Hai trong số các quan điểm chính yếu nhất của ông về Phật Giáo là trước hết ông chỉ quan tâm đến kiếp sống hiện tại và không giảng hay đề cập đến các kiếp sống quá khứ cũng như tương lai, và sau đó, đối với ông thì "tam giới" (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) cũng như "lục đạo" (địa ngục, quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời) cũng chỉ là những thể dạng biến đổi và tiếp nối của tâm thức trong kiếp sống hiện tại mà thôi, nói cách khác là chúng ta đang luân hồi trong từng khoảnh khắc một trong kiếp sống này.
Bài thơ dưới đây được ông viết vào năm 1988, tức là năm năm trước khi ông qua đời, và đã được rất nhiều người biết đến vì nội dung thật nhân bản và khoan dung của nó. Bài thơ cũng đã được đăng tải trên rất nhiều trang web của Thái Lan cũng như trên toàn thế giới. Một Phật tử Thái Lan "vô danh" đã dịch bài thơ này sang tiếng Anh với sự giúp đỡ của một tỳ kheo người Mỹ vào năm 1993, tức vào năm Buddhadasa Bikkhu qua đời. Tuy người Phật tử Thái trên đây không cho biết người tỳ kheo hiệu đính bản tiếng Anh là ai, thế nhưng cũng có thể nghĩ rằng vị này là một đệ tử trẻ người Mỹ của Buddhadasa mang pháp danh là Santikaro Bikkhu, đã từng dịch nhiều bài giảng và thơ của ông.
Gần đây hơn là vào năm 2011, một học giả Pháp là ông Louis Gabauche, cựu thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française dExtrême Orient) đã dịch bài thơ của Buddhadasa sang tiếng Pháp.
Bài thơ của Buddhadasa không mang tựa đề gì cả mà chỉ ghi bên dưới là làm tại Suan Mokkh (Khu vườn Giác Ngộ) ngày 22 tháng 5, Phật Lịch 2531 (tức là năm 1988). Louis Gabauche cũng có đề nghị ghép thêm cho bài thơ này một cái tựa: "Những kẻ khác... và chúng ta" (Les autres... et nous). Thật ra bài thơ của Buddhadasa không cần phải có một cái tựa nào cả hầu nói lên ý nghĩa của nó, bởi vì từng vần trong bài thơ tự nó cũng đã nói lên được lòng bao dung và độ lượng của một con người tu hành chân chính. Tuy nhiên người dịch sang tiếng Việt cũng mạn phép nghĩ rằng một cái tựa nào đó chẳng hạn như "Giữa con người với nhau"biết đâu cũng có thể mang lại một chút tiền vị hầu có thể giúp chúng ta bước vào bầu không gian rộng mở trong lòng nhà sư Buddhadasa được dễ dàng hơn chăng?
TREAT EACH HUMAN FRIEND BY THINKING THAT:
Hãy xem mỗi con người là bạn ta và nghĩ rằng:
He is our friend who was born to be old, become ill, and die, together with us.
Người ấy là bạn ta, cùng sinh ra đời để rồi sẽ già nua, bệnh tật và chết cùng ta.
He is our friend swimming around in the changing cycles with us.
Người ấy là bạn ta, cùng ngụp lặn với ta trong vòng sinh diệt.
He is under the power of defilements like us, hence he sometimes errs.
Người ấy cũng vướng bụi trần ô nhiễm như ta, do đó đôi khi cũng phạm vào lầm lỗi.
He also has lust, hatred, and delusion, no less than we.
Người ấy cũng mang đầy dục vọng, thù hận và mê lầm, nào có khác ta đâu!
He therefore errs sometimes, like us.
Cũng như ta, người ấy cũng lắm khi nhầm lẫn.
He neither knows why he was born nor knows nibbana, just the same as us.
Người ấy cũng chẳng biết tại sao mình lại sinh ra đời, và cũng chẳng biết thế nào là niết bàn, quả là giống y như ta!
