nó. (On Truth - Dịch giả: Mộc Nhiên)
…Tìm kiếm chân lý là chối bỏ nó. Chân lý không có nơi chốn cố định; không có con đường nào, sự dẫn dắt nào để đến đó, và ngôn từ không phải là chân lý… Khi cố tìm chân lý thì những gì tìm được chỉ là kết quả của sự khờ khạo. Chúng ta không thể tìm ra thực tại; chúng ta phải dừng lại để thực tại hiện hữu.
… Chân lý không đem lại hy vọng, vì nó không phải là lý tưởng, không phải là điều cao quí mà con người vươn tới. Chân lý đem lại sự hiểu biết. (Commentaries on Living -Dịch giả: Mộc Nhiên)(2)
Chân lý không đem lại hy vọng, cũng không phải là lý tưởng cao thượng để con người vươn tới bởi chân lý luôn ở quanh ta – trong từng chiếc lá, trong từng nụ cười, trong từng giọt nước mắt, trong từng cảm xúc. Vấn đề là chúng ta có thấy rõ và thấu hiểu nó hay không ?
Krishnamurti cho biết chỉ cần thấy ra được chân lý của mọi sự mọi vật trong khoảnh khắc cũng là quá đủ vì chân lý nhất thời ấy sẽ trở lại đối với những tâm hồn chí thành. Trong một buổi đối thoại khác, Krishnamurti nhấn mạnh là ông không muốn bữa đói bữa no (ý muốn nói là thường xuyên tỉnh thức), nhưng khi có người đặt vấn đề: “Tôi có thể liên tục tỉnh thức trong một giờ được không?”, Krishnamurti lại trả lời: “Chỉ cần đầu giờ tỉnh thức một lần và cuối giờ một lần là đủ”. Cách nói của ông là vậy, dường như tự mâu thuẫn, nhưng thật ra đó là cách phá chấp mạnh mẽ của Krishnamurti đối với tâm trí luôn dựa vào cái đã biết tức quan niệm, kiến thức. Và đối với một tâm trí bị trĩu nặng bởi kiến thức, chắc chắn không thể nào bắt gặp chân lý.
Đoạn (1) & (2) trích trong quyển “Freedom from the known – Giải thoát khỏi cái đã biết” - J. Krishnamurti
PAD