HOA RƠI VÌ NẮM BẮT

Tôi nhớ câu truyện về một anh thợ may nghèo. Một đêm anh nằm mơ thấy có một vị thần hiện ra bảo anh nên đi về hướng tây, anh sẽ gặp một cây cầu màu đỏ, và nơi đó có chôn một hũ châu báu. Sáng hôm sau anh thức dậy thật sớm, lên đường đi về hướng tây theo lời vị thần chỉ.
Đến xế chiều, quả thật như lời dặn, anh gặp một chiếc cầu màu đỏ bắt ngang dòng suối lớn, nhưng cạnh đó có một người lính gác.
    Thấy anh đứng lấp ló, người lính hỏi anh cần gì. Và người thợ may thành thật kể lại giấc mơ của mình. Nghe xong, người lính bật cười to và nói, “Tôi cũng có giấc mơ tương tự như ông vậy, có một vị thần bảo tôi hãy đi về hướng đông, sẽ gặp ngôi nhà của một người thợ may nghèo, và đào dưới giường ngủ của anh ta, bên dưới sẽ tìm thấy một kho tàng. Tôi không bao giờ tin vào giấc mơ. Tôi gác cây cầu này nhiều năm rồi, và biết chắc là ở đây không có châu báu gì hết, ông hãy quay về đi!” Người thợ may quay trở về nhà. Và khi trở về đến nhà, anh đào thử dưới giường ngủ của mình, và quả thật nơi ấy có một hũ châu báu.
    Trong cuộc sống chúng ta ai cũng đang đi tìm hạnh phúc. Và quan niệm chung thì muốn có hạnh phúc ta phải làm gì, phải đạt được gì, hoặc trở thành một cái gì đó. Như trong cuộc sống thì mình cần phải có một sự nghiệp, đạt được một cấp bằng, hay có một chức vụ nào đó. Dường như là hạnh phúc đòi hỏi nơi mình một sự tìm kiếm và tạo dựng, chứ không thể tự nhiên mà có được.
Có bao lâu mà hững hờ
Chúng ta thường nghe câu hát “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…” Nhưng theo tôi nghĩ thì “đừng hững hờ” không có nghĩa là ta phải cố gắng làm một cái gì đó. Một nhà thơ của La Mã, Horace, dùng chữ "Carpe diem"Seize the day, có nghĩa là nắm bắt ngày hôm nay, như là một phương cách sống “không hững hờ”. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự hiểu lầm. Vì ngày hôm nay đâu thể nào nắm bắt được, mà thật ra chỉ cần ta biết buông xả và trở về với giây phút này mà thôi.
    Một thái độ buông xả sẽ giúp ta trở về có mặt trọn vẹn với một thực tại đang sẵn có. Bạn biết không, thực tại đâu phải là thực tại, nếu như ta vẫn có ý muốn nó phải là một cái gì đó khác hơn.
    Thiền sư Ajhan Chah thường nhắc nhở các học trò của mình rằng, "Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm của đức Phật dạy là như vầy: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự chấm dứt của khổ, và ngay bây giờ và ở đây là nơi mà ta trải nghiệm được tất cả những điều ấy."  Con đường giải thoát mầu nhiệm và đơn giản vậy thôi, ta không cần phải tìm cầu ở một nơi xa xôi nào khác.
Nguyên nhân của kiết sử
Chúng ta thường nghĩ rằng những vấn đề và nguyên nhân mang lại cho ta khổ đau chúng nằm bên ngoài ta, hoàn toàn không tùy thuộc vào mình. Nhưng sự thật có phải là như vậy chăng? Trong Tương Ưng Bộ, bài kinh Kiết Sử (S.iv,281), có ghi như vầy:
    “Thưa quý thầy, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách.  Nếu có người nói: 'Con bò đen là kiết sử (fetter, shackle) cho con bò trắng, và con bò trắng là kiết sử cho con bò đen'.  Nói như vậy có chơn chánh không?
    Thưa không, này hiền giả, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng.  Và con bò trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đen.  Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử (fetter, shackle).”
    Con bò trắng khổ, và nó tin rằng nguyên nhân gây nên khổ đau cho nó chính là con bò đen kia. Nó muốn con bò đen kia cũng phải bước cùng nhịp với nó, đứng lại như nó, đi về cùng một hướng với nó. Nhưng thật ra khổ đau nằm ở nơi cái ách đã trói cột nó vào con bò đen, chứ nào đâu phải ở cách hành xử của con bò kia. 
    Cũng vậy, những gì xảy đến với ta tự chính nó không phải là phiền não, mà chính thái độ và cái chấp của ta mới là kiết sử, fetter, là nguyên nhân của khổ đau.  Tôi nghĩ, cái ách ấy tượng trưng cho những cố chấp, những mong cầu và ghét bỏ của mình, đối với hoàn cảnh chung quanh, không thấy được sự vật như nó đang là.
Hoa rơi vì nắm bắt
Thiền sư Đạo Nguyên viết trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, "Khi ta trở lại với nơi mình đang có mặt, con đường ta đi trong ngay giây phút này, thì sự tu tập sẽ xảy ra, nó sẽ ứng hợp tự nhiên với những vấn đề trước mắt. Vì nơi chốn này, con đường này, không lớn cũng không nhỏ, không là của ta và cũng không là của kẻ khác. Chúng không phải được mang đến từ quá khứ, mà chỉ đơn sơ khởi lên và hiện hữu trong ngay bây giờ và ở đây."  Và Ngài viết tiếp, "Hoa chỉ rơi rụng khi ta muốn bám nắm vào chúng, và cỏ dại sẽ mọc đầy chỉ khi nào ta ghét bỏ chúng mà thôi."
    Khi bước chân vào con đường tu học, chúng ta ai cũng mong cho mình có được an lạc, hay là vượt thoát được những khó khăn trong cuộc sống. Và ta cứ nghĩ mình cần phải nỗ lực để đạt được một điều gì, hay loại trừ một vấn đề nào đó.  Nhưng nhiều khi chính vì những nỗ lực ấy mà đã tạo nên bao nhiêu những bất an và khổ đau không cần thiết. Sự tu học thật ra để giúp cho ta có thể mở rộng ra, có một cái thấy trọn vẹn và trong sáng về thực tại hơn.
Vô tình tiếp liễu, liễu xanh um
Có những buổi sáng tôi bước lên những bậc thềm trên con đường vào sở làm nằm thật bình yên dưới nắng sớm. Con đường buổi trưa ở nơi này quanh co và thênh thang giữa hai hàng cây cao rợp bóng, che mát mỗi bước chân đi. Căn phòng tôi ngồi có một khung cửa sổ lớn nhìn ra một không gian xanh mát.
    Trong cuộc sống ta hãy làm những gì cần làm để mang lại hạnh phúc cho mình và người chung quanh. Nhưng ta cũng nhớ rằng, khổ đau và trói buộc không phải do những việc xảy đến với ta, mà phần lớn là do ở thái độ và cái chấp của mình. Nếu như ta đừng muốn nắm bắt thì hoa sẽ không bao giờ rơi rụng, và nếu mình không cố tình loại bỏ thì cỏ dại cũng đâu sẽ mọc đầy!
Cố ý trồng hoa hoa nở muộn.
Vô tình tiếp liễu, liễu xanh um (Bùi Giáng)
   Nhưng bạn cũng đừng nghĩ rằng tôi muốn nói là ta không cần làm gì hết khi tiếp xúc với hoàn cảnh chung quanh, cứ để mặc chúng lôi kéo mình đi! Vấn đề là ta có tĩnh lặng và trong sáng đủ để biết mình cần phải làm gì chăng. Chúng ta bao giờ cũng muốn sửa đổi hoàn cảnh, nhưng mình có thật sự thấy được những gì đang cần sự sửa đổi không? 
    Muốn có hành động đúng, lời nói đúng, suy nghĩ đúng, hành xử đúng, đức Phật dạy, trước hết chúng ta cần phải có một cái thấy cho đúng. Tôi nghĩ, thấy được nguyên nhân khổ đau, kiết sử, của mình cũng là bước đầu của một cái thấy đúng. Mà bạn biết không, nhiều khi thấy rõ được rồi thì những gì cần làm, tự chúng cũng sẽ biểu hiện ra một cách rất tự nhiên thôi…
Nguyễn Duy Nhiên