He is stupid in some things like we used to be.
Có những thứ mà người ấy cũng ngô nghê như ta trước đây.
He does some things accordingly to his own likes, the same as we used to do.
Người ấy cũng làm những thứ theo sở thích mình, như ta cũng từng làm trước đây.
He also wants to be good, as well as we who want even more to be good - outstanding - famous.
Người ấy cũng muốn mình giỏi giang, cũng như chính ta luôn muốn mình giỏi hơn, sáng chói hơn, danh tiếng hơn.
He often takes much and much more from others whenever he has a chance, just like us.
Người ấy thường chiếm lấy thật nhiều những gì của kẻ khác mỗi khi có cơ hội, nào có khác gì ta đâu!
He has the right to be madly good, drunkenly good, deludedly good, and drowning in good, just like us.
Người ấy có quyền cuồng điên, say mê, đắm mình trong cái tốt đẹp, cũng như ta vậy.
He is an ordinary man attached to many things, just like us.
Người ấy là một kẻ bình thường với bao nhiêu thứ ràng buộc, cũng như ta vậy thôi.
He does not have the duty to suffer or die for us.
Người ấy nào có bổn phận phải gánh chịu khổ đau và chết thay cho ta đâu.
He is our friend of the same nation and religion.
Người ấy là một người bạn cùng quê hương và tín ngưỡng với ta.
He does things impetuously and abruptly just as we do.
Chẳng khác gì ta, người ấy cũng hành động bồng bột và thiếu suy nghĩ.
He has the duty to be responsible for his own family, not for ours.
Người ấy có bổn phận với gia đình mình chứ nào có trách nhiệm gì với gia đình của ta đâu.
He has the right to his own tastes and preferences.
Người ấy có quyền chạy theo các sở thích và những thú vui riêng.
He has the right to choose anything (even a religion) for his own satisfaction.
Người ấy có quyền chọn lựa bất cứ gì (kể cả tôn giáo) theo sở thích của mình.
He has the right to share equally with us the public property.
Người ấy có quyền thụ hưởng các tiện nghi công cộng ngang hàng với ta.
He has the right to be neurotic or mad as well as we.
Người ấy có quyền để cho tâm thần bấn loạn và điên rồ, chẳng khác gì với ta.
He has the right to ask for help and sympathy from us.
Người ấy có quyền kêu gọi sự giúp đỡ và chờ đợi sự ân cần xót thương của ta.
He has the right to be forgiven by us according to the circumstances.
Người ấy có quyền được ta tha thứ tùy theo từng hoàn cảnh.
He has the right to be socialist or libertarian in accordance with his own disposition.
Người ấy có quyền theo xã hội chủ nghĩa hay chế độ tự do tùy theo hoàn cảnh đẩy đưa.
He has the right to be selfish before thinking of others.
Người ấy có quyền ích kỷ trước khi nghĩ đến kẻ khác.
He has the human right, equal to us, to be in this world.
Người ấy được hưởng nhân quyền ngang hàng với ta trong thế giới này.
If we think in these ways, no conflicts will occur.
Nếu tất cả chúng ta đều biết nghĩ suy như thế thì xung đột nào có thể xảy ra!
Buddhadasa Indapanno
Mokkhabalarama, Chaiya
22 tháng 5, Phật Lịch 2531 (1988)
[Một Phật tử vô danh đặt hết lòng tin nơi lòng nhân ái và từ bi vô biên của nhà sư Buddhadhasa nên đã mạn phép được dịch bài thơ này của ông sang tiếng Anh, với sự giúp đỡ của một tỳ kheo người Mỹ.
Ngày 2, tháng 6, Phật Lịch 2536 (1993)]
Di bút của nhà sư Buddhadasa Bikkhu về bài thơ này:
(Bures-Sur-Yvette, 05.03.13
Hoang Phong chuyển ngữ)
Hoang Phong chuyển ngữ)