Thiền sinh: Chúng ta vẫn thường nói đến sự xung đột giữa thói quen và vô thức luôn luôn thúc đẩy mình phải hành động theo một kiểu nhất định nào đó, và tâm thiền luôn cố gắng huân tập những thói quen mới, cố gắng thực hành thiền Vipassanā. Có một cách nào khác hay một công cụ nào khác ngoài Định lực (sự tập trung) để giải quyết những xung đột đó mà không cản trở sự tiến bộ trong thiền hay không?
Thiền sư: Có hai cách để thay đổi thói quen, một là dùng Định, hai là dùng Tuệ. Rắc rối với cách dùng Định là nó chỉ tạm thời trấn áp xung đột mà thôi. Nếu bạn rất giỏi về Định, bạn có thể làm được điều đó cả trong một thời gian dài. Nhưng cách này lại chẳng giải quyết được những căn nguyên, gốc rễ của xung đột. Vì thế xung đột đó sẽ lại nổi lên với sức mạnh nguyên xi như cũ nếu bạn không thực hành thiền định nữa. Chỉ khi chúng ta nhìn vào sự việc một cách phân tích thì mới học hiểu ra được những điều kiện và nguyên nhân đằng sau của nó và mới phát triển được trí tuệ cần thiết nhằm giải phóng tâm mình khỏi những xung đột đó. Định chỉ cố gắng khu trú, cách ly xung đột, còn tuệ mới thấu hiểu nó.
Thiền sinh: Mỗi khi con bị bất cứ một cảm giác đau nào, bất cứ là đau ở thân hay đau đớn về tình cảm, thì ngay lập tức trong con luôn có sự phản ứng lại tức thời. Nó xảy ra rất nhanh và rất là tự động, những phản ứng tâm lý đó nhanh và mạnh đến mức con chẳng thể áp dụng được cách tư duy của thiền Vipassanā vào đó nữa. Con thấy hình như thực hành thiền chỉ (Samatha) có lẽ lại là một cách hay để đối phó với những tình huống như vậy, nó giúp mình tạm thời bình tĩnh trở lại.
Thiền sư: Thiền Vipassanā không phải chỉ mỗi ngồi và quán sát. Trong những tình huống như thế, bạn cần tự nhắc mình có thái độ đúng đắn đối với những gì đang xảy ra. Bạn phải thừa nhận những gì đang diễn ra và chấp nhận nó- như nó đang là. Rồi sau đó xem xét những gì đang diễn ra và cố gắng học hỏi từ nó, cố gắng hiểu bản chất của thể loại tâm đó, cố gắng thấu hiểu hoạt động của nó như thế nào. Nhưng điều này cần phải có thời gian, cần có rất nhiều lần quán sát như thế nữa thì sự hiểu biết mới thực sự này sinh được. Một khi đã hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột,tâm sẽ được giải thoát khỏi đau khổ (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.
Thiền sinh: Bạch thầy, con có một kinh nghiệm rất hay ngày hôm qua và con không biết đó có phải là tuệ giác hay không. Bỗng nhiên con thấy ra con đang chấp giữ một suy nghĩ là khóa thiền của mình ở đây đã hoàn toàn thất bại, chẳng đạt được tiến bộ nào cả. Điều đó đã giáng cho con một đòn rất đau, con rất đau đớn khi nhận ra rằng mình đã ôm giữ cái tà kiến đó bao lâu nay. Nhưng trong những giờ thiền sau đó, tâm con trở nên rộng mở hơn và nhạy cảm hơn. Con có thể cảm nhận được làn gió mát trên làn da mình và đi lại chậm rãi hơn, bình thường thì con đi nhanh lắm. Khi tiếp xúc với người khác, con có thể cảm nhận được những phản ứng rất vi tế trong tâm mình và thấy được những thứ ở trong tâm mà bình thường trước kia con không thấy được.Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trước nhiều. Thực ra con cũng không biết chắc được đó có phải là một tuệ giác không.
Thiền sư: Đúng,đó chính là tuệ giác. Khi một tuệ giác khởi sanh, nó đem lại cho tâm nhiều sức mạnh; nó làm tăng cường những phẩm chất tốt đẹp trong tâm. Cung cách của tâm mình thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng ghê gớm, thay cách một cách đáng kinh ngạc đúng không? Chỉ có những hiểu biết thực sự mới có những tác động lớn lao như vậy đến tâm mình. Khi chứng nghiệm được một điều gì đó một cách rõ ràng như vậy thì đó chính là tuệ giác đấy. Người ta không thể chắc chắn lắm liệu một kinh nghiệm nào đó có phải là kết quả của một tuệ giác hay không – như trong trường hợp của bạn chẳng hạn – nhưng không thể nghi ngờ gì về sự thực những điều bạn đã nhận ra, đúng không?
Thiền sinh: Dạ, vâng. Đúng như thế ạ.
Thiền sư: Đó chỉ mới là một tuệ giác nhỏ mà thôi. Hãy thử nghĩ xem một tuệ minh sát, một tuệ giác xuyên thấu đến bản chất của các Pháp còn có tác động ghê gớm như thế nào nữa.
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Tác giả: Sayadaw Ashin Tejaniya
Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp