Ngài sẽ nói những gì?

Một trong những đặc tính về giáo pháp của đức Phật là Sanditthiko, có nghĩa là thiết thực hiện tại. Thiết thực, practical, và hiện tại, here now. Hay nói một cách khác là giáo lý ấy phải có tính cách cụ thể và có mặt ngay trong bây giờ và ở đây. 
    Bạn biết không, ngày nay với một rừng kinh điển mênh mông, chúng ta có thể nghĩ rằng những điều Phật dạy rất là cao siêu và huyền bí, khó hiểu và khó thấy. Nhưng thật ra, giáo lý của Phật không bao giờ là xa vời mà chúng rất rõ ràng ngay trước mắt. Những điều Phật dạy là những gì sát với thực tế, đang xảy ra trong một thực tại có mặt ngay trong bây giờ và ở đây.
    Có lần trong một buổi hội thảo, có người đặt một câu hỏi với Đức Đạt-lai Lạt-ma như sau,
    “Nếu như cả cuộc đời Ngài là một người câm, không nói được lời nào. Và bây giờ Ngài chỉ có thể nói được vài lời trong giây phút này mà thôi, thì Ngài có thông điệp gì để chia sẻ với mọi người?”
    Đức Đạt-lai Lạt-ma chăm chú lắng nghe rồi Ngài bật cười to và đáp,
    “Đó là một câu hỏi rất ngô nghê… Lẽ dĩ nhiên là nó cũng tùy theo hoàn cảnh thôi. Ví dụ như ngay lúc đó nếu tôi đang đói thì tôi sẽ nói rằng ‘Ồ, Tôi muốn được ăn!’”
    Giáo lý của Phật tuy rất uyên thâm và sâu sắc, nhưng đừng vì thế mà chúng ta lại suy luận, tìm cầu xa xôi quá, và vô tình đánh mất đi yếu tố thực tại hiện tiền của nó.
Nguyễn Duy Nhiên



Theo: nguyenduynhien.blog